Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam- 20 năm xây dựng và phát triển [GS.TSKH Phạm Hồng Giang]
12/12/2024 08:24
Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam-
20 năm xây dựng và phát triển
GS.TSKH Phạm Hồng Giang
Chủ tịch danh dự Hội
Hội Đập lớn Việt Nam (VNCOLD) là hội xã hội nghề nghiệp được thành lập ngày 11/7/2004 theo Quyết định số 42/2004/QĐ-BNV ngày 21/5/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Năm 2009 được đổi tên thành Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam theo Quyết định số 1573/QĐ-BNV ngày 17/11/2009 của Bộ Nội vụ và giữ tên gọi từ đó đến nay. Năm 2008 VNCOLD trở thành thành viên chính thức của Ủy hội đập lớn quốc tế (ICOLD- International Commity on Large Dam).
Hội là nơi tập hợp các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng đập và phát triển nguồn nước, đặc biệt là các chuyên gia đã nghỉ công tác, nhưng vẫn còn sức khỏe và tâm huyết với nghề nghiệp. Từ ngày thành lập đến nay, Hội đã có nhiều hoạt động rất tích cực, tổ chức và động viên hội viên và các chuyên gia góp phần thực hiện những chương trình lớn của Nhà nước về thuỷ lợi, thuỷ điện, tài nguyên nước, phòng tránh thiên tai, tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế.
Hoạt động Tư vấn phản biện và Giám định xã hội là nhiệm vụ trọng tâm của Hội. An ninh nguồn nước quốc và an toàn đập là chủ đề mà Hội đã phát động và gắn bó từ hơn 10 năm trước, bằng những hoạt động cụ thể và đóng góp ý kiến đến cơ quan có thẩm quyền.
Các chuyên gia của Hội tham gia vào các Hội đồng thẩm định hoặc có ý kiến đối với các văn bản pháp luật (Luật Tài nguyên nước, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Thủy lợi, Luật Xây dựng, v.v. và các văn bản hướng dẫn dưới Luật). Các chuyên gia được lựa chọn tham gia thẩm định, đánh giá, góp ý kiến cho các Quy hoạch vùng, Quy hoạch ngành thủy lợi, Quy hoạch một số lưu vực sông lớn, các Tiêu chuẩn Việt Nam, các đề tài nghiên cứu khoa học, … Nhiều ý kiến đóng góp của Hội và của các chuyên gia trong Hội có chất lượng và được ghi nhận.
Hội đã chủ động (hoặc phối hợp) tổ chức nhiều hội thảo trong nước và quốc tế tại Việt Nam, như: Hội thảo Hiện tượng đáy sông Hồng hạ thấp và các tác động (2010) và Hội thảo An ninh nguồn nước Sông Hồng (2022); Úng ngập tại TP Hồ Chí Minh và các đô thị (2008); Khai thác sử dụng tổng hợp nguồn nước (2013); An toàn đập (2012, 2022, 2023), Thủy điện trên dòng chính sông Mê công (2016), …
Hội cũng đã đăng cai một số Hội thảo quốc tế lớn tôt chức tại Việt Nam như: ASIA 2008 - Thuỷ lợi & Phát triển năng lượng tái tạo ở châu Á tổ chức tại Đà Nẵng ngày 10-11/3/2008, thu hút hơn 400 đại biểu quốc tế đến từ 43 quốc gia. Hội nghị Đập lớn Thế giới lần thứ 78 với tiêu đề “Đập và sự phát triển bền vững nguồn nước” tại Hà Nội, ngày 31/5-3/6/2010 tại Hà Nội, với hơn 700 đại biểu của 80 quốc gia, hơn 200 báo cáo khoa học đã được trình bày, hơn 60 gian trưng bày tại Triển lãm Kỹ thuật giới thiệu thành tựu và sản phẩm mới của các tập đoàn, các hãng tư vấn quốc tế lớn. Tại Hội nghị này, GS.TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy Hội Đập lớn Thế giới. Gần đây nhất, năm 2018 Hội đã tổ chức Hội thảo thiết bị thủy điện tại Đà Nẵng với hàng chục nhà cung cấp thiết bị trong và ngoài nước tham dự.
Hội cũng cử đại diện tham gia các Hội nghị quốc tế thường niên hoặc định kỳ do ICOLD hoặc các NCOLD tổ chức. Thời gian gần đây, Hội có chủ trương tổ chức đoàn ra cho một số chủ đập đi tham quan học hỏi kinh nghiệm quản lý an toàn đập, như: Hội nghị quốc tế về đập và thiết bị ở Malayxia (tháng 3/2023), Học tập kinh nghiệm quản lý bảo trì đập đá đổ bản mặt (CFRD) tại Vân Nam- Trung Quốc (tháng 10/2023). Hướng đi này sẽ được tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới.
