Ông Trần Đăng Khoa, vị Bộ trưởng Thủy lợi đầu tiên [29/01/08]

28/01/2008 09:40

30

ÔNG TRẦN ĐĂNG KHOA,

VỊ BỘ TRƯỜNG THỦY LỢI ĐẦU TIÊN

                                                                                  

                                                                                               Nguyễn Xuân Tiệp
 www.vncold.vn 

 

Cũng có thể có người trong ngành thủy lợi chưa biết đến ông Bộ trưởng đầu tiên của ngành. Đó là ông Trần Đăng Khoa

Ông Trần Đăng Khoa

  Ông Trần Đăng Khoa, sinh năm 1906 trong một gia đình nghèo ở ngoại ô thành phố Huế ( làng Thế Lại Thượng, huyện Hương Trà )

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công chính Hà nội ( 1925 – 1928 ) ông tiếp tục học hàm thụ Trường Kỹ sư Eyrolles, Paris và thi đậu tham sự bậc trên ( 1928 ), sau đó ( 1932 ) thi đậu kỹ sư công chính ( trích tiểu sử ).

Ông tham gia cách mạng từ năm 1945 với chức vụ đầu tiên Giám đốc Công chính Trung bộ ( tháng 11-1945 ).

Ngày 6 tháng 01 năm 1946 ông được bầu là đại biểu Quốc hội và được cử phụ trách Bộ Giao thông công chính trong Chính phủ Liên hiệp hồi ấy và sau đó được cử làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính

Quốc hội khóa I họp lần thứ 4 đã có Nghị quyết tách Bộ Giao thông Công chính thành Bộ Giao thông vận tải Bộ Thủy lợi - Kiến trúc, Ông được Quốc hội cử làm Bộ trưởng Bộ Thủy lợi - Kiến trúc   

Tháng 4 năm 1958 theo Nghị quyết của Quốc hội họp lần thứ V, tách Bộ Thủy lợi - Kiến trúc thành Bộ Thủy lợi Bộ Kiến trúc. Ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Thủy lợi đầu tiên của Việt nam

Tháng 4 năm 1960 ông được bầu vào Quốc hội khóa II. Cũng trong thời gian này ông giữ chức Giám đốc Học viện Thủy lợi, rồi Giám đốc Viện Nghiên cứu Khoa học Thủy lợi

 Ngày 15 tháng 7 năm 1960 kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa II ông được bầu làm Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông cũng là đại biểu quốc hội các khóa 3,4,5,6,7.

Tháng 4 năm 1981 ông được Quốc hội khóa 7 bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Kế họach và Ngân sách của Quốc hội và tiếp tục chức vụ Ủy viên Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước.

 Ông là người tham gia thiết kế đập Bái Thượng ( thuộc hệ thống thuỷ lợi Sông Chu, tỉnh Thanh hóa ) và là bạn của Chủ tịch Xuphanuvông ( Lào ), cũng vốn là kỹ sư thuỷ lợi – công chính, người tham gia thiết kế đập Đô Lương (thuộc hệ thống Bắc Nghệ An)

 Ông có thói quen làm việc rất đúng giờ và bàn luận những vấn đề rất thiết thực nên luôn đạt hiệu qủa cao. Khi đi công tác ở các tỉnh, ông có chương trình, nội dung làm việc cụ thể (ông tự đề xuất, cán bộ giúp việc bổ sung thêm). Trong buổi làm việc, ông đặt các câu hỏi để cán bộ địa phương trả lời . Ông thích những câu trả lời ngắn, gọn, nhưng phải đủ ý. Khi các câu trả lời đã đáp ứng được yêu cầu, ông chuyển sang câu hỏi khác, không để cho người trình bày nói dài và kết thúc thời gian làm việc đúng với dự kiến.

Là một cán bộ kỹ thuật, có học vấn, có thực tế, am hiểu sâu sắc về chuyên môn, nên trên cương vị Bộ trưởng, ông có ý kiến chỉ đạo về kỹ thuật rất hiệu quả.

