Báo cáo công tác thủy lợi phục vụ phát triển bền vững nuôi thủy sản ở tỉnh Đồng Tháp
04/02/2008 06:30
BÁO CÁO CÔNG TÁC THỦY LỢI PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NUÔI THỦY SẢN Ở TỈNH ĐỐNG THÁP
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp
I. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN:
Đồng Tháp là một trong các tỉnh của vùng ĐBSCL, nằm đầu nguồn sông Cửu Long. Phía Đông giáp tỉnh Long An và Tiền Giang; phía Tây giáp tỉnh An Giang và Cần Thơ, phía Tây Bắc giáp tỉnh Preyveng (Campuchia); phía
Tỉnh Đồng Tháp có diện tích tự nhiên là 3.374 Km2, nguồn nước ngọt dồi dào quanh năm, hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Diện tích đất lúa năm 2006 là 223.859 ha; trong đó mùa nước nổi rất thích hợp nuôi tôm, cá trên ruộng lúa, ngoài ra diện tích mặt nước có khả năng chuyên nuôi trồng thủy sản là 4.466 ha. Thế mạnh thứ hai sau cây lúa là thủy sản.
II. TÌNH HÌNH ỨNG DỤNG KHOA HỌC THỦY LỢI PHỤC VỤ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
Thời gian qua Tỉnh đã nghiên cứu đề xuất các giải pháp khoa học xây dựng hệ thống đê bao, bờ bao nhằm phát triển bền vững vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long như: Đầu tư hệ thống hạ tầng thủy sản phục vụ cho 1.000 ha sản xuất 2 vụ (một lúa - một tôm càng xanh mùa lũ); dự án đầu tư 600 ha nuôi trồng thủy sản khu vực bãi bồi và mương vườn kết hợp phát triển kinh tế vườn thuộc 3 xã vùng cồn của huyện Châu Thành; dự án nuôi tôm càng xanh, cá khu vực 400 ha xã Nhị Mỹ - huyện Cao Lãnh (với cơ cấu 01 lúa - 01 tôm và 02 lúa - 01 cá đồng). Các hệ thống này được đầu tư lồng ghép vừa bờ bao hoặc bờ bao kết hợp lộ giao thông nông thôn, vừa cống cấp - thoát, vừa đường điện để phục vụ cho nhu cầu nhiều mặt của người dân trong sản xuất và đời sống. Ngoài ra hệ thống công trình được đầu tư còn phải gắn kết được với các kết cấu hạ tầng sẵn có ngoài vùng dự án và các khu vực khác của Dự án nuôi thủy sản trên ruộng lúa giai đoạn 2006 - 2010 của toàn Tỉnh.
Thực trạng ngập lũ hàng năm đã tồn tại lâu đời ở ĐBSCL nói chung và Đồng Tháp nói riêng. Việc thực thi nhiều giải pháp quy hoạch, trong đó việc bố trí mô hình thủy sản phù hợp với địa hình, chế độ thủy văn, đất đai từng vùng nhằm giúp cho người dân có thể sống chung với lũ một cách có căn cơ và cũng nên xem lũ là một lợi thế, là tài nguyên thiên nhiên ưu đãi để tận dụng phát triển sản xuất và nuôi trồng thủy sản trong mùa lũ theo hướng bền vững. Từ đó đã xuất hiện các mô hình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Đồng Tháp như: mô hình một lúa - một tôm càng xanh mùa lũ, 01 lúa - 01 tôm (02 lúa - 01 cá đồng) và nuôi cá tra bãi bồi.
Nuôi trồng thủy sản chỉ có thể phát triển khi có một hệ thống thủy lợi phát triển phù hợp với nó, đáp ứng yêu cầu cung cấp đủ nước ngọt với chất lượng đảm bảo; tiêu thoát hết nước thải và có khả năng cách ly các nguồn nước thải với nguồn nước cung cấp cho nuôi trồng thủy sản.
