Về việc xây dựng hồ Ô Lâu Thượng và yêu cầu đảm bảo an toàn về lũ, úng theo Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế [28-02-23]

28/02/2023 21:22

16

                                      KS. Nguyễn Anh Tuấn

                                                    Hội Khoa học kỹ thuật Thủy lợi TP.HCM

Tóm tắt:

Đây là bài thứ tư trong loạt 04 bài viết liên quan bảo đảm an toàn về lũ cho Thừa Thiên Huế[1], bắt nguồn từ tình trạng đồng bằng hệ thống sông Hương - sông Bồ mặc dù đã có 03 hồ chứa nước phủ hết lưu vực ở thượng nguồn mà năm nào cũng bị ngập do lũ nhưng lại được coi là điều bình thường, do thiên nhiên gây ra. Một trong các nội dung của bài thứ ba là đề xuất phương pháp thiết kế dung tích phòng lũ của hồ chứa theo lưu lượng xả lũ lớn nhất cho phép ứng với mức bảo đảm an toàn về lũ được xác định cho vùng hạ du đập.

Bài thứ tư này đặt vấn đề cần đầu tư xây dựng hồ Ô Lâu Thượng trên nhánh Ngọn Ô Lâu theo nội dung thiết kế trên với mức đảm bảo an toàn về lũ cho đô thị và các khu vực xây dựng khác đã được xác định tại Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế được duyệt, coi đây là cơ hội để đề xuất Trung ương hỗ trợ nếu kinh phí đầu tư vượt quá khả năng cân đối của Tỉnh, đồng thời là cơ hội để đề xuất điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương theo hướng các hồ chứa thủy điện tham gia nhiều hơn vào việc cắt, giảm lũ cho vùng hạ du đập xuống dưới mực nước báo động cấp 2.

1. Đặt vấn đề.

Ngày 19/10/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1261QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (sau đây viết tắt là NVQHCĐT TTH), trong đó yêu cầu: Đề xuất các giải pháp cao độ nền và thoát nước mặt hợp lý cho các đô thị và các khu vực xây dựng khác; đảm bảo an toàn về lũ, úng; phòng tránh các hiểm họa thiên tai... nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng”. Như vậy, mức “đảm bảo an toàn về lũ, úngđã được xác lập, và phải được giải quyết trước, làm cơ sở cho giải pháp thoát nước mặt cho đô thị, bằng việc đầu tư xây dựng và vận hành hồ chứa có dung tích cắt, giảm lũ trên các con sông lớn nhằm đảm bảo các đô thị và các khu vực xây dựng khác trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế không bị ngập do lũ từ thượng nguồn đổ về.

Trong số các con sông lớn ở Thừa Thiên Huế đổ ra đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, hiện chỉ còn sông Ô Lâu là chưa được xây dựng hồ chứa ở thượng nguồn để cắt, giảm lũ. Bên cạnh đó là tình trạng đồng bằng hệ thống sông Hương - sông Bồ mặc dù đã có 03 hồ chứa nước phủ hết lưu vực ở thượng nguồn mà năm nào cũng bị ngập do lũ nhưng lại được coi là điều bình thường, do thiên nhiên gây ra. Dưới đây trình bày chi tiết hơn về 2 vấn đề trên dưới góc độ việc cắt, giảm lũ tại hồ chứa nước cho vùng hạ du đập phải đáp ứng yêu cầu an toàn về lũ cho đô thị và các khu vực xây dựng khác theo NVQHCĐT TTH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

  

 Hình 1. Bản đồ lưu vực 05 hồ chứa lớn hiện có ở Thừa Thiên Huế (giới hạn bởi các đường viền màu đỏ). Chỉ có lưu vực sông Ô Lâu ở huyện Phong Điền là chưa có hồ chứa.

2. Thông tin chung về sông Ô Lâu.

Sông Ô Lâu bắt nguồn từ vùng núi Tây Trị Thiên ở độ cao tuyệt đối xấp xỉ 905m, có chiều dài dòng chính 66 km, diện tích lưu vực 900 km2 (có tài liệu viết 926 km2), độ dốc trung bình lưu vực trên 13m/km (ở phạm vi đồi núi trên 19m/km). Thoạt đầu sông chảy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, đến Phò Trạch chuyển hướng Đông Nam - Tây Bắc cho tới Phước Tích (chỗ hội lưu với sông Thác Ma[2]), sau đó chuyển hướng Tây Nam - Đông Bắc cho đến Vân Trình lại chuyển hướng Tây Bắc - Đông Nam và đổ vào phá Tam Giang qua Cửa Lác.

