» Mở tất cả ra       » Thu tất cả lại
English and French
Tìm kiếm

Bài & Tin mới
Nghị định số 02/2024/NĐ-CP về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam [17-01-2024]
Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Cục Quản lý xây dựng công trình [26-12-23]
Chùm ảnh các công trình thuỷ lợi tiêu biểu ở VN 20 năm 2003-2023 [30-11-2023]
Danh mục các quy hoạch thủy lợi đã được phê duyệt [26-10-2023]
BÀN VỀ ĐỊNH HƯỚNG LẠI NGÀNH XÂY DỰNG THÔNG QUA CHUYỂN ĐỔI SỐ [26-10-2023]
Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 thay thế Luật Đấu thầu trước đây và có hiệu lực từ 01/01/2024 [15-10-2023]
Dự thảo TCVN 8731-20xx Phương pháp xã định hệ số thấm của đất bằng phương pháp đổ nước và múc nước trong hố đào và hố khoan [15-10-2023]
Đập Đắk N’Ting (Đắk Nông) trước nguy cơ bị vỡ [05-09-23]
QUYẾT ĐỊNH: Về việc hủy bỏ Tiêu chuẩn quốc gia [05-09-23]
Nghị định 35/2023/NĐ-CP [07-08-23]
Ý KIẾN TRAO ĐỔI VỀ ĐỘNG ĐẤT Ở KONTUM NGÀY 14-07-2023 (2)[07-08-23]
HOẠT ĐỘNG HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỔI NĂM [04-08-23]
Đô thị ngoại ô: cuộc chiến đất vùng rìa [25-07-23]
Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi 2021-2030 [25-07-23]
Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi 2021-2030 [25-07-23]
NHỮNG NỘI DUNG KHÔNG PHÙ HỢP VÀ KHÔNG ĐÚNG trong Tiêu chuẩn TCVN 8637:2021(về Yêu cầu kỹ thuật lắp đặt và nghiệm thu máy bơm)[14-07-23]
Ý kiến trao đổi về động đất ở Kontum [14-07-23]
Tiếp tục xảy ra 7 trận động đất tại Kon Plông (Kon Tum) [14-07-23]
Bàn thêm về dung tích phòng lũ ở các hồ chứa thủy lợi, thủy điện [13-07-23]
 Số phiên truy cập

81287892

 
Nước, Môi trường & Thiên tai
Gửi bài viết này cho bạn bè

Về việc xây dựng hồ Ô Lâu Thượng và yêu cầu đảm bảo an toàn về lũ, úng theo Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế [28-02-23]
Đây là bài thứ tư trong loạt 04 bài viết liên quan bảo đảm an toàn về lũ cho Thừa Thiên Huế, bắt nguồn từ tình trạng đồng bằng hệ thống sông Hương - sông Bồ mặc dù đã có 03 hồ chứa nước phủ hết lưu vực ở thượng nguồn mà năm nào cũng bị ngập do lũ nhưng lại được coi là điều bình thường, do thiên nhiên gây ra.

                                      KS. Nguyễn Anh Tuấn

                                                    Hội Khoa học kỹ thuật Thủy lợi TP.HCM

Tóm tắt:

Đây là bài thứ tư trong loạt 04 bài viết liên quan bảo đảm an toàn về lũ cho Thừa Thiên Huế[1], bắt nguồn từ tình trạng đồng bằng hệ thống sông Hương - sông Bồ mặc dù đã có 03 hồ chứa nước phủ hết lưu vực ở thượng nguồn mà năm nào cũng bị ngập do lũ nhưng lại được coi là điều bình thường, do thiên nhiên gây ra. Một trong các nội dung của bài thứ ba là đề xuất phương pháp thiết kế dung tích phòng lũ của hồ chứa theo lưu lượng xả lũ lớn nhất cho phép ứng với mức bảo đảm an toàn về lũ được xác định cho vùng hạ du đập.

Bài thứ tư này đặt vấn đề cần đầu tư xây dựng hồ Ô Lâu Thượng trên nhánh Ngọn Ô Lâu theo nội dung thiết kế trên với mức đảm bảo an toàn về lũ cho đô thị và các khu vực xây dựng khác đã được xác định tại Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế được duyệt, coi đây là cơ hội để đề xuất Trung ương hỗ trợ nếu kinh phí đầu tư vượt quá khả năng cân đối của Tỉnh, đồng thời là cơ hội để đề xuất điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương theo hướng các hồ chứa thủy điện tham gia nhiều hơn vào việc cắt, giảm lũ cho vùng hạ du đập xuống dưới mực nước báo động cấp 2.

