Công nghệ thu trữ nước phục vụ tưới cây ăn quả và chống xói mòn trên đất dốc [01/02/08]

31/01/2008 19:24

13

 

CÔNG NGHỆ THU TRỮ NƯỚC PHỤC VỤ TƯỚI CÂY ĂN QUẢ VÀ CHỐNG

XÓI MÒN TRÊN ĐẤT DỐC

TS. Lê Trung Tuân, PGS.TS. Hà Lương Thuần, Th.S. Nguyễn Xuân Kiều

Viện Khoa học Thuỷ lợi

Tài nguyên đất Việt Nam hạn chế về số lượng, bình quân diện tích đất chỉ đạt 0,41 ha/người, đa số diện tích lại là đất đồi núi dốc, trong đó đất dốc nhiều (>25o) chiếm tỷ lệ lớn. Trong tổng số 31,121 triệu ha đất (chiếm 94,6% diện tích tự nhiên) được quy hoạch sử dụng cho nông – lâm nghiệp, có tới 22,127 triệu ha (chiếm 67,3% diện tích tự nhiên) là đất đồi núi dốc. Trong đó đất có độ dốc từ 25% trở lên dành cho lâm nghiệp có diện tích 12,138 triệu ha, đất có độ dốc dưới 25% dành cho sản xuất nông nghiệp và nông lâm kết hợp chỉ có khoảng gần 10 triệu ha. Trong số các nhóm đất đồi núi, đất phát triển trên sản phẩm phong hoá của đất bazan và đá phiến chất là những nhóm đất có chất lượng cao, tầng đất mịn, dày, độ xốp khá, ít dốc, ít chia cắt, phân bố tập trung,… thích hợp với nhiều loại cây trồng, đặc biệt là những cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, chè, tiêu… Canh tác nông nghiệp ở miền núi chủ yếu là trên đất dốc với thế mạnh là các loại cây trồng cạn. Địa hình bị chia cắt, ruộng nương thường có quy mô nhỏ, phân tán trên các địa hình cao, nguồn nước khan hiếm, lượng mưa tuy phong phú nhưng phâm bố không đều theo thời gian. Diện tích đất dốc sử dụng cho nông nghiệp hiện nay là 841,3 nghìn ha (bằng 9,5%) trong đó nương rẫy chiếm 380,2 nghìn ha, đất trồng cây lâu năm chỉ có 150,9 nghìn ha bằng 1,7%.            

Trong những năm qua vấn đề xói mòn, suy thoái đất vùng trung du miền núi do tác động của điều kiện tự nhiên và nạn phá rừng cũng như các hoạt động canh tác nông nghiệp không phù hợp trên đất dốc diễn ra với tốc độ nhanh. Theo báo cáo của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường) thì nước ta có hơn 13 triệu ha đất bị suy thoái thành đất trống, đồi trọc, trong đó diện tích bị xói mòn trơ sỏi đá là 1,2 triệu ha. Diện tích này tập trung chủ yếu ở vùng núi và trung du phía bắc (5.2 triệu ha), duyên hải trung bộ (3,8 triệu ha), Tây nguyên (1,6 triệu ha). Ngoài ra, tại những diện tích không có độ che phủ thích hợp hoặc không được canh tác hợp lý, lượng đất màu mỡ trên bề mặt bị rửa trôi là 150-300 tấn/ha. Việc xói mòn đất đã kéo theo nhiều tác động tiêu cực về mặt môi trường, làm gia tăng lũ lụt và hạn hán tại nhiều vùng trên cả nước.               

Hiện nay, đất vùng đồng bằng thích hợp cho cây hoa màu lương thực ngắn ngày trên thực tế đã được khai thác tới hạn. Do vậy việc phát triển nông lâm nghiệp trong những thập kỷ tiếp theo phụ thuộc phần lớn vào việc quản lý sử dụng hiệu quả và lâu bền quỹ đất đồi núi vốn rất đa dạng, giầu tiềm năng. Trên thế giới, vấn đề phát triển nông – lâm nghiệp trên đất đồi núi cũng được quan tâm đặc biệt. Hội nghị về Quản lý Đất đồi núi tại Bắc Kinh kêu gọi: “một tiềm năng lớn lao đang nằm trong các vùng cao nhiệt đới, các nước phát triển cũng như đang phát triển cần tăng cường đầu tư và nỗ lực tăng sức sản xuất của vùng cao. Điều đó sẽ có lợi không những chỉ cho nông dân mà còn cho cả nhân loại nói chung”.

<!--[if !vml]--><!--[endif]-->

Bản vẽ thiết kế thi công công trình hồ chứa nước tưới cây ăn quả tại Cao Phong – Hoà Bình

Một vấn đề mấu chốt để phát triển nông nghiệp miền núi là giải quyết nước tưới cho cây trồng và hạn chế xói mòn đất. Hiện nay, tại các vùng đồi núi của nước ta, hệ thống công trình thuỷ lợi với đặc trưng hầu hết là các công trình nhỏ mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu nước cho phát triển nông nghiệp. Hơn nữa, chỉ những khu vực có địa hình tương đối thuận lợi, có điều kiện về nguồn nước mới có khả năng xây dựng công trình. Những khu vực đất dốc giàu tiềm năng để trồng cây công nghiệp và cây ăn quả thường nằm ngoài phạm vi phục vụ của các hệ thống thuỷ lợi. Phát triển hệ thống tưới cho các khu vực này thường không khả thi hoặc nếu có thể thì chi phí đầu tư xây dựng cũng như chi phí vận hành và quản lý sẽ rất lớn và không mang lại lợi nhuận. Do vậy, một giải pháp có chi phí thấp – giải pháp thu trữ nước – tỏ ra có nhiều ưu điểm cho vùng này. Thu trữ nước là sự thu gom dòng chảy để canh tác. Thay cho việc để dòng chảy tràn gây xói mòn, nó được thu gom, trữ lại và sử dụng. Ở những vùng khô hạn và những vùng hay bị hạn hán thu trữ nước là một dạng hữu ích trực tiếp của bảo vệ đất và nước. Cả năng suất lẫn độ chắc chắn của mùa vụ đều có thể được cải thiện đáng kể với phương pháp này.


(Bài đã được tác giả báo cáo trong "Hội nghị khoa học công nghệ Nông nghiệp 2006-2007 các tỉnh phía Bắc" tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2007")

Hãy bấm vào đây để xem tòan văn (PDF).

(www.vncold.vn)