Trước đây trồng lúa thì vấn đề mấu chốt là hệ thống công trình thủy lợi phải đảm bảo yêu cầu giữ ngọt, thau chua rửa phèn, tiêu úng. Nước ngọt được giữ trên mặt ruộng từ 0,1 m đến 0,2 m; giữ trong hệ thống kênh trong phạm vi từng tiểu vùng. Tiêu úng là tiêu tự chảy, có thể tràn từ ruộng qua ruộng, qua kênh; lưu lượng tiêu không lớn. Nay chuyển sang nuôi trồng thủy sản, việc cấp và thoát nước bằng tự chảy rất khó khăn, đặc biệt là việc tiêu thoát nước thải. Chính vì vậy, trong hệ thống thủy lợi phải bố trí hệ thống kênh mương nội đồng sao cho từng ô thửa đều có chỗ lấy nước và đường xả nước ra (cấp, thoát nước riêng biệt).
1. Về mô hình một lúa - một tôm càng xanh mùa lũ (thuộc địa bàn huyện Tam Nông)
Mô hình này thực hiện với diện tích ô bao lớn phù hợp với diện tích đất huyện Tam Nông đều có tầng sinh phèn hoặc có nơi nhiễm phèn. Do đó trong quá trình xây dựng các dự án nuôi trồng thuỷ sản nói chung, quy hoạch nuôi tôm càng xanh cơ cấu với một vụ lúa nói riêng, cũng như trong thi công xây các công trình vấn đề ém phèn, rữa phèn điều được đặt biệt coi trọng. Việc lợi dụng lũ để tháo phèn, rửa phèn và dùng vôi bột, phân lân Văn Điển, Ninh Bình, DAP, phân hữu cơ… để hạ phèn, tăng độ màu cho đất là những biện pháp hữu hiệu và tích cực có tính khả thi cao.
Nhiều năm qua hàng loạt các công trình đê bao, kênh rạch đã được khơi thông, hơn nữa hàng năm đều có lũ đã làm cho lượng phèn giảm đi rất nhiều. Đến nay hầu hết các diện tích sản xuất lúa của huyện đều cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt. Nhiều vùng được thử nghiệm nuôi cá, nuôi tôm cũng đều cho kết quả tích cực. Chứng tỏ việc định hướng quy hoạch vùng nuôi tôm càng xanh theo cơ cấu lúa - tôm càng xanh mùa lũ là có cơ sở thực tiễn và có tính khả thi sau khi các mô hình thử nghiệm đã cho kết quả.
Các khu vực nuôi tôm thử nghiệm ở Tam Nông có điều kiện tự nhiên thuận lợi như: diện tích nhỏ dễ kiểm soát nước, thổ nhưỡng tốt, giáp các kênh rạch lớn nguồn nước dồi dào, mỗi khu vực chỉ mới có một, hai hộ nuôi tôm nên nguồn lây lan dịch bệnh tôm chưa có v.v… Khi phát triển thành dự án, diện tích lớn (1.000 ha), nuôi một vụ tôm đại trà và một vụ lúa thì nhu cầu nước cho đầu vụ tôm rất lớn, phải bơm động lực công suất lớn, nhu cầu phải có đường dây trung thế tỏa vào khu vực; các kênh nguồn cấp thoát phải bố trí riêng biệt trách lây lan dịch bệnh; để tiêu thoát nước tốt bảo đảm thông thoáng môi trường và không làm xáo trộn khả năng thoát lũ của khu vực, các tuyến bờ bao lững cần khép kín các tiểu vùng để kiểm soát nước, giảm động năng dòng chảy lũ, làm chỗ dựa cho các khu nuôi tập trung lên đăng quầng kết hợp giao thông trong mùa khô.
Bố trí công trình vùng dự án theo hiện trạng sẵn có, gồm nạo vét các kênh tạo nguồn, các đường nước cấp thoát, tôn tạo hoàn thiện các bờ bao; trong đó lưu ý là một số tuyến phải xây dựng đê bao lửng, kết hợp đăng lưới bảo vệ, nước lũ vẫn chảy qua để giữ sạch môi trường nước, nước không bị ứ đọng; lắp đặt các cống cấp thoát nước, kết hợp giao thông đảm bảo phục vụ cho vùng dự án.
2. Về mô hình 01 lúa - 01 tôm và 02 lúa - 01 cá đồng (thuộc địa bàn huyện Cao Lãnh)
- Yêu cầu mương, cống cấp thoát nước, bờ bao và ruộng nuôi:
* Hệ số mặt nước sử dụng phụ thuộc vào cao trình của từng khu vực và thỏa mãn cân bằng đào đắp để cao trình bờ không bị ngập khi mực nước cao nhất, bảo đảm không để mất tôm, cá. Hệ số sử dụng mương nuôi toàn vùng là 20%. Qui mô ruộng nuôi tốt nhất từ 0,2 ha đến 1 ha tự nhiên; kích thước: Có tỷ lệ chiều rộng / chiều dài 1/3 đến 1/4.
