Trả lời của tác giả bài 'Nâng cao quản lý dịch vụ thủy nông' [25/1/2008]

24/01/2008 22:54

26

Trả lời của tác giả bài

“Nâng cao quản lý dịch vụ thủy nông...”

Nông thôn miền núi

 

Ngay sau khi nhận được ý kiến trao đổi và câu hỏi của bạn đọc, tác giả bài “Nâng cao quản lý dịch vụ thủy nông..., các phương pháp nghiên cứu chẩn đoán hệ thống” ( /Web/Content.aspx?distid=1046 ) đã trả lời ngay. Chân thành cảm ơn tác giả.

BBT.

—–

Thưa bạn đọc,

Chúng tôi chân thành cảm ơn bạn đọc đã dành sự quan tâm đến bài viết của chúng tôi với tiêu đề: Nâng cao quản lý dịch vụ thủy nông, các phương pháp nghiên cứu chẩn đoán hệ thống được đăng tải trên website của Hội Đập Lớn Việt Nam. Trong khuôn khổ một bài báo dường như chỉ đủ để tác giả và bạn đọc chia sẻ một vài vấn đề quan trọng mà không đủ để trao đổi sâu về một vấn đề gì đó, đặc biệt lĩnh vực quản lý thuỷ nông vô cùng phức tạp. Đáp lại sự quan tâm gửi về toà soạn Website của VNCOLD, chúng tôi xin trao đổi thêm những mà bạn đọc quan tâm gửi về toà soạn như sau:

Trước hết, chúng tôi muốn khẳng định lại, các nghiên cứu được đề cập trong bài báo là được triển khai thử nghiệm ở Việt Nam. Để có cơ sở ứng dụng “Nghiên cứu chẩn đoán hệ thống” ở nước ta, chúng tôi đã cố gắng tổng hợp và liên hệ với kết quả nghiên cứu trên thế giới. Qua đó, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng việc tiếp cận quản lý thuỷ nông với việc tăng cường các hoạt động giám sát đánh giá hệ thống (nghiên cứu chẩn đoán) là cấp thiết và phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Về khả năng ứng dụng trong điều kiện thực tế ở Việt Nam, như phần “Kết luận và khuyến nghị” của bài báo, chúng tôi cho rằng, để thực hiện nghiên cứu chẩn đoán một cách thường xuyên (thậm chí định kỳ) thì mỗi công ty KTCTTL (hoặc tổ chức quản lý thuỷ nông khác...) cần phải lựa chọn phương pháp và hệ thống tiêu chí đánh giá phù hợp. Trong đó, vấn đề cần được coi trọng là năng lực của cán bộ đánh giá; thời gian đánh giá và khả năng hỗ trợ tài chính nếu cần thiết. Với quan điểm như vậy, chúng tôi khuyến nghị rằng các công ty KTCTTL cần tiếp cận theo kiểu “từ từ”. Ban đầu có thể tiến hành đánh giá thật đơn giản, sau đó khi năng lực và hiệu quả quản lý hệ thống thuỷ nông được cải thiện thì lựa chọn phương pháp đánh giá phức tạp hơn. Về nguyên tắc, phương pháp đánh giá càng phức tạp thì mức độ chi tiết càng cao. Điều đó cũng có nghĩa rằng chúng ta có cơ hội tốt hơn để tìm ra “bệnh” của các hệ thống tưới tiêu và có được giải pháp “điều trị” phù hợp.

Về các vấn đề quan tâm cụ thể:

1,  Kết quả đánh giá các hệ thống thủy lợi sau khi được đầu tư xây dựng do các chuyên gia thực hiện đều tốt, đạt hiệu quả cao? Nhưng thực tế thì ngược lại? Có phải do các chỉ tiêu và phương pháp đánh giá là chưa phù hợp, thiếu thực tế không?

Chúng tôi cho rằng đây là câu hỏi rất thực tế. Rất tiếc là nhóm tác giả không có cơ hội tham gia và cũng không có nhiều thông tin về kết quả đánh giá các hệ thống thuỷ lợi sau khi được đầu tư xây dựng như bạn đọc đề cập.

Ở góc độ quản lý dịch vụ thuỷ nông, chất lượng đánh giá hay độ tin cậy của kết quả đánh giá cũng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố (như chúng tôi đề cập: phương tiện đánh giá, trình độ nhóm đánh giá, hiểu biết của họ về hệ thống...). Ngoài ra, kết quả nghiên cứu chẩn đoán còn phụ thuộc vào thái độ và điều kiện của các nhà quản lý. Nếu sau khi đánh giá, đưa ra các giải pháp khắc phục mà không có cơ hội để thực hiện giải pháp đó dễ dẫn đến thái độ tiêu cực của nhóm đánh giá và tất yếu liên quan đến độ tin cậy của kết quả đánh giá thấp.

