Đại hội lần thứ 24 Ủy hội Đập lớn Thế giới (ICOLD) tại Kyoto (Nhật Bản), 2-8/6/2012.[16/06/12]

18/06/2012 09:33

48

Ảnh trên:từ trái sang: Quần thể kiến trúc Trung tâm Hội nghị Quốc tế (ICC) Kyoto; Biểu trưng của Đại hội ICOLD tại Kyoto; Đền vàng Kinkakuji (Kyoto).

Ảnh dưới: Đập Tobetsu (vùng Hokkaido).

 

 

Đại hội lần thứ 24 Ủy hội Đập lớn Thế giới (ICOLD)

tại Kyoto (Nhật Bản), 2-8/6/2012

Sự kiện  quan trọng nhất của Ủy hội Đập lớn Thế giới (ICOLD) hàng năm là Hội nghị thường niên (Annual Meeting). Hội nghị lần thứ 78 đã họp tại Hà Nội năm 2010. Hội nghị lần thứ 79 đã họp tại Lucerne (Thụy Sĩ) năm 2011. Năm nay, 2012, Hội nghị ICOLD họp tại Kyoto (Nhật Bản) trong những ngày 2 – 5/6/2012.  

Bên cạnh Hội nghị thường niên họp hàng năm thì cứ 3 năm 1 lần, ICOLD tiến hành Đại hội (Congress). Gần đây, các Đại hội lần thứ 21đã họp năm  2003 tại   Montréal (Canada), lần thứ 22 năm  2006 tại Barcelona (Tây Ban Nha), lần thứ 23 năm  2009 tại Brazilia (Brazil). Năm nay, 2012,  như www.vncold.vn  đã thông báo trên trang /Web/Content.aspx?distid=2678, Đại hội ICOLD lần thứ 24 đã họp tại Kyoto (Nhật Bản) trong những  ngày 6 – 8/6/2012.

Dưới đây gọi chung 2  sự kiện trên là ‘Đại hội’.

Dự Đại hội lần này có khoảng 1300 đại biểu của 72 nước (các đoàn đông nhất là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Đức, Brazil, Tây Ban Nha, Canada, Indonesia, … ) và hơn 200 khách tham quan đi cùng. Đoàn Việt Nam có GS.TSKH. Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn & PT nguồn nước Việt nam (VNCOLD), Phó Chủ tịch ICOLD, làm trưởng đoàn và tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội. Trong đoàn có các ông:   KS. Michel Hồ Tá Khanh, TS. Nguyễn Hữu Phương. Đoàn VNCOLD đã trình bày các báo cáo tại Hội nghị khoa học và tham dự các hoạt động khác của Đại hội.  

Đại hội có các hoạt động chính như sau:

-      Hội nghị thường niên ICOLD lần thứ 80:

+ Họp Ban Lãnh đạo ICOLD và 26 Ủy ban Kỹ thuật (Technical Committee) ICOLD.

+ Họp Đại Hội Đồng (General Assembly) ICOLD.

+ Hội nghị khoa học  'Đập vì một thế giới đang thay đổi' với 170 báo cáo được tuyển chọn theo các chủ đề:

1.     Tác động của biến đổi khí hậu đến đập và những lợi ích do đập đem lại.

2.     Đập đáp ứng yêu cầu tăng lên của dân số toàn cầu.

3.     Chuyển tiếp kiến thức và công nghệ xây dựng đập.

4.      Những công nghệ tiên tiến trong xây dựng đập.

5.     Những biện pháp kỹ thuật mới nhằm ngăn ngừa và quản lý các sự cố và tai nạn.

6.     Động đất.

7.     Phương diện địa kỹ thuật của nền đập.

8.     Những chủ đề khác.

-     Đại hội ICOLD lần thứ 24:

  Thuyết trình và thảo luận một số vấn đề lớn (Question):

No.92. Kỹ thuật đập & hồ chứa thân thiện với môi trường.

No.93. An toàn đập & hồ chứa.

No.94. Lưu lượng lũ.

No.95. Lão hóa và nâng cấp đập.

Đại hội đã thông qua Tuyên bố Quốc tế (World Declaration) ‘Trữ nước vì phát triển bền vững (Water Storage for Sustainable Development)’, đã  vinh danh 2 vị chuyên gia lão thành ( các ông Yoshio OHNE (Nhật Bản) & Erton CARVALHO (Brazil)) và 3 chuyên gia trẻ xuất sắc (dưới 40 tuổi).

Đại hội đồng ICOLD đã quyết định (thông qua bỏ phiếu kín):

- Ông Adama NOMBRE (Bourkina Faso) làm Chủ tịch ICOLD nhiệm kỳ 2012 – 2015 thay thế ông JIA Jinsheng kết thúc nhiệm kỳ 2009 – 2012.

- Ông Anton SCHLEISS (Thụy Sĩ) làm Phó Chủ tịch ICOLD (vùng châu Âu) nhiệm kỳ 2012 – 2015 thay thế ông Giovanni RUGGERI (Italia) kết thúc nhiệm kỳ 2009 – 2012.

- Ông Gerrit Roux BASSON (Nam Phi) làm Phó Chủ tịch ICOLD (vùng châu Phi) nhiệm kỳ 2012 – 2015 thay thế ông Imo EKPO (Nigeria) kết thúc nhiệm kỳ 2009 – 2012.

- Hội nghị thường niên ICOLD lần thứ 81 năm 2013 tại Seatle (Hoa Kỳ).

- Hội nghị thường niên ICOLD lần thứ 82 năm 2014 tại Bali (Indonesia).

- Đại hội ICOLD lần thứ 25 và Hội nghị thường niên ICOLD lần thứ 83 năm 2015 tại Stavanger (Na Uy).

Đại hội đồng ICOLD cũng ghi nhận đơn đăng cai các Hội nghị thường niên lần thứ 84 năm 2016 tại Nam Phi và lần thứ 85 năm 2017 tại CH Séc.

Ngoài ra còn có các cuộc họp của các nhóm Hội thành viên ở từng vùng: châu Âu, châu Á – Thái Bình Dương, châu Mỹ, châu Phi, các nước sử dụng tiếng Pháp,..

 Những ngày trước và sau Đại hội có các chuyến tham quan kỹ thuật tại Nhật Bản và Trung Quốc.

Trong thời gian Đại hội còn có Triển lãm Kỹ thuật giới thiệu những thành tựu mới nhất về công nghệ xây dựng và quản lý đập của các Tập đoàn, Viện nghiên cứu lớn các nước.

Đại hội đã thành công tốt đẹp. Cố đô Kyoto cổ kính với không khí trong lành, êm ả,  với phong cách lịch thiệp, mến khách đã để lại ấn tượng thật khó quên cho mọi người dự Đại hội.

Đoàn Chủ tịch (trên) và đại biểu tại Đại hội.

 

 

PV.

Mời download & xem file đính kèm.