Giải pháp làm hồi sinh các dòng sông phía Tây Hà Nội [Nguyễn Đình Duy]
04/12/2024 13:50
Giải pháp làm hồi sinh các dòng sông phía Tây Hà Nội
Nguyễn Đình Duy- nguyên cán bộ sở NN&PTNT Hà Nội
1. Lời BBT
Ngày 03/12/2024, Viện Thủy công- Hội Đập lớn và PTNN Việt Nam- Hội Cơ học Hà Nội đã có công văn gửi HĐND và UBND TP.Hà Nội đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cho Lập chủ trương Đầu tư Dự án cấp nước làm hồi sinh các dòng sông phía Tây Hà Nội.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Nguyễn Đình Duy đề xuất ý tưởng này. Từ năm 2022, Hội Cơ học Hà Nội đã tổ chức Hội thảo về Giải pháp làm hồi sinh các dòng sông phía Tây Hà Nội theo đề xuất của tác giả Nguyễn Đình Duy, nguyên Trưởng phòng XDCN của Sở NN&PTNT TP. Hà Nội. Tiếp theo, năm 2023, Viện Thủy công- Hội Đập lớn và PTNN Việt Nam- Hội Cơ học đã có công văn gửi Sở NN&PTNT đề nghị xúc tiến Dự án này. Rất tiếc, Hà nội vẫn loay hoay tìm giải pháp bơm nước qua Sông Hồng vào sông Tô Lịch mà nhiều người cho là không khả thi. Vì vậy, BBT xin chọn lọc Đề xuất của Tác giả Nguyễn Đình Duy dưới đây.
2. Hiện trạng các dòng sông phía Tây Hà Nội
2.1 Sông Tích:
- Cống Thuần Mỹ là hạng mục đầu mối của dự án lấy nước sông Đà vào sông Tích được UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt tại Quyết định số 2673QĐ-UBND ngày 31/12/2007; về tài liệu thủy văn tính toán thiết kế thời gian đó đến nay không còn phù hợp. Mặt khác theo tài liệu nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, đáy sông Đà đang bị xói sâu, kéo theo mực nước cũng bị hạ thấp. Vì vậy mực nước sông Đà trước cống Thuần Mỹ luôn thấp hơn cao độ thiết kế và phụ thuộc vào quy trình vận hành của Nhà máy thủy điện Hòa Bình.
- Do thời tiết biến đổi cực đoan, nhiều năm mực nước Hồ thủy điện Hòa Bình bị thiếu hụt điển hình như: Năm 2019 thiếu 1/3 dung tích thiết kế, Nhà máy nước sông Đà phải lắp đặt trạm bơm dã chiến để bơm cấp nước xử lý. Mùa kiệt năm 2023 mực nước sông Đà tại cống Thuần Mỹ không đạt +5,0m. (Cao trình đáy cống thiết kế lấy nước mùa kiệt +5,50m; mực nước thiết kế tại cống là +8,40m). Nếu không có giải pháp dâng mực nước vào mùa kiệt, cống Thuần Mỹ sẽ không chủ động được nguồn theo thời vụ và nhiều thời điểm phải “đắp chiếu” như cống Cẩm Đình lấy nước sông Hồng vào sông Đáy.
- Đập dâng không làm ảnh hưởng đến việc thiếu nguồn nước vùng hạ lưu: Dự kiến lấy khoảng 100m3/s chỉ bằng 60% lưu lượng của 03 con sông đã được cấp phép (sông Tích 60m3/s, sông Đáy 36,24m3/s, sông Nhuệ 70m3/s). do vậy không làm thiếu nguồn của vùng hạ lưu mà còn dư so với quy hoạch đã duyệt.
- Chọn cao trình đập dâng phù hợp để không gây ngập lụt phía thượng lưu và không làm ảnh hưởng nhiều đến công suất phát điện của Nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Đập dâng có thể sử dụng đa mục tiêu, tạo ra kho nước dự trữ, nuôi trồng thủy sản, cải thiện môi trường cho khu vực tâm linh K9, có âu thuyền để phục vụ cho giao thông đường thủy từ sông Hồng lên Hòa Bình được thuận tiện, kết hợp phát điện cột nước thấp để tận dụng năng lượng tái tạo, phát huy hết hiệu quả công trình và đề xuất xã hội hóa đầu tư quản lý vận hành hệ thống.
