Quản lý tài nguyên nước của Cộng Hòa Pháp. [11/10/07]
09/10/2007 17:29
QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC CỦA CỘNG HÒA PHÁP Thạc sỹ LÊ VĂN HỢP
(Bộ Tài nguyên & Môi trường)
1. Về cơ cấu tổ chức quản lý tài nguyên nước
Cộng hoà Pháp là quốc gia có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước. Năm 1964, Cộng hoà Pháp đã ban hành Luật tài nguyên nước, đạo luật đầu tiên của Pháp về tài nguyên nước, sau đó Luật này được sửa đổi, bổ sung vào năm 1983. Đến năm 1992, Cộng hoà Pháp đã ban hành Luật tài nguyên nước mới thay thế Luật tài nguyên nước năm 1964 và đến năm 2006 lại nghiên cứu, ban hành Luật tài nguyên nước mới thay thế Luật tài nguyên nước năm 1992.
Theo Luật tài nguyên nước năm 1964, Cộng hoà Pháp xây dựng mô hình quản lý tài nguyên nước theo 3 cấp gồm:
(1) Ở Trung ương, Bộ Sinh thái, Phát triển và Quy hoạch bền vững chịu trách nhiệm về quản lý tài nguyên nước quốc gia. Bộ có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch chung về quản lý tài nguyên nước, thực hiện công tác phòng chống lụt, bão và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Bộ thành lập Cục Quản lý tài nguyên nước - cơ quan trực tiếp giúp Bộ chỉ đạo, điều hành việc thực hiện các chương trình, kế hoạch quản lý tài nguyên nước quốc gia.
Bên cạnh Bộ Sinh thái, Phát triển và Quy hoạch bền vững có Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước. Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước có nhiệm vụ tư vấn cho Chính phủ và tư vấn cho Bộ Sinh thái, Phát triển và Quy hoạch bên vững về xây dựng pháp luật quản lý tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông, những vấn đề chuyên môn, khoa học và quản lý về tài nguyên nước liên vùng, liên lưu vực sông. Hội đồng quốc gia có 79 thành viên đại diện cho các Bộ, ngành và do Bộ trưởng Bộ Sinh thái, Phát triển và Quy hoạch bền vững quyết định, trong đó có 06 Chủ tịch Uỷ ban lưu vực sông trên toàn lãnh thổ Cộng hoà Pháp.
(2) Cấp vùng: Được tổ chức theo lưu vực sông. Toàn bộ lãnh thổ Cộng hoà Pháp được chia thành 06 lưu vực sông lớn, gồm: Seine - Normandie, Artois - Picardie, Rhin - Meuse, Loire - Bretagne, Adour - Garonne và Rhone - Mediterranée - Corse.
Đây là mô hình quản lý tài nguyên nước gắn kết trách nhiệm giữa Chính phủ, chính quyền địa phương với cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp trên lưu vực sông, trong đó đặc biệt coi trọng vai trò của người dân và của các doanh nghiệp trong việc tham gia vào công tác quản lý cũng như giải quyết các vấn đề về nguồn nước và xử lý ô nhiễm nguồn nước. Quản lý tài nguyên nước của Cộng hòa Pháp được thể hiện tập trung ở quản lý lưu vực sông. Mô hình quản lý lưu vực sông của Pháp đã được các nước trong cộng đồng Châu Âu công nhận là mô hình quản lý hợp lý nhất và đã có nhiều nước áp dụng theo mô hình này.
(3) Cấp địa phương: Chính quyền các địa phương có trách nhiệm đầu tư xây dựng các công trình cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, bảo vệ môi trường nước… đề phục vụ nhân dân. Kinh phí thực hiện các dự án, công trình công cộng thuộc ngân sách của các địa phương, nhưng được Cơ quan lưu vực sông hỗ trợ trung bình 40% tổng kinh phí xây dựng và cho vay thêm từ 10% đến 20% tuỳ thuộc vào từng dự án.
2. Về chính sách tài chính trong quản lý tài nguyên nước
Cộng hoà Pháp quản lý tài nguyên nước theo nguyên tắc người sử dụng nước và người gây ô nhiễm nguồn nước phải trả tiền. Nguyên tắc được đề ra là “mỗi giọt nước được cung cấp, mỗi giọt nước thải ra đều phải đóng tiền” để sử dụng vào việc cấp nước và xử lý ô nhiễm nguồn nước. Giá thành của một mét khối nước được tính chi tiết gồm:
(1) Giá cơ bản để sản xuất một mét khối nước sạch, giá này do đơn vị sản xuất nước sạch quyết định trên cơ sở giá thành sản xuất;
(2) Chi phí đầu tư cho việc thoát nước, xử lý nước thải sau khi sử dụng, giá này do đơn vị thoát nước quy định trên cơ sở chi phí đầu tư;
(3) Thuế tài nguyên nước do Nhà nước (Bộ Tài chính) quy định;
(4) Phí ô nhiễm nguồn nước do Uỷ ban từng lưu vực sông quy định hàng năm căn cứ trên mức độ ô nhiễm tính trên cơ sở số lượng dân cư, mật độ khu công nghiệp, làng nghề… Giá nước ở Cộng hoà Pháp được tính đầy đủ cả 4 khoản chi phí trên nhằm có đủ nguồn kinh phí để xử lý ô nhiễm, cung cấp nước sạch cho nhân dân.
Cơ quan luu vực sông được Nhà nước giao thu phí ô nhiễm nước và thuế tài nguyên nước và được sử dụng số kinh phí này để phục vụ cho quản lý, xử lý ô nhiễm nước và hỗ trợ các địa phương xây dựng các công trình công cộng về tài nguyên nước. Uỷ ban lưu vực sông là cơ quan quyết định mức phí ô nhiễm nước hàng năm cho nên giá nước hàng năm có thay đổi tuỳ thuộc vào mức độ ô nhiễm của từng lưu vực sông và lưu vực sông nào càng ô nhiễm thì giá nước càng cao.
Ví dụ giá nước cụ thể của Lưu vực sông Seine - Normandie năm 2005 là 2,93 Euro/m3, được tính như sau: chi phí của nhà máy sản xuất nước sạch sinh hoạt 1,14 Euro/mét khối + chi phí cho việc thoát nước, xử lý làm sạch nước trước khi thải ra môi trường 1,01 Euro/mét khối + thuế tài nguyên nước 0,15 Euro/mét khối và + phí ô nhiễm trên lưu vực 0,63 Euro/mét khối.
3. Về đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước
Công tác đào tạo nguồn nhân lực về nước ở Pháp được coi trọng và đã được đầu tư thoả đáng về cơ sở vật chất trang thiết bị kỹ thuật, vì vậy, chất lượng đào tạo cao. Người học được thực hành trên hệ thống công nghệ hiện đại, vừa nắm được lý thuyết, vừa có tay nghề thực tế, sau khi ra trường có thể làm việc ngay tại các cơ sở quản lý, sản xuất, kinh doanh về ngành nước.
Cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước của Tổ chức nước quốc tế (OIEau) đã được số hoá và thường xuyên cập nhật từ các trạm quan trắc môi trường đặt trên các lưu vực sông, đảm bảo cung cấp kịp thời, chính xác thông tin cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước và cho cộng đồng. /.