Tóm lược và Tổng luận về bài toán trị thủy cho Thừa Thiên Huế [09-06-2023]
09/06/2023 18:04
KS. Thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn
Hội Khoa học kỹ thuật Thủy lợi TP.HCM
Thế là Nattoi đã viết xong 10 bài viết xoay quanh chủ đề bài toán trị thủy cho Thừa Thiên Huế, đủ để viết thêm một bài Tóm lược và Tổng Luận.
1. Tóm lược về xuẩt xứ các bài viết.
Tất cả các bài viết đều bắt nguồn từ tình trạng đồng bằng hệ thống sông Hương - sông Bồ mặc dù đã có 03 hồ chứa nước phủ hết lưu vực ở thượng nguồn mà năm nào cũng bị ngập do lũ nhưng lại được coi là điều bình thường, do thiên nhiên gây ra.
Nattoi cho rằng đó là do con người chúng ta làm chưa đúng, hoặc chưa tốt chứ không phải chỉ do tự nhiên, bởi vì không có lý nào đã có 03 hồ chứa nước như vậy mà vùng hạ du đập vẫn bị ngập lụt thường niên: Trung bình hàng năm, trên sông Hương có 3,5 trận lũ lớn hơn hoặc bằng báo động 2, năm nhiều nhất có 7 trận, năm ít nhất có 1 trận, trong đó có 36% trận lũ lớn và đặc biệt lớn.
Bài viết đầu tiên[1] ra đời trong hoàn cảnh đó, với một may mắn là ngày 19/10/2022 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1261QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, trong đó có nội dung yêu cầu: “Đề xuất các giải pháp cao độ nền và thoát nước mặt hợp lý cho các đô thị và các khu vực xây dựng khác; đảm bảo an toàn về lũ, úng; phòng tránh các hiểm họa thiên tai... nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng”. Theo đó, nhiệm vụ “đảm bảo an toàn về lũ, úng” đã được xác lập, và phải được giải quyết trước làm cơ sở cho giải pháp thoát nước mặt cho đô thị. Bài viết đầu tiên này, và các bài viết tiếp theo, cho đến tận bây giờ, đều chung hướng đó, bài sau đều có rà soát, củng cố, phát triển hoặc chỉnh đốn các vấn đề đã nêu ở bài trước, nâng tầm lên một bước so với bài trước.
Các hồ chứa nước ở thượng nguồn sông Hương, đương nhiên được thẩm định, phê duyệt thiết kế theo đúng quy định của pháp luật về thiết kế; được thi công xây dựng, nghiệm thu hoàn công, đưa vào sử dụng theo đúng quy trình, quy phạm; vận hành theo quy trình vận hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt … Tất cả đều đúng quy định, tại sao vẫn bị ngập lụt như thế? Nguyên nhân ở đâu?
Như thường nói: Một khi đã làm đúng theo quy định mà thấy vẫn có cái gì đó sai sai, thì phải xem lại các quy định, từ đó mà bài viết thứ ba[2] ra đời. Trong bài viết này, Nattoi, xuất phát từ những suy nghĩ trên, đã sục sạo, soi mói để tìm ra những bất cập trong pháp luật hiện hành về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước với mong muốn đề xuất thay đổi nó. Đồng thời, theo quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế được cơ quan Bộ ban hành cũng là văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó Nattoi nêu vấn đề: Pháp luật về thiết kế đập, hồ chứa nước hiện hành chưa có quy định cụ thể phải bảo đảm an toàn về lũ cho vùng hạ du đập đến mức độ nào (bảo vệ mùa màng hay bảo vệ đô thị và các khu vực dân cư khác?) - là vấn đề cần phải xem xét sửa đổi, bổ sung bằng phương pháp mới về thiết kế dung tích phòng lũ của hồ chứa theo lưu lượng xả lũ lớn nhất cho phép ứng với mức bảo đảm an toàn về lũ được xác định cho vùng hạ du đập.
Sau bài viết thứ tư[3], Nattoi mở rộng phạm vi vấn đề sang phạm vi bài toán chống ngập và thoát nước. Ở ngay bài đầu tiên về đề tài này (là bài viết thứ năm)[4], Nattoi đã phát hiện ra mối quan hệ giữa thủy lợi với thoát nước là mối quan hệ âm - dương qua lại với nhau, trong đó Chống ngập là dương, ở ngoài để bao bọc, che chở cho Thoát nước là âm, ở trong: Nếu không có các công trình chống ngập ở vùng ngoài để ngăn nước lũ từ thượng nguồn đổ về hoặc ngăn nước triều từ dưới sông dâng lên, thì mạng lưới thoát nước ở trong sẽ không hoạt động tự chảy hiệu quả. Thủy lợi có nhiệm vụ bảo đảm an ninh nguồn nước. Thoát nước ngày nay còn bao gồm cả xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận, cũng là bảo đảm an ninh về môi trường cho nguồn nước. Như vậy, thoát nước và xử lý nước thải giống như âm ở trong, âm thầm hậu thuẫn cho dương là nguồn tiếp nhận, là nguồn nước của thủy lợi ở ngoài[5]. Triết lý âm dương đã có từ xa xưa, nay dùng nó để soi sáng vào mối quan hệ giữa chống ngập và thoát nước, giữa thoát nước với chống ngập, giữa thủy lợi với thoát nước, giữa thoát nước với thủy lợi thấy thật là thú vị.
