Tham luận tại đại hội tổng kết xây dựng Việt Nam lần thứ IX ngày 27/08/2022

27/09/2022 11:29

57

 

THAM LUẬN TẠI ĐẠI HỘI TỔNG HỘI XÂY DỰNG VIỆT NAM LẦN THỨ IX NGÀY 27/08/2022

GS.TS. Lê Kim Truyền

Phó Chủ tịch HỘI ĐẬP LỚN VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NƯỚC VIỆT NAM

****

 

RA ĐỜI LÀ SỰ ĐÒI HỎI KHÁCH QUAN CỦA THỰC TẾ VÀ CÓ NGHIỀU ĐÓNG GÓP ĐÁNG KỂ CHO XÃ HỘI

 

1. Sự ra đời của Hội (Hội ĐL&PTNNVN).

Việt Nam là một nước nông nghiệp, nước đóng vai trò quan trọng trong phát triển KTXH. Tổng dòng chảy hàng năm của các lưu vực sông khoảng 843 tỷ m3, nhưng chỉ có 38% sản sinh trong lãnh thổ, còn 62% từ nước ngoài chảy vào. Lượng nước bình quân trên đầu người thuộc loại trung bình cao, nhưng phân bố không đều cả theo không gian và thời gian. Cho nên việc điều hòa dòng chảy trong năm không có con đường nào khác là xây dựng các hồ chứa nước và đập dâng.

Hiện nay cả nước có trên 7.150 hồ chứa nước có dung tích từ 0,5 triệu m3 trở lên, trong đó có hơn 400 hồ chứa thủy điện, hơn 6.750 hồ chứa thủy lợi. Phần lớn các hồ chứa được xây dựng từ những năm 2000 trở về trước trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, tiêu chuẩn thiết kế chưa cao, kỹ thuật xây dựng và quản lý khai thác còn nhiều bất cập. Công tác duy tu bảo dưỡng chưa kịp thời, nên nhiều công trình bị xuống cấp, nguy cơ rủi ro mất an toàn hồ đập cao. Ngập lụt cho hạ lưu xảy ra thường xuyên hơn và hạn hán thiếu nước có chiều hướng gia tăng.

Trong những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tác động ngày càng rõ nét đến an toàn hồ đập ở nước ta. Mưa lũ cực đoan diễn biến phức tạp, bất thường với cường độ lớn thường xuyên xảy ra ở nhiều nơi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hồ chứa nước. Nhiều sự cố đập đã xảy ra gây lo ngại cho hàng triệu người phía hạ lưu.

Đứng trước yêu cầu thực tiễn cấp bách đó, Hội ĐL&PTNNVN ra đời nhằm tập hợp các nhà khoa học, quản lý có nhiều kinh nghiệm lâu năm trong ngành tiếp tục đóng góp cho đất nước.

Hội ĐL&PTNNVN được thành lập từ ngày 21/05/2004 do GS.TSKH Phạm Hồng Giang là người sáng lập. Hội chuyên ngành trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam nhưng đồng thời là thành viên của Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

Hội bao gồm 78 hội viên tập thể và hàng trăm ngàn hội viên cá nhân đã và đang công tác tại Bộ NN&PTNT, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, Bộ Công Thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam…Hội có trụ sở và Văn phòng hội tại nhà số 10 ngõ 195 đường Chùa Bộc, Hà Nội. Hội có 02 chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh và Nha Trang. Có 02 đơn vị trực thuộc là: Trung tâm Tư vấn KHCN phát triển tài nguyên nước và Công ty tư vấn phát triển hạ tầng, là những đơn vị có con dấu và tài khoản riêng.

Chức năng, nhiệm vụ của Hội là hoạt động chuyên môn và tư vấn phản biện, giám định xã hội trong lĩnh vực có liên quan đến hồ, đập thủy lợi, thủy điện, phát triển nguồn nước và phát triển năng lượng tái tạo.

2. Những hoạt động của Hội ĐL&PTNNVN trong thời gian qua.

2.1 Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

Hội đã tích cực tham gia góp ý cho các đề án, dự án lớn của Ngành Thuỷ lợi và của Chính phủ, như:

- Luật Đê điều;

- Luật thiên tai sửa đổi;

- Nghị định 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập;

- Đề án An ninh nguồn nước và An toàn đập. Đề án đã được Bộ chính trị ra kết luận ngày 23/06/2022 với tầm nhìn đến năm 2045.

- Quy hoạch tổng hợp Đồng bằng sông Cửu Long đến 2030 và đinh hướng đến 2050;

- Quy hoạch Thuỷ lợi toàn quốc đến 2030 và tầm nhìn đến 2045;

- Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Sê San- Sêrepôk;

- Góp ý cho nhiều Dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam

- Ngoài ra, đã tham gia tư vấn cho các cơ quan/tổ chức quốc tế trong xây dựng, hoạch định các chiến lược, chính sách liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước và thuỷ lợi.

2.2 Hoạt động chuyên môn

2.2.1 Tham gia các Hội đồng khoa học các cấp

Đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ và của liên hiệp các hội KHKT Việt Nam.

