Tại sao lại chia thành đập lớn và đập nhỏ? Chiều cao đập được tính từ đâu? Thế nào là lũ ống, lũ quét?[28/7/07]
27/07/2007 19:14
Tại sao lại chia thành đập lớn và đập nhỏ? Chiều cao đập được tính từ đâu? Thế nào là lũ ống, lũ quét?
Hỏi: Ngày 7/6/2007 mục "Đó...đây" có bài "Đập lớn là gì, đập nhỏ là gì".Tại sao lại chia thành đập lớn và đập nhỏ? có phải là do có sự khác nhau về phương pháp tính hay về hình thức quản lý hay không?;
Trong trường hợp nền đập không bằng phẳng (theo tôi hiểu thì đây là trường hợp phổ biến) thì cao trình nền tính từ đâu để xác định là đập lớn hay đập nhỏ?
Nhân đây hỏi thêm: Thế nào là lũ ống, lũ quét? các trận lũ hàng năm vẫn xảy ra gọi là lũ gì?
Xin cám ơn sự giải thích của BBT.
(Nguyễn Song Lâm)
Trả lời: Đập thuộc loại công trình có yêu cầu đặc biệt về an toàn vì sự cố vỡ đập không chỉ gây tai hoạ tại chỗ mà còn cả trong những vùng rộng lớn ở hạ du đập, nơi thường tập trung đông dân cư, các đô thị, các cơ sở kinh tế - văn hoá,... Chiều cao đập là yếu tố rất quyết định đối với yêu cầu tính toán và quản lý đập. Đập càng cao thì việc tính toán và quản lý càng phức tạp hơn nhiều lần (cũng tương tự nhà cao và nhiều tầng thì đương nhiên có yêu cầu về tính toán và quản lý phức tạp hơn nhà “cấp 4”).
Cao trình nền khi tính chiều cao đập là ở chỗ thấp nhất (giữa lòng sông) tại vị trí “tim” đập.
Lũ là hiện tượng lưu lượng sông suối lên rất cao (thường do mưa lớn hoặc băng tuyết tan nhanh). Lũ quét (flash flood, debris) thường được hiểu là lũ xuất hiện rất nhanh do mưa lớn trên địa hình dốc, tốc độ dòng lũ cao, sức tàn phá mãnh liệt, phá huỷ và cuốn theo những vật cản cùng với bùn đất đá bị xói (gọi là “quét” theo nghĩa như thế). Gần đây đôi lúc có nhắc đến cụm từ “lũ ống”. Chưa có giải thích (chứ chưa nói đến định nghĩa) chính thức nào về cụm từ này. Có thể đây là cách tạm gọi trường hợp lũ quét với dòng chảy hẹp nhưng tốc độ rất mạnh.
Lũ quét và trượt lở đất (land slide) xảy ra ở miền núi do mưa lớn, đất yếu và nhất là do rừng bị xâm hại nặng.
Diễn biến của lũ khác nhau tuỳ theo đặc điểm lưu vực sông (diện tích, địa hình, thực vật, kết cấu hạ tầng,...) và do mưa trong lưu vực. Ở nước ta, những công trình thuỷ lợi (kể cả thuỷ điện), nhất là các đập, hồ chứa lớn, đều có mục tiêu kiểm soát hoặc giảm nhẹ lũ.
BBT.