» Mở tất cả ra       » Thu tất cả lại
English and French
Tìm kiếm

Bài & Tin mới
Nghị định số 02/2024/NĐ-CP về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam [17-01-2024]
Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Cục Quản lý xây dựng công trình [26-12-23]
Chùm ảnh các công trình thuỷ lợi tiêu biểu ở VN 20 năm 2003-2023 [30-11-2023]
Danh mục các quy hoạch thủy lợi đã được phê duyệt [26-10-2023]
BÀN VỀ ĐỊNH HƯỚNG LẠI NGÀNH XÂY DỰNG THÔNG QUA CHUYỂN ĐỔI SỐ [26-10-2023]
Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 thay thế Luật Đấu thầu trước đây và có hiệu lực từ 01/01/2024 [15-10-2023]
Dự thảo TCVN 8731-20xx Phương pháp xã định hệ số thấm của đất bằng phương pháp đổ nước và múc nước trong hố đào và hố khoan [15-10-2023]
Đập Đắk N’Ting (Đắk Nông) trước nguy cơ bị vỡ [05-09-23]
QUYẾT ĐỊNH: Về việc hủy bỏ Tiêu chuẩn quốc gia [05-09-23]
Nghị định 35/2023/NĐ-CP [07-08-23]
Ý KIẾN TRAO ĐỔI VỀ ĐỘNG ĐẤT Ở KONTUM NGÀY 14-07-2023 (2)[07-08-23]
HOẠT ĐỘNG HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỔI NĂM [04-08-23]
Đô thị ngoại ô: cuộc chiến đất vùng rìa [25-07-23]
Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi 2021-2030 [25-07-23]
Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi 2021-2030 [25-07-23]
NHỮNG NỘI DUNG KHÔNG PHÙ HỢP VÀ KHÔNG ĐÚNG trong Tiêu chuẩn TCVN 8637:2021(về Yêu cầu kỹ thuật lắp đặt và nghiệm thu máy bơm)[14-07-23]
Ý kiến trao đổi về động đất ở Kontum [14-07-23]
Tiếp tục xảy ra 7 trận động đất tại Kon Plông (Kon Tum) [14-07-23]
Bàn thêm về dung tích phòng lũ ở các hồ chứa thủy lợi, thủy điện [13-07-23]
 Số phiên truy cập

81270883

 
Quản lý Qui hoạch
Gửi bài viết này cho bạn bè

Thủy lợi phí - miễn giảm như thế nào? (7/3/07)
Việc giữ hay bỏ thuỷ lợi phí đang được nhiều người quan tâm và ý kiến còn khác nhau. Cách giải quyết thoả đáng sẽ phải thể hiện sự hỗ trợ đối với phần lớn bà con nông dân hiện có thu nhập còn tương đối thấp, mặt khác phải đáp ứng yêu cầu sử dụng nước hợp lý và tiết kiệm, công bằng giữa các hộ ở đầu và cuối nguồn tưới, tổ chức tốt quản lý, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thuỷ lợi,...Xin giới thiệu bài dưới đây của ông Nguyễn Xuân Tiệp, nguyên Phó Cục trưởng Cục Thuỷ lợi, chuyên gia lâu năm về quản lý thuỷ lợi. Tác giả đã chuẩn bị nội dung khá công phu, song chắc cũng có những chỗ còn cần thảo luận. Rất mong bạn đọc tham gia trao đổi thêm. BBT

                                THỦY LỢI PHÍ – MIỄN, GIẢM NHƯ THẾ NÀO?

            ( Đăng trên Tạp chí Quản lý Kinh tế - Economic Management Review – CIEM )

                                                                                       

Nguyễn Xuân Tiệp*

 

Tại hội nghị toàn quốc về kế hoạch và ngân sách nhà nước năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương xem xét việc miễn, giảm thuỷ lợi phí ngay trong năm 2007.

