Thủy điện Đại Ninh.[05/02/08]

05/02/2008 09:26

19

Thủy điện Đại Ninh


14h ngày 17/1/2008, sau hơn 4 năm xây dựng,  nhà máy thủy điện Đại Ninh đã chính thức hòa lưới điện quốc gia tổ máy thứ nhất có công suất 150MW. Dự kiến tổ máy thứ hai cùng công suất 150MW sẽ hòa lưới điện trong tháng 3/2008. Khi cả hai tổ máy vận hành sẽ cung cấp sản lượng điện hàng năm 1,2 tỷ kWh.Được biết sau thời gian hiệu chỉnh, chạy thử nghiệm (từ 28/11/2007 đến 16/1/2008) tổ máy thứ nhất đã đưa lên lưới điện quốc gia được 1,4 triệu kWh.

 

Dự án Thủy điện Đại Ninh thuộc hệ thống bậc thang của sông Đồng Nai, nằm trên sông Đa Nhim cách Thành phố Hồ Chí Minh 260 km, công trình đầu mối nằm trên địa phận xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình, Bình Thuận. Được khởi công từ ngày 10/5/2003, thủy điện Đại Ninh là một công trình vừa cấp phát điện cho hệ thống điện phía Nam và dẫn nước từ lưu vực sông Đồng Nai về cho Bình Thuận. Nhiệm vụ của dự án là:


+ Cấp nướcphát điện với N = 300 MW
+ Cấp nước cho nông nghiệp, công nghiệp sinh hoạt cho vùng hạ lưu.
+ Cải thiện khí hậu trong vùng tạo cảnh quan môi trường
+ Tạo điều kiện phát triển du lịch. 

Kết nối nguồn nước giữa sông Đa Nhim và sông Đa Queyon, hồ chứa nước thủy điện Đại Ninh rộng 2.000 ha được hình thành qua 2 đập chính cao gần 60 mét, 4 đập phụ, hai đập tràn sự cố và một kênh nối thông giữa hai hồ, dẫn nước từ sông Đồng Nai thuộc tỉnh Lâm Đồng tạo thành hồ chứa với tổng dung tích 320 triệu m3 nước, ở cao trình khỏang 640 mét, thuộc địa phận huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), cách thành phố Đà Lạt khỏang 40 km. Nước từ hồ chứa Đa Nhim và Đa Queyon sẽ được dẫn về Nhà máy Thủy điện Đại Ninh qua một đường hầm áp lực dài 11,2 km xuyên trong lòng núi và đường ống thép áp lực dài 1,8 km, đường kính 3,2 mét, với lưu lượng nước thiết kế qua tất cả các tua bin là 55 m3/giây phục vụ cho hai tổ máy phát điện tổng công suất lắp đặt là 300 MW (mỗi tổ máy 150 MW), cung cấp sản lượng điện hàng năm 1,2 tỷ kWh.

Một số thông số của nhà máy:

Tuyến đầu mối: Hệ thống gồm 2 hồ liên thông với nhau, một trên nhánh sông Đa Nhim, một trên nhánh sông Đa Queyon     

* Một số thông số bản của hồ chứa:
+ MNC = +860 m, Dung tích chết Vc = 68,04 triệu m                                     
+ MNDBT = + 880,0 m, Dung tích hồ ứng với MNDBT: Vk = 320 triệu m3
+  Mực nước lớn nhấthồ Đa Nhim +882,6 m
+  Mực nước lớn nhấthồ Đa Queyon +883,2 m
+ Đầu mối các công trình: 2 đập chắn, 4 đập phụ, tràn xả chính, cống xả nước sâu, tràn sự cố, kênh nối hai hồ

* Đập chính Đa Nhim: - Đập đất  đồng chất lõi chống thấm,
- Cao trình đỉnh đập +883,7 m; rộng 8 mét
 - Chiều dài đỉnh đập L = 430m
 - Chiều cao đập lớn nhất Hmax = 56m