1. Đặt vấn đề.

Ngày 19/10/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1261QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (sau đây viết tắt là NVQHCĐT TTH), trong đó yêu cầu: Đề xuất các giải pháp cao độ nền và thoát nước mặt hợp lý cho các đô thị và các khu vực xây dựng khác; đảm bảo an toàn về lũ, úng; phòng tránh các hiểm họa thiên tai... nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng”. Như vậy, mức “đảm bảo an toàn về lũ, úngđã được xác lập, và phải được giải quyết trước, làm cơ sở cho giải pháp thoát nước mặt cho đô thị, bằng việc đầu tư xây dựng và vận hành hồ chứa có dung tích cắt, giảm lũ trên các con sông lớn nhằm đảm bảo các đô thị và các khu vực xây dựng khác trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế không bị ngập do lũ từ thượng nguồn đổ về.

Trong số các con sông lớn ở Thừa Thiên Huế đổ ra đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, hiện chỉ còn sông Ô Lâu là chưa được xây dựng hồ chứa ở thượng nguồn để cắt, giảm lũ. Bên cạnh đó là tình trạng đồng bằng hệ thống sông Hương - sông Bồ mặc dù đã có 03 hồ chứa nước phủ hết lưu vực ở thượng nguồn mà năm nào cũng bị ngập do lũ nhưng lại được coi là điều bình thường, do thiên nhiên gây ra. Dưới đây trình bày chi tiết hơn về 2 vấn đề trên dưới góc độ việc cắt, giảm lũ tại hồ chứa nước cho vùng hạ du đập phải đáp ứng yêu cầu an toàn về lũ cho đô thị và các khu vực xây dựng khác theo NVQHCĐT TTH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

  

 Hình 1. Bản đồ lưu vực 05 hồ chứa lớn hiện có ở Thừa Thiên Huế (giới hạn bởi các đường viền màu đỏ). Chỉ có lưu vực sông Ô Lâu ở huyện Phong Điền là chưa có hồ chứa.

2. Thông tin chung về sông Ô Lâu.

Sông Ô Lâu bắt nguồn từ vùng núi Tây Trị Thiên ở độ cao tuyệt đối xấp xỉ 905m, có chiều dài dòng chính 66 km, diện tích lưu vực 900 km2 (có tài liệu viết 926 km2), độ dốc trung bình lưu vực trên 13m/km (ở phạm vi đồi núi trên 19m/km). Thoạt đầu sông chảy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, đến Phò Trạch chuyển hướng Đông Nam - Tây Bắc cho tới Phước Tích (chỗ hội lưu với sông Thác Ma[2]), sau đó chuyển hướng Tây Nam - Đông Bắc cho đến Vân Trình lại chuyển hướng Tây Bắc - Đông Nam và đổ vào phá Tam Giang qua Cửa Lác.

Giống như các sông ở Thừa Thiên Huế, Ô Lâu là một con sông nhiều nước. Hàng năm đổ vào phá Tam Giang một lượng nước tính trung bình 576 triệu mét khối nhưng phân bố không đều trong năm. Chỉ bốn tháng mùa mưa lũ đã chiếm 424 triệu mét khối, bằng 73,6% lượng nước cả năm, tám tháng còn lại chỉ chiếm 152 triệu, bằng 26,4% tổng lượng nước đổ vào phá Tam Giang. Trong năm, tháng ba là tháng có lượng dòng chảy nhỏ nhất, và tháng 10 là tháng có lượng dòng chảy lớn nhất. Vì vậy vào thời kỳ kiệt nhất, mực nước trong sông thấp hơn mực nước phá Tam Giang, nước sông không đủ để đẩy mặn từ phá tràn vào. Nhu cầu nước trung bình hàng năm của sông Ô Lâu theo tính toán là 82 triệu mét khối, chỉ bằng 10% khả năng nguồn nước. Nguồn nước dư thừa trong mùa mưa vào đầm phá, ra biển, nhưng lại khan hiếm trong mùa khô. Nơi cần nước như vùng cát nội đồng thì chưa có cách nào để khắc phục một cách có hiệu quả. Đoạn hạ lưu tính từ cầu Phò Trạch đến cửa sông ở địa đầu phía Bắc phá Tam Giang, địa hình thấp thường bị ngập lụt trong mùa mưa lũ và cũng là đoạn ven bờ có dân cư tập trung đông đúc nhất.