Để góp thêm luận cứ khoa học cho việc thực hiện chủ trương quan trọng này, bài viết dưới đây trình bày ý kiến trao đổi của tác giả, là người đã có nhiều năm công tác và kinh nghiệm trong việc hoạch định chính sách liên quan đến thuỷ lợi phí ở Việt Nam.

   

I. ĐẶC ĐIỂM CỦA CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

 

Hệ thống thủy lợi hoặc các công trình thủy lợi có những đặc điểm chung sau:

- Các hệ thống thủy lợi đều phục vụ đa mục tiêu (ít nhất là 2 mụ tiêu trở lên), trong đó có tưới, tiêu, cấp nước sinh hoạt, thủy sản, sản xuất công nghiệp, phát điện, giao thông, du lịch, chống lũ, ngăn mặn, cải tạo đất đai, môi trường, sinh thái…

- Vốn đầu tư xây dựng công trình thủy lợi thường rất lớn. Tùy theo điều kiện cụ thể ở từng vùng, để có công trình khép kín trên diện tích 1 ha được tưới thì bình quân phải đầu tư thấp nhất  30-50 triệu đồng, cao nhất 100-200 triệu đồng.

- Công trình thuỷ lợi muốn phát huy hiệu quả cao phải được xây dựng đồng bộ, khép kín từ đầu mối ( phần do Nhà nước đầu  tư ) đến tận ruộng (phần do dân tự xây dựng).  

- Mỗi công trình, hệ thống công trình thủy lợi chỉ phục vụ cho một vùng nhất định theo thiết kế, không thể di chuyển từ vùng đang thừa nước đến vùng thiếu nước theo yêu cầu thời vụ; đều phải có một tổ chức của nhà nước, tập thể hay cá nhân trực tiếp quản lý, vận hành theo yêu cầu của các hộ sử dụng nước.

            - Hệ thống công trình thuỷ lợi nằm rải rác ngoài trời, trải trên diện rộng, có khi qua các khu dân cư, nên ngoài tác động của thiên nhiên, còn chịu tác động trực tiếp của con người (người dân).    

- Hiệu qủa của công trình thủy lợi hết sức lớn và da dạng, có loại có thể xác định được bằng tiền hoặc bằng khối lượng vật chất cụ thể, nhưng có loại không thể xác định được. Riêng về lĩnh vực tưới tiêu thì hiệu quả được thể hiện ở mức độ tưới hết diện tích, tạo khả năng tăng vụ, cấp nước kịp thời vụ, đảm bảo yêu cầu dùng nước của mỗi loại cây trồng, chi phí quản lý thấp, tăng năng suất và sản lượng cây trồng... góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân ở nông thôn  

Từ những đặc điểm trên cho thấy: công trình thủy lợi không đơn thuần mang tính kinh tế, kỹ thuật, mà còn mang tính chính trị, xã hội. Vì vậy việc đầu tư xây dựng và quản lý, bảo vệ, khai thác công trình thủy lợi phải có sự tham gia của người dân  (PIM), thông qua việc thực hiện chủ trương “ Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chính sách của Nhà nước, trong đó có chính sách “thủy lợi phí" (TLP).   

            II.  BẢN CHẤT CỦA THUỶ LỢI PHÍ

2.1.Bản chất của TLP :

Cho đến nay ở Việt nam, mặc dù Nhà nước đã có chủ trương, chính sách rõ ràng về TLP và TLP đã mang tính truyền thống và trở thành tiềm thức của người nông dân nhiều thập kỷ qua, nhưng cách hiểu về TLP còn rất khác nhau.

Sự khác nhau đó tập trung chủ yếu ở hai khía cạnh: TLP là chi phí sản xuất hay  TLP là khoản thu của nhà nước đối với nông dân trong việc sử dụng nước ?    

Theo Nghị định số 66-CP ngày 5 tháng 6 năm 1962 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) thì “phí tổn về quản lý và tu sửa của các hệ thống nông giang” mà người dùng nước phải trả được gọi là "thủy lợi phí”.

