Trao đổi thêm về bài ‘Sai lầm xả lũ mùa mưa bão’.[30/06/21]
30/06/2021 16:00
Trao đổi thêm về bài ‘Sai lầm xả lũ mùa mưa bão’
* GSTS. Nguyễn Quốc Dũng
Bài viết “Sai lầm mùa mưa bão” là suy nghĩ của người hoang tưởng
Trang Web của Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam đăng lại bài của tác giả Đặng Đình Cung với tiêu đề: “Sai lầm xả lũ mùa mưa bão” (Bài đã đăng trên Thời báo kinh tế Sài gòn). Tôi và một số người khác đã viết thư trao đổi trực tiếp với tác giả Đặng Đình Cung và biết rằng, ông ấy đang chuẩn bị viết bài về Covid19, và sau đó lại đang chuẩn bị bài viết về Quy hoạch điện 8. Biết vậy nên cũng chẳng nên mất công để trao đổi với những chuyên gia “hoang tưởng” kiểu này. Tuy nhiên, để góp thêm tiếng nói kỹ thuật cho trang web và để bạn đọc có thêm thông tin về lĩnh vực vận hành hồ chứa, tôi xin trích đăng lại thư trả lời của tôi gửi ông Đặng Đình Cung.
1- Qua bài viết thì ai trong ngành cũng biết tác giả là người không có chuyên môn và đang góp ý cho một lĩnh vực mà mình không đủ kiến thức, dù là sơ đẳng nhất.
Nói rằng, hồ nào cũng có dung tích nhỏ hơn dung tích nước mưa rơi xuống chỉ đúng một phần. Với hồ chứa lớn, một vài năm đầu tích nước nhiều trường hợp không xả lũ vì còn phải tích nước. Thế mới có chuyện, một số hồ trên sông Lan Thương tích nước gây thiếu hụt lũ cho hạ lưu Mê công chúng ta đấy thôi. Nhiều hồ lớn ở Miền Trung, gặp năm mưa ít, hết mùa lũ mà mực nước lên được mực nước dâng theo thiết kế là mừng lắm.
Hiện nay, người vận hành hồ chứa phải vận hành theo quy trình vận hành, trong đó quan trọng nhất là biểu đồ điều phối nước hồ chứa. Trên biểu đồ có 3 vùng: vùng xả lũ, vùng vận hành bình thường và vùng hạn chế cấp nước. Tư vấn dựa trên tài liệu liệt thuỷ văn, đặc tính hồ chứa và nhu cầu cấp nước hạ du để xây dựng biểu đồ này. Người vận hành căn cứ nhu cầu nước, mực nước hồ và thời tiết tháng/ngày để đưa ra quyết định vận hành.
Nếu người vận hành mẫn cán, họ sẽ tích luỹ kinh nghiệm để có những quyết định sáng suốt, vận hành khôn khéo, nhưng căn bản vẫn bám theo biểu đồ điều phối nước trong quy trình vận hành đã duyệt. Mục đích là để hồ tích được đủ mực nước theo thiết kế vào cuối mùa lũ và không cho phép mực nước lũ cao hơn mực nước lũ thiết kế, và đặc biệt không cao hơn lũ kiểm tra. Tôi nghe được câu nói từ một Giám đốc quản lý hồ mà rất khâm phục anh ấy, anh ấy nói “chúng tôi căn từng cm mực nước hồ”.
Như vậy cũng chưa đủ, vì tư vấn lập Quy trình vận hành cũng chỉ là dựa trên tài liệu lịch sử và tính xác suất (%) các yếu tố mưa lũ cho từng cấp công trình, giả định đường quá trình lũ (theo tần suất mưa) nên không tránh khỏi sai lệch, đặc biệt trong tình hình BĐKH như hiện nay. Vì vậy, các chủ sở hữu đập còn phải trang bị thêm cho họ các “công cụ hỗ trợ vận hành hồ chứa”.
Trước hết là trang bị (lắp đặt) thêm các trạm quan trắc mưa trong vùng lòng hồ/lưu vực hứng nước và kể cả ở hạ du. Dựa vào thông tin mưa trên lưu vực người vận hành có thể biết được mấy tiếng (mấy giờ nữa) nước lũ sẽ về đến đập và họ đưa ra quyết định vận hành một cách chủ động/sớm/trước theo kinh nghiệm của họ.
Thông tin mưa trên các lưu vực được chuyển về các trung tâm tính toán (ở tỉnh, ở trung ương) để tạo lập bộ cơ sở dữ liệu và sẽ được sử dụng cho việc điều chỉnh quy trình vận hành hồ sau này (đã có quy định khi nào thì phải điều chỉnh). Ngoài ra, cơ sở dữ liệu mưa hồ chứa sẽ hỗ trợ/bổ sung rất tốt cho chính ngành Khí tượng thuỷ văn để đưa ra dự báo chung cho toàn quốc và để hỗ trợ các công cụ tính toán/dự báo hiện đại khác (sẽ nói sau).
Với các hệ thống sông quan trọng, trong mùa mưa lũ còn có các nhóm kỹ sư túc trực tại các văn phòng (ở tỉnh, ở trung ương,...) để hỗ trợ dự báo lũ trên các sông và hỗ trợ vận hành hồ chứa. Với thông tin dự báo thời tiết từ Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia, cộng với thông tin khí tượng thuỷ văn đo được từ các hồ chứa, các kỹ sư sử dụng các mô hình thuỷ văn, thuỷ lực mạnh (NAM, TANK,....) và các thông số của hệ thống sông (cơ sở dữ liệu lập sẵn) để dự báo lũ cho từng đoạn sông, từng hồ chứa.
Ví dụ: Để hỗ trợ cho việc xả lũ hồ Hoà Bình, hàng năm về mùa lũ có một nhóm các kỹ sư đến từ 6 cơ quan (Viện, Trường, ....) túc trực tính toán diễn biến mưa lũ để cung cấp thông tin cho Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đặt tại Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tại Huế cũng có bộ phận tương tự như vậy.
Vẫn chưa đủ, một công nghệ mà chúng ta đang hướng đến là vận hành theo thời gian thực (real-time operation). Hiện tại, có một số dự án đang lập cho một số hệ thống quan trọng. Ví dụ: các bậc thang trên Sông Đà, cụm liên hồ ở Huế, ...
Nội dung của công nghệ này là sử dụng các công cụ hiện đại (vệ tinh, ra đa thời tiết) thu thập thông tin khí tượng, tính toán để đưa ra dự báo mưa (càng sớm/trước càng tốt) và lập kịch bản vận hành theo từng con lũ/ đường quá trình lũ. Như ở Nhật, họ có thể đưa ra dự báo mưa cho một khu vực cụ thế sớm/trước 7 ngày. Khi có dự báo mưa lũ, các mô hình tính toán lũ và điều tiết lũ sẽ cho ra kết quả mực nước hồ và hạ du công trình. Người vận hành sẽ căn cứ kịch bản vận hành tính toán để đóng mở cửa van tràn bám theo đường quá trình lũ tính toán (thay cho Biểu đồ điều phối hồ chứa được lập sẵn).
Nhắc lại nguyên tắc căn bản/bất di bất dịch trong vận hành xả lũ hồ chứa là lũ xả xuống hạ du không được lớn hơn lũ tự nhiên và mực nước lũ trong hồ chứa không vượt quá mực nước lũ thiết kế. Cũng vì giữ nước trong hồ chứa và xả với lưu lượng nhỏ hơn lũ đến nên thời gian xả sẽ kéo dài hơn thời gian lên xuống của lũ tự nhiên. Được cái này, mất cái kia là ở chỗ đó. Nhưng nói rằng, công trình thuỷ lợi/thuỷ điện xả lũ đe doạ an toàn cho cư dân vùng hạ du, gây ngập lụt tăng lên là không hiểu biết và có tính kích động truyền thông.
Lấy ví dụ lũ Miền Trung tháng 10 năm 2020, tại Huế, nhờ có hệ thống Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền phối hợp cắt lũ nên mực nước cao nhất tại Huế giảm 85cm so với lũ lịch sử. Còn nhiều ví dụ chứng minh nữa. Nhưng không thuộc phạm vi bài viết này.
Tóm lại, có thể nói rằng, viết như tác giả Đặng Đình Cung “...cuối mùa mưa, hồ nào cũng đầy ắp và phải để nước tràn xuống hạ-lưu; ... xả lũ là một đe dọa cho an-toàn cư-dân ở hạ-lưu và một phí-phạm giá-trị nước trời cho; ...xả lũ càng ít càng tốt, càng muộn càng tốt; ....trước mùa mưa nước trong hồ phải ở mức chết để hồ có thể chứa tối-đa nước chẩy từ thượng-lưu...” thể hiện sự thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm trong phát ngôn.
2- Tác giả Đặng Đình Cung viết: “ ... họ chỉ kiểm-tra bền vững của đập mỗi năm một lần, ... họ không báo dân chúng khi họ xả nước” lại một lần nữa cho thấy tác giả không nắm được tình hình thực tế mà lại phát ngôn bừa bãi.
Hiện nay, Việt nam đã có Luật Thuỷ lợi năm 2017, Luật Phòng chống thiên tai năm 2013, Luật Tài nguyên nước, ... là những bộ Luật điều chỉnh các hoạt động quản lý công trình thuỷ lợi và bảo đảm an toàn cho công trình và hạ du.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 114/2018/NĐ-CP về Quản lý an toàn đập. Nghị định quy định trách nhiệm của chủ sở hữu đập, các cơ quan chuyên môn, các tổ chức/cá nhân quản lý và khai thác hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện. Chương trình an toàn đập Quốc gia cũng đã được phê duyệt, không chỉ quan tâm đến biện pháp công trình mà nhấn mạnh đến biện pháp phi công trình nhằm đảm bảo an toàn đập.
Nghị định 67/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thuỷ lợi, như: phân loại đập, hồ chứa nước; quy định về năng lực của tổ chức/cá nhân khai thác hồ chứa nước; quy định về việc lập và thẩm định, ban hành quy trình vận hành, ....
