Phát triển thủy điện nhỏ và nỗi lo của nhà đầu tư [16/11/07]

15/11/2007 08:34

27

Phát triển thủy điện nhỏ và nỗi lo của nhà đầu tư

Tính đến nay, cả nước có hơn 200 dự án thuỷ điện vừa và nhỏ với tổng công suất 4.067MW đăng ký đầu tư (chưa kể nhiều dự án được đăng ký tại địa phương). Nếu được đầu tư thích đáng, thuỷ điện nhỏ không chỉ tạo thu nhập cho người dân, giải quyết nhu cầu năng lượng ở quy mô gia đình và cộng đồng nhỏ vùng trung du miền núi mà còn góp phần bổ sung nguồn năng lượng thiếu hụt cho Nhà nước.

Mặc dù Chính phủ đã cho phép các thành phần kinh tế đầu tư vào thuỷ điện nhỏ và cũng đã có nhiều dự án được đăng ký nhưng tiến độ phát triển các công trình thuỷ điện nhỏ vẫn còn thiếu khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính là nhà đầu tư thiếu sự chuẩn bị kế hoạch cho cả đầu vào và đầu ra.

Nỗi lo thiếu vốn đầu tư

Mặc dù gọi là các dự án ''vừa và nhỏ" nhưng đầu tư phát triển thuỷ điện đòi hỏi vốn lớn (suất đầu tư bình quân cho mỗi công trình vài chục đến hàng trăm tỷ đồng). Việc khó khăn về vốn là nguyẽn nhân chính dẫn đến tiến độ thi công chậm, nhiều dự án bị ''treo''. Hiện có tới 99% dự án thuỷ điện vừa và nhỏ chậm tiến độ do thiếu vốn (nhà thầu thiếu vốn đầu tư hoặc địa phương thiếu vốn đối ứng). Đa số trông chờ vào ngân hàng nhưng không phải khi nào việc vay vốn ngân hàng cũng xuôi chèo mát mái. Tỉnh Quáng Nam hiện đã qui hoạch trên 30 dự án thủy điện vừa và nhỏ, riêng huyện Nam Trà Mi đã qui hoạch 13 dự án, nhưng số dự án đã khởi công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Yên Bái là tỉnh luôn coi thuỷ điện nhỏ là mục tiêu hàng đầu nhưng cũng không ít công trình đã khởi công phải tạm dừng vì thiếu vốn. Đó là chưa kể, nhiều chủ đầu tư do khó khăn về tài chính nên không có điều kiện nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng địa hình nên đã phát sinh nhiều khó khăn, làm cho vấn đề tài chính đã khó càng khó thêm. Mặc dù Chính phủ đã cho phép mọi thành phần kinh tế đầu tư vào thuỷ điện vừa và nhỏ nhưng việc thu hút vốn đầu tư cũng không thuận lợi vì cơ chế chính sách hỗ trợ thu hút chủ đầu tư đối với việc đầu tư các dự án ở vùng sâu, vùng xa chưa hấp dẫn.

Nỗi lo bán điện  

Tại Hội nghị Công nghiệp vùng trung du và miền núi Bắc Bộ lần thứ X, đại biểu tỉnh Lào Cai cho biết, một trong những băn khoăn lớn nhất của các chủ đầu tư thuỷ điện vừa và nhỏ ở Lào Cai là việc đưa điện lên lưới. Bởi vì các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ chủ yếu ở vùng sâu vùng xa nhưng hệ thống truyền tải điện chưa đáp ứng nhu cầu đấu nối từ các nhà máy thuỷ điện. Nhiều huyện vùng cao chưa có đường dây 110 kV, điểm đấu điện lại quá xa (có nơi xa tới vài trăm km) nên đường dây không tải được. Ngoài ra, hạ tầng cơ sở trong khu vực nông thôn miền núi quá yếu kém nên công tác vận chuyển vật tư thiết bị và cấp điện thi công không đơn giản. Nhiều nhà đầu tư lo lắng khi nhà máy thủy điện hoàn thành sẽ không có đầu ra. Về vấn đề này, ông Đậu Đức Khởi, Phó Tổng Giám đốc EVN cho rằng, việc đầu tư đường dây truyền tải hiện nay còn nhiều bất hợp lý bởi vì có nhiều dự án đo địa phương phê duyệt không thông qua EVN, vì vậy, EVN không thể có kế hoạch nâng cấp đường dây kịp thời được. Để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư, hiện EVN đã giao cho các Cty Điện lực phối hợp với địa phương phê duyệt những dự án quy mô nhỏ. Điều quan trọng là, trước khi bắt tay vào xây dựng, các nhà đầu tư cần có sự bàn bạc thống nhất với EVN về phương án truyền tải, thoả thuận về điểm đấu rối và giá bán điện hợp lý tránh thiệt thòi cho cả bên bán và bên mua. Về giá bán điện, ông Khởi cho biết, EVN thực hiện mua bán điện theo cơ chế thị trường cạnh tranh, vì vậy các nhà đầu tư có thể đăng ký bán điện dài hạn hoặc chào giá theo giờ.

Cần có sự hỗ trợ về chính sách

Hiện nay, có nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo EVN đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp lưới điện 220 kV, 110kV có đủ khả năng truyền tải điện từ các dự án thuỷ điện. Ngoài việc xây dựng cơ chế phát triển cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào các nhà máy thuỷ điện để huy động vốn từ nhiều nguồn, hình thành hệ thống ngân hàng bảo trợ nguồn tín dụng vay vốn với các dự án thuỷ điện, các nhà đầu tư mong muốn được thành lập hiệp hội các nhà đầu tư thuỷ điện để giúp họ có thông tin về kinh nghiệm, thủ tục xây dựng dự án. Giảm thiểu các thủ tục hành chính pháp lý từ khi xây dựng dự án đến khi hoàn thành phần xây dựng nhà máy. Kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành khung giá điện hợp lý để thu hút đầu tư. Xây dựng quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển lưới điện ở khu vực nông thôn miền núi. Việc quy hoạch thuỷ điện nhỏ phải rõ ràng, thống nhất để dễ kiểm soát, quản lý. Kiểm tra, đôn đốc các chủ dự án khẩn trương hoàn thành đúng tiến độ những công trình đã quy hoạch. Được biết, sắp tới Bộ Công Thương sẽ thành lập Quỹ năng lượng tái tạo ngoài lưới nhằm thiết lập một kênh huy động vốn đầu tư từ các nhà tài trợ để đảm bảo tính bền vững lâu dài của các dự án năng lượng tái tạo ở khu vực nông thôn và miền núi. Trước hết, ngân quỹ này sẽ tài trợ cho 4 dự án thi điểm tại 2 tỉnh Hà Giang, Quảng Nam, sau đó sẽ nhân rộng ra các tỉnh khác. Hy vọng, đây sẽ là tín hiệu đáng mừng cho các dự án năng lượng tái tạo nói chung và thuỷ điện nói riêng ở các địa phương./.

(theo EVN)