Chống ngập và Thoát nước - Bài 2. Bàn về các khái niệm liên quan chống ngập, thoát nước và xử lý nước thải [13-03-23]

13/03/2023 23:08

23

                                                           KS. Thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn

                                                    Hội Khoa học kỹ thuật Thủy lợi TP.HCM

 

1. Tình trạng thiếu khái niệm và thiếu chuẩn nhất về khái niệm trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Văn bản quy phạm pháp luật[1] (sau đây viết tắt là VBQPPL) được coi là sản phẩm của hoạt động quản lý nhà nước.

Tại các VBQPPL như Luật của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, ngay sau các điều khoản quy định về phạm vi điều chỉnh, về đối tượng áp dụng là điều khoản giải thích từ ngữ, tức định nghĩa khái niệm[2]. Mọi chuyện phải bắt đầu từ khái niệm[3]. Muốn làm gì cũng phải có khái niệm. Không có khái niệm thì hiểu không đúng và không làm đúng được. Có khái niệm mà khái niệm chưa chuẩn nhất (chưa chính xác hoặc chưa thống nhất trong cùng một văn bản hoặc trong hệ thống văn bản[4]) cũng có thể dẫn đến hiểu sai, làm sai.

TP.HCM bị ngập nước, từng có Trung tâm chống ngập và Chương trình chống ngập/giảm ngập nhưng ngập nước là gì, chống ngập là gì lại chưa hề được khái niệm. Chính phủ có Nghị định 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 về thoát nước và xử lý nước thải (sau đây viết tắt là Nghị định TN&XLNT), trong đó giải thích rất nhiều từ ngữ có chứa các cụm từ “thoát nước: “hoạt động thoát nước”, “hệ thống thoát nước”, “mạng lưới thoát nước”, “lưu vực thoát nước”…, nhưng lại không có giải thích về từ ngữ “thoát nước”. Phải biết nước là gì để định nghĩa về các loại nước khác như nước thải, nước quy ước sạch …, về ngập nước, thoát nước, chống ngập

Trong các Luật hiện hành không tìm thấy các giải thích từ ngữ (sau đây viết tắt là GTTN) về “nước”, “đất đai” …, nhưng lại có trong các Luật đã ban hành trước đó được thay thế bởi Luật hiện hành!

Không chỉ thiếu khái niệm hoặc có khái niệm mà định nghĩa/GTTN không chuẩn hoặc chưa thống nhất cũng có thể dẫn tới hiểu sai, làm sai. Sử dụng một khái niệm chưa được ban hành trong một VBQPPL cũng là làm sai. Thành phố Hồ Chí Minh đang áp dụng một tiêu chí ngập chưa được ban hành bằng VBQPPL để đánh giá về tình hình ngập do mưa gây bức xúc cho người dân, được cho là thiếu minh bạch[5] vì mức độ ngập trong các báo cáo không phản ánh đúng tình trạng ngập nước đã xảy ra (Báo Tuổi trẻ điện tử ngày 25/5/2018 đăng bài: Căn cứ nào xác định đường ngập, "tụ nước?”)[6]. Sử dụng tiêu chí này để làm căn cứ đánh giá, nghiệm thu, thanh toán khối lượng, chất lượng bơm tiêu thoát nước mưa trong các hợp đồng kinh tế, có dính đến tiền bạc là việc làm thiếu cẩn trọng. Vì vậy, việc nghiên cứu, rà soát, hoàn chỉnh để ban hành chính thức làm cơ sở pháp lý để thực hiện là rất cần thiết. 

Tình trạng thiếu chuẩn nhất về khái niệm trong các VBQPPL và trong hệ thống các VBQPPL như trên là rất nghiêm trọng, cần sớm được chỉnh đốn. Kết quả khảo sát sơ bộ các VBQPPL hiện hành liên quan đến thoát nước, chống ngập cho thấy có 04 trường hợp chưa có khái niệm và 22 trường hợp khái niệm chưa chuẩn nhất. Việc bổ sung các khái niệm còn thiếu, hay chuẩn nhất các khái niệm đều rất quan trọng, có tác động đến công tác chống ngập, thoát nước và ý tưởng thiết kế hệ thống, mạng lưới thoát nước.