Nghị định 104/2017/NĐ-CP và NĐ 65/2019/NĐ-CP (Sửa đổi một số điều của NĐ 104) về xử lý vi phạm hành chính trong quản lý vận hành hồ chứa.
Các bộ, theo chức năng nhiệm vụ được giao (Bộ Nông nghiệp & PTNT quản lý các đập thuỷ lợi, Bộ Công thương quản lý các đập thuỷ điện, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Quy trình vận hành liên hồ, Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý an toàn các đập trên bậc thang Sông Đà và ban hành các Tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan) đã có nhiều thông tư, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn quản lý an toàn đập, trong đó có vấn đề vận hành xả lũ.
Song song với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật (Luật, Nghị định, Thông tư,...), các bộ còn rất quan tâm đến việc xây dựng các văn bản kỹ thuật có liên quan, như: Tiêu chuẩn đánh giá an toàn đập, tiêu chuẩn bảo trì công trình đập, hồ chứa. Rất nhiều các sổ tay kỹ thuật cũng đã được xây dựng, nhằm hướng dẫn chi tiết việc thực thi các quy định pháp luật, như: Hướng dẫn kiểm tra (thường xuyên, định kỳ, đột xuất), kiểm định, bảo trì, lập phương án ứng phó thiên tai (EPP), phương án ứng phó tình huống khẩn cấp (EAP), biện pháp cảnh báo an toàn hạ du, ....
Theo quy định pháp luật, tuỳ theo loại đập, hồ chứa (đặc biệt, lớn, vừa và nhỏ) việc quản lý các hồ chứa được phân cấp quản lý rất rõ ràng và cụ thể cho các Bộ, các địa phương (tỉnh, huyện) từ khâu xây dựng cho đến suốt quá trình khai thác sử dụng. Vai trò của chủ sở hữu, chủ khai thác rất rõ ràng và cụ thể. Ngoài ra, Chính phủ rất quan tâm đến đầu tư nâng cấp để bảo đảm an toàn đập.
Có thể nói, những năm gần đây đã xảy ra vỡ đập ở Mỹ, ở Trung Quốc, ở Lào,.... Nhưng ở Việt Nam năm 2020 chỉ xảy ra một vụ vỡ đập nhỏ (đập Đầm Thìn, dung tích 960 ngàn m3 ở Phú thọ). Năm 2019 không xảy ra vụ vỡ đập nào.
3- Những tồn tại, thách thức
Việt Nam là nước có số lượng hồ đập lớn, với trên 7000 đập. Trong đó có 6750 hồ chứa thuỷ lợi, trên 400 hồ chứa thuỷ điện. Tuy nhiên, trên 60% số đó là đập, hồ chứa nhỏ (đập cao dưới 10m, dung tích dưới 50.000m3 và đa số được xây dựng trong thập niên 70-80 của thể kỷ 20) được quản lý bởi cộng đồng (các tổ chức thuỷ lợi cơ sở). Đây là trở ngại lớn cho việc bảo đảm an toàn, và việc bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật, trong đó có việc xả lũ đột ngột. Vụ lũ tháng 10 năm 2020 cũng có đập thuỷ điện xả lũ không theo quy trình và đã bị phạt.
Đi cụ thể vào từng vụ việc, cũng đã xảy ra một số trường hợp xả lũ gây thiệt hại cho hạ du và bị dân chúng kêu ca, báo chí lên tiếng mới thấy rằng, ngoài nguyên nhân xả lũ đột ngột/không báo trước (chuyện xảy ra ở một số đập thuỷ điện nhỏ), thì phần lớn nguyên nhân là công tác quản lý lòng dẫn hạ du còn nhiều bất cập. Dân chúng tăng gia sản xuất trên hành lang thoát lũ, làm nhà cửa không phép (vì lâu không xuất hiện lũ như trước), làm công trình gây cản lũ, ... điều này thì không thể một mình các chủ đập có thể giải quyết được.
Một điều dễ thấy là vùng bãi ngoài đê sông Hồng, nhờ có các thuỷ điện trên bậc thang sông Đà nên mấy chục năm nay không có lũ lớn, dân chúng lấn chiếm để sản xuất, xây dựng bừa bãi không thể kiểm soát được. Giả sử xảy ra lũ lịch sử như lũ năm 1971 và gây ra thiệt hại thì đổ lỗi cho thuỷ điện xả lũ chăng?
4- Các ý kiến ngoài chuyên môn
Việc quan tâm đến các vấn đề quan trọng của đất nước của các trí thức là điều đáng quý và rất trân trọng, dù đang sống và làm việc ở trong hay ngoài nước. Nhưng là trí thức, trước khi viết, và đặc biệt là viết để đăng báo thì phải nghĩ đến trách nhiệm phát ngôn, trách nhiệm xây dựng. Đừng nên viết những điều mà mình còn mù mờ, có tính kích động truyền thông như vậy.
Hà Nội, ngày 22 tháng 6 năm 2021
Nguyễn Quốc Dũng
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đập lớn &PT Nguồn nước Việt Nam