Theo Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi (số 32/2001/PL-UBTVQH10)  thì TLP “là phí dịch vụ thu từ tổ chức, cá nhân sử dụng nước hoặc làm dịch vụ từ công trình thủy lợi cho mục đích sản xuất nông nghiệp để góp phần chi phí cho việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng và bảo vệ công trình thủy lợi và "tiền nước“ là giá tiền trong hợp đồng dịch vụ về nước thu từ tổ chức, cá nhân sử dụng nước hoặc làm dịch vụ từ công trình thủy lợi ngoài mục đích sản xuất nông nghiệp

 Như vậy “thủy lợi phí” thực chất là “ tiền nước" (nói đúng hơn là giá nước) qui định đối với sản xuất nông nghiệp, trong đó nhà nước đã bao cấp trên 50% giá thành.  Nói cách khác, TLP là một trong những chi phí đầu vào (tương tự như chi phí tiền điện, phân, giống...) của sản xuất sản phẩm nông nghiệp có tưới mà người sản xuất phải trả. Với mức thu TLP như những năm vừa qua thì số tiền TLP thu được chỉ để phục vụ cho việc vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình thủy lợi (mà thường là thấp xa so với nhu cầu) và cho người dùng nước ngay trên địa bàn của họ (không thu cho ngân sách như các loại thuế, không dùng để chi cho mục đích khác, không huy động để chi cho vùng  khác) .

 

2.2. Kinh nghiệm các nước về chính sách TLP

 

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều coi nước từ công trình thủy lợi là loại hàng hóa “đặc biệt”, là một trong các chi phí đầu vào của sản xuất sản phẩm nông nghiệp có tưới, mà người dùng phải trả. Mỗi một quốc gia đều có chính sách riêng (trực thu, gián thu TLP), nhưng hầu hết chính phủ các nước đó đều có chính sách hỗ trợ đầu tư ban đầu xây dựng công trình thủy lợi đầu mối, công trình có qui mô lớn, không thu hồi vốn, hỗ trợ kinh phí cho sửa chữa lớn, công trình bị hư hỏng do thiên tai. Kinh phí quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng các công trình này được huy động từ người sử dụng nước, nhằm mục đich nâng cao ý thức của người dùng nước trong việc sử dụng nước, bảo vệ, vận hành công trình an toàn, là biện pháp cải thiện được nguồn nước đang thiếu hụt nhờ tiết kiệm nước, đồng thời giảm được chi phí quản lý, công trình  ít hư hỏng, đảm bảo công bằng xã hội, phát huy vai trò của cộng đồng tham gia  (PIM).

Nhiều quốc gia thu TLP theo mét khối nước sử dụng, với mục đích đảm bảo được tính công bằng trong việc sử dụng và khuyên khích tiết kiệm nước, “dùng nhiều, phải trả tiền nhiều và ngược lại”  

 

III. CHÍNH SÁCH THUỶ LỢI PHÍ Ở VIỆT NAM

 

3.1. Các văn bản về chính sách thuỷ lợi phí

 

Thủy lợi có vai trò quan trọng trong sản xuất và đời sống. Riêng đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân thì thủy lợi có ý nghĩa quyết định đối với năng suất, sản lượng, giá thành của các sản phẩm nông nghiệp có tưới ( như lúa gạo, cà phê, rau, màu, cây ăn quả…). Chính vì vậy,Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến thủy lợi và đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đối với vấn đề này theo phương châm “ Nhà nước và nhân dân cùng làm”.   

                

Hộp số 1: Hệ thống các văn bản pháp qui về chính sách thủy lợi phí ở Việt nam

 

Sắc lệnh số 68-SL :

Ngày 18/6/1949 Chủ tịch nước ban hành Sắc lệnh số 68-SL  về việc “Ấn hành kế hoạch thực hành các công tác thủy nông và thể lệ bảo vệ công trình thủy nông", nhằm huy động sự tham gia của người dân “bằng cách giúp đổi công và của vào việc xây dựng, tu bổ và khai thác công trình thủy nông...”.