Dưới đây nêu các vấn đề cần thảo luận, đề xuất.

Việc rà soát, chuẩn nhất các khái niệm dược đặt trong bối cảnh: Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó tại khoản 2 Điều 6 quy định: Nghiêm cấm xả nước thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường[7]; Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 15/2021/TT-BXD ngày 15/12/2021 trong đó tại khoản 3 Điều 4 hướng dẫn: Đô thị, khu dân cư tập trung hiện hữu đã có mạng lưới thoát nước chung phải được nâng cấp, cải tạo, mở rộng thành hệ thống thoát nước riêng hoặc nửa riêng theo lộ trình được Ủy ban nhân dân các cấp phê duyệt theo nhiệm vụ được phân công.

2. 04 khái niệm cơ bản liên quan chống ngập, thoát nước chưa được định nghĩa.

2.1. Khái niệm: “Nước”.

Luật Tài nguyên nước năm 2012 nhiều lần sử dụng từ “nước” nhưng lại thiếu GTTN khái niệm “nước”.

Thảo luận:

Lời nói đầu Luật Tài nguyên nước năm 1998 viết: “Nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước; mặt khác nước cũng có thể gây ra tai họa cho con người và môi trường. Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi cá nhân trong việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra …, Luật này quy định việc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra”. Điều đáng tiếc là khái niệm/thuật ngữ này không được giữ lại khi Quốc hội ban hành Luật Tài nguyên nước năm 2012 thay thế Luật Tài nguyên nước năm 1998.

Nước ở đây là nước ở dạng tài nguyên nước, rất cần thiết cho sự sống, môi trường và quốc gia nhưng cũng có thể gây tác hại. Luật Tài nguyên nước năm 2012 GTTN: “Tài nguyên nước bao gồm nguồn nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển …” và: “Nguồn nước là các dạng tích tụ nước tự nhiên hoặc nhân tạo có thể khai thác, sử dụng bao gồm sông, suối, kênh, rạch, hồ, ao, đầm, phá, biển, các tầng chứa nước dưới đất; mưa, băng, tuyết và các dạng tích tụ nước khác”.

Đề xuất:

Nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước. Nước cần được bảo vệ, có thể khai thác, sử dụng, nhưng cũng có thể gây tai họa cho con người và môi trường nên cần có các giải pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra”.

2.2. Khái niệm: “Ngập nước”.

Chưa có VBQPPL nào định nghĩa/GTTN khái niệm “Ngập nước”, nhưng Nghị định TN&XLNT có 01 lần sử dụng cụm từ “Chống ngập” và 01 lần sử dụng cụm từ “chống ngập úng”, coi như là đã có đề cập đến hiện tượng ngập nước ở đô thị và khu dân cư tập trung.

Thảo luận:

Nước có thể gây tai họa cho con người và môi trường, trong đó có lũ, lụt, hoặc ở mức độ thấp hơn, thường gọi là ngập nước. Nói chung, ngập nước là tình trạng một vùng đất bị nước bao phủ, có thể do nước mưa từ trên trời rơi xuống tại chỗ, có thể do nước từ nơi khác đến như nước do triều từ dưới sông dâng lên, hoặc do nước lũ từ thượng nguồn đổ về, phủ tràn mặt đất, đường xá, ruộng vườn đến một độ sâu nào đó thì được cho là gây hại cho con người và môi trường, cần có giải pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. 

Ngập nước còn có nhiều nguyên nhân khác: do đất nền bị sụt lún; do phát triển đô thị vào vùng đất hoang hóa trũng thấp để tạo siêu lợi nhuận, thúc đẩy đầu tư nhờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tăng nguồn thu ngân sách; hoặc do tốc độ phát triển đô thị quá nhanh, hoặc do phát triển khu dân cư tự phát, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thoát nước luôn chậm hơn một bước, thậm chí vài bước, làm cho hệ thống thoát nước hiện có bị quá tải, nước thoát đi không kịp mà trở thành bị ngập nước.  