Sông có hai nhánh lớn đều bắt nguồn trên vùng núi địa phận huyện Phong Điền. Nhánh thứ nhất chảy qua địa phận Quảng Trị trên vùng đồi núi Tây Nam huyện Hải Lăng, nhánh này tên gọi cũ là Thu Lơi cùng với nhánh sông Mỹ Chánh chảy hoàn toàn trên đất Hải Lăng ở phía Bắc. Hai nhánh hợp lưu thành sông Thác Mã. Sông Thác Mã (hay Thác Ma) sau khi qua khỏi cầu Mỹ Chánh thì nhập vào sông Ô Lâu ở ngã ba Phước Tích. Nhánh thứ hai gọi là Ngọn Ô Lâu chảy về phía Đông và Đông Bắc qua vùng núi đồi Phong Mỹ, Phong Thu về thị trấn Phò Trạch. Sau khi qua khỏi cầu Phò Trạch, chuyển hướng Tây Bắc men theo phía Đông Quốc lộ 1A qua Khúc Lý, Ưu Thượng, Phường Lái rồi về Hội Kỳ. Đến đây sông lượn thành một khúc uốn bao quanh ba phía làng Phước Tích. Sau khi qua khỏi cầu Phước Tích cùng với sông Thác Mã (còn gọi là sông Mỹ Chánh) chính thức thành sông Ô Lâu. Từ đây xuống Vân Trình, con sông là ranh giới hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Từ Vân Trình trở đi đổi hướng Đông Nam để vào phá Tam Giang[3]


Hình 2. Bản đồ vị trí các nhánh sông Ô Lâu và ranh giới 2 tỉnh

 

3. Vấn đề về nhánh sông Mỹ Chánh trong Dư địa chí Phong Điền.

Trên bản đồ cho thấy giữa nhánh Thác Ma và nhánh Ngọn Ô Lâu có một nhánh khác, đó chính là nhánh Mỹ Chánh nằm trên đất Hải Lăng, Quảng Trị, và được Dư địa chí Phong Điền viết là: “Hai nhánh hợp lưu thành sông Thác Ma”. Nhưng Mỹ Chánh nhập vào Ngọn Ô Lâu trước rồi sau đó mới gặp Thác Ma mà viết như vậy thì thành ra Ngọn Ô Lâu là nhánh của sông Mỹ Chánh? Lại nữa: Sau khi hai nhánh này nhập vào nhau rồi mới gặp Thác Ma, mà viết như vậy thì thành ra Ngọn Ô Lâu là nhánh của sông Thác Ma? Mà nếu vậy thì lại mâu thuẫn với nội dung đoạn sau: “Sau khi qua khỏi cầu Phước Tích cùng với sông Thác Mã (còn gọi là sông Mỹ Chánh) chính thức thành sông Ô Lâu”!

Có thể cho rằng phía Quảng Trị gọi đoạn chung với Ngọn Ô Lâu đó (hiện là đoạn ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh) là sông Mỹ Chánh với quan niệm rằng nhánh Mỹ Chánh và nhánh Ngọn Ô Lâu là 2 nhánh của sông Mỹ Chánh và sông Mỹ Chánh hợp lưu với nhánh Thác Ma thành sông Ô Lâu. Phía Quảng trị gọi Thác Ma là sông Mỹ Chánh là coi Thác Ma là nhánh của Mỹ Chánh chứ không phải Mỹ Chánh là nhánh của Thác Ma. Thôi thì Quảng Trị gọi thế nào, viết thế nào là quyền của họ. Nhưng người Thừa Thiên Huế ta mà viết: “sông Thác Mã (còn gọi là sông Mỹ Chánh)” thì thành ra ta hoàn toàn nghe theo họ mà quên rằng mình phải có chủ kiến riêng (viết: “sông Thác Mã (bên Quảng Trị gọi là sông Mỹ Chánh)” thì hợp lý hơn).

