Chống ngập và Thoát nước - Bài 3. Quy hoạch 1547 và 09 nội dung tổng kết của Bộ NN&PTNT về Quy hoạch 1547, về chống ngập và thoát nước ở TP.HCM [23-03-23]

13/03/2023 23:16

20

                                                                                KS. Thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn

                                                                         Hội Khoa học kỹ thuật Thủy lợi TP.HCM

 

 

Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây viết tắt là Quy hoạch 1547)[1] được lập và phê duyệt năm 2008 với mục đích hỗ trợ cho Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020 do Tổ chức JAICA (Nhật bản) thực hiện (sau đây viết tắt là Quy hoạch 752)[2] về phương diện chống lũ và ngăn triều trên sông. Sự ra đời của Quy hoạch 1547 là để khắc phục tình trạng khi đã có trên 15 dự  án thực hiện theo Quy hoạch 752 mà ngập úng lại đang có xu hướng gia tăng.

Phạm vi nghiên cứu của Quy hoạch 1547: Thành phố Hồ Chí Minh với diện tích 209.500ha; vùng phụ cận bao gồm hạ du các sông: Đồng Nai từ hồ Trị An đến biển với diện tích 235.000ha, sông Sài Gòn từ hồ Dầu Tiếng đến thành phố Hồ Chí Minh với diện tích 243.000ha, sông Vàm Cỏ Đông với diện tích 281.000ha. Tổng diện tích vùng nghiên cứu là 968.500ha. Căn cứ đặc điểm tự nhiên, điều kiện địa hình, tính chất ngập lụt, khả năng kiểm soát nước ngoại lai, quy hoạch phát triển, các cơ sở khoa học kỹ thuật, kinh tế và môi trường, phương án thủy lợi chống ngập úng của Quy hoạch 1547 phân chia khu vực Thành phố Hồ Chí Minh thành 03 vùng kiểm soát nước, gồm:

Vùng I: bao gồm toàn bộ khu vực bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè, trong đó có khu vực nội thành cũ, hiện có nhiều vấn đề bức xúc về tiêu thoát nước đô thị, môi trường, khu vực phía Nam thành phố và một phần được tỉnh Long An (bờ tả sông Vàm Cỏ và Vàm Cỏ Đông) chủ yếu là vùng đất canh tác và hoang hóa có nhu cầu về cải tạo đất mặn, phèn. Đây là khu vực trọng tâm của Quy hoạch.

Vùng II: gồm toàn bộ khu vực ngã ba sông Đồng Nai - Sài Gòn, là vùng đang phát triển, tình hình tiêu thoát nước thuận lợi hơn do đó có thể bố trí công trình để chống ngập, tiêu nước.

Vùng III: bao gồm toàn bộ khu vực bờ tả sông Nhà Bè - Soài Rạp, hiện tại là vùng sinh quyển nở, có thể xây dựng các công trình kiểm soát nước, quy mô lớn trong tương lai, tùy thuộc vào tình hình, diễn biến nước biển dâng và quá trình phát triển đô thị phía Nam thành phố.

Do Vùng I là khu vực trọng tâm của quy hoạch, và do việc điều chỉnh Quy hoạch 1547 thực hiện sau khi đã có Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017 và Luật số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, trong đó có Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 ngày 19/06/2017. Luật Thủy lợi hiện hành không còn quy hoạch thủy lợi chống ngập úng đơn vị tỉnh, thành phố, Quy hoạch 1547 không còn được điều chỉnh như một đồ án quy hoạch riêng, mà sẽ được hóa thân, tích hợp vào quy hoạch tỉnh (đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị của thành phố). Cũng vì lý do đó, bài viết này tập trung vào Phương án quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè (phương án dành cho Vùng I) của Quy hoạch 1547, bao gồm phương án chống lũ và phương án ngăn triều trên sông và đề cập tới 09 nội dung tổng kết hồi năm 2015 của Bộ NN&PTNT về Quy hoạch 1547, về công tác chống ngập và thoát nước của TP.HCM



<