Cần giải pháp căn cơ về bài toán ô nhiễm sông Tô Lịch [Tô Văn Trường]
04/12/2024 13:26
Theo thông tin trên báo chính thống, mới đây, ngày 2/12 Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng lãnh đạo các sở ngành, quận huyện TP Hà Nội đã đi kiểm tra tiến độ hệ thống xử lý nước thải Yên Xá và việc thực hiện các giải pháp làm sạch sông Tô Lịch. Buổi kiểm tra diễn ra sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm trong cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 27-11 đã đề nghị Hà Nội tiếp tục quan tâm đầu tư khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, duy trì, phát huy giá trị của các dòng sông, trong đó có sông Hồng, sông Tô Lịch.
Quan sát thực tế và nghe chính quyền địa phương báo cáo, ngay tại thực địa, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài chỉ đạo nếu nước từ hồ Tây chảy vào sông Tô Lịch được hai tiếng sẽ làm cạn hồ, sẽ rất nguy hiểm tác động đến môi trường sinh thái nên phải huỷ bỏ giải pháp này. Chủ tịch thành phố ông Trần Sỹ Thanh quyết định triển khai 1 dự án khẩn cấp để dẫn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch đến ngày 2-9 năm sau là phải hoàn thành, trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào.
Liệu sông Tô Lịch có thực sự được hồi sinh, hay vẫn chỉ là một câu chuyện dài chưa có hồi kết?
Giải pháp căn cơ
Sông Tô Lịch dài khoảng 14 km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía Nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 280 cửa xả nước thải. Theo ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi ngày 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch. Bất cập là còn 32 cống vẫn đang xả ra sông chưa được đấu nối vào hệ thống thu gom chung vì thuộc dự án khác (đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt đến đường giao Láng Hạ).
Việc bổ sung nguồn nước để duy trì dòng chảy môi trường cho sông Tô Lịch là cần thiết. Nếu lấy nước Hồ Tây sẽ gây xáo trộn nguồn nước, môi trường và hệ sinh thái thủy sinh của Hồ Tây, một lá phổi quan trọng của Hà Nội. Nếu sử dụng phương án bơm trực tiếp từ sông Hồng thì ít gây ảnh hưởng hơn nhưng sẽ rất tốn kém, không chỉ việc xây dựng hạ tầng mà lâu dài tốn kém về điện năng do phải duy trì bơm thường xuyên mới đảm bảo được.
Giải pháp mà Bí thư và Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo thực hiện chắc chắn vẫn chỉ là giải pháp tình thế, chưa căn cơ. Dù không lấy nước hồ Tây vì không đủ nguồn nước và tác động xấu đến môi trường sinh thái nhưng lấy nước sông Hồng do biến động lòng dẫn cũng đang rất lớn, do đó trạm bơm và cửa lấy nước sẽ không thể ổn định về lâu dài (hàng trăm công trình lấy nước dọc sông Hồng đã và đang khẳng định điều này). Ngoài ra, sông Tô Lịch là dòng sông tự nhiên, nên giải pháp căn cơ chủ yếu phải là giải pháp tạo dòng chảy tự nhiên cho sông. Việc cứu dòng sông bằng động lực chỉ là giải pháp "truyền máu" mang tính khẩn cấp chứ không thể thường xuyên truyền máu như vậy được.
Nếu sông Tô Lịch làm vậy, những dòng sông khác thì sao? Hay dân ở sông Đáy, Bắc Hưng Hải không quan trọng bằng dân Hà Nội? Giải pháp căn cơ là nghiên cứu về an ninh nguồn nước cho cả vùng đồng bằng sông Hồng, thành phố Hà Nội cần phối hợp với Bộ NN và PTNT nghiên cứu xây dựng chủ trương đầu tư, vừa có giải pháp căn cơ lâu dài, vừa có giải pháp trước mắt mang tính bền vững.
Giải pháp triệt để là thu gom, xử lý phân tán và tách riêng được nguồn nước thải (đã xử lý và chưa thể xử lý) với hệ thống tiêu thoát nước mưa. Hay nói cách khác cần xử lý tận gốc thay vì giải pháp phần ngọn: Thu gom hết các dòng nước thải về nhà máy xử lý tập trung chứ không cho đổ trực tiếp ra sông Tô Lịch thì sông Tô Lịch sẽ sạch bền vững mà không cần kinh phí lớn hàng năm như việc bơm nước sông Hồng. Đây là cách nhìn xử lý ô nhiễm chứ không pha loãng ô nhiễm khiến chất ô nhiễm phát tán đi xa hơn.