Những người viết Dư địa chí Phong Điền nên xem xét lại các chi tiết này, vì đứng về phía Phong Điền, Thừa Thiên Huế mà nhìn, thì Mỹ Chánh là nhánh của Ngọn Ô Lâu. Còn nếu đứng giữa, không đứng về phía Quảng Trị hay về phía Phong Điền hoặc Thừa Thiên Huế mà xét, lấy tiêu chí nhánh nào bắt nguồn từ nơi cao hơn, xa hơn thì nhánh đó là nhánh chính để phân biệt, thì Mỹ Chánh là nhánh bắt nguồn thấp và ngắn hơn cả, cho nên Mỹ Chánh là nhánh của Ngọn Ô Lâu, hợp lưu thành Ngọn Ô Lâu, còn Thác Ma và Ngọn Ô Lâu là 2 nhánh độc lập với nhau, hợp lưu tạo thành sông Ô Lâu.

Tuy có phần cục bộ địa phương, nhưng đây lại là vấn đề của lịch sử, nên không thể bắt bên nào phải nghe theo bên nào. Vấn đề ở chỗ là dư địa chí thì phải cố gắng làm cho chuẩn.

4. Trở lại với hồ chứa và quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế

a) Đối với hồ Ô Lâu Thượng.

Hiện Tỉnh đang hợp đồng với đơn vị tư vấn để lập BCNCTKT theo nội dung quy hoạch được duyệt tại Quyết định số 5204/QĐ-BNN-TCTL ngày 27/12/18 của Bộ NN&PTNT phê duyệt Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Hương - Ô Lâu giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với nội dung: “Xây dựng mới hồ chứa Ô Lâu Thượng trên sông Ô Lâu, tưới trực tiếp cho 200 ha; tiếp nguồn vào kênh hồ Hòa Mỹ, tưới cho khoảng 2.400 vùng cát Phong Quảng Điền; xả 4-5m3/s xuống hạ lưu sông Ô Lâu, kết hợp với đập Cửa Lác tạo nguồn cho các trạm bơm hạ lưu sông Ô Lâu, cấp nguồn cho khoảng 1.285 ha thủy sản; chống lũ tiểu mãn, lũ hè thu, bảo vệ sản xuất cho đồng bằng sông Ô Lâu với dung tích phòng lũ 30 triệu m3” (hình 3).

Hình 3. Bản đồ vị trí hồ Ô Lâu Thượng trên nhánh Ngọn sông Ô Lâu.

Yêu cầu “đảm bảo an toàn về lũ, úng” cho đô thị và các khu vực xây dựng khác của NVQHCĐT TTH đòi hỏi lưu lượng lớn nhất cho phép xả lũ về hạ lưu phải được khống chế sao cho lưu lượng đo tại trạm thủy văn Phong Bình không được lớn hơn lưu lượng ứng với mực nước báo động cấp 2 tại đây. Mức đảm bảo an toàn về lũ này cao hơn so với quy hoạch thủy lợi đã được duyệt (chỉ chống lũ tiểu mãn, lũ hè thu, bảo vệ sản xuất cho đồng bằng sông Ô Lâu), đòi hỏi dung tích phòng lũ lớn hơn, đập, hồ chứa cao hơn và kinh phí lớn hơn.

Trong 03 nhánh (Thác Ma, Mỹ Chánh, Ngọn Ô Lâu) của sông Ô Lâu, chỉ còn lại hồ Ô Lâu Thượng trên nhánh ngọn Ô Lâu để có thể cắt, giảm lũ cho Phong Điền, Quảng Điền. Nếu không thiết kế dung tích phòng lũ ở hồ này theo yêu cầu đảm bảo an toàn về lũ, úng cho đô thị và các khu vực xây dựng khác ở vùng hạ du đập như NVQHCĐT TTH đã yêu cầu thì sau này sẽ khó thực hiện.  Cần đặt an toàn và lợi ích của người dân lên trên hết để đề xuất Chính phủ hỗ trợ đầu tư bằng ngân sách Trung ương nếu ngân sách tỉnh không đủ để cân đối.

b) Đối với các hồ Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền.

Điều 28 Luật Thủy lợi quy định: Quy trình vận hành hồ chứa nước thủy điện phải tuân thủ quy định của Luật Tài nguyên nước. Ý nghĩa của quy định này là: Theo Luật Tài nguyên nước: Nước ở hồ chứa nước là nguồn nước, và nguồn nước là tài nguyên nước. Theo Điều 53 Hiến pháp, Điều 197 Bộ Luật Dân sự (“tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”) nên Nhà nước là đại diện chủ sở hữu nước trong hồ chứa nước (viết tắt là chủ hồ), có toàn quyền phân phối nước từ đập, hồ chứa nước cho các mục đích sử dụng khác nhau, bao gồm cả quyền xả bớt nước ở hồ chứa nước nhằm tạo dung tích trống chứa lũ đủ để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du đập theo mức đảm bảo đã được xác định. Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện quyền này khi ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông, trong đó quy định các hồ chứa thủy điện phải tham gia cắt, giảm lũ, kể cả khi đập chắn nước đó thuộc sở hữu tư nhân, và bất kể hồ chứa có dung tích thiết kế phòng lũ là bao nhiêu.

Luật Thủy lợi giải thích: An toàn đập, hồ chứa nước bao gồm an toàn cho đập, hồ chứa nước, các công trình có liên quan an toàn cho người và tài sản vùng hạ du đập. Điều 4 Nghị định 114/2008/NĐ-CP quy định nguyên tắc: “Bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước là ưu tiên cao nhất trong đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước”. 

Đó là những cơ sở pháp lý để đề xuất điều chỉnh quy trình vận hành hiện hành theo hướng cả 03 hồ chứa phải đảm bảo an toàn về lũ, úng cho đô thị và các khu vực xây dựng khác ở vùng hạ du đập như NVQHCĐT TTH đòi hỏi: Các hồ phải xả lũ sao cho mực nước tại trạm thủy văn trên sông luôn dưới mức báo động 2[4]. Trong khi vẫn quan tâm để tổng hiệu quả phát điện là cao nhất và tăng cường các mục đích sử dụng nước khác trong phạm vi có thể.

Cụ thể:

- Bảng 1 và hình 4 dưới đây cho thấy có những điểm chưa phù hợp trong quy trình vận hành liên hồ chứa hiện hành trong đối chiếu với tiêu chí mực nước trên các sông phải dưới mức báo động 2, gồm:

Bảng 1. Cao trình mực nước thiết kế, vận hành các hồ theo QTVH hiện hành.

Thứ tự

Cao trình/Đơn vị

Hồ            Bình Điền

Hồ             Tả Trạch

Hồ                    Hương Điền

Hồ             A Lưới

1

Mực nước dâng bình thường (m)

85

45

58

553

2

Mực nước chết (m)

53

23

46

549

3

Mực nước cao nhất trước lũ           (m)

80,6; 80;6; 80,6;              81,6-85 *

25,0; 28,0; 35,0;              38,0-45,0 *

56,0; 56,0; 56,0;             56,5-58,0 *

-

4

Mực nước đón lũ thấp nhất                  (m)

74,5; 74,5; 74,5; 81,6 *

23,0; 25,0; 35,5; 38,0 *

53,5; 53,5; 53,5; 56,5 *

-

5

Mực nước vận hành đảm bảo an toàn công trình (m)

85

50

58

-

















Hình 4. Quá trình mực nước cao nhất TBNN trạm Kim Long (sông Hương) và trạm Phú Ốc (sông Bồ)[5] - Mực nước trên báo động 2 chủ yếu nằm trong hai tháng 10 và 11.

+ Mực nước cao nhất trung bình nhiều năm (TBNN) tháng 10 và tháng 11 cao hơn mức báo động 2 ở Kim Long (+ 2,0m) và ở Phú Ốc (+3,0m), đòi hỏi phải tăng tổng dung tích phòng lũ của 3 hồ chứa nước để đưa đưa đường quá trình mực nước xuống dưới mức báo động 2.

+ Lũ trên sông Bồ cao hơn lũ trên sông Hương nhưng mực nước cao nhất TBNN ở sông Bồ cũng chỉ cao hơn 1m so với mực nước báo động 2 giống như ở sông Hương là bất hợp lý. Vì vậy, cần rà soát, điều chỉnh mực nước báo động 2 ở trạm Phú Ốc. Quá trình mực nước cao nhất TBNN ở trạm Phú Ốc trên hình 4 cho thấy mực nước báo động 2 ở đây nằm ở cao trình +2,5m thì phù hợp hơn là ở +3,0m. Khi ấy đường quá trình mực nước phía trên cao trình +2,5m hơi vượt ra ngoài phạm vi tháng 10 và tháng 11 giống như ở trạm Kim Long và như vậy là hợp lý. 

+ Hình 4 cho thấy: cần phân chia lại các thời đoạn mùa lũ như sau: từ 01/9 đến 30/9; từ 01/10 đến 31/10; c) từ 01/11 đến 31/11; từ 01/12 đến 15/12 (do có những cơn lũ bất thường vẫn xảy ra đến 15/12);

+ Tháng 10, 11 là hai tháng tập trung mưa, lũ nhiều nhất nhưng QTVH (Bảng 1) lại quy định mực nước cao nhất trước lũ, mực nước đón lũ thấp nhất tháng 9 thấp hơn, tháng 10 và tháng 11 cao hơn là chưa phù hợp. Mực nước cao nhất trước lũ, mực nước đón lũ thấp nhất tháng 9 phải cao hơn của tháng 10, tháng 11 và thấp hơn của tháng 12; của tháng 10 thấp hơn của tháng 11 và phải dựa trên kết quả tính toán hợp lý.

- Mực nước vận hành bảo đảm an toàn công trình ở hồ Bình Điền và hồ Hương Điền bằng với mực nước dâng bình thường, ở hồ Tả Trạch bằng với  mực nước lớn nhất thiết kế như ở bảng 1 là chưa hợp lý, cần rà soát để nâng lên bằng mực nước lớn nhất kiểm tra theo đúng quy định tại Mục 2.14.3 QCVN 04-05:2012/BNNPTNT: Công trình thủy lợi - các quy định chủ yếu về thiết kế  (dung tích phòng lũ là: “Phần dung tích của hồ chứa nước nằm trong phạm vi từ mực nước đón lũ đến mực nước lớn nhất kiểm tra làm nhiệm vụ điều tiết lũ”).

- Điều 13 của quy trình vận hành hiện hành về vận hành các hồ trong điều kiện bình thường yêu cầu: “Chủ hồ được chủ động vận hành phát điện nhưng phải đảm bảo yêu cầu về mực nước cao nhất trước lũ, duy trì dòng chảy tối thiểu sau đập theo quy định và phải thực hiện vận hành hàng ngày để bảo đảm yêu cầu sử dụng nước ở dưới hạ du” mà không quy định rõ như tại điểm đ khoản 2 Điều 7, không phân biệt rõ mùa lũ với mùa mưa ít. Cộng với việc áp dụng sai lệch quy định: “Trong quá trình vận hành phải thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình thời tiết, mưa, lũ; mực nước tại các trạm thủy văn; mực nước, lưu lượng đến hồ và các bản tin dự báo tiếp theo để vận hành, điều tiết hồ cho phù hợp với tình hình thực tế” đã dẫn tới các trường hợp quyết định vận hành hồ xả lũ ngoài mùa lũ vượt quá trách nhiệm hoặc thiên về an toàn quá mức cần thiết ở giai đoạn tích nước cuối mùa lũ, làm giảm hiệu quả quản lý mực nước hồ trong giai đoạn tích nước cuối mùa lũ và đầu mùa mưa ít, giảm hiệu quả kinh tế trong quản lý tài nguyên nước từ hồ chứa nước.

- Điều 194 Bộ luật dân sự quy định: “Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản”. Căn cứ vào đó, Chính phủ quy định tại khoản 6 Điều 2 Nghị định 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018: “chủ sở hữu đập, hồ chứa, thủy điện là tổ chức, cá nhân tự đầu tư xây dựng hoặc được chuyển giao sở hữu đập, hồ chứa nước”.

Trong khi điều kiện nguồn vốn ngân sách của tỉnh chưa cho phép, thì điều tích cực nhất có thể làm là lập và trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy trình vận hành để đạt được yêu cầu đảm bảo an toàn chống lũ cho đô thị và các khu vực xây dựng khác theo yêu cầu của NVQHCĐT TTH và nguyên tắc: “Bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước là ưu tiên cao nhất trong đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước”, đồng thời vận hành công trình đảm bảo an toàn về lũ cho vùng hạ du đập kết hợp đảm bảo hiệu quả kinh tế, không lãng phí nguồn nước trong các hồ chứa. Trong tương lai, khi Thừa Thiên Huế có nguồn vốn ngân sách dồi dào hơn, hoặc nếu được Trung ương hỗ trợ nguồn vốn, có thể bàn chuyện thương lượng với chủ sở hữu các đập thủy điện để chuyển giao quyền sở hữu cho Tỉnh trên cơ sở thuận mua vừa bán. Khi đó việc quản lý, vận hành hồ chứa sẽ thống nhất, chủ động, hài hòa hơn, an toàn hơn, cho phép chủ động nghiên cứu đầu tư xây dựng nâng cao trình đỉnh đập để tăng dung tích phòng lũ (nếu thấy cần thiết) hoặc nghiên cứu bổ sung cống xả cát cho 02 hồ thủy điện.

c) Về vấn đề chuyển bớt nước từ sông Bồ sang sông Hương

Được biết, Tỉnh đang nghiên cứu chuyển bớt nước từ sông Bồ sang sông Hương để giảm thời gian ngập lụt và giảm mực nước ngập cho các khu vực thấp trũng ở vùng Quảng Điền, Hương Trà.

  

Hình 5. Nhánh sông Thanh Lương có ít nhất một đoạn Ω có thể cắt bớt.

Về vấn đề này, Mục b ở trên đã nêu giải pháp căn cơ để giải quyết cắt, giảm ngập do lũ cho vùng hạ du đập đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn về lũ cho các đô thị và các khu vực xây dựng khác trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Hình 5 cho thấy có thể nghiên cứu thêm giải pháp cắt đoạn Ω trên nhánh Thanh Lương nối với sông Hương, nhờ đó giảm được chiều dài nhánh này, tăng được độ dốc, nước ở phần trên sẽ chảy nhanh và nhiều hơn về phía sông Hương, giảm ngập do lũ cho vùng phía dưới.

Nhìn chung, vì tất cả các nhánh sông đều chảy ra hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, nên nếu không giải quyết vấn đề tăng cường cửa tháo lũ ra biển cho hệ đầm phá thì vấn đề thoát lũ vẫn sẽ chưa được giải quyết một cách rốt ráo.

5. Lời kết.

Đề xuất điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hương là việc cần được tiến hành sớm, vừa có lợi về đảm bảo an toàn về lũ cho vùng hạ du đập, hồ chứa nước, vừa giúp vận hành hồ chứa có tổng hiệu quả phát điện là cao nhất và tăng cường các mục đích sử dụng nước khác trong phạm vi có thể. Việc đầu tư xây dựng hồ chứa nước Ô Lâu Thượng cần được áp dụng phương pháp thiết kế dung tích phòng lũ của hồ chứa theo lưu lượng xả lũ lớn nhất cho phép ứng với mức bảo đảm an toàn về lũ được xác định cho vùng hạ du đập. Việc này đòi hỏi quy mô đầu tư lớn hơn nhiều so với quy hoạch thủy lợi ban đầu đã được duyệt.

Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế được duyệt là cơ sở để lập đồ án quy hoạch và là cơ hội đề xuất danh mục một số dự án, công trình do Trung ương đầu tư để thực hiện yêu cầu đảm bảo an toàn về lũ, úng của quy hoạch đó. Thí dụ có thể đề xuất các dự án đầu tư: Hồ chứa nước Ô Lâu Thượng sau khi bổ sung nhiệm vụ cắt, giảm lũ đảm bảo an toàn cho vùng hạ du đập với mức đảm bảo cho đô thị và các khu vực xây dựng khác; Mở rộng cửa thoát lũ dưới QL1A và đường sắt Bắc Nam để đảm bảo thoát lũ cho lưu vực sông Cầu Hai và Hói Rui; Tăng cường khả năng tháo lũ từ hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai ra biển để tháo lũ nhanh hơn … nếu Tổng mức đầu tư vượt quá khả năng cân đối của Tỉnh hoặc do các công trình cần đầu tư xây dựng thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành trung ương.

Danh mục các dự án, công trình do Trung ương đầu tư có trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở để các Bộ, ngành liên quan lập chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư[6]. Vì vậy, cần rà soát, cân nhắc kỹ để không bỏ sót./.

TP. HCM, ngày 25/01/2023. Nat.

   

Mời download & xem file đính kèm.



[1] Ba bài trước gồm: Đề xuất nghiên cứu bài toán trị thủy nhằm đảm bảo an toàn về lũ, úng của quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế [24-12-22]; “Đi tìm giải pháp cho đoạn bị ngập tại Km 867 Quốc lộ 1A” và “Về những hạn chế, bất cập của pháp luật về quản lý, phân công quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và quản lý tài nguyên nước ở các hồ chứa nước”.  

[2] Sông Thác Ma, còn có tên là sông Thác Mã, bên Quảng Trị gọi là sông Mỹ Chánh, là một con sông đổ ra sông Ô Lâu. Sông có chiều dài 51 km và diện tích lưu vực là 172 km². Sông Thác Ma bắt nguồn từ vùng núi huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế rồi chảy qua huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị. Dư địa chí Phong Điền giới thiệu thêm tên sông là Sông Thác Mã. Wikipedia.

[4] Xem : “Phương pháp tính toán thiết kế dung tích phòng lũ cho đập, hồ chứa nước theo lưu lượng xả lũ lớn nhất cho phép ứng với mục tiêu bảo đảm an toàn về lũ đã định cho vùng hạ du đập” tại Mục 4 bài thứ ba.

(*) Mỗi số trong ô theo thứ tự lần lượt ứng với 1 trong 4 giai đoạn mùa mưa: a) từ 01/9 đến 30/9; b) từ 01/10 đến 31/10; c) từ 01/11 đến 15/11; d) từ 16/11 đến 15/12.

[5] Số liệu lấy từ “Dư địa chí - Khí hậu thủy văn Thừa Thiên Huế” - Chương 15. Đặc điểm thủy văn vùng ảnh hưởng triều: Đặc điểm thủy văn đầm phá và vùng sông ảnh hưởng triều.

[6] Căn cứ quy định tại Luật Quy hoạch đô thị:

- Tại Khoản 4 Điều 26: “Đồ án quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã đã được phê duyệt là cơ sở để lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực và lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung trong đô thị”.

- Tại Khoản 18 Điều 3: “Hạ tầng kỹ thuật khung là hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật chính cấp đô thị, bao gồm các trục giao thông, tuyến truyền tải năng lượng, tuyến truyền dẫn cấp nước, tuyến cống thoát nước, tuyến thông tin viễn thông và các công trình đầu mối kỹ thuật”. Hồ chứa nước là công trình đầu mối kỹ thuật (khoản 3 Điều 2 Luật thủy lợi giải thích từ ngữ: “Công trình thủy lợi là công trình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi bao gồm đập, hồ chứa nước”).

Đóng góp ý kiến về bài viết này 

Mới hơn bài này
Các bài đã đăng
Tiêu điểm
Biến đổi khí hậu và An ninh nguồn nước ở Việt Nam.[08/07/21]
Đại hội lần thứ IV, sự kiện lớn của Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.[27/04/19]
Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam phấn đấu vì sự nghiệp phát triển thủy lợi của đất nước.[18/04/19]
Danh sách Hội viên tập thể đã đóng niên liễm 2018.[11/01/19]
Chùm ảnh Đại hội lần thứ 2 Hội Đập lớn Việt Nam.[13/08/09]
Nhìn lại 5 năm hoạt động của VNCOLD trong nhiệm kỳ đầu tiên.[10/08/09]
Thông báo về Hội nghị Đập lớn Thế giới.[17/07/09]
Thư chào mừng của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải
VNCOLD đã thành công tại cuộc họp Chấp hành ICOLD Sofia (Bulgaria), 6/6/2008
Phó Thủ tướng khai mạc Hội thảo “ASIA 2008.
Tạo miễn phí và cách sử dụng hộp thư @vncold.vn
Website nào về Thủy lợi ở VN được nhiều người đọc nhất?
Giới thiệu tóm tắt về Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.
Download miễn phí toàn văn các Tiêu chuẩn qui phạm.
Đập tràn ngưỡng răng cưa kiểu “phím piano".
Đập Cửa Đạt
Lời chào mừng
Qu?ng c�o