Tình hình thiên tai, công tác chỉ đạo điều hành ứng phó và khắc phục hậu quả bão, mưa lũ khu vực miền Trung.[30/01/21]

30/01/2021 15:03

14

TÌNH HÌNH THIÊN TAI, CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

ỨNG PHÓ VÀ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BÃO,

MƯA LŨ KHU VỰC MIỀN TRUNG

                                                      TS.Trần Quang Hoài

                                                      Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai

 

DIỄN BIẾN THIÊN TAI Ở CÁC TỈNH MIỀN TRUNG VÀ CÔNG TÁC TRIỂN KHAI PHÒNG CHỐNG THỜI GIAN QUA.

1. Diễn biến thiên tai bão, mưa lũ, lũ quét sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung

Từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11/2020, thiên tai xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung với cường độ rất mạnh, trên phạm vi rộng; đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân, cụ thể:

a) Bão: Trong gần 2 tháng, khu vực duyên hải miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 09 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 02 ATNĐ. Trong đó cơn bão số 9 (Molave) đã đạt đến cấp siêu bão và được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm qua với gió cấp 14, giật cấp 17, thời gian lưu gió mạnh lên đến 6-7 tiếng; bão đổ bộ trùng với thời điểm triều cường đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề.

b) Mưa: Do ảnh hưởng dồn dập của các cơn bão, kết hợp với hình thái thời tiết cực đoan, dị thường đã gây mưa lớn kéo dài tại miền Trung, đặc biệt tại 7 tỉnh ven biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi với tổng lượng mưa phổ biến từ 1.000÷2.500mm, nhiều nơi trên 3.000mm như Hướng Linh (Quảng Trị): 3.408mm,  A Lưới (T.T.Huế): 3.446mm. Cường xuất mưa ngày đặc biệt lớn xẩy ra ở nhiều nơi như: TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) 884mm/ngày, Kim Sơn (Hà Tĩnh) 847mm; Ba Đồn (Quảng Bình): 756mm; Hướng Linh (Quảng Trị) 763mm/ngày; Thượng Nhật (T.T.Huế) 719mm/ngày.

c) Lũ lớn, đặc biệt lớn: trên toàn 16 tuyến sông chính khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, lũ đã vượt báo động 3, trong đó có 06 tuyến sông lũ đã vượt mức nước lũ lịch sử: là sông Bồ ( T.T. Huế); sông Hiếu, sông Thạch Hãn, sông Bến Hải (Quảng Trị) và nhất là sông Kiến Giang, sông Nhật Lệ (Quảng Bình) vượt lịch sử 0,95m.

d) Ngập lụt: Lũ từ thượng nguồn đổ về cộng với mưa lớn trong khu vực và khả năng tiêu thoát lũ không kịp, nên dẫn đến tình trạng ngập lụt trên diện rộng tại 07 tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam với nhiều đợt nối tiếp và thời gian kéo dài kỷ lục, nhiều nơi ngập kéo dài nửa tháng. Cao điểm là vào ngày 12/10 và 19/10 có trên 317 nghìn hộ (1,2 triệu nhân khẩu) bị ngập lụt. Trong đó, tỉnh Quảng Bình bị ngập gần như toàn tỉnh, 02 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy ngập lụt rất sâu, có nơi ngập từ 5-9m.

đ) Sạt lở đất, lũ quét: Các tỉnh miền núi phía Bắc thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất [1]. Tuy nhiên, trong đợt bão, mưa lũ liên tiếp tháng 10/2020, những tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất do sạt lở đất, lũ bùn đá là các tỉnh khu vực miền Trung, làm 111 người chết, mất tích [2]: Quảng Trị (05 trận, 32 người chết, mất tích), T.T.Huế (02 trận, 33 người chết, mất tích), Quảng Nam (07 trận, 46 người chết, mất tích); Quảng Ngãi (04 trận, không thiệt hại về người do làm tốt công tác sơ tán, di dời) [3] cho thấy mức độ dị thường, khó dự báo của loại hình thiên tai này. Hình ảnh thiệt hại tang thương về người do sạt lở đất, lũ quét, là nỗi ám ảnh đối với nhân dân cả nước nói chung và lực lượng PCTT nói riêng. Phần lớn các trận lũ quét đều xảy ra ở khu vực miền núi hẻo lánh, dân cư thưa thớt, tuy nhiên có những trận lũ quét xảy ra có sức tàn phá lớn mang tính huỷ diệt gây tổn thất lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân đặc biệt là những hộ dân sống ở các thung lũng sông khi có lũ quét tràn qua.