 

 Nghị định 1028-TTg :

 Ngày 29 tháng 8 năm 1956 Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Nghị định 1028-TTg “Ban hành điều lệ tạm thời về thuyền, bè đi trên nông giang” (thủy lợi phí đối với giao thông vận tải) qui định thu vận tải phí theo loại thuyền, sà lan, bè, trọng tải (thuyền và sà lan từ 3-10 tấn thu 150 đồng, từ 61 tấn trở lên thu 550 đồng, bè gỗ 1m2 thu 8 đồng…).

 

 Nghị định số 66-CP :     

 Ngày 5 tháng 6 năm 1962 Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Nghị định số 66-

CP ” về việc ban hành Điều lệ thu thủy lợi phí”, nhằm mục đích “…làm cho việc đóng góp của nhân dân được công bằng, hợp lý, đảm bảo đoàn kết ở nông thôn, đồng thời tạo điều kiện tiến lên, quản lý nông giang theo chế độ hạch toán kinh tế, thúc đẩy việc tiết kiệm nước, hạ giá thành quản lý để phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp”.  

“…Tất cả các hệ thống nông giang do Nhà nước đầu tư vốn phục hồi hoặc xây dựng mới và sản lượng của ruộng đất được tưới hay tiêu nước đã tăng lên, đều do nhân dân, hợp tác xã có ruộng đất được hưởng nước chịu phí tổn về quản lý và tu sửa.  Phí tổn này gọi là thủy lợi phí”.

“Mức thu TLP sẽ căn cứ vào lợi ích hưởng nước của ruộng đất và phí tổn về quản lý và tu sửa của hệ thống nông giang tùy theo từng loại”. Mức thu TLP qui định  chỉ đối với lúa: tối đa 180 kg/ ha/năm, tối thiểu 60 kg/ha/năm.      

 

Nghị định 141-CP : 

 Ngày 26/9/1963, Chính phủ ban hành Nghị định số 141-CP kèm theo “Điều lệ quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy nông”, bước đầu thực hiện việc phân công, phân cấp, phát huy vai trò của người dân tham gia quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi và trả TLP..

“ Đối với các hệ thống thủy nông loại nhỏ và tiểu thủy nông có liên quan đến nhiều hợp tác xã (HTX) trở lên, các chi phí về quản lý, tu bổ, khai thác đều do HTX và nông dân có ruộng đất hưởng nước cùng nhau thỏa thuận đóng góp..”

“..ở mỗi hệ thống thủy nông loại nhỏ và tiểu thủy nông chỉ liên quan đến một vài xã hoặc nhiều HTX thì giữa các xã hoặc HTX hưởng nước thỏa thuận cử người phụ trách hoặc phân công quản lý..”

 

 Thông tư số 13 – TL/TT :

Ngày 6 tháng 8 năm 1970 Bộ Thủy lợi (nay là Bộ NN và PTNT) ban hành Thông tư số 13 – TL/TT “ Qui định về tổ chức quản lý các hệ thông thủy nông”, nhằm thực hiện tốt nội dung : “quản lý nước, quản lý công trình, quản lý kinh tế”, “ lấy hệ thống thủy nông làm đơn vị để tổ chức bộ máy quản lý” và ” thực hiện quản lý theo chế độ hạch toán kinh tế”, mỗi hệ thống nông giang “thành lập một Công ty quản lý thủy nông” (hiện nay gọi chung là doanh nghiệp Thủy nông – DNTN).

