PHÁT BIỂU
|
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải |
của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải
và một số hình ảnh tại Hội thảo
“ASIA 2008 - Thuỷ lợi & Phát triển Năng lượng tái tạo ở Châu Á”
** (Đà Nẵng, sáng 10/3/2008) **
Kính thưa các quý vị đại biểu
Thay mặt Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu đến dự Hội thảo quốc tế “ASIA 2008 - Thuỷ lợi & Phát triển Năng lượng tái tạo ở châu Á”.
Tôi hoan nghênh Ban Biên tập Tạp chí quốc tế “Thuỷ điện và Đập” đã phối hợp cùng Hội Đập lớn Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức cuộc Hội thảo quan trọng này.
Hội thảo của chúng ta có tiêu đề “Thuỷ lợi & Phát triển Năng lượng tái tạo ở châu Á” liên quan đến nguồn nước, năng lượng, kết cấu hạ tầng, môi trường, giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu, ... là những vấn đề có tính thời sự đối với tất cả các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
|
Phó Thủ tướng chủ trì Lễ Khai mạc |
|
Tổng biên tập Tạp chí quốc tế “Thuỷ điện & Đập” A. Bartle, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo đón chào Phó Thủ tướng (trái). Phó Thủ tướng hỏi chuyện đại biểu Ấn Độ (phải). |
Thưa quý vị đại biểu.
Việt Nam có tài nguyên nước thuộc loại trung bình trên thế giới, song ẩn chứa nhiều yếu tố kém bền vững. Theo thống kê hiện nay, xét lượng nước trên lưu vực sông vào mùa khô thì Việt Nam thuộc vào vùng phải đối mặt với thiếu nước, một số khu vực như Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ của Việt Nam thuộc loại khan hiếm nước. Chưa bao giờ tài nguyên nước lại trở nên quý hiếm như mấy năm gần đây khi nhu cầu nước cho phát triển thì không ngừng tăng lên mà nhiều dòng sông lại bị suy thoái, ô nhiễm.
Về nguồn nước, Việt Nam hiện có trữ lượng thuộc loại trung bình khá với tổng lượng nước mặt khoảng 840 tỷ m3/năm với dân số khoảng 85,3 triệu người. Hiện nay, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những thách thức lớn như: (i) sự phân bố không đều theo thời gian và không gian, 80% lượng nước tập trung trong 2 tháng mùa mưa gây ra lũ lụt trong mùa mưa và hạn hán trong mùa khô với mức gay gắt ngày càng tăng; (ii) 60% lượng nước chảy vào từ phần lưu vực bên ngoài lãnh thổ là yếu tố khó kiểm soát, điều tiết, phân phối cả về mặt lượng và chất, đòi hỏi quản lý sử dụng trên tinh thần hợp tác đa quốc gia; (iii) nguồn nước có hạn và gần đây có những biểu hiện suy giảm trong khi dân số tăng và nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao cả về khối lượng, chất lượng và tần suất đảm bảo.
Theo dự tính, nhu cầu dùng nước đến năm 2010 ở Việt Nam do tăng dân số, đô thị hoá, công nghiệp hoá, ... sẽ lên đến 130 tỷ m3/năm, chiếm tới trên 40% lượng nước sản sinh trên lãnh thổ, chiếm trên 75% nguồn nước mùa kiệt (khoảng 170 tỷ m3) ở các lưu vực sông. Tình trạng trên cho thấy, nguy cơ thiếu nước là rõ ràng và ở mức nghiêm trọng, nhất là trong những năm tới.
Phát triển hồ chứa thuỷ điện và thuỷ lợi đã được chú ý nhiều ở Việt Nam trong hàng chục năm qua. Thuỷ lợi, thuỷ điện đã tạo bước tiến quan trọng trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Đến nay, tổng dung tích các hồ chứa thuỷ điện công suất trên 30MW đã, đang và dự kiến xây dựng đến năm 2010 trên các lưu vực sông là khoảng trên 54 tỷ m3 chiếm 20% trong số gần 270 tỷ m3 nguồn nước của các lưu vực này. Cả nước có gần 2000 hồ chứa thuỷ lợi (dung tích mỗi hồ từ 200.000 m3 trở lên) với tổng dung tích nước là gần 5,82 tỷ m3 chủ yếu để cấp nước tưới cho khoảng 500.000 hecta.
