Bình luận bài báo của GS Nguyễn Ngọc Trân

17/03/2022 10:09

24

BÌNH LUẬN BÀI BÁO CỦA

GS NGUYỄN NGỌC TRÂN

 

Tô Văn Trường

Một số bạn đồng nghiệp hỏi tôi bình luận về bài báo của giáo sư tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Trân : “Biến động mực nước tại Xẻo Rô và Rạch Giá những vấn đề cốt lõi và tiên liệu” đăng trên www.vncold.vn

GS Nguyễn Ngọc Trân đã 81 tuổi, vẫn còn nhiệt huyết viết bài về lĩnh vực khoa học là rất đáng trân trọng. Đây là bài báo khoa học được viết chi tiết như một báo cáo khoa học nhưng lại đăng trên “tờ báo/ngày” Đại Đoàn kết, khá dài lại kèm theo các hình ảnh, biểu đồ lờ mờ không rõ nét làm cho người đọc dễ mệt đầu.

Những người làm công tác thuỷ lợi, thuỷ văn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều biết về ảnh hưởng triều biển Đông - biển Tây và quá trình ảnh hưởng này luôn thay đổi phụ thuộc vào biến đổi dòng chảy thượng lưu về đồng bằng, biến đổi về sử dụng nước, biển đổi triều tại cửa biển. Sự biến đổi của các yếu tố này do các nguyên nhân khác nhau sẽ ảnh hưởng tới tương quan giữa triều biển Đông và biển Tây, chính vì thế triều biển Đông càng ngày càng mạnh hơn và số liệu như bài báo đưa ra thể hiện điều đó.

1.Vấn đề biển Đông, biển Tây

Theo các công trình nghiên cứu địa chất và động lực học lòng sông, hệ thống sông Cửu Long đã nhiều lần “oặn  mình” từ đông sang tây rồi lại từ tây sang đông, để rồi cuối cùng có hệ thống lòng dẫn và dòng chảy tập trung hướng ra biển Đông như ngày nay. Nghĩa là theo thủy văn học biển Đông có lực hút dòng chảy sông ngòi rất mạnh hơn rất nhiều lần so với biển Tây. Địa hình biển Đông rất sâu và lòng biển khá ổn định do đó làm được các cảng biển lớn tầm khu vực và quốc tế. Ngược lại, địa hình biến Tây rất nông và bị bồi dần do tác động rất mạnh của gió mùa tây nam. Địa hình biển Đông hay biển Tây có gờ, có bãi bồi ngầm cao, thấp, to, nhỏ, dài, ngắn, rộng, hẹp khác nhau, có luồng sâu, luồng cạn,.. nhất là ờ vùng nước đổ của các cửa sông ra biển là chuyện bình thường mà các dự án thủy lợi vùng cửa sông phải tính toán tới.

Đây là “sản phẩm” được sinh ra tất yếu bởi hoạt động của quá trình sông-biển tại vùng cửa sông. Từ vùng biển gần cửa sông của hệ thống sông Hồng, sông miền Trung đến sông Cửu Long đều có “sản phẩm” này, làm cho khi triều lên dòng triều từ biển trườn qua các doi cát-bãi cát ngầm để đổ vào vùng cửa sông rồi theo sông ngòi tiến sâu vào nội địa. Ngược lại, khi triều rút, dòng chảy từ sông ngòi đổ ra biển cũng phải trườn qua doi cát-bãi, cát ngầm này để hòa vào đại dương. 

Dân gian Việt Nam có câu chuyện tình, chàng trai xứ đàng ngoài muốn vào gặp cô gái xứ đàng trong, nhưng phiền một nỗi là phải đi qua truông Nhà Hồ, khu vực đồi núi thấp rậm rạp ở Quảng Trị và Thừa Thiền-Huế là địa bàn hoạt động của bọn cướp đường, và lại phải đi thuyền vượt qua phá Tam Giang, khu vực cửa đổ của các sông khu vực Quảng Trị-Thừa Thiên-Huế ra biển, tạo ra một doi cát ngầm kéo dài hàng cây số nằm khá gần bờ. Doi cát ngày càng dài và rộng thì nước sông đổ vào phá Tam Giang chảy ngày càng xiết và sâu, trước khi vượt doi cát hòa vào biển cả, đã nhấn chìm nhiều thuyền qua lại nơi đây.

