Chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý an toàn đập- Sự cố đập trên thế giới- Video No.10

18/12/2024 15:56

2

Sự cố đập trên thế giới- Video No.10

Thảm họa tồi tệ nhất do sự cố đập xảy ra ở Trung Quốc vào năm 1975. Trong một sự kiện vỡ đập phản ứng dây chuyền do bão gây ra, 62 đập liên quan đã bị hư hỏng, trong đó lớn nhất là Đập Bản Kiều. Kết quả của những sự cố này là 26.000 ca tử vong trực tiếp do mưa lũ và 100.000 - 150.000 ca tử vong do bệnh tật và phơi nhiễm. 

Các thảm họa đập lớn cũng đã xảy ra ở Ý (1961), Ấn Độ (1979), Ukraine (1961), Hoa Kỳ (1928, 1889), Indonesia (2009) và Anh (1864). Tổng số người chết do thảm họa đập trong thế kỷ 20, không bao gồm Trung Quốc, là khoảng 13.500 người (theo tác giả Coppola, 2015).

Theo uỷ hội đập lớn quốc tế (ICOLD, 2017), từ khoảng 36.000 đập lớn được liệt kê trong Danh sách đăng ký các đập trên thế giới, có khoảng 300 vụ tai nạn đã được báo cáo. Điều này làm cho tỷ lệ tai nạn chung của các đập là khoảng 1%. Điều đó nói lên rằng, không thể khẳng định 100% là đập không bị vỡ. Vấn đề là thiệt hại nếu xảy ra vỡ đập phải được giảm thiểu tối đa.

Báo cáo số 99 ICOLD (1995) cho biết, tỷ lệ xảy ra sự cố cao nhất trong lịch sử thường xảy ra ở các công trình đập đất. Nguyên nhân chính phổ biến nhất của sự cố là do tràn đập (31%), sau đó là xói ngầm bên trong thân đập (15%) và nền móng (12%). Trong các đập bê tông, các vấn đề về nền móng là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới sự cố, đặc biệt là xói ngầm (20%) và không đủ sức bền kéo (26%), tiếp theo là tràn đập (20%). 

Để bảo đảm an toàn đập, các quốc gia phải thực hiện đồng thời 4 nội dung chính sau đây:

 1. Hoàn thiện thể chế quản lý an toàn đập. Bao gồm các quy định pháp luật và văn bản dưới luật, hệ thống tiêu chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật và các quy định khác có liên quan;

 2. Hoàn thiện hệ thông thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý đập. Bao gồm: cơ sở dữ liệu về đập, kể cả các thông tin phục vụ quản lý tài sản đập; đặc biệt là hệ thống thông tin hỗ trợ quản lý đập, như dự báo khí tượng thuỷ văn, quy hoạch quản lý đất đai ở hạ lưu, v.v.

 3. Tăng cường công tác bảo trì đập. Bao gồm công tác kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ và đánh giá chất lượng đập. Kiểm tra và đánh giá an toàn đập ở nhiều nước trên thế giới đang tiếp cận dựa trên thông tin rủi ro, cho phép sàng lọc và nhận diện các đập có rủi ro lớn để ưu tiên sửa chữa nâng cấp kịp thời;

 4. Tăng cường bảo đảm an ninh đập. Bao gồm việc bảo vệ đập và kế hoạch ứng phó tình huống khẩn cấp.

Nhờ vậy, báo cáo của ICOLD cho thấy con số vỡ đập đã giảm 4 lần trong 40 năm qua, chủ yếu là do những cải tiến trong kỹ thuật thiết kế đập, kỹ thuật kiểm tra và quản lý an toàn đập.

Xem Video Clip ở đây