Hội đã biên tập và xuất bản các tài liệu/ấn phẩm phổ biến kỹ thuật như: Atlas Đập lớn Việt Nam (tiếng Việt và cả tiếng Anh), Sổ tay an toàn đập (2012), Sổ tay phòng chống thiên tai, Sổ tay quản lý an toàn đập vừa và nhỏ... Đặc biệt, trang Web: www.vncold.vn là địa chỉ uy tín đối với các kỹ sư trong ngành, chuyển tải nhiều thông tin và kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh nguồn nước và an toàn đập đến với bạn đọc. Đến nay đã có trên 80 triệu lượt truy cập.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho những người quản lý, sử dụng đập được xem là hoạt động được Hội quan tâm đẩy mạnh. Trong năm 2022, Hội chủ trì biên soạn Tài liệu đào tạo bồi dưỡng kiến thức an toàn đập được Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành kèm theo Quyết định số 2650/2021/QĐ-BNN-TCCB. Năm 2003, Hội đã cung cấp giảng viên cho 10 lớp bồi dưỡng với các học viên đến từ các đập thủy lợi với trên 400 học viên, chủ trì tổ chức 01 lớp bồi dưỡng với trên 40 học viên đến từ các đập thủy điện.
Các đơn vị được Hội bảo trợ như Trung tâm Tư vấn KHCN phát triển tài nguyên nước (CCWR), Công ty tư vấn phát triển hạ tầng IDC, … hoạt động tự chủ theo Luật Doanh nghiệp, là nơi quy tụ các chuyên gia và Hội viên của Hội (đã về hưu và đang công tác, không chỉ ở Hà Nội mà còn ở nhiều địa phương trong cả nước) tiếp tục cống hiến kiến thức và kinh nghiệm, đóng góp ý kiến, góp ý thẩm tra các Dự án đầu tư, Thiết kế kỹ thuật, Thiết kế bản vẽ thi công và dự toán cho các dự án xây dựng thủy lợi, đê điều và hạ tầng nông thôn.
Các chuyên gia của Hội đã trực tiếp tham gia xử lý kỹ thuật suốt quá trình xây dựng đập Cửa Đạt (Thanh Hóa) cao 118m, đập Định Bình (Bình Định) cao 66m, đập Phước Hòa (Bình Dương), đập Tả Trạch cao 60m, đập Ngàn Trươi-Cẩm Trang (Hà Tĩnh)….
Đối với Hội viên nhiều tuổi Hội luôn quan tâm chia sẻ một cách kịp thời. Với thế hệ trẻ Hội có các phần thưởng hàng năm để động viên các sinh viên có thành tích học tập xuất sắc.
Vì những đóng góp cho ngành và cho đất nước, 20 năm qua Hội đã được tằng Bằng khen của Chính phủ (năm 2023), Bằng khen của Bộ Nội vụ, của Bộ Nông nghiệp và PTNT (2022), Cờ thi đua của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (2019) và các hình thức khen thưởng cho các tập thể, cá nhân trong Hội.
Thành công của Hội trong 20 năm qua là nhờ sự đóng góp tích cực của toàn thể hội viên tập thể và cá nhân, các thế hệ lãnh đạo Hội, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và các cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, đặc biệt Trường Đại học Thủy lợi và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội.
Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của BCHTW khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cấu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới nêu rõ: Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của các hội trí thức từ Trung ương đến địa phương, nhất là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam theo hướng sát thực tiễn, động viên, phát huy tối đa vai trò, tiềm năng to lớn của đội ngũ trí thức. Chú trọng nâng cao vai trò đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đội ngũ trí thức; thu hút, tập hợp, đoàn kết trí thức, phát triển tổ chức, phát triển hội viên; làm cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị với đội ngũ trí thức. Tạo điều kiện cho các hội trí thức, đội ngũ trí thức đóng góp ý kiến, tham gia hoạt động tư vấn, giám sát, phản biện, giám định xã hội, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động các hội đồng tư vấn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Có cơ chế tạo điều kiện cho các hội trí thức tham gia thực hiện một số dịch vụ công, giám sát hoạt động nghề nghiệp, kiểm định và công bố chất lượng một số dịch vụ công.
Đại hội đại biểu lần thứ V (nhiệm kỳ 2024-2029) diễn ra trong tháng 5/2024 là một dấu mốc mới trong quá trình phát triển của Hộ vì sứ mệnh an ninh nguồn nước và an toàn đập, thực hiện Kết luận 36- KL/TW. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với truyền thống 20 năm xây dựng và phát triển, Tôi tin tưởng Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam sẽ ngày càng gặt hái nhiều thành công hơn nữa./.