Quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Đồng Nai - một yêu cầu cấp bách. [17/9/07]

16/09/2007 23:21

14

QUẢN LÝ TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN NƯỚC

LƯU VỰC SÔNG ĐỒNG NAI - MỘT YÊU CẦU CẤP BÁCH

(Tr ích tham luận tại Đối thoại suy thoái TNN trên LVS)

 

NGUYỄN TY NIÊN

Mạng lưới cộng tác vì nước của Việt Nam - VNWP

 

Sông Đồng Nai là con sông đẹp nhất, giàu tiềm năng và hiền hòa, trải dài trên 550 km từ cao nguyên LangBian khí hậu ôn đới đến cửa Soài Rạp, có tổng lượng nước hàng năm là 36.3 tỷ m3 nước vượt trội về tiềm năng thủy điện với công suất 2900 MW và 11500GWh; có hệ sinh thái đa dạng, với thảm rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn; vượt trội về tiềm năng du lịch bởi một quần thể liên hoàn giữa biển và cao nguyên ôn đới; giao thông thuận lợi với cảng biển lớn nước sâu.

     


    Lưu vực sông Đồng Nai và vùng phụ cận gồm các tỉnh Lâm Đồng - Bình Phước - Bình Dương - Tây Ninh - Đồng Nai - TP. Hồ Chí Minh, Ninh Thuận và Bình Thuận - khống chế một diện tích 44.500 km2 với số dân 14.621 triệu người (17,6% cả nước). Là vùng kinh tế năng động nhất nước ta, năm 2005 đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 64% cả nước, vốn đăng ký chiếm 55,7% cả nước, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm 57,3% cả nước.


   Là vùng mức đô thị hóa cao nhất nước, số lao động trong doanh nghiệp 2,3 triệu người (39,92%). Mức độ đô thị hóa đạt 53,1%. Riêng 4 tỉnh công nghiệp (Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh) đạt tới 64,7%.

Tình hình khai thác tài nguyên nước (TNN) lưu vực sông Đồng Nai (LVSĐN) phát triển với tốc độ nhanh mà 2 ngành sử dụng TNN nhiều nhất là thủy điện và thủy lợi đã đạt đến mức định hình Hiện nay có 7 nhà máy thủy điện đã vận hành với công suất 1300MW và đạt sản lượng 5.500 GWH (54,5% tiềm năng) và đến năm 2010 căn bản hoàn thành bậc thang sông Đồng Nai với 12 nhà máy thủy điện đạt công suất 2150 MW và 8.500 GWH (86% tiềm năng). Tạo dung tích điều tiết 6,3 tỷ m3 nước, trong đó chuyển gần 1 tỷ m3 nước ra ngoài lưu vực sang vùng khô hạn ven biển Bình Thuận, Ninh Thuận.

Về tưới đạt 250 ngàn ha. Hồ Dầu Tiếng Tây Ninh có dung tích 1,5 tỷ m3 nước tưới cho 70 ngàn ha, các hồ chứa lớn và vừa theo quy hoạch căn bản đã được xây dựng, các cánh đồng lớn đều được tưới.

Cấp nước sinh hoạt đô thị và công nghiệp bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện nay, vùng ven biển Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu còn thiếu nước nghiêm trọng, nhất là cho nhu cầu phát triển du lịch.

Thành quả khai thác tài nguyên nước trên đây là rất to lớn góp phần quan trọng trong sự phát triển của toàn lưu vực. Song sự khai thác cực đoan (tập trung cho thủy điện và thủy lợi) đã đẩy tới sự mất cân bằng bởi nhiều lợi ích, tiềm năng chưa được đề cập đến như giao thông thủy vùng trung và thượng lưu vực, phát triển du lịch, bảo vệ duy trì hệ thủy sinh, phát triển rừng gắn với tài nguyên nước. Các tranh chấp lợi ích giữa các vùng và ngành về TNN nhất là trong mùa khô đã trở nên gay gắt.

Đồng thời việc xử lý nước thải công nghiệp và sinh hoạt gần như chưa làm, đã đẩy tới xu thế ô nhiễm ngày càng gia tăng có nơi nghiêm trọng, các hệ sinh thái thủy sinh bị tác động mạnh.

Tình hình khan hiếm nước trên LVSĐN đã đến mức báo động khẩn cấp. Năm 2005 bình quân đầu người 2486 m3/năm (100%) dưới ngưỡng 4000 m3/người là mức thiếu nước theo tiêu chuẩn Hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA). Theo dự báo phát triển dân số của vùng thì năm 2010 chỉ còn ở mức 2098 m3/người/năm (84%); năm 2020: 1770 m3/người/năm (71,2%); năm 2040: 1475 m3/người/năm (59,3%) là mức khan hiếm nước.

