Giải thưởng Loa Thành- ươm mầm khởi nghiệp cho sinh viên ngành xây dựng
23/11/2024 10:50
Sáng ngày 23/11/2024, tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Ban tổ chức Giải thưởng Loa thành lần thứ 36 gồm Lãnh đạo Tổng Hội Xây dựng, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ chí Minh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Bộ Xây dựng đã trao Giải thưởng Loa Thành cho 66 sinh viên ngành Xây dựng. Chủ tịch Hội Đập lớn và PTNN Việt Nam, TS Hoàng Văn Thắng đã tham dự và trao giải thưởng cho các sinh viên đoạt giải.
Giải thưởng năm nay gồm 02 Giải Nhất, 18 Giải Nhì, 24 Giải Ba và 22 Giải Khuyến khích. Trường Đại học Thủy lợi có 04 sinh viên tham dự và giành được 01 Giải Ba, 01 Giải Khuyến khích.
Dưới đây Ban biên tập xin giới thiệu bài Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Chủ tịch Hội đồng chuyên ngành xây dựng công trình thủy. Bào đăng trong Tạp chí Người xây dựng số 391, tháng 11/2024.
-------------------
GS.TS Nguyễn Quốc Dũng: Giải thưởng Loa Thành là chỉ dấu cho những sinh viên xuất sắc, có nhiều cơ hội phát triển
Theo GS.TS Nguyễn Quốc Dũng - Chủ tịch Hội đồng - Chuyên ngành Công trình Thuỷ, các sinh viên được giải đều là những sinh viên xuất sắc, với kiến thức như vậy ra trường sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển.
Trong báo cáo của Hội đồng giám khảo chuyên ngành Công trình thủy giải thưởng Loa Thành 2024 cho thấy, năm nay chuyên ngành Công trình thủy chỉ nhận được 4 đồ án tham dự giải. Căn cứ và các tiêu chí và quy chế của giải thưởng Loa Thành, trải qua quá trình chấm chính và chấm chéo, Hội đồng giám khảo chuyên ngành Công trình thủy cơ bản là thống nhất có một đồ án đạt giải ba và một đồ án đạt giải khuyến khích.
Có thể nói việc chỉ có 4 đồ án gửi dự thi chuyên ngành Công trình thủy tại giải thưởng Loa Thành năm nay là một con số rất khiêm tốn. Thực tế này đặt ra câu hỏi: Phải chăng do thông tin giải thưởng Loa Thanh không được truyền thông rộng rãi hay số lượng sinh viên của ngành công trình thủy đã giảm đi so với trước đây?
Liên quan đến vấn đề này trao đổi với phóng viên Tạp chí Người Xây dựng, GS.TS. Nguyễn Quốc Dũng - Chủ tịch Hội đồng chuyên ngành Công trình Thuỷ giải thưởng Loa Thành 2024 cho biết, đối với chuyên ngành công trình thủy qua theo dõi thì số lượng đồ án gửi dự thi qua các năm đang ít đi. Nguyên nhân không phải từ thiếu nguồn, bởi có rất nhiều các trường đại học đào tạo chuyên ngành công trình thủy, đầu tiên là Đại học Thủy Lợi, Đại học Tài Nguyên Môi trường, Đại học Xây dựng… Tuy nhiên, thực tế là số lượng sinh viên đăng ký học ngành kỹ thuật nói chung, ngành công trình thủy nói riêng ngày càng ít đi. Tại Đại học Thủy lợi một năm tuyển sinh là từ 6.000 – 6.500 sinh viên, nhưng bốn ngành học truyền thống là Thủy Công – Thủy Điện – Thủy Nông –Thủy Văn giờ đây chỉ tuyển sinh được khoảng 200 em, con số này so với tổng số sinh viên nhập học của cả Đại học Thủy lợi là quá ít. Khi số lượng ít ỏi nó cũng thể hiện người học không quan tâm, từ đó đầu vào có chất lượng thấp hơn ngày xưa.
Vấn đề thứ hai, là động lực để sinh viên viên tham gia giải thưởng Loa Thành là không cao. Sinh viên chưa thấy được tính thiết thực của giải thưởng Loa Thành. Nếu như trước đây sinh viên nghĩ đến việc tham dự giải thưởng để làm đẹp CV khi làm hồ sơ đi du học, hồ sơ xin việc. Tuy nhiên, nhiều nhà tuyển dụng Việt Nam hiện nay họ kiểm tra kĩ năng khác, ít nhìn vào hồ sơ ứng tuyển xem có đạt giải này, giải nọ hay không.
