Chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý an toàn đập- Đập đá đổ- CLIP No.02

19/12/2024 10:11

17

Đập đá đổ là loại đập sử dụng vật liệu địa phương là chính, nơi có sẵn mỏ đá ở gần hoặc đá dư thừa khi mở móng công trình (móng đập, móng tràn, ...) sẽ được sử dụng để tạo ra khối đắp có tính ổn định cao. Để chống thấm người ta có nhiều cách và theo đó gắn với tên gọi của đập, như: đập đá đổ lõi giữa (bằng đất), đập đá đổ có khối chống thấm thượng lưu (bằng đất), đập đá đổ (đầm nén) có bản mặt chống thấm bằng bê tông cốt thép. Khối đá đổ thượng lưu và hạ lưu có tác dụng bảo vệ khối lõi với môi trường bên ngoài và gia tăng ổn định cho khối lõi.

Đập có khối lõi chống thấm bằng đất á sét điển hình như ở đập Thác Bà (xây dựng năm 1972), đập Hoà Bình (xây dựng năm 1985), đập Yaly (xây dựng năm 1997)... gọi là đập đá đổ lõi giữa. Nếu không có đủ đất á sét thì khối lõi có thể bằng vật liệu chống thấm khác, ví dụ như ở đập Tràng Vinh lõi chống thấm bằng tường bê tông cốt thép.

Cũng có khi khối chống thấm dạng tường nghiêng được đắp bằng đất á sét bố trí ở thượng lưu để chống thấm, khối đá đổ đầm nện ở hạ lưu có tác dụng ổn định, điển hình như ở đập thuỷ điện Sê San 3.

Những năm gần đây, với sự xuất hiện của máy móc thi công hiện đại, đập đá đổ bê tông bản mặt được áp dụng cho nhiều đập cao trên thế giới, đặc biệt là ở Trung Quốc. Đặc điểm của loại đập này là khối đá đầm nện chiếm hầu hết trọn mặt cắt, kết cấu chống thấm là bản mặt bằng bê tông phủ trên mái thượng lưu. Ở Việt Nam đã áp dụng khoảng trên 10 đập loại này như ở đập Tuyên Quang (năm 2007), đập Cửa Đạt (năm 2012),... 

Việc chọn kết cấu loại nào trong 3 loại trên tuỳ thuộc vào điều kiện địa chất tuyến đập, cân đối vật liệu địa phương có thể khai thác được, máy móc thiết bị thi công, ... Đặc biệt với đập đá đổ bê tông bản mặt có yêu cầu cao hơn về thiết bị đầm nén đá.

So với đập đất đồng chất hoặc đập đất nhiều khối, đập đá đổ thi công và kiểm soát thi công phức tạp hơn. Tuy nhiên, nếu bảo đảm chất lượng khối chống thấm tốt thì khả năng ổn định cao hơn nhiều, do đó có thể áp dụng cho các đập có chiều cao trên 100m. Nguy cơ sự cố đối với đập đá đổ cũng tương tự như đối với đập đất, là thấm, xói ngầm, ổn định mái thượng-hạ lưu, ... tuy nhiên công tác duy tu, bảo dưỡng đỡ vất vả hơn đập đất.

Nguy cơ sự cố đối với đập đá đổ chủ yếu xuất phát từ việc suy giảm khả năng chống thấm của khối lõi hoặc của kết cấu bản mặt chống thấm, từ đó ảnh hưởng đến ổn định của khối đá hạ lưu.

Xem Video ở đây