Đập Bái Thượng (Thanh Hoá) được Kỹ sư Trần Đăng Khoa chỉ đạo thiết kế và xây dựng

từ những năm 30 của thế kỷ trước


    Trong chuyến đi công tác đến đập Đô Lương (hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An),ông đã đến cống đầu mối Mụ Bà . Khi qua cống, ông đọc mức nước ở thước đo gắn ở trụ cống rồi vào thăm phòng làm việc của anhthủ cốngcũng là kỹ sư thủy lợi. Ông trò chuyện, giải thích, hướng dẫn cách tính và vẽ đường mặt nước sau cống theo nguyên lý của dòng không ổn định, nhắc lại nguyên tắc đóng mở cống…rồi ông đặt câu hỏi: “Mực nước thượng và hạ lưu cống, lưu lượng chảy qua cống tại thời điểm này là bao nhiêu ?”. “ Dạ, thưa bác, chưa thể biết được ạ “, anh “thủ cống” trả lời. Ông nghiêm nét mặt nói:“ Với tư cách là người bạn đồng nghiệp của anh, tôi lấy làm xấu hổ, vì yêu cầu tối thiểu như vậy mà  một người quản lý cũng không biết..”. Khi ngồi trong xe ông phàn nàn với chúng tôi về cách làm việc của cán bộ quản lý. Với cung cách quản lý như vậy, về sau người thủ cống này đã gây nhiều thiệt hại để bị kết án tù 6 tháng.

Ông rất quan tâm đến công tác quản lý khai thác. Trên đường đi, ngồi trong xe ông thường đưa ra các câu hỏi đột ngột, chúng tôi luôn phải tính nhẩm ngay để trả lời ông những con số cụ thể về công suất của thủy điện, lưu lượng tràn bên.Tôi nhớ mãi câu hỏi của ông: “Thủy lợi là gì?”, chưa kịp suy nghĩ thì ông đã trả lời: “Thủy lợi là “úng, úng, hạn, hạn”. Khi đó tôi chưa hiểu được đầy đủ và cho đó là câu nói vui. Nhưng sau này, thực tế cho thấy khi hạn hán, thiếu nước, ngập úng thì “Thủy lợi” mới được khẳng định là quan trọng, mới được quan tâm. Song nhiều lúc sự quan tâm đó cũng chỉ mang tính “tình thế”.

 Hết hạn, hết úng thì đâu lại vào đấy. Công tác quản lý còn quá nhiều bất cập chưa được giải quyết thấu đáo nhưng để

Ông Khoa với cán bộ lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh

tại Kè Gỗ tháng 5/1973

buông trôi. Ngay cả những người được hưởng lợi trực tiếp từ hệ thống thủy lợi cũng sớm quên đi những khó khăn, thiệt hại phải chịu khi chưa có các hệ thống đó như: cây trồng  khô  héo,   năng  suất   thấp,thiếu nước cho sinh hoạt,  đất  lầy thụt, bạc màu, nhiễm mặn, chua phèn...).

Năm ấy (1973 ), khi nghe một cán bộ qui hoạch thủy lợi khẳng định rằng: đất đai ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) bạc màu và nếu có nước thì cây trồng cũng không thể có năng suất cao, đông thời thông báo ý kiến của chuyên gia nước ngoài là : không nên xây dựng hồ Kè Gỗ ( vì suất đầu tư quá đắt )…mặc dù biết nhân dân Hà Tĩnh thiếu đói quanh năm. Ông quyết định về thăm Hà Tĩnh để đến vùng hồ Kè Gỗ , đến tận vị trí dự kiến xây đập, thăm đất đai ở các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà…, trao đổi với cán bộ địa phương và nông dân tại vùng đất bạc màu này

 Ông đã cùng với cán bộ địa phương nghiên cứu xem xét, đối chứng các thửa ruộng trong vùng và đã khẳng định nếu có nước tưới ổn định, cùng với kỹ thuật thâm canh, chắc chắn năng suất lúa ở đây sẽ tăng lên hai ba lần

Ông đã cùng với cán bộ lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đi thuyền từ Đức Thọ ngược dòng sông La suốt một đêm để sáng hôm sau đến vị trí xây đập trên sông Ngàn Trươi. Ông rất tâm đắc trong việc xây dựng hồ Ngàn Trươi để giải quyết nước tưới cho vùng hạ du ( hỗ trợ cho trạm bơm Linh Cảm..), phát điện và đặc biệt là giảm đáng kể dòng chảy lũ cho sông La và sông Lam. Tiếc rằng vào thời điểm đó, do nguồn lực có hạn mà nhiều dự kiến đành phải tạm gác. Hiện nay, Chính Phủ đang chỉ đạo Bộ Nông nghiệp & PTNT phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh tích cực chuẩn bị để sớm triển khai dự án này.   