Theo Quyết định số 50/QĐ-TTg ngày 06/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng – sông Thái Bình thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến 2050. Đoạn 9 sông Đà từ Hợp Thanh- TP Hòa Bình- tỉnh Hòa Bình về đến Phong Vân –Ba Vì –TP Hà Nội. Chức năng nguồn nước của đoạn sông này là cấp cho: Sinh hoạt, Sản xuất Nông nghiệp, Công nghiệp, Giao thông thủy và sử dụng cho Thủy điện. Vậy cuối sông Đà có đập dâng là phù hợp với quy hoạch.
2.2 Sông Đáy:
- Dự án làm sống lại sông Đáy được Bộ Nông nghiệp &PTNT triển khai xây dựng từ năm 2002 bao gồm các hạng mục: Cống Cẩm Đình, cống Hiệp Thuận và tuyến kênh dẫn Cẩm Đình - Hiệp Thuận dài gần 12km. Với nhiệm vụ lấy nước tự chảy từ sông Hồng, cấp cho sông Đáy với lưu lượng về mùa kiệt là 36,24 m3/s , về mùa lũ là 70 m3/s, phục vụ sản xuất, sinh hoạt, cải tạo môi trường sinh thái và khôi phục lại dòng chảy trên sông để vận tải thủy. Dự án được xây dựng từ năm 2002 và đã hoàn thành bàn giao từ năm 2008, nhưng từ đó đến nay mực nước sông Hồng thấp hơn cao trình đáy cống Cẩm Đình nên không có nước chảy vào, đoạn đầu sông Đáy dài khoảng 50km vẫn là dòng sông “chết”.
2.3 Sông Nhuệ:
Sẽ xây dựng trạm bơm Liên Mạc với nhiệm vụ tưới, tiêu kết hợp, công suất 170m3/s, (giai đoạn 1 công suất 70m3/s) bơm nước sông Hồng vào sông Nhuệ để cải thiện môi trường thì mỗi ngày đêm tiêu tốn gần một tỷ đồng tiền điện. Chưa tính chi phí xây dựng, chi phí quản lý vận hành và các chi phí khác, đầu tư lớn nhưng hiệu quả thấp, dư luận khó chấp nhận.
2.4 Sông Tô Lịch:
- Nguồn cấp cho sông Tô Lịch để tạo ra dòng chảy là Hồ Tây, nhưng Hồ Tây chỉ là kho chứa nước mưa, khi không có mưa, hồ phải trữ nước theo cao trình thiết kế nên không có nguồn cấp thường xuyên cho sông Tô Lịch.
- Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, công suất 270.000m3/ngày đêm sẽ thu gom toàn bộ nước thải ra sông Tô Lịch, sông Lừ vào hệ thống đường ống đưa về trạm xử lý sau đó tiêu ra sông Nhuệ. Khi dự án hoàn thành nếu không có nguồn cấp thường xuyên sông Tô Lịch và sông Lừ sẽ trơ đáy, trở thành sông “chết”.
2.5 Hồ Tây:
- Dự kiến lấy nước từ sông Hồng vào Hồ Tây bằng bơm điện, gồm 4 tổ máy bơm chìm, có các thông số: Q = 2.300 m3/h, H = 16,5m, N= 132kW. Như vậy, ước tính mỗi ngày đêm chi phí tiền điện khoảng 25 triệu đồng, chưa kể chi phí cho hệ thống bể chứa lọc nước trước khi xả vào hồ và các chi phí quản lý vận hành khác, hiệu quả thấp, không bền vững.
2.6 Nhà máy nước sông Đà:
Bên cạnh thiếu nước từ thượng nguồn đổ về thì đáy sông Đà bị hạ thấp liên tục do xói lòng dẫn làm cho việc lấy nước vào kênh dẫn nước thô nhà máy nước sông Đà ngày càng khó khăn. Năm 2020 đã phải xây dựng trạm bơm dã chiến để bơm nước cấp cho Nhà Máy. Nguy cơ thiếu nguồn nước thô trong mùa kiệt như những năm vừa qua đã đe dọa trực tiếp đến cung cấp nước sinh hoạt cho khu vực Tây Nam thành phố.
