Về ngập úng vừa qua tại Hà Nội [06/06/2022]

06/06/2022 14:56

15

 

 

Về ngập úng vừa qua tại Hà Nội 

 

TS.Tô Văn Trường

 

Trả lời phỏng vấn của báo điện tử VTC News

                  

   1. Thưa ông, nguyên nhân nào khiến nhiều tuyến đường, khu phố Hà Nội bị ngập trong cơn mưa những ngày gần đây?

Nhiều tuyến đường, khu phố Hà Nội bị ngập trong cơn mưa những ngày gần đây do thiên tai và nhân tai. Mưa lớn vượt quá tần suất thiết kế là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ngập lụt ở Hà Nội. Hệ thống hạ tầng hiện chỉ đáp ứng được với những trận mưa có cường độ 50mm/2 giờ. Với những trận mưa từ 50mm đến 100mm, hệ thống quá tải và xuất hiện trên 10 điểm ngập tồn tại nhiều năm nay. Với những trận mưa trên 100mm, trên địa bàn thành phố sẽ xuất hiện nhiều điểm ngập mới.

Theo trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong khoảng hai giờ chiều 29/5 vừa qua, lượng mưa tại trạm Láng, quận Đống Đa, là 138 mm, vượt mốc lịch sử 132,5 mm ngày 18/6/1986. Quận Cầu Giấy mưa 170 mm/2 giờ là lớn nhất theo số liệu quan trắc từ trước đến nay, ứng với chu kỳ khoảng 100 năm xuất hiện một lần. Lượng mưa 150 mm/2 giờ ở Tây Hồ ứng với chu kỳ 50 năm xuất hiện một lần.

Ngoài ra, thành phố đang trong quá trình phát triển, nhiều khu đô thị mới được xây dựng nhưng hạ tầng tiêu thoát nước chưa hoàn chỉnh cũng là nguyên nhân gây ngập. Việc thu hẹp các diện tích ao hồ, mặt nước, các khu ruộng trũng ở khu vực đô thị mới đã làm giảm khả năng trữ nước, khi không còn chỗ chứa thì nước phải dềnh lên các đường phố, càng làm cho tình trạng ngập úng càng trầm trọng.

Phải khẳng định không một hệ thống tiêu nào có thể đảm bảo chống ngập cho tất cả các trận mưa, nhất là những trận mưa lớn, bất thường, vì nó được thiết kế với tần suất cụ thể, ví dụ P=10% có nghĩa trung bình trong 100 năm có 10 năm chấp nhận  chịu ngập úng khi mưa vượt thiết kế. Ngoài ra, còn phải xét đến cường độ mưa, tức là khi lượng mưa không phải là lớn nhất nhưng tập trung trong thời gian ngắn (cường độ lớn) thì đành chịu trời.

2. Thưa ông, việc mất đi các hồ tự nhiên, diện tích đất nông nghiệp do đô thị hoá sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quá trình tiêu nước của Hà Nội khi mưa lớn và kéo dài?

Số liệu từ Sở TN&MT Hà Nội cho thấy, trong giai đoạn 2015 - 2020, diện tích mặt nước tự nhiên đô thị của Thủ đô đã giảm 203,6 ha. Diện tích mặt nước và diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp dần do tốc độ đô thị hóa nhanh ở Hà Nội, nhiều ao hồ đã được san lấp để làm quỹ đất phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật, chưa kể tình trạng người lấn chiếm diện tích mặt nước để kinh doanh khai thác… Nhiều hồ nước đang tiếp tục nằm trong kế hoạch san lấp để xây dựng đô thị, như tại quận Hoàng Mai, Long Biên. Trong khi đó, hàng trăm dự án khu đô thị được xây dựng và đi vào hoạt động, nhất là khu vực phía Tây Hà Nội nhưng lại thiếu đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị với hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực dẫn tới tắc đường, ngập úng là không tránh khỏi.

Việc thu hẹp 203,6 ha mặt nước tự nhiên có ảnh hưởng đến điều tiết nước mưa nhưng không thể so với xu thế đô thị hóa hiện nay với hàng trăm ngàn ha từ đất nông nghiệp /tự nhiên biến thành đô thị, khi đó nước mưa hầu như không thể ngấm xuống đất mà trở thành nước mặt gây ngập úng.

 Ngoài sự yếu kém về hệ thống tiêu thoát nước mưa, san lấp ao hồ ruộng đồng, còn có vấn đề nan giải đó là quản lý cao độ san nền. Sự thiếu đồng bộ về cao độ này dẫn đến triệt tiêu năng lực hệ thống tiêu nước cũ và mới.

3. Trước đây ngập úng nặng thường xảy ra ở các khu đô thị mới, nhưng hiện nay nước ngập hầu như khắp các tuyến đường, đặc biệt cả khu phố cổ cũng bị ngập, ông có có bình luận gì về tình trạng này?

Các khu vực phố cổ thuộc các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng cũng có những khu vực ngập úng cục bộ nhưng tình trạng không trầm trọng như các khu vực mới phát triển, thời gian ngập cũng ngắn hơn. Cao độ nền ở các khu vực phố cổ tương đối cao, hệ thống thoát nước ở khu vực này cùng đã hoàn chỉnh hơn nên rủi ro ngập lụt thấp hơn. Tuy nhiên, cũng vẫn là câu chuyện cường độ mưa, mưa quá lớn tập trung trong thời gian ngắn, vượt quá năng lực thiết kế của hệ thống tiêu, đây là nguyên nhân phổ biến của những sự kiện ngập lụt khu vực đô thị trung tâm trong những năm gần đây.

Một vấn đề nữa là kết nối các tuyến tiêu thoát, các tuyến cũ và mới vẫn còn các van đề thông thoát, đặc biệt các tuyên tiêu bị “tắc nghẽn” do thiếu dọn rác thải và bảo dưỡng kịp thời theo yêu cầu thoát nước.

4. Bao năm nay Hà Nội đã tốn khá nhiều tiền cho những dự án thoát nước nhưng cứ mưa lớn lại diễn ra tình trạng ngập úng. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả công tác thoát nước ở Hà Nội?

Thành phố Hà Nội hiện nay có diện tích hơn 3.344 km2, gấp gần 4 lần diện tích thành phố Hà Nội cũ. Các khu đô thị đang ngày càng được mở rộng tuy nhiên hạ tầng tiêu thoát nước chưa được đầu tư tương xứng nên việc ngập úng, đặc biệt là các khu mới, khu đang phát triển là không tránh khỏi. Các công trình đầu mối tiêu thoát nước mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu theo các quy hoạch. Các trục tiêu thoát nước chính như sông Nhuệ, Tích, Đáy, Ngũ Huyện Khê, Cầu Bây và các kênh tiêu nhánh chưa được nạo vét, mở rộng theo yêu cầu, chưa đảm bảo năng lực tiêu thoát nước theo thiết kế.

Hà Nội đã đầu tư xây mới và nâng cấp các công trình tiêu lớn nhưng thực tế vẫn chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được yêu cầu. Ví dụ hệ thông tiêu Yên Nghĩa với trạm bơm lưu lượng thiết kế Qtk=120 m3/s, cống tự chảy Qtk=60 m3/s, công xả qua đê Qtk=120 m3/s. Tuy nhiên, phải phụ thuộc vào điều kiện cụ thể như nước trong vùng tiêu có chảy kịp về trạm bơm không, mực nước cửa tiêu có tự chảy được không.

5. Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 30/5, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nói rằng: “Không phải chỉ Việt Nam mà ở các nước có hạ tầng phát triển như Mỹ, châu Âu thì việc mưa lớn dồn dập tập trung vào một thời điểm cũng không có hạ tầng nào có thể chịu đựng được”. Ông có ý kiến gì về phát biểu này?

Thiên tai luôn chứa đựng yếu tố bất thường và ngẫu nhiên, khó có thể dự báo, đặc biệt là thiên tai do mưa lớn. Khi mưa vượt quá tần suất thiết kế thì ngập úng là đương nhiên. Chúng ta không thể chống thiên tai bằng mọi giá vì lý do kinh tế và kỹ thuật, mà cần tiếp cận theo hướng giảm nhẹ rủi ro. Ý kiến của Bộ trưởng là hoàn toàn chính xác.

 Khi thiết kế, xây dựng hệ thống tiêu chúng ta không thể xây quá lớn (ví dụ tần suất mưa thiết kế P=1% hay 0,1% như công trình hồ chứa (vì an toàn) vì bài toán kinh tế (xây lớn mà hàng chục năm dùng một lần sẽ rất lãng phí, ngoài ra xây lớn còn vấn đề môi trường…)

 6. Thưa ông, các cơ quan, ban ngành cần có những thay đổi như thế nào về tư duy quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị để bảo đảm vấn đề cấp thoát nước của Hà Nội trong tương lai dài hạn?

Việc tập trung phát triển đô thị nhưng không chú trọng quy hoạch cấp thoát nước khiến tình hình úng ngập sau hàng chục năm vẫn chưa được cải thiện.

Năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch thoát nước Hà Nội. Mục đích để phát triển hạ tầng thoát nước và bổ sung các dự án chống ngập mới, nhưng sau gần 10 năm, chưa có dự án nào theo quy hoạch này thực hiện xong.

Về quy hoạch đô thị Hà Nội cần được rà soát, điều chỉnh theo hướng như sau:

- Không quy hoạch phát triển đô thị ở những khu vực trũng thấp, các rốn nước của thành phố.

- Giành các không gian để chứa nước khi có mưa lớn xảy ra: hồ điều hòa, các khu vực cây xanh, công viên, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ các không gian thoát nước, chứa nước hiện có (sông, hồ, ao).

- Chứa nước tại chỗ ở các khu vực đô thị (mái nhà, bể ngầm, dưới lòng đường)

- Không tách rời quy hoạch xây dựng như hiện nay mà cần được tích hợp vào quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

- Cần một giải pháp và chính sách tổng hợp khả thi và hiệu quả, từ quy hoạch phát triển phải ổn định lâu dài (không nên sửa đổi bổ sung nhiều làm thay đổi quy hoạch tiêu). Thiết kế tiêu phải lồng ghép với biến đổi khí hâu, ngành tiêu thoát đô thị phải cùng người dân đảm bảo hệ thống thông thoáng , nước mưa phải tập trung đủ nhanh tới các công trình tiêu.

Nói tóm lại: Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến úng ngập thành phố Hà Nội (tự nhiên, kinh tế xã hội), cần có đánh giá toàn diện để có giải pháp tổng hợp và hành động quyết liệt, đồng bộ thì mới giảm nhẹ được úng ngập kể cả các thành phố khác.

Người bạn mới chuyển cho tôi coi lại clip “Gặp nhau cuối năm 2009” nghe bài ca của các táo quân “Lụt từ ngã tư đường phố” dành riêng cho thủ đô “Hà Lội” vừa hài hước, vừa mang nguyên tính thời sự.  Các nhà quản lý đô thị Hà Nội hãy tự mình ngẫm suy việc ngập lụt ngoài yếu tố thiên tai, thì bao nhiêu phần trăm là do nhân tai?