Đáy mương trú cần bằng phẳng, độ dốc nghiêng về phía cống thoát từ 0,3‰ đến 3‰ để xả nước dễ dàng, tránh tù đọng.
Mực nước nuôi trung bình là h = 1 m. Nước thay hàng ngày 10% tính theo h mực nước nuôi trung bình.
Bờ bao bên ngoài vững chắc để tránh được nước thẩm lậu, cao hơn mức nước cao nhất trong mùa lũ từ 0,5 m đến 0,7 m để ngăn triều cường và lũ.
Bờ bao ruộng nuôi cần vững chắc để tránh được nước thẩm lậu, tùy điều kiện không cần vượt lũ nếu có bờ bao bên ngoài, đồng thời cần kết hợp với đăng lưới chắn bảo vệ. Ruộng nuôi phải được cải tạo bằng vôi bột, gia cố bằng phảng, có 02 cống xi măng hoặc gỗ có khẩu độ phù hợp với diện tích ao nuôi để đảm bảo thay nước tối thiểu 10% hàng ngày theo thủy triều và xả nước kịp thời khi đột xuất có mưa lớn. Cống cần có cấu tạo bộ phận để đóng mở; trang bị kèm theo cống gồm lưới chặn cá dữ, chắn rác và thu hoạch. Thường xuyên kiểm tra lưới chắn.
Cống cấp được đặt phía kênh cấp, đáy cống đặt cao hơn nền đáy ao khoảng 10 cm để bảo đảm lấy nước dễ dàng. Lưới chắn cống cấp phải có hai lớp, lưới thưa ở phía ngoài có 2a = 30 mm đến 50 mm, lưới dày ở phía trong có 2a = 10 mm đến 15 mm.
Cống thoát được đặt phía kênh tiêu, thấp hơn nền đáy ao phía miệng cống khoảng 10 cm và cao hơn đáy kênh thoát để dễ dàng xả cạn nước khi cần thu hoạch hoặc cải tạo ao nuôi, cống thoát chỉ cần một lớp lưới dày để chặn tôm, cá thoát ra ngoài.
Ngoài việc hoàn chỉnh các kênh cấp, thoát, cần bố trí trạm bơm để kịp thời thay nước, cấp nước kịp thời trong vùng nuôi, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước gây bệnh cho tôm, cá.
3. Về mô hình nuôi cá tra bãi bồi (thuộc địa bàn huyện Châu Thành)
Hình dạng ao nuôi tùy thuộc vào địa hình nơi xây dựng, nhưng tốt nhất nên có hình chữ nhật để thuận tiện cho việc quản lý và thu hoạch. Độ sâu các ao từ 3 m - 5 m, đảm bảo giữ nước thường xuyên trong ao 2,5 m - 3 m . Ao có 1 cống cấp và 1 cống thoát nươc, cống cấp thoát nước được thiết kế đảm bảo chế độ thay nước mỗi ngày 30% - 50% trữ lượng. Tuy nhiên trong điều kiện khó tiêu nước đáy ao không nên sâu quá để tiện cho việc tháo cạn và thu hoạch. Nền đáy ao bố trí có độ nghiêng về phía cống tiêu để thoát nước dễ dàng.
Phương án thi công đào các ao nuôi bằng cách lấy đất đắp các bờ bao, bờ ngăn theo từng ao tại các vị trí nuôi, bờ bao đặt các cống lấy nước và thoát nước cho mỗi ao.
Do khả năng thích nghi của cá tra với chiều sâu cột nước trong ao > 3 m để từ đó chọn cao trình đáy ao nuôi trên cơ sở cân bằng đào đắp giữa khối lượng đất đắp đê và đất đào ao. Chọn hệ số mái dốc ao: m =1,5 - 2,0.
