Trao đổi với TS. Nguyễn Trí Trinh – Chuyên gia PECC3 về bài viết: GÓP Ý VỀ BÀI BÁO QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC Ở CÁC HỒ CHỨA NƯỚC [08-06-2023]

07/06/2023 22:21

36

                                                                                KS. Thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn

                                                          Hội Khoa học kỹ thuật Thủy lợi TP.HCM

 

Nattoi đang hoàn thành bài viết thứ 10 về chủ đề đảm bảo an toàn về lũ úng cho Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế thì nhận được bài viết GÓP Ý VỀ BÀI BÁO QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC Ở CÁC HỒ CHỨA NƯỚC [20-04-23] - Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam (vncold.vn) (sau đây viết tắt là Bài góp ý). Rất hoan hỷ cám ơn TS. Nguyễn Trí Trinh (sau đây gọi là Tác giả góp ý) - người đầu tiên phản biện lại bài viết thứ ba[1] của Nattoi. Bài viết thứ ba đó quả thực động chạm đến những vấn đề khá gai góc, đồng thời cũng có những đề xuất mới lạ, có lẽ là tương đối khó hiểu với không ít người.

Tại Bài góp ý, Tác giả góp ý trình bày quan điểm đối với 4 kết luận ở mục tóm tắt của bài viết thứ ba của Nattoi, chia làm 5 mục từ 2.1 đến 2.5, mà tên của mỗi mục là một phát biểu của Nattoi tại bài viết thứ ba. Trong mỗi mục lại có vài ý. Thực ra, Tác giả góp ý và Nattoi đang đứng ở 2 góc độ trái ngược nhau xem xét về cùng một vấn đề: Nattoi, xuất phát từ những suy nghĩ trên, đang sục sạo, soi mói để tìm ra những bất cập trong pháp luật hiện hành về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và mong muốn thay đổi nó, còn Tác giả góp ý đứng trên tinh thần tuân thủ, thượng tôn pháp luật, bảo vệ cho những quan niệm, quy định hiện hành. Trong viết lách và thảo luận, trao đổi này, Nattoi như người rót nước mời, còn Tác giả góp ý đóng vai trò của người phản biện (không có người phản biện thì nước rót mời ai! Nattoi hoan hỷ cám ơn là vì vậy), nhưng vì mỗi người hiểu vấn đề một cách khác nhau, nên đôi khi nó cứ như “Ông chẳng bà chuộc” chẳng ăn nhập gì với nhau.

1. Về ý đầu tiên: Chỉ có một số hồ chứa thủy lợi kết hợp phát điện. Còn lại các hồ chứa thủy điện chỉ có nhiệm vụ phát điện là chính.

Đó chính là điều mà Nattoi không đồng tình. Dưới góc độ quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, dù là hồ chứa nước thủy lợi hay hồ chứa nước thủy điện cũng đều là hồ chứa nước, đều phải có nhiệm vụ đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước như nhau, không thể để tình trạng: Khoản 4, khoản 5 Điều 2 của Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ chỉ quy định mục đích chính của đập, hồ chứa thủy lợi là kết hợp cắt, giảm lũ mà không quy định tương tự đối với đập, hồ chứa thủy điện.

2. Về ý thứ hai: Luật Thủy lợi nêu rõ hoạt động thủy lợi không xây dựng HCN thủy điện (mà có nhiệm vụ phát điện là chính) mà chỉ xây dựng HCN Thủy lợi và vận hành HCN Thủy điện phục vụ thủy lợi.

Natttoi cũng không đồng tình với cách hiểu này. Luật Thủy lợi ghi rõ: “Thủy lợi là tổng hợp các giải pháp nhằm tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối, cấp, tưới, tiêu và thoát nước phục vụ ”. Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ (quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng, thi công xây dựng công trình và bảo trì công trình xây dựng) đã làm sáng tỏ thêm điều này khi phân biệt công trình năng lượng với công trình thủy lợi: “Công trình năng lượng: Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở sau: Nhà máy thủy điện (không bao gồm các công trình đầu mối)”; “Công trình thủy lợi: Hồ chứa nước; đập ngăn nước (bao gồm đập tạo hồ, đập điều tiết trên sông, suối,...)”: Nghĩa của các cụm từ được gạch chân là rất thống nhất với cách hiểu của Nattoi: (đúng ra phải là:) ngành Thủy lợi đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các đập, hồ chứa nước, ngành Năng lượng đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các nhà máy thủy điện.

3. Về ý thứ ba: Mục g, khoản 1 điều 17 có đề cập một trong các yêu cầu trong đầu tư xây dựng CTTL là: “g) Bảo đảm an toàn công trình thủy lợi”.