Khan hiếm nước lại đặt trong bối cảnh vùng động lực phát triển lớn nhất cả nước, yêu cầu nước sinh hoạt và công nghiệp ngày càng tăng nhanh, chiếm tỷ trọng dùng nước lớn.

Hơn một thập kỷ qua các diễn đàn về nước trên thế giới liên tiếp mở ra, đến hội nghị thượng đỉnh Johannesburg ở Nam Phi năm 2002, nước đã tiến lên vị trí được quan tâm hàng đầu trong phát triển bền vững, thế nhưng với chúng ta, ngay tại lưu vực đã đến mức báo động này vẫn chưa rõ động thái đối phó với tình hình khan hiếm nước trên toàn xã hội.

Nông nghiệp là ngành dùng nước lớn nhất những vẫn duy trì kỹ thuật lạc hậu với các biện pháp công trình và mức tưới rất tốn kém nước. Vận hành thủy điện theo yêu cầu điện chưa tính đến điều tiết trên toàn lưu vực để đáp ứng lại các yêu cầu khác, môi trường nước biến động mạnh nhất là vào các giai đoạn cực trị (lũ, hạn hán).

Đặc biệt là nhận thức của cộng đồng chưa thấy hết thực trạng và nguy cơ khan hiếm nước trong lưu vực sông, hành động và sự phối hợp của chính quyền địa phương còn phụ thuộc, chưua có bộ máy đủ hiệu lực để quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông quan trọng này.

Vấn đề Quản lý tổng hợp tài nguyên nước (QLTHTNN) lưu vực sông Đồng Nai đã trở nên cấp bách, khẳng định rằng thành quả đã đạt được về thủy điện và thủy lợi trên lưu vực sông Đồng Nai là cơ hội để đẩy tới QLTHTNN lưu vực sông mặc dù còn có nhiều trở ngại, tạo tiền đề cho các yêu cầu dùng nước khác phát triển lưu vực sông để tối ưu hóa đảm bảo hợp lý các lợi ích và công bằng xã hội, bảo vệ tính bền vững các hệ sinh thái thiết yếu.

Vì vậy trên thực trạng quy hoạch của các ngành sử dụng tài nguyên nước, để tổng hợp, bổ sung, chỉnh lý, phối hợp lại các quy hoạch ngành, trên cơ sở đó xây dựng thành quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước của lưu vực sông, ưu tiên quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước xử lý nước thải và quy hoạch cấp nước sinh hoạt đô thị, du lịch và công nghiệp.

Sông Đồng Nai là động mạch chủ của miền Đông và khu 6 cũ, vì vậy QLTHTNN trên lưu vực sông Đồng Nai có vị trí chủ đạo đảm bảo cho sự tăng trưởng bền vững của vùng kinh tế động lực này. Vai trò của cộng đồng trong lưu vực trở nên quyết định việc khai thác tổng hợp tài nguyên nước trên lưu vực sông, gắn quản lý tài nguyên nước với môi trường (mà chủ đạo là môi trường nước và hệ sinh thái rừng). Vì vậy, lưu vực sông Đồng Nai là lưu vực sông ưu tiên cần có một Ủy ban lưu vực sông đủ mạnh bao gồm đại diện các tỉnh và các ngành có lợi ích lớn trên lưu vực được hoạt động độc lập trên cơ sở luật tài nguyên nước và Luật môi trường, văn phòng của Ủy ban lưu vực sông là Ban quản lý quy hoạch lưu vực sông Đồng Nai (mở rộng) làm nhiệm vụ xây dựng, quản lý quy hoạch lưu vực sông, điều phối tài nguyên nước, môi trường trên toàn lưu vực trên cơ sở tối ưu hóa đảm bảo hợp lý các lợi ích của các hộ và các vùng dùng nước, bảo vệ và kiểm soát môi trường nước, hệ sinh thái rừng đầu nguồn, cập nhật bổ sung các phát sinh trong quá trình quản lý, cấp phép theo phân cấp. Văn phòng hoạt động bằng nguồn kinh phí đóng góp theo tỷ lệ lợi ích của các địa phương và các ngành dùng nước và chịu sự quản lý nhà nước của ngành Quản lý Nhà nước về tài nguyên nước.

Với vai trò làm chủ của các địa phương trong lưu vực và các ngành sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông Đồng Nai mặc dù là vùng khan hiếm nước sẽ được quản lý, phát triển, bảo vệ và khai thác tổng hợp một cách tối ưu đem lại lợi ích to lớn về xã hội và kinh tế đảm bảo cho sự phát triển bền vững của một vùng trọng điểm, năng động nhất của đất nước.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Chiến lược phát triển thủy lợi đến 2020

Báo cáo cập nhật ngành điện 2006

Đề tài khoa học KC12-05

Chiến lược quốc gia về nước sạch và VSMT

     Niên giám thống kê 2005./.