* Bờ bao bảo vệ:
Yêu cầu: Bờ bao chắc chắn, không bị lún hoặc nứt vỡ và chống lũ triệt để, có hệ thống cấp thoát nước độc lập để không gây nhiễm bẩn và lây lan mầm cho các khu vực xung quanh. Công trình đê bao: để đảm bảo điều kiện làm việc của đê bao, chiều rộng mặt đê phải đảm bảo giữ ổn định cho đê cùng với 2 mái dốc, đồng thời kéo dài dòng thấm từ trong ra ngoài ao, đảm bảo tổn thất do ngấm trong tiêu chuẩn cho phép, chiều rộng của đỉnh đê phải phù hợp với yêu cầu giao thông và cấu tạo. Các thông số kỹ thuật của bờ bao:
- Hệ thống đê bao bảo vệ xung quanh bên ngoài:
Đảm bảo cao hơn mực nước lũ lớn nhất năm 2000 là 0,5 m đến 0,7 m, bề rộng mặt đê: 5m; Hệ số mái dốc trong m1 = 2,0; hệ số mái dốc ngoài (phía ngoài sông) m2 = 2,5.
- Các đường ngăn ngang chia các ao: Bề rộng: 3 m; Cao trình đỉnh thấp hơn bờ bao ngoài từ 0,4 m đến 0,6 m, hệ số mái: m = 2,0.
- Bảo vệ mái bờ bao phía ngoài: Để bảo vệ mái đê phía ngoài, nơi thường xuyên chịu tác dụng của các lực: sóng, nhiệt thay đổi, lực thấm thủy động khi mực nước xuống nhanh… Có nhiều biện pháp bảo vệ mái như rọ đá, kè đá, trồng tre bảo vệ bờ nhưng các vật liệu này kinh phí cao nên chọn biện pháp bảo vệ mái bờ bên ngoài bằng hàng cọc cắm chằng dây thép gai neo giữ lục bình, phần mái đê không bị ngập nước có thể trồng cây sả để xua đuổi rắn, hoặc xen kẽ có thể trồng các cây lâu năm để khai thác hết hiệu quả của dự án.
* Cống cấp, thoát nước:
- Cống dười bờ bao ngoài: Nhiệm vụ cấp và thoát nước trực tiếp từ các kênh phía bờ bao trong thông qua các cống tròn HPDE Æ80 đặt dưới thân đê. Các cống này có cửa bán tự động đóng mở 2 chiều, cho phép điều tiết nước cục bộ cho từng ao nuôi. Khi cần tiêu nước triệt để nạo vét sửa chữa trong khoảng 2 - 3 năm/lần thì sẽ dùng máy bơm tiêu nước phần còn lại.
- Cống cấp thoát nước ao nuôi: Bố trí mỗi ao nuôi có 01 cống cấp nước và 01 cống thoát nước, khẩu độ cống chọn loại Æ60 cm.
- Chọn ống cống và lắp đặt: Do đặc điểm công trình là xây dựng trên nền đất bồi lắng nền đất yếu, luôn bị ngập nước, mặt khác ống cấp và thoát chịu áp lực thấp, vì vậy chọn ống HPDE để xây dựng là phù hợp với các ưu điểm: Chịu được áp lực bên trong và bên ngoài, chịu được va đập, có khả năng phục hồi nguyên hình sau khi biến dạng, đảm bảo kín nước và mền dẻo, không bị rỉ trong môi trường nước, trọng lượng nhẹ, dễ vận chuyển, tiện việc thi công hàng loạt.
Sau khi đất đổ bờ đê được khô ráo nước khoảng 1 tháng đến 2 tháng dùng máy đào kết hợp thủ công để đặt ống cống. Quy trình đặt ống:
- Đào đắp và thả bè cừ tràm đáy cống theo yêu cầu thiết kế.
- Đào bằng cơ giới kết hợp với thủ công, thả bè bạch đàn, lắp đặt ống đúng cao trình và đáy ống được lót cát đệm 10 cm - 20 cm.
- Lắp và nối ống vặn chặt các mối nối.
- Bơm nước trong khối đất chuẩn bị đắp, lần lượt đắp bằng thủ công từng lớp dày 15 cm từ dưới lên trên.
- Đất đắp đảm bảo độ nén chặt giữa sườn ống và thành hố đào.
- Đắp lên trên đỉnh ống bằng thủ công một lớp bảo vệ có chiều dầy > 1,5 m phần còn lại là đắp bằng cơ giới.
