Đập đất có từ bao giờ? [15/7/07]

15/07/2007 08:10

27

Đập đất có từ bao giờ?

 

Hỏi: Đập đất trên thế giới được xây dựng từ khi nào?
Tình hình xây dựng đập đất ở Việt Nam?
Có tất cả bao nhiêu đập đất ở nước ta? Bao nhiêu đập lớn?

(tran phan)


Trả lời: Đập đất nhỏ là loại công trình thuỷ lợi đơn giản nhất. Chỉ cần dùng sức người và những phương tiện rất thô sơ là có thể  xây dựng được những đập đất rất nhỏ. Vì thế, chắc chắn là đập đất đã có từ xa xưa. Tuy nhiên, do vật liệu đất tự nhiên rất dễ bị huỷ hoại theo thời gian nên đến nay hầu như không còn di tích của những đập đất từ thời cổ đại. Việc mới phát hiện di tích đập đất cổ ở Thổ Nhĩ Kỳ như tin đã đưa trên website (mục “Đó... đây”) quả là rất hiếm, nếu chưa nói là duy nhất. Những công trình xây dựng từ thời cổ đại còn lưu lại đến ngày nay, như Kim Tự Tháp ở Ai Cập chẳng hạn, đều bằng đá. Mặc dầu vậy, các nhà khảo cổ cũng đã thu thập được một số chứng tích. Theo tư liệu của ASCE (American Society of Civil Engineering – Hội Xây dựng Hoa Kỳ) thì đập lớn bằng đất lẫn đá cổ xưa nhất là đập Sadd - el - Kafura cao khoảng 22m ở Ai Cập khoảng năm 2850 trước Công nguyên (cách chúng ta gần 5000 năm). Từ thế kỷ XIX, đập đất rất phát triển với những công nghệ ngày càng tiên tiến trong thiết kế và thi công. Những đập đất vào loại lớn nhất thế giới như Nurek (Tajikistan, cao 315m), Oroville (Mỹ, cao 262,5m),.. đã được giới thiệu trên website (mục “Đập lớn trên thế giới). Theo thống kê năm 1996 từ 63 nước thành viên của ICOLD (International Commission on Large Dams - Hội Đập lớn Thế giới) thì 80% đập lớn (cao trên 15m) là đập đất. Tuy vậy, đập đất có một số nhược điểm như vật liệu tự nhiên có độ bền vững tương đối thấp, bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết lúc thi công,... nên gần đây, các loại đập đá và đập bê tông - nhất là bê tông đầm lăn (RCC – Roller Compacted Concrete) thường là phương án được lựa chọn khi cần xây đập rất cao (trên 100m). Tại Hội nghị thường niên của USSD (United States Society on Dams - Hội Đập Hoa Kỳ) năm 2000, nhiều chuyên gia đã khuyến nghị dùng RCC khi sửa chữa, nâng cấp các đập đất lớn (một số trường hợp thuộc loại này sẽ được giới thiệu trên website).

Hầu hết đập đất ở Việt Nam được xây dựng từ năm 1954 ở miền Bắc và từ sau năm 1975 trên cả nước. Hiện chưa có thống kê thật đầy đủ về số đập đất ở Việt Nam. Theo “Át lát công trình thuỷ lợi tiêu biểu ở Việt Nam” (do Bộ Nông nghiệp & PTNT ấn hành năm 2003) thì tính đến năm 2000, nước ta có  ”... gần 500 hồ đập lớn với dung tích trên 1 triệu m3 nước hoặc đập cao trên 10m hoặc công trình xả lũ trên 2000 m3/s...”. Tại thời điểm đó, đập chắn nước (embankment dam) đều là đập đất, chỉ có đập Hoà Bình là đập đá đổ lõi sét. Mấy năm sau mới có các đập bêtông thông thường (conventional concrete) Tân Giang (Ninh Thuận), Lòng Sông (Bình Thuận), các đập đá đổ lõi sét Hàm Thuận – Đa Mi (Lâm Đồng), Yaly (Gia Lai), đập đá đầm nén có bản mặt bêtông cốt thép Quảng Trị, Tuyên Quang, đập RCC Plei Krong,... Hiện đang thi công các đập RCC Định Bình (Bình Định), Bản Vẽ (Nghệ An), Sơn La,..., đập đá đầm nén có bản mặt bêtông cốt thép Cửa Đạt (Thanh Hoá). Những đập này đã được giới thiệu trên website (mục “Đập ở Việt Nam”).  Trừ những đập không phải bằng đất như vừa nêu, các đập có trong danh mục đăng trên website (mục “Tư liệu”) đều là đập đất.

Các đập đất lớn hoặc tạo ra hồ chứa có dung tích lớn là Dầu Tiếng (Tây Ninh), Trị An (Đồng Nai), Núi Cốc (Thái Nguyên), Yên Lập (Quảng Ninh), Cấm Sơn (Bắc Giang), Sông Mực (Thanh Hoá), Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), An Mã (Quảng Bình), Phú Ninh (Quảng Nam), Núi Một (Bình Định),... Hầu hết đã được giới thiệu trên website (mục “Đập ở Việt Nam”)./.

BBT VNCOLD.VN