 Ở Quảng Bình, nghe các phương án về qui hoạch, xây dựng hồ Bang, ông đã đến tận Rào Nan nơi dự định xây dựng  đập và trạm bơm. Sau khi nghe vị trưởng phòng thiết kế trình bày các phương án qui hoạch thủy lợi ..ông đã đặt nhiều câu hỏi về giải pháp kỹ thuật, phương pháp tính toán, phân tích hiệu quả. Cuối cùng, ông bày tỏ sư rất không hài lòng về đồ án thiết kế công trình Rào Nan và nói rằng : “ Nếu tôi được chấm đồ án của anh thì tôi sẽ cho điểm 0, chứ chưa nói đến điểm 1“. Tôi đã thật bàng hoàng khi được nghe ý kiến phê bình nghiêm khắc đó. Cũng có thể từ bài học ấy mà vị trưởng phòng đó đã rút kinh nghiệm để tiến bộ và thành đạt sau này.

   Ông quan tâm đến phát triển thủy điện. Ông vẩn luôn nhắc đến công trình thủy điện Ngàn Trươi, Thác Muối ở quê tôi. Theo ý kiến của ông thì hồi ấy nên làm thủy điện Lô Gâm trước, sau mới làm Sông Đà…

Về Hà nội ông tự tay viết báo cáo gửi Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh về ý kiến của mình. Viết xong bản thảo, ông chuyển cho chúng tôi đọc sửa và bổ sung ý kiến của minh rồi in thành nhiều bản và gửi đi. Tôi rất ngạc nhiên, đáng nhẽ tôi phải làm việc này, tôi chưa kịp thanh minh thì ông đã nói nửa đùa nửa thật “ Tớ hưởng lương nhiều hơn cậu, nên tớ phải làm việc nhiều hơn “

 Báo cáo của ông có nội dung tổng quát là : “.. nhân dân Hà Tĩnh theo cách mạng đã bao nhiêu năm rồi mà vẩn chưa có cơm no. Nhân dân vùng Cẩm Xuyên, Thạch Hà vẩn ăn cháo quanh năm. Vì vậy, bằng bất cứ giá nào cũng phải làm hồ Kè Gỗ…” ( ngược với ý kiến của nhiều chuyên gia là không nên làm hồ Kè Gỗ ). Đến bây giờ, câu chuyên xây hồ Kè Gỗ đã trở thành huyền thoại. Tôi vẩn luôn tâm sự với cán bộ công nhân quản lý Kè Gỗ hôm nay về hình ảnh ông Trần Đăng Khoa đến với Kè Gỗ năm xưa. Trong ngày kỷ niệm 30 năm  xây dựng và phát huy hiệu quả hệ thống thủy nông Kè Gỗ (26/3/2006) tôi đã không nhìn thấy hình ảnh ông Khoa trong phòng lưu niệm, vì có lẽ không ai nhớ ra người cán bộ thủy lợi, vị Bộ trưởng Thủy lợi đầu tiên ấy cũng đã là người rất quan tâm đến hồ Kè Gỗ.

Những năm kiêm nhiệm Giám đốc Học viện Thuỷ lợi, ông vẫn dành thời gian giảng bài. Gần 50 năm đã qua mà những sinh viên lúc ấy còn rất nhớ bài giảng của thày Trần Đăng Khoa. Một trong những sinh viên đó, anh Phạm Hồng Giang, đã kể lại cho tôi ấn tượng thật sâu sắc khi được nghe thầy Khoa giảng rất xúc tích, dễ hiểu và hóm hỉnh về công trình tràn kiểu xi phông có những yêu cầu kỹ thuật đặc biệt. Có lần, khi nhắc đến khẩu hiệu “tưới tiêu theo phương pháp khoa học”, thày Khoa bật cười và nói: ”Tưới tiêu đương nhiên là phải có cơ sở khoa học. Chẳng lẽ ngoài tưới tiêu theo phương pháp khoa học lại còn có tưới tiêu theo phương pháp “tầm bậy” nữa sao?”

 Xin chia sẻ với bạn đọc một vài thông tin, tuy còn rất ít ỏi về một người trí thức có nhân cách lớn, một nhân sĩ yêu nước đã cùng với toàn dân trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ trong muôn vàn gian khổ và hy sinh, một nhà lãnh đạo và chuyên gia hàng đầu về thuỷ lợi có rất nhiều công lao, vị Bộ trưởng Thủy lợi đầu tiên của Việt nam, ông Trần Đăng Khoa.

Trong  những năm tháng nước nhà còn bị chia cắt,  Đài phát thanh tiếng nói Việt nam trong đêm khuya vẫn phát đi những lời tâm huyết “ Gửi Huế thân yêu“ của ông, một người con xứ Huế.

Những thế hệ cán bộ thuỷ lợi, lớp sau noi gương và tiếp nối lớp trước, đã và đang góp phần xây dựng đất nước để “có đất lại có nước thì dân giàu nước mạnh” như lời Bác Hồ dạy./.