“Thương em anh cũng muốn vô

Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”

Sau khi vua Nhà Nguyễn cho nạo vét cải tạo luồng lạch phá Tam Giang, cho binh lính triệt phá các băng cướp ở truông Nhà Hồ, cô gái xứ đàng trong nhắn tin cho chàng trai xứ đàng ngoài:

“Phá Tam Giang ngày rày đã cạn

Truông Nhà Hồ Nội Tán cấm nghiêm

Vô đây cho thiếp đi cùng

Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam”

2.Vấn đề triều biển Đông và triều biển Tây

Thủy triều biển Đông là bán nhật triều có đỉnh cao lịch sử tại Vũng Tàu đã quan trắc được trên 4m4, đỉnh triều thường niên và thường ngày dao động từ 3m đến 4m tuỳ thuộc vào chu kỳ triều 18,6 năm, năm, mùa, tháng, ngày theo quy luật hoạt động chặt chẽ của thiên văn trong đó có lực hút của mặt trăng là chính cộng với của một số hành tinh có liên quan tới trái đất về lực hấp dẫn.

Thủy triều biển Tây yếu và nhỏ bé hơn nhiều so với biển Đông, có đỉnh dao động từ 0,8m -1,4m và thuộc chế độ nhật triều pha lẫn tạp triều. Biên độ triều biển Đông tại Vũng Tàu lớn gấp nhiều lần biên độ triều biển Tây tại Rạch Giá. Đó là chưa kể đến triều biển Đông truyền vào ĐBSCL theo các trục sông lớn Tiền, Hậu rồi theo mạng lưới kênh rạch lan tỏa khắp đồng bằng. Còn thủy triều từ Biển Tây truyền vào ĐBSCL  chỉ qua hệ thống sông rạch nhỏ và hệ thống kênh đào, vì vậy sức lan tỏa yếu, diện tích lan tỏa rất hẹp. Vậy cho nên mới có chuyện “triều biển Đông áp đảo triểu biển Tây” là chuyện quá cũ, đâu có gì là lạ và mới. 

3.Vấn đề hệ thống trạm thủy văn sông ngòi và hải văn biển

Trước hết, cần nhận thức trạm hải văn là trạm đo các yếu tố hải văn trong đó có mực nước thủy triều do lực hấp dẫn thiên văn tạo ra (gọi là yếu tố tất nhiên) phải đặt ở các vị trí không bị ảnh hưởng của dòng chảy sông ngòi cộng với các yếu tố khác (gọi chung là yếu tố ngẫu nhiên).

Ở nước ta có 8 trạm hải văn ven biển, 11 trạm trên đảo, 14 trạm quan trắc tự động,.. trong số đó có trạm Hòn Dấu và Vũng Tàu. Còn trạm thủy văn sông ngòi là trạm đo các yếu tố thủy văn trong sông ngòi như mực nước, lưu lượng, tốc độ, độ dốc, phù sa, hóa nước,… được tạo ra bởi các yếu tố thiên văn cộng các yếu tố ngẫu nhiên (bao gồm thời tiết, khí hậu, thay đổi môi trường, mặt đệm, lớp phủ, khai thác nước, đất, rừng, vật liệu vỏ lòng sông). Do đó, quy luật diễn biến mực nước của các trạm thủy văn sông ngòi so với của các hải văn thì khác nhau xa về nguyên nhân và động lực tạo ra chúng. 

Quá trình biến động mực nước tại trạm Xẻo Rô hay Rạch Giá hay tại một trạm thủy văn sông ngòi nào đó trên ĐBSCL là sản phẩm cả một quá trình hoạt động tổng hợp của “quá trình tất nhiên và quá trình ngẫu nhiên” diễn ra liên tục tại vị trí trạm quan trắc. Vậy sau khí có công trình điều khiển của hệ thống thủy lợi (ngọt, mặn, lũ, lụt, úng, ngập,..) tại các cửa kênh, cửa sông làm cho quá trình mực nước tại các trạm thủy văn thuộc khu vực dự án có biến động, có thay đổi về xu thế là điều hiển nhiên, miễn là các thay đổi đó đã được dự án tính toán mặt lợi, mặt hại (bài toán trade-off), thời gian và không gian ảnh hưởng ở mức chấp nhận được.

Các thời điểm Xuân phân, Hạ chí, Thu phân và Đông chí dùng để chỉ các mốc thời gian chuyển mùa của thời tiết, khí hậu; lịch thủy triều là lịch thiên văn theo “tuần trăng” cho từng con nước; có chu kỳ ngày, tháng, mùa, năm, 18,6 năm.

Trong khoa học thủy văn, chỉ đơn phương và đơn giản dùng đường quá trình biểu diễn các đặc trưng mực nước chân, đỉnh, max, min theo giờ, ngày, tuần, tháng, năm cũng như việc xây dựng các tương quan giữa chúng với nhau trong cùng một trạm hay giữa các trạm với nhau để phân tích tìm ra xu thế biến động của chúng trong các vùng sông ảnh hưởng triều là chưa đủ, nhiều lúc bị đánh lừa.

Xin nêu một thí dụ điển hình để minh chứng: Vào mùa khô, các trạm thủy văn trong tứ giác Long Xuyên cách sông Hậu từ 10-15km đều có xu thế triều 2 đỉnh, 2 chân trong ngày nhưng riêng trạm Vĩnh Trạch nằm trên kênh Rạch Giá Long Xuyên khu vực Bốn Tổng có 4 đỉnh, 4 chân trong ngày. Điều này không thể lý giải được bằng toán thống kê, bằng các loại quá trình, bằng các tương quan và lại càng không thể lý giải được bằng mô hình toán thủy lực, mà chỉ có thể lý giải được bằng phân tích tổng hợp thủy văn chuyên sâu. 

4. Phân tích bài báo của Gs Nguyễn Ngọc Trân

GS Nguyễn Ngọc Trân đã có số liệu và phân tích tuy nhiên đưa ra chỉ số R2 nhỏ hơn 0.7 không có ý nghĩa. Những nghiên cứu đã công bố gần đây cho thấy do nước biển dâng đỉnh triều thường gia tăng cao hơn chân triều. Các biểu đồ đưa ra trên web không đọc được rõ nên không rõ các đường biểu diễn chính xác là đường gì nên khó nhận xét vì chỉ thấy lờ mờ.

Không có biểu đồ của trạm nào ở phía biển Đông để so sánh nên càng khó kết luận như thế nào. Trước đây, các phân tích truyền triều đều phải so sánh các trạm từ Mỹ Thanh, Gành Hào đi qua trung tâm bán đảo Cà Mâu như Ninh Quới, Gò Quao, Cà Mau rồi ra Xẻo Rô, Rạch Giá mới thấy rõ hình ảnh truyền triều trong bán đảo Cà Mau chứ nếu chỉ lấy 1-2 trạm ở một phía thì không mô tả được toàn diện.

Thủy triều ảnh hưởng nhiều của mặt trăng nên theo âm lịch nhiều hơn, việc phân tích thường phải lấy cả kỳ triều trong tháng và trong năm, và có khi phải xem cả yếu tố năm nhuận âm lịch khi so sánh các năm. Nếu phân tích triều trong ngày thì thường xem xét các ngày triều cường, triều kém.  Do đó, lấy ba ngày Xuân phân, Hạ chí, Thu phân, Đông chí theo dương lịch trong các năm khác nhau để so sánh chỉ có ý nghĩa về thời tiết nhưng không đồng nhất về điều kiện thủy triều khi so sánh.

Vị trí các trạm đó nằm trong kinh rạch trong nội địa nên cũng bị ảnh hưởng bởi nguồn nước đến và việc dùng nước trong khu vực, do đó cần phải phân tích thêm các yếu tố này ảnh hưởng như thế nào lên biến động mực nước tại các trạm thì mới có gía trị thực tế.

Lời kết

GS Nguyễn Ngọc Trân sử dụng cụm từ "cung cấp thông tin quý về tương tác giữa triều Biển Đông và Biển Tây tại địa bàn" là chưa được chuẩn xác. Nhẽ ra nên viết là "cung cấp thông tin quý về ảnh hưởng của triều Biển Đông và Biển Tây tại địa bàn". Bởi vì khi nói về tương tác giữa 2 đối tượng, đó là ta nhấn mạnh về sự thay đổi của đối tượng này do tác động của đối tượng kia và ngược lại.

Để đánh giá mức độ ảnh hưởng của 2 nguồn triều, cần phải có những phân tích định lượng đánh giá bao nhiêu phần năng lượng triều của điểm xem xét đến từ Biển Đông và bao nhiêu phần là từ Biển Tây. Còn chỉ nhìn vào đồ thị, và tính chất nhật triều hay bán nhật triều rồi kết luận thì rất hạn chế kể cả về ý nghĩa khoa học và thực tế.