Chương trình bồi dưỡng kiến thức an toàn đập- Sự số thấm, xói ngầm ở đập đất và biện pháp xử lý khẩn cấp- Video No.14
18/12/2024 16:30
Sự số thấm, xói ngầm ở đập đất và biện pháp xử lý khẩn cấp- Video No.14
Hiện tượng thấm, xói ngầm có thể xảy tại nhiều vị trí ở đập đất. Trong quá trình kiểm tra đập có thể phát hiện thấm ở các vị trí như mô tả dưới đây. Cần phân tích nguyên nhân và có biện pháp xử lý kịp thời để hạn chế sự cố phát triển.
1- Thấm/xói ngầm qua nền đập: vị trí xuất hiện thấm thường cách xa chân đập. Nguyên nhân có thể do nền đập có lớp đất cát, cuội sỏi được che phủ bởi một tầng đất có khả năng chống thấm cao hơn. Trong quá trình khảo sát thiết kế không phát hiện ra hoặc xử lý không triệt để. Khi đưa vào tích nước, tầng phủ bị thủng hoặc bị đẩy bục do áp lực nước dưới đáy, nước trong nền phun lên mang theo các hạt đất/cát, hình thành ống xói dưới nền, phát triển đến mức độ nào đó sẽ ống xói sẽ sụp xuống gây vỡ đập.
2- Thấm/xói ngầm ở thân đập: trường hợp này vùng thấm sẽ xuất hiện ngay trên mái hạ lưu, vùng chân đập hoặc cao hơn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, nhưng thương là: 1) Đập bị nứt hoặc có khuyết tật do chất lượng thi công (đầm không chặt, hoặc xử lý tiếp xúc giữa các đợt thi công không đảm bảo kỹ thuật,...); 2) Tầng lọc bị thủng do cấp phối không đúng thiết kế, các hạt nhỏ theo dòng thấm chảy ra ngoài; 3) Do tổ mối hoặc hang động vật nằm dưới mực nước, thông với nước hồ chứa; v.v.
3- Thấm/xói ngầm ở vai đập: Trong quá trình thi công không bóc bỏ hết tầng phủ thấm nước hoặc sót lẫn rễ cây, khi đập tích nước sẽ hình thành khu vực dễ thấm nước. Hoặc thiết kế độ dốc vai đập quá dốc cũng làm cho việc đầm đất ở vùng tiếp giáp vai đập không đảm bảo độ chặt.
4. Thấm vùng tiếp xúc công trình bê tông cống hoặc tường tràn: Vùng tiếp xúc cống lâý nước hoặc tường tràn bằng bê tông thường xuất hiện thấm/xói ngầm. Nguyên nhân chủ yếu là do đầm đất không đạt độ chặt, đầm sót. Đối với cống ngầm, còn có nguyên nhân nữa là do không có các vành chặn dọc cống để kéo dài đường viền thấm, hoặc cống bị thủng, hoặc hở khớp nối làm cho dòng chảy có áp trong cống đi ra ngoài và chảy dọc theo mặt tiếp xúc về hạ lưu.
Khi phát hiện dòng thấm như trên, đặc biệt khi dòng thấm mang theo hạt đất, hình thành vùng đùi sủi có/hoặc không có bóng khí phải lập tức đắp quây lại bằng bao tải đất rồi dùng tầng lọc rơm đè lên, sau đó phủ tiếp đá dăm, đá hộc để ngăn chặn xói ngầm phát triển. Nếu điều kiện cho phép như trường hợp nước hồ cạn, hoặc phát hiện chính xác miệng vào ở thượng lưu thì có thể tìm cách lấp bịt từ thượng lưu.
Với lỗ rò nhỏ, thả đất (đóng bao) lấp đè lên miệng vào hoặc dùng bè rơm/cỏ có đính tấm bạt chống thấm một mặt để hạ/nhấn đè lên vùng miệng vào.
Cần lập báo cáo gửi cấp có thẩm quyền, trong đó mô tả hiện tượng, sơ hoạ vị trí xuất hiện và nêu biện pháp tạm thời đã tiến hành. Tiếp tục theo dõi thường xuyên, trường hợp cần thiết phải hạ mức nước trong hồ chứa.
Xem video ở đây