* Kênh cách ly: Đào mới một kênh để cách ly khu vực dân cư với hệ thống ao nuôi. Các chỉ tiêu kỹ thuật: B mặt= 10 m; bđ = 4 m; Ñđ = -1,0 m; m = 1,5.
* Máy bơm: Hệ thống ao được tiêu thoát chủ yếu nhờ độ chênh lệnh mực nước thủy triều trong ngày. Để chủ động cần bố trí thêm máy bơm hỗ trợ khi cần thiết. Quy mô các điểm nuôi nhỏ, chia làm hệ thống nhiều ao, bố trí moteur điện công suất lọai 12 CV để bơm tiêu thoát khi cần thiết.
* Việc bố trí công trình phải có hệ thống cấp nước, kênh cách ly, hệ thống thoát nước, ao xử lý nước thải để đảm bảo môi trường và hiệu quả của việc nuôi thủy sản.
III. ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP TỔNG THỂ VỀ QUY HOẠCH, ĐẦU TƯ, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN Ở TỈNH ĐỒNG THÁP
1. Bổ sung điều chỉnh quy hoạch
* Trong những năm lũ lớn và lũ sớm như năm 2000, 2001 để hạn chế nước lũ dâng cao dọc biên giới, cần phải mở thông một số công trình kiểm soát lũ ở phía sông Tiền như kênh 2/9, Kháng Chiến, Tân Công Chí, Thống Nhất để tăng khả năng thoát lũ cho phần lớn diện tích Đồng Tháp Mười.
* Quy mô bờ bao cho hiệu quả kinh tế - kỹ thuật là khoảng 500 ha - 3.000 ha tùy từng nơi và ô bao nên kết hợp phát triển giao thông nông thôn.
* Không nên xây dựng hệ thống đê bao cả năm khu vực phía Bắc kênh Nguyễn Văn Tiếp A vì cản trở dòng chảy lũ, dâng cao mực nước biên giới phía Campuchia và hàng năm phải gia tăng kinh phí bảo quản, duy tu, nỗi lo thường trực của chính quyền địa phương và trung ương.
* Ðể bảo đảm phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ không chỉ trong xây dựng và thi công hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi cho từng vùng nuôi, mà bằng cả các giải pháp quản lý vĩ mô từ quy hoạch đến thi công và tổ chức quản lý thủy lợi một cách căn cơ trong từng địa phương, từng tiểu vùng.
2. Về đầu tư, chế độ chính sách, bảo vệ môi trường
Trung ương và Tỉnh có kế hoạch huy động vốn để thi công đồng bộ, dứt điểm từng công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản theo hướng mở rộng xã hội hóa; dành nguồn vốn ngân sách cao hơn để thi công và hỗ trợ các thành phần kinh tế xây dựng công trình thủy lợi theo phân cấp; ưu tiên vốn để điều tra cơ bản; xây dựng quy hoạch và thiết kế hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản phù hợp với từng vùng, từng đối tượng nuôi, kết hợp chặt chẽ với qui hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp. Xây dựng quy chế quản lý vùng nuôi trồng thủy sản sau đầu tư.
Có chính sách và chế độ để tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ người sản xuất tiếp cận khoa học - kỹ thuật trong nuôi trồng và công nghệ sau thu hoạch; kết hợp chặt chẽ với tổ chức sản xuất, hình thành các mô hình sản xuất, nhất là các hợp tác xã. Có chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền các cấp, nhất là ngành thủy sản trong việc sử dụng đồng bộ các biện pháp kinh tế, kỹ thuật và quản lý trong các vùng nuôi. Quan tâm đặc biệt các biện pháp sử dụng, bảo vệ, cải tạo đất, nước và bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.
Đối với vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh và công nghiệp, cần tập trung giải quyết vấn đề mất cân bằng sinh thái từ nguồn chất thải phát sinh có thể gây nên sự cố môi trường có tác động rộng lớn đến khu vực. Quy hoạch các vùng này cần bố trí tránh xa các vùng nhạy cảm trong sử dụng nước cho sinh hoạt và đời sống. Muốn giải quyết vấn đề này, trong quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh và công nghiệp, các chủ doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất nuôi trồng thủy sản phải bố trí quy hoạch khu vực xử lý nước đáp ứng tiêu chuẩn để đưa vào canh tác. Sử dụng nước trong hệ thống sản xuất canh tác phải giám sát chặt chẽ chất lư