Lại bàn về giá điện ở Việt Nam.[25/07/17]
24/07/2017 13:20
LẠI BÀN VỀ GIÁ ĐIỆN Ở VIỆT NAM
Tô Văn Trường
Nhân đọc bài của Ts Vũ Quang Việt “Có nên tăng giá điện?” (/Web/Content.aspx?distid=4438) nhóm chuyên gia thuộc AITAA chúng tôi có cuộc thảo luận về bài báo nói trên, xin tổng hợp và phân tích bổ sung thêm về yêu cầu cần điều chỉnh giá điện để chia sẻ với bạn đọc.
TS Nguyễn Xuân Quang nhận xét vấn đề mà TS. Vũ Quang Việt phân tích về duy trì giá điện rẻ không hợp lý cũng được nhiều nhà khoa học ở trong nước trăn trở đã lâu rồi. Giá điện ở mỗi nước, ngoài yêu cầu để duy trì và phát triển nguồn điện, còn chi phối bởi các lĩnh vực tiêu thụ: Cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt. Với các nước có nền kinh tế thị trường thì giá điện phụ thuộc khả năng sản xuất điện năng, quyết định bới sự thỏa thuận giữa cung và cầu, sự tác động/ảnh hưởng của giá điện với các lĩnh vực kinh tế khác.
Hiện nay, giá điện còn là nguồn tài chính cho phát triển năng lượng tái tạo và chống phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu. Vì vậy, giá điện ở mỗi nước tùy thuộc điều kiện kinh tế và mức sống ở từng giai đoạn sẽ khác nhau. Ở Việt Nam cho đến nay, do mức thu nhập còn thấp nên giá điện so với các nước phát triển là quá rẻ. Vì định nghĩa chế độ của chúng ta là "xã hội chủ nghĩa" nên thông thường chúng ta hay hướng tới chủ nghĩa dân túy theo kiểu "hợp lòng dân". Các chính phủ ở các nước đang phát triển thường hay lấy lòng dân bằng việc giảm giá các chi phí cơ bản như điện, nước, hạ tầng cơ sở.
Tuy nhiên, mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế bao gồm điện năng phải tuân thủ quy luật kinh tế thị trường. Định luật bảo toàn là định luật rõ ràng. Để duy trì phát triển phải bảo đảm cân bằng cung và cầu hợp lý. Nếu anh muốn bồi đắp cho chỗ này thì phải lấy ở chỗ khác và sự bảo đảm cân bằng là một bài toán kinh tế nhiều biến với mối quan hệ giữa các ẩn số vô cùng phức tạp. Giải quyết bài toán đó bằng những giải pháp đơn lẻ từng ngành dễ sa vào sự vòng vo rắc rối không hồi kết gây lãng phí và cản trở phát triển.
Ví dụ nhiệt điện than là nguồn điện chính hiện nay. Để giá điện rẻ thì nhà nước yêu cầu than bán cho điện với giá rẻ, lờ đi các bài toán môi trường của ngành điện cho đến khi hậu quả của nó không còn chối cãi bị phản ứng kịch liệt từ môi trường sống gần nhà máy thì bài toán trở nên không có lời giải. Bởi vì than muốn bán được giá rẻ thì lại tìm cách đưa than xấu cho sản xuất điện còn than tốt thì để xuất khẩu. Than xấu sử dụng cho điện thì lò hơi nhanh xuống cấp, khó điều chỉnh và lượng tro thải ra môi trường sẽ cao hơn. Ở đây, rõ ràng phải cân nhắc chọn điện hay than trong điều kiện cụ thể.
Bài toán thứ 2 là đầu tư cho ngành điện không thể tránh khỏi nhiệt điện than vì giá rẻ nhất mà không tính đến chi phí khắc phục ảnh hưởng môi trường, không tạo điều kiện để phát triển các nguồn năng lượng sạch tái tạo. Tôi đã viết một số bài về nhiệt điện than và bất cập của nó, đặc biệt ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Một sự bất cập của giá nhiệt điện than do đầu tư mong chờ thu hồi vốn nhanh nên tìm cách lấy thiết bị giá rẻ từ Trung Quốc. Ở đây lưu ý là nhìn chung các thiết bị chính như lò hơi và Tua bin thì thường là từ G7 nhưng trang bị phụ nhiều khi cũng quan trọng thì lại lấy từ Trung Quốc và có những hậu quả rõ rệt là khi vận hành bị trục trặc, nhiều thể hiện ở các nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, Cẩm Phả, Cao Ngạn v.v.
Giá điện rẻ khiến cho nhiệt điện sạch sản xuất từ năng lượng tái tạo và nhiệt điện khí ở giai đoạn đầu không có cửa để đầu tư có lãi. Và để thu hút đầu tư thì ngành điện đã thực hiện cơ chế mua điện cũng khá lòng vòng với các nhà máy điện đốt khí và năng lượng tái tạo và bù đắp nó bằng giá điện từ thủy điện vốn ngày xưa được nhà nước đầu tư và ít hoặc không tính toán chi phí đầu tư vào giá điện.
Như vậy, giá điện rẻ từ nhiên liệu hóa thạch chưa tính đến chi phí khắc phục môi trường và tạo điều kiện cho phát triển năng lượng sạch tái tạo là một sự lợi trước mắt bất cập hại cho kinh tế và cản trở phát triển năng lượng sạch về lâu dài.
