VNCOLD.VN phỏng vấn Đặc phái viên Chính phủ về đập và thủy điện ở Việt Nam.

24/10/2007 18:06

25

 
Ông Thái Phụng Nê

Phỏng vấn

Đặc phái viên Chính phủ

về đập và thủy điện ở Việt Nam

Chương trình Phát triển Thuỷ điện đang được triển khai mạnh mẽ trên cả nước đã được đông đảo bạn đọc Trang báo điện tử của  Hội Đập lớn Việt Nam (www.vncold.vn) rất quan tâm.

 Phóng viên www.vncold.vn vừa gặp và phỏng vấn ông Thái Phụng Nê, đặc phái viên Chính phủ, Chủ tịch danh dự VNCOLD, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

PV: Xin ông cho bạn đọc của www.vncold.vn biết khái quát mục tiêu phát triển thuỷ điện và một số dự án thuỷ điện lớn ở nước ta tới năm 2015?

Ông Thái Phụng Nê: Đến 2015 thì toàn bộ các thủy điện lớn trên các dòng sông ở Việt nam kết thúc. Công trình sau cùng là thủy điện Lai Châu có công suất 1200 MW, dự kiến khởi công năm 2009 và kết thúc 2015. Sau 2015 chỉ còn thủy điện nhỏ và vừa, được hiểu là từ 50MW trở xuống. Chủ trương chung là xã hội hóa việc đầu tư. Các công ty cổ phần, tư nhân, TNHH có thể tham gia đầu tư.

Từ nay đến 2012 coi như các thủy điện lớn, khoảng 85% sẽ hoàn thành và đưa vào cung cấp cho lưới điện Quốc gia.

Chính phủ quyết định cơ chế “797” hay “400” nhằm xây dựng nhanh thủy điện nhằm 2 mục tiêu:

-   Thứ nhất là khai thác tiềm năng thủy điện rất lớn của Việt Nam. Đây là nguồn năng lượng không phụ thuộc vào giá nhiên liệu như dầu mỏ, than, khí,... kết hợp với lợi ích chống lũ cho hạ du. 

-   Thứ hai là tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước có việc làm đồng thời chuẩn bị năng lực để cạnh tranh với các nhà thầu ở nước ngoài sau này.



 Thủy điện Sơn La (ảnh Cty Tư vấn điện 1)

PV:

Những giải pháp về quản lý, kỹ thuật tiên tiến nào cần được áp dụng để xây dựng có chất lượng và đúng tiến độ các đập thuỷ điện lớn như vậy, thưa ông?

Ông Thái Phụng Nê: Tất nhiên là phải huy động tất cả các doanh nghiệp lớn có ở trong nước nhằm phát huy nội lực. Trong từng dự án, mỗi doanh nghiệp phụ trách một tiểu dự án. Ví dụ: đập có 1 doanh nghiệp, tràn có một doanh nghiệp, ròi tổng hợp lại thành tổ hợp nhà thầu và cử 1 doanh nghiệp đứng đầu. Tổ hợp thi công đó có Ban điều hành chung, nhờ hế mà huy động được hết máy móc thi công, nhân lực hiện có trong nước. Đấy là giải pháp về tổ chức và quản lý thi công.

Giải pháp kỹ thuật là tích cực áp dụng các tiến bộ về công nghệ của thế giới, trong đó có các công nghệ về thi công, vật liệu, kết cấu, thiết kế,... như:

- Một là, triển khai các đập bê tông đá đầm nện có bản mặt bê tông (CFR). Có thể đắp nhanh, không phụ thuộc vào thời tiết. Đá được đầm chặt, dễ kiểm soát chất lượng. Thi công đập đất hoặc đập đá đổ có  lõi sét phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết nên khó kiểm soát chất lượng. Hàng loạt đập CFR như đập Tuyên Quang rất tốt, Rào Quán cũng đã xong. Đập Cửa Đạt và nhiều đập khác nữa đang xây dựng. Thi công được cơ giới hóa 100%, không làm thủ công.

- Hai là triển khai các đập bê tông đầm lăn (RCC) với các phụ gia khoáng sẵn có ở Việt Nam như puzôlan và tro bay (sản phẩm của nhà máy nhiệt điện). Cũng thi công cơ giới và tự động hóa hoàn toàn. RCC cho phép đắp đập rất  nhanh. Đập có thể lên cao thêm  tới 8 - 9 m/tháng. Có thể thi công đập cao 140m chỉ trong 2-3 năm. Nếu dùng bê tông thường, mỗi tháng chỉ đắp cao được khoảng 3m. RCC là công nghệ hiện đại với việc kiểm soát chất lượng thông qua các trang thiết bị tiên tiến. Dùng bê tông thường thì rất khó kiểm soát chất lượng.

       Cũng lưu ý thêm là trước đây đất puzôlan chỉ biết tại Vũng Tàu. Hiện nay đã tìm thấy rất nhiều mỏ puzôlan từ Bắc tới Nam như tại Việt Trì (Phú Thọ), Nghĩa Đàn (Nghệ An), Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), Đắk Nông,... Nếu puzôlan chỉ có ở Vũng Tàu thì chi phí vận chuyển đi các nơi rất đắt. Nay có thể lấy puzôlan ở Việt Trì cho đập Bản Chát, lấy ở Nghĩa Đàn cho đập Bản Vẽ, ở Sơn Tịnh cho đâp Sông Tranh 2,  lấy ở Đắk Nông cho các đập Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4,... Cũng nhờ khai thác các mỏ này mà kinh tế địa phương phát triển thêm, người lao động thêm việc làm. Dùng được tro bay Phả Lại nhưng phải gia công thêm.

Còn nhiều công nghệ mới khác nữa nhưng hai công nghệ nêu trên là nổi bật.


Thủy điện Tuyên Quang (ảnh Chu Đạt - vncold.vn)

PV:
Hội Đập lớn Việt Nam cần có những hoạt động gì để góp phần vào sự nghiệp phát triển đập nói chung và đập thuỷ điện nói riêng?

Ông Thái Phụng Nê: Có nhiều việc mà Hội cần phải làm. Việc tôi mong muốn nhất là Hội phải huy động được các chuyên gia nghiên cứu áp dụng vào Việt Nam những tiêu chuẩn thiết kế và thi công trên thế giới. Ở nước ta có những điều kiện cụ thể, mang đặc trưng riêng.

Việc thứ 2 cũng hết sức lớn là nghiên cứu các kinh nghiệm của thế giới về đập lớn để phổ biến áp dụng ở Việt nam. Một thiếu sót ở nước ta là thiếu nghiên cứu khoa học cho các đập lớn trong nước. Lâu nay thường áp dụng theo những cái đã có. Chẳng hạn như đập đất Bazan trước đây thường chỉ đắp cao 30m, nếu cao hơn thì không đắp. Nhưng qua nghiên cứu và thực nghiệm thì thấy vẫn có thể đắp hơn 30m. Ví dụ, đập thủy điện ở Thác Mơ (trên 50m), ở Vĩnh Sơn (cao 45m) đều bằng đất bazan,...Chất lượng của các đập này cũng không kém các đập vật liệu địa phương khác. Các hạt đất bazan có lớp ôxít sắt bao ngoài, vì vậy ngoài các đặc tính thông thường nó còn có phản ứng hóa học khi đầm nén và cố kết.

Ví dụ khác, qua thời gian dài bàn cãi mãi về RCC và nghiên cứu sâu thêm mà đã cải tiến được nhiều vê kết cấu đập RCC. Thời gian đầu làm bê tông thường ở phía thượng lưu nhưng nay dùng bê tông đầm lăn giàu vữa. Trước đây, phần dưới đập A Vương là bê tông thường nên rất khó kết hợp. Nay các đập hoàn toàn bằng bê tông đầm lăn, ở dưới tưới thêm vữa.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.

(phóng viên www.vncold.vn)