2.2.2    Hoạt động phục vụ sản xuất

a) Biên soạn nhiều Sổ tay kỹ thuật phục vụ chương trình an toàn đập, gồm:

- Sổ tay hướng dẫn thiết kế, thi công đập tràn sự cố bằng khối bê tông tự lật;

- Sổ tay hướng dẫn quản lý an toàn đập, hồ chứa vừa và nhỏ;

- Xây dựng bộ tài liệu bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ quản lý an toàn đập;

- Xây dựng các phim ngắn hướng dẫn quản lý an toàn đập;

- Xây dựng Sổ tay hướng dẫn kiểm tra đánh giá và khung quản lý an toàn đập thuỷ điện theo cách tiếp cận rủi ro.

b) Thẩm tra dự án đầu tư xây dựng, thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công các công trình thuỷ lợi, như:

- Điều chỉnh quy trình vận hành cho 3 hồ chứa thuỷ lợi;

- Tư vấn kiểm định an toàn đập cho nhiều hồ chứa thuỷ lợi, thủy điện;

2.3 Công tác thông tin, phổ biến kiến thức

Hội có trang Web được duy trì cập nhật các hoạt động KHKT có liên quan phản ánh các ý kiến đa chiều về những chủ đề nóng được xã hội quan tâm và cung cấp thông tin hoạt động Hội, đồng thời giới thiệu các công nghệ mới cho hội viên.

Từ tháng 01/2021 Hội tham gia tạp chí Tài nguyên nước phát hành 3 tháng/ 1 kỳ.

Ngày 16/01/2021, Tổng Hội Xây dựng giao cho Hội phối hợp tổ chức Hội thảo bảo vệ trượt lở khu vực Miền Trung tại Đà Nẵng với sự góp mặt của trên 200 đại biểu và gần 30 báo cáo khoa học.

2.4 Công tác đào tạo bồi dưỡng nghề nghiệp

Để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý hồ đập, Hội đã xây dựng đề án tổ chức các lớp đào tạo cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên, kỹ thuật viên đang quản lý đập, hồ chứa. Đây là cơ hội cho các chuyên gia của Hội có điều kiện được mang kiến thức và kinh nghiệm, truyền lại cho thế hệ sau, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp chung của ngành và kết nối Hội viên các vùng miền, nâng cao uy tín của Hội.

2.5 Hoạt động đối ngoại và Hợp tác Quốc tế

Năm 2010 Hội đã tổ chức hội nghị thường niên của hội đập lớn thế giới và hội thảo quốc tế về an toàn hồ đập với gần 400 đại biểu trong và ngoài nước tham dự.

Tháng 12/2019, Dự án An toàn đập gồm 6 nước Lan Thương-Mekong do Trung Quốc tài trợ được khởi động. Hội đã tham gia báo cáo trong hội thảo khoa học tổ chức tại Bankok. Và tháng 1/2020 Hội đã sang Trung Quốc để tiếp tục trao đổi, hợp tác nâng cao năng lực quản lý an toàn đập.

Hội thiết lập quan hệ với JWA (là một tổ chức về nước lớn ở Nhật) để trao đổi và hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nước và an toàn đập.

Ngày 30/07/2022 Hội đã đón tiếp đoàn cán bộ KHKT thủy lợi thủy điện của nước Cộng Hòa dân chủ nhân dân Lào sang thăm và trao đổi kinh nghiệm trong quản lý và an toàn hồ đập.

Hiện tại Hội đang xúc tiến làm thủ tục trở lại là thành viên chính thức của ICOLD sau một thời gian tạm dừng do vấn đề tài chính.

3. Một số phương hướng hoạt động trong thời gian tới.

- Phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tiếp tục đổi mới và tăng cường hoạt động với nhiệm vụ chủ yếu là an toàn hồ đập và phát triển nguồn nước.

- Củng cố Tổ chức Hội: Các ban chuyên môn, các chi nhánh và công tác Hội viên.

- Tiếp tục nghiên cứu tác động của phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu đến an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập;

- Tăng cường truyền thông trong phạm vi hoạt động của Hội thông qua trang Web, Tạp chí Tài nguyên nước và các hội nghị, hội thảo.

- Tham gia tích cực các hoạt động của Uỷ hội Hội Đập lớn thế giới.

4.         Một số bài học kinh nghiệm và kiến nghị

4.1 Bài học kinh nghiệm

Tư vấn phản biện là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với các Hội nghề nghiệp, trong đó có Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam. Hội được Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm và tạo điều kiện hoạt động. Nhưng chiều ngược lại, Hội đã tập hợp được đội ngũ chuyên gia đóng góp được nhiều ý kiến có giá trị cho các đề án/dự án của Bộ, ngành. Kinh nghiệm của Hội chính là:

1.               Thường trực Hội có mối quan hệ thường xuyên với lãnh đạo các Bộ ngành và các đơn vị có liên quan.

2.               Phân công đúng chuyên gia đọc tài liệu, sau đó Hội tổ chức họp để tổng hợp góp ý thêm. Nhờ sử dụng hệ thống họp trực tuyến, Hội đã tổ chức được nhiều cuộc họp rất hiệu quả, nâng cao chất lượng góp ý.

3.               Hoạt động phục vụ sản xuất của Hội là một hình thức đóng góp tốt cho ngành và tạo điều kiện cho các chuyên gia đóng góp về chuyên môn, nhưng đồng thời cũng tạo ra được môi trường hoạt động và thu nhập thêm cho hội viên.

4.               Kinh nghiệm của Hội là tìm đúng việc, giao đúng người và xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm của từng thời kỳ và bám sát yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.

5. Một kinh nghiệm lớn là thường trực hội đoàn kết, năng động hoạt động thường xuyên, có kế hoạch phân công cụ thể, giao ban hàng tháng.

4.2 Kiến nghị

1. Cần tôn trọng và nâng cao chất lượng ý kiến phản biện của các hội.

Để công tác tư vấn phản biện của các Hội có chất lượng, các cơ quan xin ý kiến cần gửi tài liệu sớm phù hợp với từng nội dung, để các chuyên gia có đủ thời gian nghiên cứu và đóng góp ý kiến. Và nếu Hội có ý kiến trái chiều, các cơ quan soạn thảo có tiếp thu hay không cũng cần có phản hồi hay tranh luận lại. Nhiều trường hợp có cảm giác việc lấy ý kiến chỉ là hình thức.

2. Trong lĩnh vực xây dựng Tiêu chuẩn kỹ thuật, mặc dù Luật Tiêu chuẩn- Quy chuẩn năm 2006 đã quy định các Hội nghề nghiệp có quyền xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn cơ sở. Ở các nước phát triển, các Tiêu chuẩn kỹ thuật do các Hội nghề nghiệp ban hành rất có uy tín và được chấp nhận như Tiêu chuẩn quốc gia. Các Hội khác cũng đã có góp ý về vấn đề này.

3. Vai trò, vị trí của các Hội trong các ngành có nhiều đơn vị tham gia quản lý.

Vừa qua, khi tham khảo kinh nghiệm đào tạo nguồn lực chất lượng cao trong lĩnh vực quản lý an toàn đập trên thế giới, chúng tôi được biết rằng Hội đập lớn các nước đóng một vai trò rất quan trọng trong khung quản lý an toàn đập quốc gia, với lý do:

Một là: Hội đập lớn là tổ chức trung gian để tư vấn chính sách, thể chế nhằm thống nhất và cân bằng lợi ích giữa các chủ sở hữu đập. Ví dụ: ở Việt Nam trong Nghị định 114/2018 quy định Bộ Nông nghiệp & PTNT quản lý nhà nước về an toàn đập thuỷ lợi, Bộ Công thương quản lý nhà nước về an toàn đập thuỷ điện. Vậy cần có một tổ chức trung gian để kết nối, điều hoà chung. Nhiều nước như: Úc, Canada, Tây Ban Nha, Ấn độ, Indonexia ... Hội đập lớn đóng vai trò trung gian này. Ngay cả đối với Lào, khung quản lý an toàn đập do WB giúp đỡ xây dựng cũng đặt LACOLD ở vị trí trung gian, kết nối các chủ sở hữu đập (Bộ Nông nghiệp, Bộ Năng lượng và Mỏ, Bộ Giao thông).

Hai là: Vấn đề đào tạo thế hệ kế cận. Rất nhiều nước đang báo động tình trạng thiếu hụt nguồn lực chất lượng cao do gần đây số thí sinh thi vào các trường kỹ thuật giảm suốt. Hội đập lớn của một số nước thành viên ICOLD, như Úc, Canada, Tây Ban Nha,... đã đóng vai trò là các Trung tâm cung cấp học bổng trực tiếp cho các ứng viên tình nguyện tham các khoá đào tạo nâng cao về quản lý an toàn đập, các khóa tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, phát triển các phương pháp kiểm tra, kiểm định đập cho đội ngũ quản lý hồ đập.

4. Về bổ sung thay thế Nghị định 45/2010/NĐ.CP.

Bộ nội vụ đang soạn thảo Nghị định (Quy định về tổ chức hoạt động và quản lý hội) để thay thế Nghị định 45/2010/NĐ-CP.

Trong dự thảo chủ yếu về quản lý Hội mà thiếu nội dung tạo điều kiện động viên đội ngũ trí thức tham gia hội và phát huy vị trí của Hội trong tư vấn phản biện xã hội. Nên thay đổi tên Nghị định: Quy định về tổ chức hoạt động, quản lý và tạo điều kiện nâng cao vị trí của các hội nghề nghiệp.

Trên đây là một số ý kiến tham luận của Hội ĐL&PTNNVN xin gửi tới đại hội và kính chúc đại hội thành công tốt đẹp.

Kính chúc các quý vị đại biểu dồi dào sức khỏe và hạnh phúc.

Xin Trân trọng cảm ơn!