Bài toán thứ 3 cho thấy sự vòng vo bất cập như tác giả Vũ Quang Việt đã nêu là giá điện rẻ sẽ thấy lợi trước mắt thu hút đầu tư nhưng lại bất lợi bởi hấp dẫn với những ngành sản xuất tiêu thụ nhiều năng lượng như xi măng, sắt thép và sử dụng các trang thiết bị đời cũ tiêu hao nhiều năng lượng và kém hiệu quả. Giá điện rẻ khiến cho các trang thiết bị giúp tiết kiệm năng lượng như biến tần, đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, các phương án tiết kiệm năng lượng như sản xuất đồng phát nhiệt điện không có cửa thực hiện vì thời gian thu hồi vốn rất lâu.
Và bài toán thứ 4 bất cập bởi chính sách dùng giá điện thấp với mục tiêu là hỗ trợ cho các hộ nghèo, vùng xa, vùng sâu có điều kiện tiếp cận với điện và qua đó nâng cao mức sống và sự phát triển của người dân nhưng rút cục nó lại làm tăng phụ tải do khu vực đô thị sử dụng lãng phí, ít để ý đến tiết kiệm năng lượng hơn và gánh nặng đầu tư phát triển nguồn điện lại tăng lên quá mức cần thiết.
Ở Việt Nam, hiệu quả sử dụng điện tính bằng 1 đơn vị GDP trên 1 đơn vị điện năng thấp nhất so với các nước trong khu vực, cơ hội tiết kiệm năng lượng có rất nhiều trong kiến trúc, trong việc sử dụng trang thiết bị năng lượng, trong ý thức của người dân. Bài học từ các nước để nâng cao hiệu quả sử dụng điện là đánh vào túi tiền của họ, họ sẽ tiết kiệm. Việc tuyên truyền chỉ có giá trị một phần nào đó thôi.
Xin lưu ý, giá điện tăng lên tức khắc nhu cầu đòi hỏi minh bạch sẽ tăng theo. Đó là bài toán “con gà và quả trứng”! Khi giá thấp thì người ta sử dụng mọi thủ đoạn đi lòng vòng và không có cách nào minh bạch được. Khi giá đã phù hợp rồi thì không phải anh này bù cho anh khác và khi đó sự minh bạch mới hình thành và nó biến thành bài toán đơn giản hơn. Trong bài toán năng lượng thì chúng ta rất lẫn lộn về giá. Giá điện của thủy điện là rẻ nhất vì sao ? đơn giản ta không phải tính hoặc tính qua loa chi phí đầu tư cho những nhà máy thủy điện được xây từ thời bao cấp. Việc hình thành giá điện của thủy điện có phần rất quan trọng là chi phí đầu tư vì chi phí nhiên liệu gần như không có, chi phí vận hành và bảo dưỡng khá thấp. Lúc đầu tư thì không tính đủ các tác hại môi trường của thủy điện như sử dụng nhiều đất, tái định cư chưa thỏa mãn, mất rừng v.v. với điều kiện tự nhiên và mật độ dân cư cao ở Việt Nam thì phần chi phí vô hình này không hề thấp.
Tất cả những cái đó tạo ra cái giá điện tổng thể rẻ một cách hình thức, ngăn chặn quá trình tăng giá tự nhiên khi ta không còn nguồn thủy điện nữa. Về bản chất thì ta không tăng giá điện được vì một giai đoạn dài ta giữ giá thấp và nếu tăng giá đột ngột thì gây biến động xã hội lớn ảnh hưởng tới sản xuất, tới GDP và tới người dân. Cái giai đoạn dài giữ giá điện thấp đó là giai đoạn thủy điện chiếm tỉ trọng lớn và do nhà nước đầu tư. Từ nay trở đi ta không còn điều kiện đó nữa rồi nhưng vẫn mang những tư duy bao cấp, không chịu đưa ra quyết sách, lời giải bài toán thích hợp trên các luận cứ kinh tế.
Để kết luận, xin trích dẫn câu nói của Tony Blair, cựu thủ tướng của Anh là : “Nếu anh ra một chính sách mà không có sự phản đối nào thì đơn giản nó là một chính sách vô vị chẳng có tác động gì.”
Trong nền kinh tế thị trường giá điện là một tham số của bài toán kinh tế chứ không phải là công cụ của chính sách nhân đạo. Giá điện rẻ có lợi cho người nghèo chỉ là một mục tiêu nhỏ, cản trở phát triển kinh tế gây thiệt hại lớn. Giá điện hợp lý khi giá trị một đơn vị GDP trên một đơn vị tiêu thụ điện phải luôn tăng trưởng cao hơn ngang bằng với các nền kinh tế tương tự trong khu vực.
Điều băn khoăn duy nhất của người viết bài này là những giải pháp cải cách chính ngành điện nhằm hạ giá thành, giảm hao tổn, cải tiến công nghệ , tạo khung pháp lý cho cạnh tranh lành mạnh là chính đáng nhưng nếu đặt lòng tin vào việc giá điện cao sẽ dẫn tới sự minh bạch trong khi chậm cải cách thể chế thì e rằng hơi bị lạc quan sớm .