Giống như các sông ở Thừa Thiên Huế, Ô Lâu là một con sông nhiều nước. Hàng năm đổ vào phá Tam Giang một lượng nước tính trung bình 576 triệu mét khối nhưng phân bố không đều trong năm. Chỉ bốn tháng mùa mưa lũ đã chiếm 424 triệu mét khối, bằng 73,6% lượng nước cả năm, tám tháng còn lại chỉ chiếm 152 triệu, bằng 26,4% tổng lượng nước đổ vào phá Tam Giang. Trong năm, tháng ba là tháng có lượng dòng chảy nhỏ nhất, và tháng 10 là tháng có lượng dòng chảy lớn nhất. Vì vậy vào thời kỳ kiệt nhất, mực nước trong sông thấp hơn mực nước phá Tam Giang, nước sông không đủ để đẩy mặn từ phá tràn vào. Nhu cầu nước trung bình hàng năm của sông Ô Lâu theo tính toán là 82 triệu mét khối, chỉ bằng 10% khả năng nguồn nước. Nguồn nước dư thừa trong mùa mưa vào đầm phá, ra biển, nhưng lại khan hiếm trong mùa khô. Nơi cần nước như vùng cát nội đồng thì chưa có cách nào để khắc phục một cách có hiệu quả. Đoạn hạ lưu tính từ cầu Phò Trạch đến cửa sông ở địa đầu phía Bắc phá Tam Giang, địa hình thấp thường bị ngập lụt trong mùa mưa lũ và cũng là đoạn ven bờ có dân cư tập trung đông đúc nhất.

Sông có hai nhánh lớn đều bắt nguồn trên vùng núi địa phận huyện Phong Điền. Nhánh thứ nhất chảy qua địa phận Quảng Trị trên vùng đồi núi Tây Nam huyện Hải Lăng, nhánh này tên gọi cũ là Thu Lơi cùng với nhánh sông Mỹ Chánh chảy hoàn toàn trên đất Hải Lăng ở phía Bắc. Hai nhánh hợp lưu thành sông Thác Mã. Sông Thác Mã (hay Thác Ma) sau khi qua khỏi cầu Mỹ Chánh thì nhập vào sông Ô Lâu ở ngã ba Phước Tích. Nhánh thứ hai gọi là Ngọn Ô Lâu chảy về phía Đông và Đông Bắc qua vùng núi đồi Phong Mỹ, Phong Thu về thị trấn Phò Trạch. Sau khi qua khỏi cầu Phò Trạch, chuyển hướng Tây Bắc men theo phía Đông Quốc lộ 1A qua Khúc Lý, Ưu Thượng, Phường Lái rồi về Hội Kỳ. Đến đây sông lượn thành một khúc uốn bao quanh ba phía làng Phước Tích. Sau khi qua khỏi cầu Phước Tích cùng với sông Thác Mã (còn gọi là sông Mỹ Chánh) chính thức thành sông Ô Lâu. Từ đây xuống Vân Trình, con sông là ranh giới hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Từ Vân Trình trở đi đổi hướng Đông Nam để vào phá Tam Giang[3]


Hình 2. Bản đồ vị trí các nhánh sông Ô Lâu và ranh giới 2 tỉnh

 

3. Vấn đề về nhánh sông Mỹ Chánh trong Dư địa chí Phong Điền.

Trên bản đồ cho thấy giữa nhánh Thác Ma và nhánh Ngọn Ô Lâu có một nhánh khác, đó chính là nhánh Mỹ Chánh nằm trên đất Hải Lăng, Quảng Trị, và được Dư địa chí Phong Điền viết là: “Hai nhánh hợp lưu thành sông Thác Ma”. Nhưng Mỹ Chánh nhập vào Ngọn Ô Lâu trước rồi sau đó mới gặp Thác Ma mà viết như vậy thì thành ra Ngọn Ô Lâu là nhánh của sông Mỹ Chánh? Lại nữa: Sau khi hai nhánh này nhập vào nhau rồi mới gặp Thác Ma, mà viết như vậy thì thành ra Ngọn Ô Lâu là nhánh của sông Thác Ma? Mà nếu vậy thì lại mâu thuẫn với nội dung đoạn sau: “Sau khi qua khỏi cầu Phước Tích cùng với sông Thác Mã (còn gọi là sông Mỹ Chánh) chính thức thành sông Ô Lâu”!

Có thể cho rằng phía Quảng Trị gọi đoạn chung với Ngọn Ô Lâu đó (hiện là đoạn ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh) là sông Mỹ Chánh với quan niệm rằng nhánh Mỹ Chánh và nhánh Ngọn Ô Lâu là 2 nhánh của sông Mỹ Chánh và sông Mỹ Chánh hợp lưu với nhánh Thác Ma thành sông Ô Lâu. Phía Quảng trị gọi Thác Ma là sông Mỹ Chánh là coi Thác Ma là nhánh của Mỹ Chánh chứ không phải Mỹ Chánh là nhánh của Thác Ma. Thôi thì Quảng Trị gọi thế nào, viết thế nào là quyền của họ. Nhưng người Thừa Thiên Huế ta mà viết: “sông Thác Mã (còn gọi là sông Mỹ Chánh)” thì thành ra ta hoàn toàn nghe theo họ mà quên rằng mình phải có chủ kiến riêng (viết: “sông Thác Mã (bên Quảng Trị gọi là sông Mỹ Chánh)” thì hợp lý hơn).