Từ hiện trạng nêu trên, Viện Thủy Công trực thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam; Hội Cơ học Hà Nội đề xuất đề tài: “Nghiên cứu đề xuất đập dâng cuối sông Đà (dưới cống Thuần Mỹ) để lấy nước vào sông Tích, từ đó dẫn nước sang sông Đáy, sông Nhuệ và sông Tô lịch của thủ đô Hà Nội”
Giải pháp công trình đề xuất đảm bảo chủ động cấp nguồn nước ổn định, bền vững, tạo dòng chảy tự nhiên cho các sông vùng hữu sông Hồng của thủ đô Hà Nội để cấp nước cấp cho: Sinh hoạt, Sản xuất Nông nghiệp, Công nghiệp, Giao thông thủy, cải thiện môi trường, đáp ứng đa mục tiêu.
3. Mục tiêu dự án đầu tư:
- Nghiên cứu các vị trí tuyến đập dâng trên sông Đà, dâng mực nước tại cống Thuần Mỹ để luôn chủ động lấy qua cống khoảng 100m3/s cấp cho sông Tích 40m3/s, sông Đáy 30m3/s, sông Nhuệ 25m3/s; Hồ Tây để ra sông Tô Lịch 05m3/s. Lưu lượng lấy 100m3/s (chỉ bằng 60% lưu lượng của 03 con sông đã được cấp phép, sông Tích 60m3/s, sông Đáy 36,24m3/s, sông Nhuệ 70m3/s) nên không ảnh hưởng đến việc thiếu nguồn của các vùng hạ lưu.
- Nghiên cứu đề xuất quy mô đập dâng tạm hay cố định, có âu thuyền, sử dụng đa mục tiêu như phát điện, du lịch...
- Nghiên cứu tuyến kênh dẫn nước nối tiếp từ sông Tích tại Sơn Tây đi theo đường quy hoạch Tây Thăng Long, cấp nước cho sông Đáy, sông Nhuệ và Hồ Tây.
- Đề xuất các giải pháp công trình đi qua sông Đáy, sông Nhuệ và các trục đường giao thông.
- Lựa chọn các phương án công trình dẫn nước dưới đường trục Tây Thăng Long từ đường vành đai 4 về đến Hồ Tây.
- Cải tạo môi trường, làm đẹp cảnh quan trên các trục sông, ao hồ nội Thành để Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững Thành phố thông minh.
- Chủ động cấp nước cho sản xuất nông nghiệp đúng thời vụ không phải chờ ngành điện xả nước xuống sông Hồng rồi lại phải bơm lên.
- Về tuyến: Sử dụng hệ thống công trình thủy lợi đã có và quy hoạch giao thông đã được duyệt, không phải tái định cư, chi phí xây dựng thấp, dễ thi công, hiệu quả kinh tế cao.
4. Nội dung, công việc chính cần thực hiện:
- Thu thập các thông tin, dữ liệu về hiện trạng các sông, hiện trạng thủy lợi vùng nghiên cứu và các lĩnh vực khác có liên quan. Phân tích, đánh giá để xác định sự cần thiết phải cấp bổ sung nguồn nước đảm bảo chất lượng cho các con sông trong vùng nghiên cứu.
- Nghiên cứu tổng quan và đánh giá thực trạng sử dụng, quản lý và khai thác nguồn nước sau hạ lưu thủy điện sông Đà.
- Cập nhật số liệu, tính toán cân bằng nước cho vùng nghiên cứu. Đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ công trình.
- Khảo sát, đánh giá các điều kiện tự nhiên đoạn sông Đà ở sau cống lấy nước Thuần Mỹ, sơ bộ lựa chọn vùng tuyến đập dâng.
- Điều tra, thu thập tài liệu thủy văn, tính toán lựa chọn cao trình đập dâng trước cống Thuần Mỹ, đảm bảo hiệu quả và kinh tế nhất.
- Nghiên cứu khả năng đập dâng kết hợp thủy điện cột nước thấp.
- Nghiên cứu âu thuyền để vận tải thủy từ sông Hồng lên Hòa Bình được liên thông.
- Khảo sát, thu thập dữ liệu vùng ngập úng hành lang sông Đà từ đập dâng đến sau thủy điện Hòa Bình. Tính toán chi phí đền bù vùng ngập lụt thượng lưu đập dâng.
- Khảo sát điều tra để xác định sơ bộ tuyến dẫn từ cống Thuần Mỹ về Hồ Tây.
- Báo cáo tổng hợp cơ sở khoa học cho việc đề xuất giải pháp công trình.
5. Dự kiến các kết quả chính:
- Tính toán dâng mực nước tối thiểu đảm bảo tự chảy về Hồ Tây.
- Đề xuất quy mô một số giải pháp đập dâng trên sông Đà để đảm bảo an toàn khi hồ Hòa Bình xả lũ và kết hợp đa mục tiêu.