* Đập chính Đa Queyon:
- Đập đất  đồng chất lõi chống thấm,
- Cao trình đỉnh đập +884, 3 m; rộng 8 mét
- Chiều cao đập lớn nhất Hmax = 58m

* Đập phụ : 4 đập phụ số 1, 2, 3, 4 chiều cao lần lượt 22m, 17m, 31m, 34m

* Kênh nối hai hồ đáy rộng 22 m, đáy thấp hơn MNC. Kênh dài 2510 m, lưu lượng thiết kế 3077 m3 /s

*Tràn xả chính:
- Cao trình ngưỡng tràn +862,5m, thấp hơn MNDBT 17,5m
-Tràn 3 cửa, van cung kích thước b x h = 15 x 18,75 (m)
- Ngưỡng tràn thực dụng. Cột nước tràn lớn nhất Hmax = 20,1m
- N ối tiếp sau ngưỡng tràn dốc nước . Cuối dốc nước tiêu mũi phun

*Tràn sự cố: đặtđập phụ, Tràn sự cố kiểu đập đất nước tràn qua đỉnh đập gây vỡ. Cao trình ngưỡng tràn sự cố  +869,0 m, thấp hơn MNDBT 11,0 m   

 * Cống xả sâu: loại cống tròn, chảy áp. Đường kính cống 0,8m đặtdưới ngưỡng tràn xả chính. Lưu lương qua cống từ 7 đến 20 m3 /s  nhằm duy trì dòng chảyhạ lưu đáp ứng các yêu cầu khác nhau

2. Tuyến năng lượng
* Cửa nhận nước : cao trình ngưỡng cửa vào +850,0m
* Đường hầm dẫn nước: Sau cửa nhân nước là đường hầm dẫn nước. Dài 11.254 mét. Đường kính trong là 4,5 m
* Tháp điều áp: cao 230 m; mặt cắt ngang dạng tròn. Gồm 3 phần: phần sâu nhất đường kính 3,5m; phần ở giữa đường kính 10m; phần trên cùng đường kính 28m
* Đường ống: Có một đường ống nối tiếp sau đường hầm dẫn nước. Đường kính ống từ 3,2m đến 3,3m. Tổng chiều dài là 1.818m.  Đến nhà máy đường ống rẽ làm 2 nhánh đi vào buồng xoắn tuốc bin. Đường kính ống nhánh là 2,25m

Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng khỏang 440 triệu USD, trong đó vốn vay Nhật bản chiếm 85%.

 

Tuyến đường ống áp lực thủy điện Đại Ninh

Theo kế hoạch, tổ máy thứ nhất của Nhà máy Thủy điện Ðại Ninh sẽ vận hành vào cuối tháng 11 tới và tổ máy thứ hai cũng sẽ hoạt động vào cuối năm nay. Nhà máy Thủy điện Đại Ninh vận hành, ngoài việc bổ sung nguồn điện cho lưới điện quốc gia, nước xả từ thủy điện Ðại Ninh còn là nguồn năng lượng phục vụ cho thủy điện Bắc Bình với công suất khỏang 33 MW trong tương lai và cung cấp luợng nước đáng kể cứu cho hàng chục ngàn ha đất nông nghiệp có nguy cơ sa mạc hóa ở huyện Bắc Bình và Bắc thành phố Phan Thiết (Bình Thuận).

 

Cửa vào Tràn xả lũ Đại Ninh

 

Nước sau thủy điện Ðại Ninh và thủy điện Bắc Bình đổ ra suối Mác Tin, nhập cùng dòng sông Ða Ka Chu (Ta Mai) ở thượng nguồn sông Lũy, rồi xuôi về biển. Ðể tận dụng nguồn nước này, cuối tháng 5-2006, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quyết định phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết giai đoạn một. Nhiệm vụ của dự án (giai đoạn một) là cấp nước tưới cho 15.700 ha đất canh tác thuộc đồng bằng Phan Rí, cấp nước phục vụ dân sinh và cải tạo môi trường trong khu vực.

