Chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý an toàn đập- Sự cố cửa van tràn xả lũ, biện pháp giảm thiểu và xử lý khẩn cấp- Video No.24
19/12/2024 07:44
Sự cố cửa van tràn xả lũ, biện pháp giảm thiểu và xử lý khẩn cấp- Video No.24
Sự cố thường gặp nhất đối với tràn xả lũ là kẹt cửa van, thậm chí gẫy cửa van. Hiện nay cửa van tràn trên hồ chứa thường là cửa van cung, đóng mở bằng xi lanh thuỷ lực.
Năm 1997, cửa van tràn hồ Dầu tiếng bị bung ra khỏi cối quay. Bộ Thuỷ lợi đã phải điều thiết bị từ thành phố Hồ Chí Minh lên để cắt cửa và kéo lên.
Năm 2014, cửa van tràn đập Đầm Hà Động không mở được. Lý do là đường dẫn dầu thuỷ lực bị nổ, xi lanh không hoạt động được. Nước lũ đã tràn đỉnh đập phụ gây vỡ đập phụ.
Năm 2010, tại đập thuỷ điện Hố Hô, do mất điện và không có phương án máy phát điện dự phòng nên các cửa xả tràn mở không triệt để, mực nước trong lòng đập từ đó dâng cao gây tràn đập, làm hại nghiêm trọng nhà máy và vùng vai đập.
Còn nhiều sự cố nữa liên quan đến hệ thống đóng mở cửa van tràn, như: thân cây chảy dưới cửa van quật lên làm cong xi lanh, cửa van rung động mạnh gây đứt cáp, thép chôn sẵn trong bê tông bị bong ra làm kẹt cửa, v.v. Các sự cố đều xảy ra bất ngờ và trong khi lũ đang về. Vì vậy, tình thế thường hết sức nguy hiểm, cần bình tĩnh để tìm biện pháp xử lý đúng.
Thông thường, với các đập lớn, khi thiết kế thường có thêm một cửa van dự phòng. Vì vậy, trước hết cần huy động các cửa còn lại tham gia xả lũ. Tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của sự cố và vị trí xảy ra sự cố để đánh giá mức độ nguy cấp để có hành động phù hợp. Thường thì các hành động này đã được chỉ dẫn trong Phương án ứng phó tình huống khẩn cấp. Hãy đọc và làm theo chỉ dẫn.
Về nguyên tắc, khi xảy ra sự cố ở tràn xả lũ cần làm ngay các việc sau đây:
² Mở các cửa còn lại, trong khi tìm cách khắc phục cửa bị hư hỏng/sự cố bằng cách thả phai sự cố.
² Huy động nhân lực, vật tư và kỹ thuật tại chỗ để chuẩn bị chống nước lũ có thể tràn đỉnh đập.
² Nếu có tràn sự cố thì chuẩn bị phá tràn sự cố, hoặc tìm địa điểm thích hợp và giải toả mặt bằng để có thể khơi tràn tạm thay cho tràn sự cố.
² Báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền để thông báo cho vùng hạ du nhằm bảo đảm an toàn cho người và tài sản.
Sau khi lũ đi qua cần tổ chức khảo sát và nghiên cứu cặn kẽ để tìm ra các nguyên nhân gây hư hỏng, sự cố; Thiết kế phục hồi phần công trình bị hư hỏng.
Tổng kết kinh nghiệm quốc tế cho vấn đề này như sau:
1- Để giảm thiểu sự cố phải có nhiều giải pháp đồng bộ, từ thiết kế, thi công đến quản lý vận hành. Có những nguyên nhân khó tránh (như động đất, chiến tranh) nhưng phần lớn sự cố xuất phát từ yếu tố chủ quan của con người.
2- Với mỗi đập, hồ chứa đang hoạt động đều có Quy trình vận hành, trong đó quy định về công tác kiểm tra, bảo trì (bảo dưỡng, sửa chữa,...) công trình. Với các hồ chứa lớn còn phải có QTVH cửa van tràn. QTVH cửa van là chỉ dẫn trình tự và kỹ thuật thao tác đóng mở cửa van cống và tràn, đồng thời cũng chỉ dẫn xử lý các hỏng hóc thông thường.
Như vậy, biện pháp căn bản và quan trọng nhất là phải thực hiện đúng và đầy đủ QTVH đã được phê duyệt, bao gồm/nhưng không giới hạn các vấn đề sau đây:
² Bố trí nhân viên vận hành tràn có đủ số lượng và năng lực theo quy định tại Nghị định 67/2018/NĐ-CP;
² Thực hiện đúng và đầy đủ các quy định trách nhiệm của đơn vị/cá nhân quản lý khai thác đập, hồ chứa quy định tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP vê Quản lý an toàn đập;
² Kiểm tra thường xuyên, kiểm tra trước và sau lũ. Nhất thiết phải vận hành cửa lên xuống để kịp thời phát hiện hư hỏng.
² Bảo trì công trình thường xuyên và định kỳ;
Nâng cao tinh thần trách nhiệm và kỹ năng nghê nghiệp cho nhân viên vận hành qua các lớp đào tạo ngắn hạn, tổ chức các buổi diễn tập, kiểm tra thường xuyên.
Xem Video ở đây