Những người viết Dư địa chí Phong Điền nên xem xét lại các chi tiết này, vì đứng về phía Phong Điền, Thừa Thiên Huế mà nhìn, thì Mỹ Chánh là nhánh của Ngọn Ô Lâu. Còn nếu đứng giữa, không đứng về phía Quảng Trị hay về phía Phong Điền hoặc Thừa Thiên Huế mà xét, lấy tiêu chí nhánh nào bắt nguồn từ nơi cao hơn, xa hơn thì nhánh đó là nhánh chính để phân biệt, thì Mỹ Chánh là nhánh bắt nguồn thấp và ngắn hơn cả, cho nên Mỹ Chánh là nhánh của Ngọn Ô Lâu, hợp lưu thành Ngọn Ô Lâu, còn Thác Ma và Ngọn Ô Lâu là 2 nhánh độc lập với nhau, hợp lưu tạo thành sông Ô Lâu.

Tuy có phần cục bộ địa phương, nhưng đây lại là vấn đề của lịch sử, nên không thể bắt bên nào phải nghe theo bên nào. Vấn đề ở chỗ là dư địa chí thì phải cố gắng làm cho chuẩn.

4. Trở lại với hồ chứa và quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế

a) Đối với hồ Ô Lâu Thượng.

Hiện Tỉnh đang hợp đồng với đơn vị tư vấn để lập BCNCTKT theo nội dung quy hoạch được duyệt tại Quyết định số 5204/QĐ-BNN-TCTL ngày 27/12/18 của Bộ NN&PTNT phê duyệt Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Hương - Ô Lâu giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với nội dung: “Xây dựng mới hồ chứa Ô Lâu Thượng trên sông Ô Lâu, tưới trực tiếp cho 200 ha; tiếp nguồn vào kênh hồ Hòa Mỹ, tưới cho khoảng 2.400 vùng cát Phong Quảng Điền; xả 4-5m3/s xuống hạ lưu sông Ô Lâu, kết hợp với đập Cửa Lác tạo nguồn cho các trạm bơm hạ lưu sông Ô Lâu, cấp nguồn cho khoảng 1.285 ha thủy sản; chống lũ tiểu mãn, lũ hè thu, bảo vệ sản xuất cho đồng bằng sông Ô Lâu với dung tích phòng lũ 30 triệu m3” (hình 3).

Hình 3. Bản đồ vị trí hồ Ô Lâu Thượng trên nhánh Ngọn sông Ô Lâu.

Yêu cầu “đảm bảo an toàn về lũ, úng” cho đô thị và các khu vực xây dựng khác của NVQHCĐT TTH đòi hỏi lưu lượng lớn nhất cho phép xả lũ về hạ lưu phải được khống chế sao cho lưu lượng đo tại trạm thủy văn Phong Bình không được lớn hơn lưu lượng ứng với mực nước báo động cấp 2 tại đây. Mức đảm bảo an toàn về lũ này cao hơn so với quy hoạch thủy lợi đã được duyệt (chỉ chống lũ tiểu mãn, lũ hè thu, bảo vệ sản xuất cho đồng bằng sông Ô Lâu), đòi hỏi dung tích phòng lũ lớn hơn, đập, hồ chứa cao hơn và kinh phí lớn hơn.

Trong 03 nhánh (Thác Ma, Mỹ Chánh, Ngọn Ô Lâu) của sông Ô Lâu, chỉ còn lại hồ Ô Lâu Thượng trên nhánh ngọn Ô Lâu để có thể cắt, giảm lũ cho Phong Điền, Quảng Điền. Nếu không thiết kế dung tích phòng lũ ở hồ này theo yêu cầu đảm bảo an toàn về lũ, úng cho đô thị và các khu vực xây dựng khác ở vùng hạ du đập như NVQHCĐT TTH đã yêu cầu thì sau này sẽ khó thực hiện.  Cần đặt an toàn và lợi ích của người dân lên trên hết để đề xuất Chính phủ hỗ trợ đầu tư bằng ngân sách Trung ương nếu ngân sách tỉnh không đủ để cân đối.

b) Đối với các hồ Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền.

Điều 28 Luật Thủy lợi quy định: Quy trình vận hành hồ chứa nước thủy điện phải tuân thủ quy định của Luật Tài nguyên nước. Ý nghĩa của quy định này là: Theo Luật Tài nguyên nước: Nước ở hồ chứa nước là nguồn nước, và nguồn nước là tài nguyên nước. Theo Điều 53 Hiến pháp, Điều 197 Bộ Luật Dân sự (“tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”) nên Nhà nước là đại diện chủ sở hữu nước trong hồ chứa nước (viết tắt là chủ hồ), có toàn quyền phân phối nước từ đập, hồ chứa nước cho các mục đích sử dụng khác nhau, bao gồm cả quyền xả bớt nước ở hồ chứa nước nhằm tạo dung tích trống chứa lũ đủ để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du đập theo mức đảm bảo đã được xác định. Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện quyền này khi ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông, trong đó quy định các hồ chứa thủy điện phải tham gia cắt, giảm lũ, kể cả khi đập chắn nước đó thuộc sở hữu tư nhân, và bất kể hồ chứa có dung tích thiết kế phòng lũ là bao nhiêu.

Luật Thủy lợi giải thích: An toàn đập, hồ chứa nước bao gồm an toàn cho