Lòng hồ thủy điện Đại Ninh


Theo đó, ở khu đầu mối, xây dựng một đập đất dài 430 m, rộng 5 m, chiều cao đập lớn nhất là 10 m cùng một đập tràn và cống lấy nước, cống xả, nhà quản lý đầu mối. Kênh chính Ðông của công trình dài gần 10 km cùng hệ thống kênh cấp I, cấp II, cấp III trở xuống và kênh tiêu có tổng chiều dài hơn 180 km. Tổng dự toán thực hiện dự án (thời điểm quý 3 năm 2005) hơn 1.100 tỷ đồng. Dự án cũng đã kết hợp đã xây dựng các khu tái định cư cho bà con hai xã Phan Lâm, Phan Sơn, huyện Bắc Bình. 

 

Bắc Bình là vùng khô hạn nhất tỉnh. Cuối tháng 12-2005, tỉnh Bình Thuận đã khảo sát xây dựng đập dâng nước Bắc Bình (dài 140 m, mặt đập rộng 1,5 mét) tại thôn 3, xã Phan Sơn, nhằm ngăn dòng sông Lũy, chảy qua tuyến kênh đào dài 14 km dẫn nguồn nước xả sau thủy điện Đại Ninh về hồ chứa Cà Giây. Khi tổ máy thứ nhất của thủy điện Ðại Ninh hoạt động, công trình này sẽ tiếp nguồn nước có lưu lượng nước từ 8 đến 12 m3/giây để đưa về hồ Cà Giây, nâng năng lực tưới của hồ lên khỏang 8.000 ha, gấp 2 lần năng lực thiết kế.

 

Cùng với tiến trình xây dựng đập đầu mối sông Lũy đưa nước về hồ Cà Giây, ngành thủy lợi tỉnh Bình Thuận cũng đã khảo sát và nâng cao đập 812 ở hạ lưu sông Lũy từ 1,4 m lên 2,4 m và mở rộng từ 1 lên 3 cửa cống tưới tải nước về cho kênh Úy Thay với lưu lượng nước qua mỗi cống 3 m3/giây. Công trình này phục vụ tưới cho hơn 850 ha, thay vì lấy  nguồn nước từ hồ Cà Giây để tưới nên đã tiết kiệm được nguồn nước khá lớn của hồ. Ðồng thời, hệ thống cống sẽ đưa nước từ đập 812 về tưới cho khoảng 2.000 ha ruộng “ăn” nước trời thuộc xã Lương Sơn, Sông Bình và bổ sung nước cho đập Ðồng Mới ở khu vực hạ lưu. Tổng vốn đầu tư cho hai công trình nói trên khoảng 30 tỷ đồng, khi Thuỷ điện Đại Ninh đi vào vận hành, thì đồng nghĩa hai công trình thủy lợi này cũng phát huy hiệu quả và mang lại tiềm năng kinh tế rất lớn cho một vùng khô hạn, hàng năm chỉ sản xuất một vụ bấp bênh, thậm chí không có nước cho gia súc uống vào mùa khô.

 

Theo thiết kế, hồ Cà Giây tưới được hai vụ cho khoảng 4.000 ha, năm nào mưa thuận điều tiết nước sản xuất thêm được khoảng 1.000 ha vụ đông xuân. Khi thủy điện Ðại Ninh hoạt động và hai công trình trên đưa vào sử dụng, năng lực tưới của hồ Cà Giây sẽ tăng gấp hai lần so với thiết kế và đủ nước tưới ba vụ/năm.

 

Thủy điện Đại Ninh không những đánh thức tiềm năng một vùng đất khô hạn, còn mở ra được hướng làm giàu từ du lịch sinh thái, đồng thời góp phần không nhỏ trong việc cải thiện đời sống cho nhân dân trong vùng./.

 

(Nguyễn Hoài Nam, nam@vncold.vn)