Xin lưu ý: Tôi biết có dự án JICA thu gom nước thải chuyển về khu xử lý tập trung Yên Xá để xử lý. Tuy nhiên, khi thu gom thì sông Tô Lịch sẽ không có nước, không có dòng chảy môi trường. Thực tế hiện nay ở đoạn thượng nguồn gần đường Hoàng Quốc Việt đã trơ đáy rồi.
Một vấn đề nữa của Hà Nội là hiện nay hệ thống thu gom nước mưa và nước thải vẫn đang chung nhau trong một hệ thống, làm cho việc xử lý khó hơn và cũng không tận dụng được nguồn nước mưa (sạch) bổ cập vào hệ thống sông nội đô.
Trong quy hoạch do Bộ NN&PTNT lập, khi xây dựng trạm bơm Liên Mạc 170 m3/s, trong đó 70 m3/s là tưới tiêu kết hợp, còn 100 m3/s là tiêu. Trong 70 m3/s đã có 20 m3/s dùng để cấp nước cho sông Tô Lịch thông qua trạm bơm Thuỵ Phương.
Hà Nội đã có tờ trình xây dựng giai đoạn1 trạm bơm Liên Mạc 70 m3/s. Tuy nhiên trong quy hoạch tổng thể quốc gia , quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng để dâng mực nước sông Hồng nhằm chủ động đưa nước vào hệ thống Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, sông Đáy và rất nhiều công trình thuỷ lợi khác có thể chủ động bơm lấy nước Chính phủ đã đồng ý xây dựng đập dâng trên sông Hồng, sông Đuống.
Sau khi xây dựng xong đập dâng trên sông Hồng việc bổ sung nước vào các sông nội địa, kể cả sông Tô lịch sẽ chủ động và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đúng như vấn đề nêu ở trên cần phải xử lý nước thải đổ vào sông Tô Lịch thì mới trọn vẹn được.
Cũng đã có nghiên cứu của đại học thủy lợi lấy nước trực tiếp từ sông Hồng đưa thẳng vào sông Tô Lịch, nhưng cần so sánh phương án với việc lấy nước từ sông Nhuệ sau khi có đập dâng mực nước ở sông Hồng.
Vấn đề vĩ mô này phải là cơ quan chuyên môn sâu của Bộ NNPTNT như Viện Khoa học học thủy lợi Việt Nam, Đại học thủy lợi , Viện quy hoạch thủy lợi nghiên cứu giúp thành phố Hà Nội có giải pháp xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch theo hướng bền vững và không hối tiếc
Thay cho lời kết
Sông Tô Lịch không chỉ là dòng sông mà còn là chứng nhân lịch sử, văn hóa của Hà Nội. Việc hồi sinh dòng sông không thể chỉ dựa vào những giải pháp tạm thời như pha loãng ô nhiễm bằng nước từ Hồ Tây hay sông Hồng. Muốn sông Tô Lịch thực sự hồi sinh, cần những hành động quyết liệt hơn: thu gom và xử lý nước thải triệt để, kết hợp với các giải pháp bổ cập nước sạch để duy trì dòng chảy môi trường.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội không nên lấy ý chí chính trị theo kiểu dân tuý để áp đặt vấn đề kỹ thuật. Tầm nhìn và tư duy quản trị đô thị là chỉ đạo cơ quan chuyên môn của thành phố gấp rút phối hợp với các đơn vị chuyên sâu của các ngành trung ương đề xuất các giải pháp vừa trước mắt, vừa lâu dài mang tính bền vững, không hối tiếc. Người dân cũng hiểu rằng Thủ đô Hà Nội là thành phố lớn và lãnh đạo lại thay liên tục, cơ chế và mối quan hệ cũng như nguồn lực đầu tư cũng thay đổi theo nên cấp dưới cũng phải lựa ý lãnh đạo mà xoay như chong chóng, do đó mọi việc đều ì ạch, chậm chạp. Dự án nhà máy xử lý nước thải đầu tư từ 2016 mà hết tháng 12/2025 mới vận hành thử được 1 phần.
Hành trình làm sạch sông Tô Lịch không chỉ là câu chuyện về môi trường mà còn là bài học về sự đồng bộ, quyết tâm và trách nhiệm trong quản lý đô thị. Câu hỏi đặt ra không phải là có làm được hay không, mà là bao giờ chúng ta sẽ làm đủ để biến giấc mơ hồi sinh dòng sông thành hiện thực.