Ở Bài 1 (bài viết thứ năm) và Bài 3 về chống ngập và thoát nước (bài viết thứ bảy)[6] có phần viết liên quan bảo đảm an toàn xả lũ theo quy trình cho vùng hạ du đập, hồ chứa nước, cho thấy sự cần thiết và sự bất cập trong việc đảm bảo an toàn về lũ cho vùng hạ du đập của các đập, hồ chứa nước hiện có. Bài 2 (bài viết thứ sáu) bàn về rà soát, chuẩn nhất các khái niệm trong hoạt động chống ngập, thoát nước (tổng cộng có 04 khái niệm cần bổ sung, 22 khái niệm cần chuẩn nhất, 01 nội dung (về mức ngập gây hại và các mức độ ngập) cần được quy định để đảm bảo tính hợp lý và cơ sở pháp lý cho việc thực hiện). Tinh thần của bài viết này là: “Mọi việc bắt đầu từ khái niệm”, “Muốn làm gì cũng phải có khái niệm”, khái niệm phải chuẩn và phải được chuẩn nhất.
Ở bản Tóm lược và Tổng luận đầu tiên (bài viết thứ tám[7]), Nattoi tìm thấy văn bản chứa 09 nội dung tổng kết từ tháng 7/2015 của Bộ NN&PTNT về Quy hoạch 1547[8], về công tác chống ngập và thoát nước ở TP.HCM[9], trong đó có một tổng kết mang tính nguyên lý: ““Để khắc phục tình trạng ngập úng chúng ta có 3 đối tượng cần kiểm soát: Kiểm soát nước mưa; Kiểm soát nước lũ; Kiểm soát nước triều. Việc kiểm soát nước mưa không thể làm riêng rẽ, độc lập với việc kiểm soát lũ, kiểm soát triều, vì toàn bộ nước mưa trên vùng đô thị cuối cùng đều phải thoát xuống các bể tiêu là kênh rạch bao quanh”. Kế tiếp, liền ngay sau đó là lời nhắc nhở: “Một nguyên tắc cơ bản trong tiêu thoát phải tuân thủ nữa là thoát dưới trước - trên sau”: phải nạo vét nguồn tiếp nhận trước, từ sau cửa ra của mạng lưới thoát nước trở đi, theo quy tắc: “tiêu làm từ dưới lên” của ngành thủy lợi thì mới tiêu thoát nước được. Nếu chỉ mở rộng mạng lưới thoát nước mà không mở rộng nguồn tiếp nhận, thì nước mưa rơi xuống vẫn nằm tại chỗ là chủ yếu, nguồn vốn đầu tư đã bỏ ra phần lớn cũng bị chôn tại đó, hiệu quả đầu tư không cao.
Ngoài ra, Nattoi còn phát hiện: Quan điểm phải bảo đảm an toàn xả lũ theo quy trình cho vùng hạ du đập, hồ chứa nước đã được đặt nền móng từ Quy hoạch 1547 (do nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học đề xuất, chỉ đạo thực hiện) tại nội dung: “Bổ sung nhiệm vụ điều tiết lũ, hoàn thiện quy trình vận hành của các hồ chứa để bảo đảm an toàn và kiểm soát lũ tạo thuận lợi để chống ngập cho vùng hạ du”, cũng là một trong 9 nội dung được nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng tổng kết đánh giá hồi tháng 7/2015: “Việc kiểm soát lũ đã thực hiện được từng phần (thông qua dung tích siêu cao), song chúng ta còn phải phấn đấu để làm giảm nhỏ hơn nữa lưu lượng xả xuống hạ lưu (Qxả)”. Điều đó nói lên mong muốn xuyên suốt của Lãnh đạo ngành Thủy lợi trong việc đảm bảo an toàn cho vùng hạ du đập.
Bài viết thứ chín[10] là bản tham luận mà Nattoi chuẩn bị cho Hội thảo lấy ý kiến Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 tại KS. White Lotus (Huế) từ 13h00 ngày 01/4/2023. Tuy Ban Tổ chức không đủ thời gian để bố trí thuyết trình tham luận tại Hội thảo nhưng qua sáng ngày hôm sau Nattoi và Giám đốc Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế đã ngồi lại với nhau để trao đổi kỹ về nó (Sở Xây dựng là cơ quan chủ quản lập đồ án quy hoạch). Bản tham luận đã xây dựng và hoàn chỉnh phương pháp mới gắn kết dung tích phòng lũ của hồ chứa nước với mức đảm bảo an toàn cụ thể về xả lũ cho vùng hạ du đập[11], qua đó khẳng định quan điểm: Sự can thiệp của ngành Thủy lợi vào giải quyết vấn đề biên lũ và biên triều cho bài toán thoát nước đô thị của ngành Xây dựng là cần thiết và không thể thiếu. Tuy nhiên, quan điểm này còn mới mẻ, cần được phổ biến sâu rộng hơn.
Bản tham luận cũng có đề xuất giải pháp cụ thể giải quyết ngập gây ách tắc giao thông trên Quốc lộ 1A đoạn Km 866+900 đến Km 867+100 thuộc địa phận xã Lộc Trì huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế đi vào Đà Năng bằng cầu cạn: Làm cầu cạn thì có thể làm một bên đường còn lại một bên đường để lưu thông trong thời gian thi công. Sau khi hoàn thành thì lưu thông một bên đường, một bên cầu cạn. Khi có lũ thì chỉ lưu thông bên cầu cạn, giao thông trên QL1A không bị ảnh hưởng trong suốt thời gian thi công.