Nguyên nhân thứ ba theo GS.TS. Nguyễn Quốc Dũng, là do thời điểm xét giải thưởng Loa Thành không trùng với thời kỳ học viên tốt nghiệp. Theo đó, thời gian xét giải thưởng Loa Thành là lúc nhiều trường đại học sinh viên chưa làm xong đồ án, hoặc có trường thì đã xong đồ án, sinh viên đã đi làm nên không trở lại trường tham gia giải thưởng. “Với trường Đại học Thủy Lợi mỗi năm có 2 kỳ tốt nghiệp là vào tháng 1 và tháng 6, nên cần điều chỉnh thời gian xét giải thưởng vào tháng 2 là lứa sinh viên có chất lượng cao hơn nên hoàn thành chương trình học sớm hơn”, GS.TS Nguyễn Quốc Dũng cho biết.
Được biết, trong báo cáo gửi Ban tổ chức giải thưởng Loa Thành năm 2024, Hội đồng giám khảo chuyên ngành Công trình thủy có nêu 4 kiến nghị gồm: Thứ nhất là tăng cường thông tin và động viên các sinh viên tham dự nhiều hơn; Thứ hai cần tính toán lại thời điểm xét giải cho phù hợp với thời điểm tốt nghiệp theo cách đào tạo tín chỉ như hiện nay; Thứ ba là xem lại quy định cơ cấu giải thưởng không vượt quá 20% số lượng đồ án tham gia dự thi; Cuối cùng nên xem xét cho các sinh viên chấm đạt giải cao được bảo vệ trước các hội đồng chuyên ngành để kiểm tra trình độ thực chất trước khi quyết định trao giải.
Trao đổi với phóng viên để làm rõ hơn các kiến nghị này, theo GS.TS Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, đầu tiên cần phát huy vai trò của Đoàn thanh niên trong các trường đại học để sinh viên tham gia nhiệt tình hơn và giải thưởng được lan tỏa hơn. Có thể phát động thi đua giữa các chi đoàn các khoa, đưa tiêu chí tham gia giải thưởng Loa Thành vào tiêu chí thi đua giữa các Đoàn trường trong khối, …
Về cơ cấu giải thưởng, việc quy định cứng số giải thưởng không vượt quá 20% số lượng đồ án tham gia dự thi là không nên. Với quy định này, thì chuyên ngành càng nhiều đồ án dự thi số lượng giải đạt được càng lớn. Thay vì dựa vào số lượng đồ án, cần dựa vào tiêu chuẩn số điểm, dựa vào chất lượng đồ án, đặc thù của mỗi chuyên ngành. Có những chuyên ngành mà đồ án sinh viên làm có khối lượng công việc rất lớn, khối lượng công việc gấp nhiều lần chuyên ngành khác.
Bên cạnh đó GS Nguyễn Quốc Dũng cũng đề nghị thay đổi cách thức nộp hồ sơ. Thay vì phải gửi đồ án bằng bản giấy, nên số hóa hồ sơ để thuận lợi cho việc chuyển hồ sơ cho các thầy chấm, cũng như lưu trữ hồ sơ ở cơ quan tổ chức giải.
Đánh giá về các đồ án dự thi chuyên ngành Xây dựng công trình thủy GS.TS Nguyễn Quốc Dũng cho biết, trong số 4 đồ án dự thi Công trình Thuỷ năm nay có đồ án của sinh viên Nguyễn Văn Minh với tên đồ án tốt nghiệp là: Thiết kế công trình xử lý sạt lở bờ sông La Giang-Hà Tĩnh.
Đồ án có điểm chấm sai khác không lớn giữa giáo viên chấm chính và giáo viên chấm chéo. Hội đồng đã phân tích và đi đến thống nhất trao giải ba với nhận xét sau: Đồ án tốt nghiệp của sinh viên Nguyễn Văn Minh có khối lượng công việc rất lớn so với khối lượng yêu cầu của một đồ án tốt nghiệp, trong đó đi sâu chuyên đề ứng dụng khoan phụt xi măng- sét để ổn định thấm nền đê là một công nghệ mới, chưa có tiêu chuẩn. Ứng viên đã sử dụng tốt các công cụ lý thuyết và phần mềm để phân tích thấm dưới nền đê. Tuy nhiên, vì đề cập đến quá nhiều nội dung, nên nhiều chỗ phân tích chưa sâu và chưa thực sự thuyết phục.
Nhìn chung, các đồ án năm nay được thực hiện nghiêm túc, đề tài bám sát thực tế, giải pháp mang tính khả thi, có áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, sử dụng các công cụ phần mềm tính toán hiện đại. Hội đồng tin rằng, các sinh viên được giải đều là những sinh viên xuất sắc, với kiến thức như vậy ra trường sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển.