Trả lời các câu hỏi về xử lý nền Đê quai Thuỷ điện Sơn La. [30/6/07]

30/06/2007 14:20

25

Trả lời các câu hỏi về xử lý nền Đê quai Thuỷ điện Sơn La.

 

BBT. Ông Nguyễn Văn Tăng có một số ý kiến (đăng trong mục “Hộp thư bạn đọc”) về  xử lý nền Đê quai Thuỷ điện Sơn La và cho rằng việc xử lý như vậy không  phải là biện pháp “jet grouting” như bài đã đăng trên website của tác giả Nguyễn Quốc Dũng (đăng trong mục “Khoa học & Công nghệ”). Ông  Nguyễn Quốc Dũng đã trả lời. BBT xin chuyển đến ông Nguyễn Văn Tăng cùng đông đảo bạn đọc:

 

Trước hết rất hoan nghênh và cám ơn sự quan tâm của bạn đọc đối với trang Web của Hội.

Về giải pháp chống thấm cho đê quai giai đoạn II của Nhà máy Thuỷ điện Sơn La, chúng tôi xin cung cấp thêm thông tin như sau:

1.      Trong hạng mục công trình này, như bài báo của Bùi Minh Thi và các đồng tác giả đã nói ở mục 2.5, đã áp dụng nhiều biện pháp để chống thấm. Tại thời điểm tháng 10/2005, do áp lực của tiến độ thi công, Ban chỉ đạo Nhà nước công trình thuỷ điện Sơn La đã có rất nhiều cuộc họp để bàn về giải pháp chống thấm sau khi đơn vị thi công khẳng định nếu chỉ áp dụng biện pháp khoan phụt truyền thống (theo cách gọi của các tác giả Bùi Minh Thi &…) hay gọi là khoan phụt qua ống manchette (theo cách gọi của ông Nguyễn Văn Tăng  ) là không giải quyết được. 

2.     Trong thực tế, đã sử dụng các giải pháp thi công như sau:

-       Với đê quai hạ lưu:

+        Sử dụng cọc khoan nhồi: từ mặt cắt NT8 đến NT9+4m. Đây là đoạn giáp với kênh dẫn dòng, do có lẫn nhiều đá lăn đá tảng còn sót lại khi thi công đê quai làm kênh dẫn.

+        Từ mặt cắt B10 đến B11+8m, vai tả: dùng biện pháp bóc dọn tạo chân răng

+        Từ mặt cắt B2 đến B4: do đoạn này địa tầng chủ yếu là lớp cát thô lẫn sỏi sạn nằm xen kẹp (dày khoảng 3-5m) nên khoan phụt tryền thống không xử lý được, do đoa quyết định sử dụng  bằng tường xi măng đất bằng giải pháp kết hợp trộn khô và trộn ướt (jet-grouting). Sở dĩ phải dùng máy trộn khô là vì trong nền có lần nhiều cuội sỏi, dùng cánh cơ để trộn tạo cọc sơ bộ; nhưng vì phương pháp trộn cơ khả năng chống thấm kém nên sau đó phải dùng Jet-grouting làm lại một lượt nữa.

+        Các đoạn còn lại: sử dụng khoan phụt truyền thống.

-        Với đê quai thượng lưu: dùng giải pháp đắp sân phủ kéo dài

-        Thành công của các giải pháp trên đã được chứng minh trong thực tế, bạn không nên nghi ngờ. Lưu lượng thấm vào hố móng hiện nay vào khoảng 200 m3/h (so với tính toán khoảng 800 m3/s); Đây là thành công chung của cán bộ kỹ thuật thuỷ lợi nước ta. Xin cung cấp thêm thông tin: Công trình thuỷ điện Hương Điền (Huế) do Ukraina thiết kế hiện nay đang rất khó khăn với vấn đề tương tự, mấy tháng nay chưa bơm cạn được.

3.     Năm 2005, chúng tôi đã thành công khi sử dụng jet-grouting để làm chân đanh thượng lưu cho đập Đá Bạc (Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh), cột nước đập là 22m. Nền cát lẫn cuội sỏi. Tường ximăng-đất (XMĐ) dài 1040m, chỗ sâu nhất 18m, tại hai vai thiết kế 1 hàng cọc, đoạn giữa suối làm 2 hàng. Mái thượng lưu chống thấm bằng màng Geomembrane dày 1mm, bảo vệ bằng lớp BT đổ tại chỗ dày 15 cm. Hồ đã tích nước hơn 1 năm nay, qua theo dõi thấm thấy kết quả tốt.

4.      Năm 2007, Hội đồng thẩm định Bộ Nông nghiêp &PTNT do GS. TSKH. Phạm Hồng Giang chủ trì đã đồng tình cho ứng dụng ở đập Núi Một (Ninh Thuận), cột nước 18m, nền cát. Tường tâm (đoạn nền là tường XMĐ, đoạn thân đập là khối lõi đất tốt) dài 800m, chỗ sâu nhất 18m (kể từ mặt đất). Giải pháp này rẻ hơn 20% so với làm hào Bentonite (4tỷ4/5tỷ3). Điều quan trọng là không phải làm đường công vụ dài 4 km.

5.      Qua thi công một số công trình, chúng tôi đã rút được nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng tường XMĐ để chống thấm cho công trình thuỷ lợi, và thấy rằng trong một số trường hợp giải pháp này tỏ ra ưu thế hơn các giải pháp hiện có, đặc biệt trong việc sửa chữa công trình.

6.     Vì khuôn khổ bài viết có hạn, có thể chưa giải đáp hết thắc mắc của bạn đọc. Xin được tiếp tục trao đổi.

Nguyễn Quốc Dũng

Trung tâm Thuỷ công

Viên Khoa học Thuỷ lợi

Email: mtec@hn.vnn.vn

HP: 0913 225 184