2,  Trong bài viết này tác giả đã đánh giá chi tiết hệ thống, trong biểu kèm theo có ghi: Hậu quả: chi phí sản xuất lớn do 2 nguyên nhân chính: - Thiếu kinh phí cho sửa chữa nâng cấp….- Năng lực quản lý và trình độ chuyên môn của cán bộ cũng thấp.

 a, Công trình sau khi xây dựng đưa vào sử dụng bị hư hỏng do nguyên nhân gì? Sau khi đã hư hỏng rôi mới đòi hỏi kinh phí lúc ấy mới nói đến nguyên nhân kinh phí.

Để có điều kiện để bạn đọc chia sẻ, ở đây chúng tôi không có được nhiều số liệu thống kê để thực hiện phân tích tương quan cho tất cả các chỉ tiêu quản lý. Vì vậy, nghiên cứu này được chúng tôi thực hiện bằng phương pháp điều tra phiếu câu hỏi (kết hợp phân tích số liệu thống kê). Mức độ tập chung và đánh giá của từng vấn đề sẽ làm cơ sở đề phân loại mức độ liên quan giữa các nhân tố về “Nguyên nhân - Hậu quả”.

Nguyên nhân dẫn đến hư hỏng xuống cấp công trình là rất đa dạng (chủ quan có, khách quan có, tác động từ yếu tố tự nhiên có, tác động từ yếu tố xã hội cũng có...). Mặc dù vậy, cũng như nhiều thực thể khác, công trình thuỷ lợi có thể ít xuống cấp hơn nếu cơ quan quản lý thực hiện duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Nhiều hoạt động duy tu, bảo dưỡng công trình có ý nghĩa là “phòng bệnh” cho các công trình thuỷ lợi (chúng tôi quen gọi là ngăn chặn xuống cấp). Còn trường hợp khi công trình đã hư hỏng mới sửa chữa là thực tế của công tác quản lý thuỷ nông hiện nay (cách quản lý truyền thống).

 b, Trình độ chuyên môn của cán bộ, công nhân viên cũng thấp. Ở đây thấp là so với gì? Lý thuyết, hay thực tế? (Vì ở các công ty TN loại lớn cũng nhiều kỹ sư như ở Bộ, Viên nghiên cứu, thậm chi có nhiều người có kinh nghiệm) 

Chúng tôi chia sẻ với quan điểm của bạn đọc, thực tế thì ở nhiều công ty KTCTTL đã có một tỷ lệ không lớn cán bộ được đào tạo đại học, cao học... Tuy nhiên, để cải thiện được hiệu quả quản lý cũng cần có người giúp việc (cán bộ, công nhân viên) có trình độ để thực hiện ý tưởng của họ.

Qua các điểm nghiên cứu chúng tôi thấy, nhu cầu được đào tạo (thậm chí là đào tạo lại) của cán bộ công nhân viên ở các công ty KTCTTL là rất lớn. Tự họ cũng nhận thấy rằng họ không đủ trình độ để tiếp cận với các công nghệ quản lý tiên tiến (đơn giản như: từ lắp đặt chính xác các thuỷ trí, kỹ năng ghi chép số liệu mực nước... đến sử dụng các ứng dụng máy tính đơn giản). Vì vậy, bạn đọc có thể chia sẻ với chúng tôi là trình độ chuyên môn của cán bộ công nhân viên được đề cập trong bài báo là so với yêu cầu của công tác quản lý, cũng như mặt bằng ứng dụng khoa học công nghệ của ngành thuỷ lợi.

Thưa bạn đọc, trên đây là một số ít thông tin xin được chia sẻ thêm. Nếu có điều kiện chúng tôi mong được thảo luận thêm qua địa chỉ của tác giả dattv_icd@yahoo.com hoặc qua địa chỉ BBT@vncold.vn của ban biên tập web site.

Qua đây, nhóm tác giả xin chân thành cảm ơn Hội Đập Lớn Việt Nam và Ban Biên tập websites của Hội, cho chúng tôi cơ hội tham gia diễn đàn, thảo luận các vấn đề có liên quan của ngành Thuỷ lợi.

Xin trân trọng cảm ơn.

Thay mặt nhóm tác giả

ThS. Trần Văn Đạt

Ngày 23 tháng 01 năm 2008