e) Sạt lở bờ sông, bờ biển: Bão đổ bộ dồn dập, kết hợp triều cường, mưa lũ lớn kéo dài nên đã gây sạt lở nghiêm trọng tuyến biển dọc miền Trung, trong đó từ Nghệ An đến Phú Yên đã có 88 điểm bị sạt lở với tổng chiều dài 141 km. Ngoài ra, hàng trăm km đê, kè cửa sông cũng bị sạt lở, hư hỏng.

Thống kê cho thấy, đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt chưa từng có trong nhiều năm qua; tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” đã tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng ở tất cả các tuyến từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi.

Ngoài ra, còn rất nhiều cơ sở hạ tầng và các công trình dân sinh bị hư hỏng, sạt lở. Ước tính thiệt hại về kinh tế trên 30.000 tỷ đồng.

2. Công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai (PCTT)

Triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ[4], ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành đã tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm kịp thời phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời ưu tiên bố trí các nguồn lực để phòng chống và khắc phục hậu quả, bảo đảm sớm ổn định sản xuất và đời sống cho người dân.

Trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (Ban Chỉ đạo TW) và các Bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương ban hành các công điện, đồng thời tổ chức các đoàn công tác, triển khai tổng lực các lực lượng tại các địa bàn bị ảnh hưởng của thiên tai (Thường trực Ban Bí thư có Điện, Thủ tướng Chính phủ có 13 công điện chỉ đạo và cử 07 đoàn công tác của lãnh đạo Chính phủ trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường; Ban Chỉ đạo TW đã có 19 công điện, thành lập hàng chục đoàn công tác và đã chỉ đạo, tổ chức nhắn 108 triệu lượt tin đến các thuê bao trong khu vực bị ảnh hưởng).

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã trực tiếp đến khu vực bị ảnh hưởng để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại. Tại Phiên họp tháng 10/2020, Chính phủ đã đưa ra quyết sách yêu cầu các cấp, các ngành tập trung tìm kiếm, cứu nạn và bảo đảm nhu yếu phẩm, không để người dân bị thiếu đói, màn trời chiếu đất, bệnh tật, hỗ trợ nhà ở và sớm khôi phục sản xuất, bảo đảm sinh kế cho người dân bị thiệt hại.

Đặc biệt, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các địa phương đã chỉ đạo quyết liệt, phối hợp đồng bộ với các lực lượng, cơ quan chức năng, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng hướng dẫn của Trung ương; chủ động phương án ứng phó và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả. Các địa phương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng hướng dẫn của Trung ương; chủ động phương án ứng phó và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả; đã phối hợp với các lực lượng quân đội, công an trên địa bàn huy động hàng trăm nghìn lượt cán bộ chiến sỹ và hàng nghìn phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ người dân. Tổ chức sơ tán trên 282.547 hộ với 994.859 nhân khẩu đến nơi an toàn. Đồng thời, bảo đảm an toàn giao thông các vị trí bị ngập sâu, khắc phục thông tuyến nhanh các công trình giao thông bị sự cố; đảm bảo an toàn hệ thống đê sông, đê biển, hồ chứa thủy lợi, thủy điện; tổ chức vận hành liên hồ chứa, cắt giảm lũ cho hạ du. Phối hợp với các Quân khu 4, 5, Hải quân vùng 3, vùng 4 và Cục cứu hộ cứu nạn tổ chức triển khai kịp thời công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả.

3. Công tác khắc phục hậu quả

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã trực tiếp đến khu vực bị ảnh hưởng của mưa, lũ, bão để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân đồng loạt triển khai các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ, cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân vùng thiên tai.