Hội thảo lũ quét, sạt lở đất [Bài 12/13: Công tác phòng ngừa, ứng phó và giải pháp giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Lai Châu- UBND tỉnh Lai Châu]
10/01/2025 16:42
Tỉnh Lai Châu nằm ở phía Tây Bắc Tổ quốc và bên sườn tây của dãy núi Hoàng Liên Sơn, có diện tích trên 9.000 km2, nằm trọn trong lưu vực đầu nguồn sông Đà, gần 90% diện tích là đồi núi. Địa hình được tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, có độ cao từ 200m đến hơn 3.000m, các dãy núi có nhiều đỉnh cao từ 2.000 đến trên 3.000 m so với mặt nước biển. Độ dốc lớn, địa hình chia cắt mạnh, nhiều sông suối, do vậy Lai Châu là tỉnh rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương và thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai như băng giá, rét đậm, rét hại trong khoảng từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau; mùa mưa, mưa nhiều, tập trung vào những tháng cao điểm (tháng 6, 7, 8), gây sạt lở đất, sụt lún ở nhiều nơi, làm thiệt hại về người, tài sản, cản trở và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân.
UBND tỉnh Lai Châu đề nghị:
1. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến với Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ các tỉnh bản đồ cảnh báo thiên tai với tỷ lệ phù hợp để nâng cao tính chính xác (ví dụ: tỷ lệ 1: 25.000 hoặc 1: 10.000).
2. Đối với các tỉnh miền núi, do tập quán của nhân dân ở rải rác tại các sườn đồi, ven suối, vào mùa mưa những điểm dân cư này có nguy cơ cao xảy ra sụt lún, sạt lở, lũ quét do vậy việc bố trí dân cư tập trung đến vị trí an toàn là rất quan trọng. Ủy ban nhân dân đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến với Chính phủ hỗ trợ nguồn lực để Tỉnh tập trung thực hiện các công trình phòng chống thiên tai theo thứ tự ưu tiên như sau: (1) Bố trí, ổn định dân cư; (2) Kè chống sạt lở bảo vệ khu dân cư, công trình hạ tầng; (3) Kè bảo vệ đất sản xuất; (4) Các công trình phòng chống thiên tai khác.