Bảo đảm an toàn công trình thủy lợi khác với yêu cầu phải bảo đảm an toàn cho đập, hồ chứa nước, khác với đảm bảo an toàn cho người và tài sản vùng hạ du đập. Về cụm từ: “bất kể hồ chứa có dung tích phòng lũ là bao nhiêu”, Tác giả góp ý cần đặt lại nó vào toàn bộ nội dung của câu viết: Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện (nhưng chưa thực hiện hết) quyền này (quyền phân phối nước từ đập, hồ chứa nước cho các mục đích sử dụng khác nhau, bao gồm cả quyền xả bớt nước ở hồ chứa nước nhằm tạo dung tích trống chứa lũ đủ để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du đập theo mức đảm bảo được xác định theo ý chí của nhà nước) khi ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông, trong đó quy định các hồ chứa thủy điện phải tham gia cắt, giảm lũ, kể cả khi đập chắn nước đó thuộc sở hữu tư nhân, và bất kể hồ chứa có dung tích phòng lũ là bao nhiêu thì mới hiểu được đúng nghĩa của nó.

Tác giả góp ý cũng nên nghiên cứu thêm nội dung tóm tắt tại cuối Mục 1 hoặc toàn bộ Mục 1 của bài viết thứ ba để hiểu thêm tại sao Nattoi lại viết: “đối với đập, hồ chứa nước, chủ đập là tổ chức, cá nhân đã đầu tư xây dựng đập, nhưng không phải bao giờ cũng là chủ hồ, chỉ duy nhất Nhà nước mới là chủ hồ”.

4. Về ý thứ tư: phòng lũ hạ du là nhiệm vụ công trình (Có thể có hay không có)”.

Quan điểm của Nattoi: Đã là hồ chứa nước thì phải đảm bảo an toàn cho đập, hồ chứa nước theo đúng giải thích từ ngữ tại Luật Thủy lợi: “An toàn đập, hồ chứa nước là việc thực hiện các biện pháp thiết kế, thi công, quản lý, khai thác nhằm bảo đảm an toàn cho đập, hồ chứa nước, các công trình có liên quan, an toàn cho người và tài sản vùng hạ du đập”. Nghĩa là hồ chứa nước nào cũng phải có nhiệm vụ phòng, giảm lũ cho vùng hạ du đập, và đó là một trong những nhiệm vụ chính của hồ chứa nước, kể cả khi nó dùng nước hồ chứa để phát điện.

5. Về ý thứ năm: Tác giả góp ý dựa vào Bảng 5. Thống kê một số công trình thủy lợi, thủy điện có nhiệm vụ phòng lũ ở nước ta để chứng minh: Dung tích phòng lũ Vdtl thực tế của HCN thủy điện lớn hơn nhiều so với ở hồ thủy lợi; Dung tích kết hợp Vkh để tham gia phòng lũ hạ du công trình thủy điện lớn hơn nhiều so với công trình thủy lợi.

Đó là vì Tác giả góp ý đã chia dung tích phòng lũ thành Dung tích kết hợpDung tích siêu cao và hết lời ca ngợi dung tích kết hợp. Thực ra, việc phân biệt dung tích kết hợp với dung tích siêu cao trong dung tích phòng lũ cũng giống như việc hỏi đồng nào mua cà, đồng nào mua mắm, chén nào đựng cà, chén nào đựng mắm, có thể làm mất đi sự kiên nhẫn của con người[2].

Nattoi cho rằng khái niệm MNDBT tưởng chỉ lên quan đến kho nước trong hồ, lại là một đại lượng cơ bản về dung tích phòng lũ: Nguyên tắc vận hành hồ chứa là không giữ nước quá MNDBT (cao nhất bằng MNDBT), bởi vì về yêu cầu sử dụng nước thì không cần thiết, còn về mặt phòng lũ, đó là cái an toàn tối thiểu phải có. Cho nên, có thể nói MNDBT là cái/mực nước quân bình âm dương ở hồ chứa nước, là cái “dĩ bất biến”, cùng với dung tích phòng lũ nguyên sơ phía trên nó (tính từ MNLNKT xuống MNDBT) có thể ứng vạn biến.

Dung tích phòng lũ nguyên sơ này vô tình đã bị phá vỡ bởi khái niệm mực nước đón lũ và cách vận dụng biến tướng giải thích từ ngữ: (dung tích phòng lũ là:) “Phần dung tích của hồ chứa nước nằm trong phạm vi từ mực nước đón lũ đến mực nước lớn nhất kiểm tra làm nhiệm vụ điều tiết lũ. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng công trình hồ chứa nước, dung tích phòng lũ có thể bố trí nằm dưới mực nước dâng bình thường hoặc nằm từ mực nước dâng bình thường trở lên. Sự vận dụng biến tướng nằm ở chỗ người ta cố tình đưa phần lớn dung tích phòng lũ xuống dưới MNDBT, nhờ đó giảm được cao trình đỉnh đập thiết kế, giảm được kinh phí đầu tư. Nhưng nếu nhìn toàn cục, xét về mặt quản lý an toàn đập, hồ chứa nước theo nghĩa bao gồm đảm bảo an toàn cho vùng hạ du đập thì lợi bất cập hại, bởi: “Hà tiện quá tất hao phí lớn”: