Phương pháp thiết kế xả lũ an toàn cho vùng hạ du đập và Quy trình vận hành xả lũ an toàn cho vùng hạ du đập [09-06-2023]

09/06/2023 18:32

25

                                                                                    KS. Nguyễn Anh Tuấn

                                                                        Hội Khoa học kỹ thuật Thủy lợi TP.HCM

 

 

 

Tình trạng đồng bằng hệ thống sông Hương - sông Bồ ở Thừa Thiên Huế mặc dù đã có 03 hồ chứa nước phủ hết lưu vực ở thượng nguồn mà năm nào cũng bị ngập do lũ từ báo động 2 trở lên đã thúc đẩy tác giả nghiên cứu, tìm hiểu bài toán trị thủy (khắc chế lũ trên sông) và vấn đề đảm bảo an toàn cho vùng hạ du đập, hồ chứa nước. Quá trình nghiên cứu, tìm hiểu được thể hiện qua 11 bài viết đã đăng trên vncold.vn[1], cuối cùng dẫn tới đề xuất Phương pháp thiết kế xả lũ và Quy trình vận hành xả lũ an toàn cho vùng hạ du đập (sau đây viết tắt là Phương pháp thiết kế xả lũ ATchovùngHDĐ, Quy trình vận hành xả lũ  ATchovùngHDĐ).

1. Về sự cần thiết phải đề xuất Phương pháp thiết kế xả lũ và Quy trình vận hành xả lũ ATchovùngHDĐ.

a) Về sự cần thiết phải đề xuất Phương pháp thiết kế xả lũ ATchovùngHDĐ.

Việc thiết kế đập, hồ chứa nước hiện nay thiên về tính toán đảm bảo an toàn cho đập. Yêu cầu bảo đảm an toàn về lũ cho vùng hạ du đập dù đã được quan tâm nhưng chưa đặt vấn đề giải quyết triệt để. Các quy định thiết kế hiện hành không được ràng buộc bởi yêu cầu bảo đảm an toàn về lũ cho vùng hạ du (không có thông số liên quan mực nước vùng hạ du đập) dẫn tới tình trạng mực nước tại trạm thủy văn trên sông ở hạ du đập có thể lên trên mực nước báo động lũ cấp 2, vượt báo động lũ cấp 3, chạm hoặc vượt mức lũ lịch sử … mà không ai có lỗi vì tất cả đều đã thực hiện theo đúng quy trình, quy định[2].

Đập, hồ chứa nước cần có dung tích phòng lũ đủ để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du đập. Vì vậy cần có phương pháp thiết kế đáp ứng yêu cầu đó.

b) Về sự cần thiết phải đề xuất Quy trình vận hành xả lũ ATchovùngHDĐ.

Các quy trình vận hành đập, hồ chứa nước hiện hành được lập phù hợp phù hợp với quan niệm tại Luật Thủy lợi: “Vùng hạ du đập là vùng bị ngập lụt khi hồ xả nước theo quy trình; xả lũ trong tình huống khẩn cấp hoặc vỡ đập”. Quan niệm này chưa phù hợp với quy định tại Điều 43 của Hiến pháp: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường” (hiểu theo nghĩa: là môi trường không bị đe dọa bởi lũ lụt; là nghĩa vụ hành động để không bị đe dọa bởi lũ lụt; mọi người là toàn bộ xã hội, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo[3]).

Để xả lũ không làm cho vùng hạ du đập bị đe dọa bởi lũ lụt, đập, hồ chứa nước cần có đủ dung tích phòng lũ, đồng thời cần có quy trình vận hành tương ứng với yêu cầu đó.

c) Vấn đề an toàn về xả lũ cho vùng hạ du đập đã được Bộ và Chính phủ quan tâm từ nhiều năm[4], nay đã đến lúc được giải quyết thóa đáng, tận gốc.

- Tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018, Chính phủ quan niệm rất đầy đủ: “An toàn đập, hồ chứa nước là việc thực hiện các biện pháp thiết kế, thi công, quản lý, khai thác nhằm bảo đảm an toàn cho đập, hồ chứa nước, các công trình có liên quan, an toàn cho người và tài sản vùng hạ du đập”.

- Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây viết tắt là Quy hoạch 1547) được Thủ tướng Chính phủ duyệt năm 2008, trong quy định biện pháp chống lũ cho Vùng I của Quy hoạch có 2 nội dung: (i) Bổ sung nhiệm vụ điều tiết lũ, hoàn thiện quy trình vận hành của các hồ chứa để bảo đảm an toàn và kiểm soát lũ tạo thuận lợi để chống ngập cho vùng hạ du; (ii) “Phối hợp vận hành xả lũ các hồ: Dầu Tiếng, Trị An, Phước Hòa và các hồ khác ở thượng lưu có xét đến chế độ thủy triều đoạn cửa sông”.

- Từ năm 2014, tại các quyết định: số 1892/QĐ-TTG ngày 20/10/2014, số 471/QĐ-TTG ngày 24/3/2016 và số 1895/QĐ-TTG ngày 25/12/2019 ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ chỉ cho phép hồ Dầu Tiếng xả lũ dưới 200 m3/s để hạn chế ngập cho TP.HCM, trừ khi mực nước hồ lớn hơn 25,1m thì được phép xả tới 2.800 m3/s. 

- Tháng 8/2015 Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây viết tắt là NN&PTNT) báo cáo trước thường trực Chính phủ về phân kỳ đầu tư Quy hoạch 1547: Việc kiểm soát lũ đã thực hiện được từng phần (thông qua dung tích siêu cao), chúng ta còn phải phấn đấu để làm giảm nhỏ hơn nữa lưu lượng xả xuống hạ lưu.

Quy định và đặt mục tiêu phấn đấu như vậy nói lên mong muốn xuyên suốt của Lãnh đạo Bộ và Chính phủ đối với yêu cầu đảm bảo an toàn cho vùng hạ du đập, nhưng nếu vẫn giữ các quy định về thiết kế đập, hồ chứa hiện hành thì khó mà giải quyết được tận gốc vấn đề.

- Gần đây nhất, tại Quyết định  phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế số 1261QĐ-TTg ngày 19/10/2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: “Đề xuất các giải pháp cao độ nền và thoát nước mặt hợp lý cho các đô thị và các khu vực xây dựng khác; đảm bảo an toàn về lũ, úng; phòng tránh các hiểm họa thiên tai... nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng”.

Dù là vô tình hay cố ý, yêu cầu: “đảm bảo an toàn về lũ, úng” cũng đáp ứng quan điểm được Bộ NN&PTNT báo cáo trước Thường Trực Chính phủ tháng 8/2015[5]: Để khắc phục tình trạng ngập úng chúng ta có 3 đối tượng cần kiểm soát: Kiểm soát nước mưa; Kiểm soát nước lũ; Kiểm soát nước triều. Để kiểm soát nước mưa chúng ta cần có một hệ thống tiêu thoát tốt, quản lý hệ thống tốt, ý thức bảo vệ công trình của cộng đồng cao. Song việc kiểm soát nước mưa không thể làm riêng rẽ, độc lập với việc kiểm soát lũ, kiểm soát triều, vì toàn bộ nước mưa trên vùng đô thị cuối cùng đều phải thoát xuống các bể tiêu là kênh rạch bao quanh (đang chịu ảnh hưởng của những biến động do triều)”. Tuy nhiên, nội dung yêu cầu này có lẽ còn mới mẻ, vượt quá khuôn khổ bình thường của đồ án quy hoạch đô thị.

Phương pháp thiết kế xả lũ ATchovùngHDĐ và Quy trình vận hành xả lũ ATchovùngHDĐ ra đời trong các bối cảnh trên và từ những kiến giải dưới đây.

2. Một số kiến giải liên quan đê sông, đập chắn nước với bài toán trị thủy (khắc chế lũ trên sông).