Hiện tượng ngập nước xảy ra thường xuyên, là vấn đề thời sự nóng ở nhiều đô thị, khu dân cư tập trung, kể cả ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Huế, Đà Năng …. Chủ yếu là do mưa tại chỗ hoặc trong thời gian đỉnh triều cao, hoặc do nước lũ trên sông từ thượng nguồn đổ về, hoặc do tổ hợp các yếu tố trên, gây nên tình trạng ngập nước.

Đề xuất:

Ngập nước là tình trạng của vùng đất thuộc đô thị hoặc khu dân cư, đường giao thông bị nước mưa rơi xuống, tràn vào, bao phủ, hoặc do chưa có mạng lưới thoát nước, hoặc do mạng lưới thoát nước hiện có bị quá tải làm cho nước thoát đi không kịp bị úng lại … tới mức gây hại cho con người và môi trường, đòi hỏi phải có các giải pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả”.

2.3. Khái niệm: “Thoát nước”.

Nghị định TN&XLNT sử dụng cụm từ “thoát nước” nhiều lần, nhưng chưa có giải thích về từ ngữ.

Thảo luận:

Nước mưa rơi xuống mặt đất, thoát đi không kịp gây ngập (úng) nước. Thuật ngữ “thoát nước” sử dụng ở Nghị định TN&XLNT không chỉ có thoát nước mưa mà còn có cả thoát nước thải và xử lý nước thải (sau đây viết tắt là XLNT). Vì thế, nghĩa của từ thoát nước trong Nghị định bao hàm cả XLNT[8].

Thoát nước tại Nghị định TN&XLNT gắn với mục đích thu gom, chuyển tải, tiêu thoát nước mưa, nước thải, chống ngập úng và xử lý nước thải của hệ thống thoát nước. Thoát nước nhờ trọng lực gọi là thoát nước tự chảy. Khi phải bơm gọi là thoát nước có áp, nhưng ở phần phía trước hố bơm của trạm bơm vẫn luôn là thoát nước tự chảy[9].

Đề xuất:

Thoát nước là giải pháp phòng, chống ngập do mưa cho vùng đất đô thị hoặc khu dân cư[10] bằng công trình thoát nước, trong đó: Nước mưa được thu gom, tự chảy ra môi trường hoặc tới trạm bơm để được bơm xả ra môi trường; nước thải được thu gom, chuyển tải đến trạm bơm về công trình xử lý nước thải”.

2.4. Khái niệm: “Chống ngập”.

Nghị định TN&XLNT có 02 lần sử dụng cụm từ “Chống ngập[11] (tại Điều 2 và Điều 20). 

Thảo luận:

Nước dưới sông, kênh, rạch theo đỉnh triều cao dâng lên tràn bờ hoặc theo mạng lưới thoát nước tràn vào đô thị, khu dân cư, hoặc nước lũ trên sông từ thượng nguồn đổ về, tràn bờ sông, kênh, rạch vào các vùng đất thấp ven sông …, gây ngập nước.

Chống ngập là giải pháp thủy lợi nhằm ngăn chặn không cho nước lũ từ thượng nguồn đổ về hoặc nước triều từ sông, kênh, rạch tràn vào vùng đất muốn bảo vệ bằng các công trình đê bao và cống dưới đê, hoặc ngăn chặn không cho nước luồn theo công trình thoát nước vào đô thị, khu dân cư tập trung bằng xây dựng/lắp cửa cống ngăn triều.  

Nếu không có công trình thủy lợi bên ngoài tạo điều kiện biên thuận lợi (như xây dựng các đập, hồ chứa nước ở thượng nguồn để cắt giảm lũ, và/hoặc xây dựng đê bao, cống ngăn lũ, ngăn triều) thì mạng lưới thoát nước trong đô thị, khu dân cư tập trung không thể hoạt động tốt được.

Đề xuất:

Chống ngập là giải p