- Chọn giải pháp âu thuyền cho giao thông thủy hiệu quả nhất.
- Lựa chọn giải pháp công trình dẫn nước về các sông, hồ nội đô.
- Xác định quy mô cống điều tiết tại các cửa chia nước.
- Xây dựng quy trình vận hành cấp nước tưới vào các hệ thống thủy lợi theo mùa vụ.
- Đề xuất giải pháp phòng tránh ngập lụt khi vùng dự án có mưa theo các tần suất thiết kế.
- Sơ bộ đánh giá tác động môi trường của đề tài.
6. Hiệu quả mang lại :
6.1. Phạm vi ứng dụng:
- Toàn bộ diện tích lưu vực của các sông: sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sép, sông Kim Ngưu.
- Cấp nước cho Hồ Tây thay dần nước cũ đảm bảo an toàn cho các thủy sinh vật sống trong hồ.
- Bổ sung nước cho trên 100 ao, hồ nội Thành bằng hệ thống đường ống tăng áp nằm dưới vỉa hè của đường giao thông.
6.2. Về môi trường:
a) Về mùa kiệt:
- Lấy nước sông Đà qua cống Thuần Mỹ cấp cho sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ, khôi phục lại dòng chảy tự nhiên cho các sông.
- Cấp nước cho Hồ Tây và sông Tô Lịch: khi Hồ Tây được cấp với lưu lượng 05m3/s và duy trì ở (+5,7m) đồng thời cũng luôn xả ra sông Tô Lịch 05m3/s. Khi có nguồn cấp mực nước sông Tô Lịch cao sẽ tiêu tự chảy ra sông Nhuệ không phải bơm tiêu nước thải qua trạm bơm Yên Sở như hiện nay.
b) Về mùa lũ:
- Đóng cống để không xảy ra ngập lụt phía hạ lưu.
- Khi không có mưa và hai đập dâng trên sông Hồng hoàn thành mực nước sông Hồng cao: Mở cống Cẩm Đình đưa nước vào Sông Đáy và mở cống Liên Mạc đưa nước vào sông Nhuệ theo quy trình vận hành của hai cống đã được phê duyệt.
6.3. Về Nông nghiệp:
Vì lợi thế về cao độ cột nước và lấy tự chảy nên hoàn toàn chủ động được thời vụ. Khi cần tưới vận hành cống điều tiết đưa nước tự chảy về các hệ thống kênh tưới.
6.4. Về giao thông
- Đập dâng Thuần Mỹ có âu thuyền sẽ tạo ra lòng sông Đà từ Ba Vì lên Hoà Bình có cột nước ổn định, hạn chế việc xói lở hai bên bờ sông Đà, tạo điều kiện thuận tiện cho vận tải thuỷ từ sông Hồng lên Hoà Bình không bị mắc cạn vào mùa kiệt như nhiều năm vừa qua đồng thời tạo cho nhân dân hai bên bờ sông phát triển kinh tế ổn định như du lịch đường thủy, nuôi cá lồng trên sông Đà vv.
- Tuyến kênh từ Ba Vì về Hồ Tây có dòng nước sạch, mực nước ổn định, kết hợp giao thông thủy, du lịch đường thủy cho từng đoạn kênh vv. Đây là điểm nhấn, hấp dẫn của khu vực sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế hai bên bờ kênh.
- Sông Đáy, sông Nhuệ và sông Tô Lịch sẽ là giao thông đường thủy nội đô và du lịch hấp dẫn.
6.5. Du lịch:
Khu vực Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, có những điểm du lịch hấp dẫn như: Núi Tản Viên, Đá Chông K9, nước nóng khoáng thiên nhiên Thuần Mỹ, công trình thuỷ lợi đầu mối Lương Phú, Đập dâng tạo ra hồ điều hòa thoáng mát cho khu vực, thu hút khách du thuyền trên sông Đà.
Hồi sinh các dòng sông của Thủ đô Hà Nội cần được ưu tiên đầu tư, công trình chỉ đầu tư một lần và được bền vững lâu dài, chi phí không cao, mang lại hiệu quả rất lớn về môi trường làm cho Thủ đô Hà Nội trở nên xanh, sạch, đẹp bền vững xứng tầm với Thủ đô của các nước tiên tiến trên thế giới./.
Hà Nội, tháng 12 năm 2024
Tác giả đề xuất
Nguyễn Đình Duy