Về năng lượng tái tạo, trữ năng lý thuyết về thuỷ điện của Việt Nam có khoảng 300 tỷ kWh, song chỉ có thể khai thức được 30% thuỷ năng đó với công suất 14.000 MW và khoảng 80 tỷ kWh. Một số nhà máy thuỷ điện đã được xây dựng xong và đang vận hành mới chỉ đạt gần 20% công suất nói trên. Một số nhà máy thuỷ điện trong đó có nhà máy thuỷ điện Sơn La có công suất 2400 MW đã được khởi công và đang được xây dựng để tổ máy đầu tiên sẽ vận hành cuối năm 2010, hoàn thành 6 tổ máy vào cuối năm 2012. Ngoài ra, chúng tôi đã quy hoạch 512 dự án thuỷ điện nhỏ với tổng công suất 3.501 MW. Trong đó 84 dự án đã được phê duyệt dự án đầu tư với 1.500 MW, 15 dự án công suất 370 MW đã phát điện.
Kính thưa quý vị đại biểu,
Tác động của các công trình hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi đến tài nguyên nước là rất sâu sắc. Do vậy, đòi hỏi phải xem xét, đánh giá toàn diện hơn quá trình phát triển thuỷ điện, thuỷ lợi, cân nhắc kỹ hơn các khâu, từ quy hoạch đến thiết kế, thi công xây dựng cũng như vận hành công trình làm sao có thể có biện pháp phát huy tối đa mặt lợi của tài nguyên nước, đồng thời giảm thiểu tác động tới tài nguyên nước và giảm thiểu hậu quả tác hại do những thay đổi về nguồn nước gây ra trên lưu vực.
Để bảo đảm an ninh về nước, đồng thời sử dụng nguồn năng lượng tái tạo này cho phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020, Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2020, trong đó đã đưa ra các mục tiêu cụ thể về Bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên nước, phát triển nguồn năng lượng tái tạo, Kiểm soát tình hình ô nhiễm các nguồn nước, Phân bổ, chia sẻ tài nguyên nước hài hoà, hợp lý giữa các ngành, Ưu tiên sử dụng nước cho sinh hoạt, và sản xuất để đảm bảo khai thác có hiệu quả 10,5 triệu ha đất canh tác hàng năm, bảo đảm an ninh lương thực; Bảo đảm sự thống nhất giữa quy hoạch phát triển KTXH, quy hoạch sử dụng đất, phát triển rừng với quy hoạch sử dụng nguồn tài nguyên nước quốc gia...
Kính thưa quý vị đại biểu,
Để thực hiện tốt các mục tiêu của các Chiến lược nói trên, chúng tôi hiểu rằng cần phải có cơ chế phối hợp chặt chẽ cùng với việc học hỏi, kinh nghiệm về quản lý, khoa học công nghệ và kinh nghiệm tiên tiến của các nước đi trước. Với mục tiêu đó, cuộc hội thảo ngày hôm nay của các quý vị là một cơ hội hết sức quý báu cho các nhà khoa học và quản lý của Việt Nam được giao lưu, chia sẻ và học hỏi.
Tôi mong rằng các quý vị tham dự Hội thảo trao đổi ý kiến góp phần làm phong phú thêm những kinh nghiệm và giải pháp nhằm đáp ứng được mục đích và ý nghĩa mà Hội thảo đề ra.
Xin chúc Hội thảo thành công và chúc quý vị mạnh khoẻ, có những ngày vui vẻ, bổ ích trên dải đất miền Trung Việt Nam tươi đẹp và mến khách./. (phóng viên www.vncold.vn)
Bài liên quan:
Phó Thủ tướng khai mạc Hội thảo “ASIA 2008. Chủ tịch ICOLD thăm Việt Nam. Hội thảo Khoa học quốc tế “Thuỷ lợi & Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo ở châu Á” tại Đà Nẵng"
|