Tăng cường thẩm tra và nghiên cứu kỹ thuật đập Cửa Đạt (Thanh Hoá)[16/02/08]

15/02/2008 16:48

44

Tăng cường thẩm tra và nghiên cứu kỹ thuật

đập Cửa  Đạt (Thanh Hoá)



Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Nguyễn Ngọc Thuật chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp tăng cường thẩm tra và nghiên cứu kỹ thuật công trình đập Cửa Đạt.

 

Tại cuộc họp gần đây bàn biện pháp tăng cường thẩm tra và nghiên cứu kỹ thuật công trình đập Cửa Đạt, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Nguyễn Ngọc Thuật đã kết  lluận:

Thủ tướng Chính phủ (công văn số 6953/VPCP ngày 29/11/2007) đã có ý kiến chỉ đạo:  Bộ Nông nghiệp & PTNT phải kiểm tra, rà soát khâu Tư vấn thiết kế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Công trình đầu mối thuỷ lợi Cửa Đạt. Bộ sẽ giao cho 1 đơn vị tư vấn độc lập trong hoặc ngoài nước đảm nhiệm công tác thẩm tra này.

Việc hợp đồng với một đơn vị tư vấn nước ngoài hiện nay không đảm bảo thời gian, nên Bộ giao cho Trung tâm Tư vấn Khoa học – Công nghệ Tài nguyên nước (CCWR) thuộc Hội Đập lớn Việt Nam tập hợp các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài ngành để thực hiện nhiệm vụ này. Trước hết, Tổng Công ty Tư Vấn Xây dựng Thuỷ lợi Việt Nam (HEC) là tư vấn thiết kế phải tự rà soát lại toàn bộ đồ án nhất là những vấn đề nảy sinh sau lũ tháng 10/2007.

   * Rà soát, thẩm tra phục vụ cho việc thi công, đảm bảo an toàn chống lũ  năm 2008:

- Thuỷ văn: HEC cần cập nhật lại số liệu lũ những năm gần đây đặc biệt là lũ 10/2007, tính toán kiểm tra lại các số liệu thuỷ văn, thông số kỹ thuật hồ chứa.

- Thí nghiệm mô hình thuỷ lực: trước mắt chưa có điều kiện tiến hành thí nghiệm mô hình tổng thể lòng mềm cho công trình, HEC dựa trên cơ sở kết quả thí nghiệm thuỷ lực lòng cứng trước đây và khảo sát thực tế xói lở lũ tháng 10/2007 để thiết kế gia cố cho toàn bộ Cầu quản lý kết hợp thi công qua sông Chu, đảm bảo an toàn trong mùa lũ 2008 và sử dụng lâu dài.

- Đập chính Cửa Đạt:

+ HEC tính toán phương án bảo vệ mái đập phần lòng sông từ cao trình +50m đến cao trình +100m trong mùa lũ năm 2008 ở những nơi chưa thi công bê tông bản mặt. Đồng thời thiết kế biện pháp xử lý vết nứt ở các bản mặt nhất là ở những phần dưới cao trình +50m sau khi hồ tích nước.

+ Đánh giá lại cấp phối của lớp 3E đảm bảo thoát hết nước thấm trong thân đập.

- Đập phụ Dốc Cáy và Hón Can: HEC cần hoàn chỉnh đồ án xử lý việc chống sạt trượt phần cửa vào tuy nen Dốc Cáy và hạ lưu đập Hón Can.

- Tunen TN2: phương án thiết kế, hiệu quả và tính khả thi cho công tác chắn rác và các vật trôi bịt lấp cửa vào tuy nen. CCWR nghiên cứu các giải pháp cụ thể sử dụng tuy nen dẫn dòng thi công làm nhiệm vụ xả lũ sự cố để Bộ có cơ sở giao nhiệm vụ cho HEC thiết kế chi tiết công trình này.

* Giao CCWR nghiên cứu hai đề tài phục vụ cho việc đánh giá mức độ an toàn của công trình:

+ Nghiên cứu tính toán ổn định (ứng suất, biến dạng, chuyển vị, khả năng phát sinh trượt khi gặp tổ hợp tải trọng bất lợi nhất, kể cả khi có động đất) của đập Cửa Đạt theo các phương pháp tiên tiến đã được sử dụng ở các nước, đối chiếu với kết quả đã tính toán trước đây. Dựa theo kết quả nghiên cứu để có thể điều chỉnh bổ sung những chi tiết, kết cấu khi xét thấy cần thiết.

+ Nghiên cứu, cập nhật, điều tra các số liệu thuỷ văn trong những năm gần đây, đặc biệt là trận lũ tháng 10/2007 ở lưu vực sông Chu từ đập Cửa Đạt lên phía thượng nguồn để tính toán các chỉ số của lũ và thông số kỹ thuật hồ chứa, để nếu cần sẽ điều chỉnh bổ sung thiết kế, đảm bảo an toàn công trình.

 


Thi công bản mặt bêtông cốt thép tại phần vai đập bên bờ phải

–—

CCWR phối hợp với HEC đã và đang khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao, mời các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu hồ sơ kỹ thuật, phân tích, tính toán các phương án, hạng mục,... đàm bảo thi công an toàn vượt lũ, đạt chất lượng thiết kế và tiến độ để hoàn thành công trình vào năm 2009.

(www.vncold.vn)