 

 Nghị quyết số 118-CP :

 Ngày 16 tháng 6 năm 1972 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 118-CP về đầu tư  hoàn chỉnh các hệ thống thủy nông đến tận khoảnh ruộng ( phạm vi 5-10 ha ) thuộc 12 tỉnh gồm các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng (Thái bình, Nam định, Hải phòng, Hải dương, Hưng yên, Hà nội, Hà tây), 2 tỉnh trung du ( Bắc giang, Vĩnh Phú – chủ yếu là Vĩnh phúc) 2 tỉnh bắc Khu Bốn cũ, đảm bảo công trình khép kín, dẫn nước thông suốt từ đầu mối đến mặt ruộng trên diện tích 730.000 ha.

 

Nghị định số 112 / HĐBT

Ngày 25 tháng 8 năm 1984 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 112 / HĐBT “ Về thu thủy lợi phí” thực hiện trong phạm vi cả nước, thay cho Nghị định số 66 – CP ngày ... Đây là Nghị định về TLP đầu tiên được áp dụng chung trong cả nước kể từ khi đất nước thống nhất. Mục đích của Nghị định là:

“ Nhằm đảm bảo duy trì và khai thác tốt các công trình thủy nông bằng sự đóng góp công bằng, hợp lý của những diện tích được hưởng lợi về nước…”

“..Đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền và nhân dân trong việc bảo vệ, quản lý, sử dụng tốt công trình thủy nông…”

 

 Nghị đình 112/ HĐBT qui định TLP thu bằng thóc và được qui đổi thành tiền theo giá thóc do Nhà nước qui định. Mức thu theo tỷ lệ % năng suất lúa bình quân trên một đơn vị diện tích héc-ta được tưới, theo mùa vụ, loại công trình ( cao nhất là 8%, thấp nhất 4% )

 Sau gần 20 năm thực hiện, Nghị định 112/HĐBT đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất hợp lý.

 

 Nghị định 143/2003/ND-CP

Thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 1998, Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi (sửa đổi) ngày 4/4/2001, để khắc phục những tồn tại, bất hợp lý của Nghị định 112/HĐBT, ngày 28/11/2003 Chính phủ đã ban hành Nghị định 143/2003/NĐ-CP “Qui định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi”, trong đó qui định việc giao công trình thủy lợi cho “Tổ chức hợp tác dùng nước” (HTDN), cá nhân quản lý, việc Nhà nước cấp kinh phí trong các trường hợp bơm nước chống úng, hạn, đại tu nâng cấp công trình, thất thu TLP do thiên tai, khôi phục công trình thủy lợi bị thiên tai phá hoại. Đặc biệt Nghị định qui định  mức thu TLP đối với tất cả các hộ sử dụng nước từ công trình thủy lợi, nhằm giảm bớt mức thu đối với đối tượng sử dụng nước tưới cây lương thực (nông dân) và đảm bảo công bằng trong việc sử dụng nước từ công trình thủy lợi.

Nghị định 143/NĐ-CP qui định khung mức TLP, thu TLP bằng tiền, được phân biệt theo hai đối tượng :

-  Đối với đối tượng sử dụng nước để tưới cho lúa, rau, màu, cây vụ đông, cây công nghiệp ngắn ngày thì mức thu thấp ( Nhà nước đã bao cấp trên 60%). Trong phạm vi DNTN phục vụ, mức thu được tính tại vị trí đầu kênh của “tổ chức hợp tác xã dùng nước” (HTDN).  Trong “phạm vi phục vụ của tổ chức HTDN thì mức thu do tổ chức THDN thỏa thuận với tổ chức, cá nhân sử dụng nước….”.

-  Đối với đối tượng sử dụng nước “không phải sản xuất lương thực”, như “ cấp nước dùng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cấp nước cho nhà máy nước sinh hoạt, chăn nuôi, tưới cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, hoa và cây dược liệu, nuôi trồng thủy sản, vận tải qua âu thuyền, công trình thủy lợi phát điện, kinh doanh du lịch, nghỉ mát, an dưỡng, giải trí (kể cả kinh doanh sân gôn, Casino, nhà hàng) ” thì mức thu TLP được qui định cho từng loại, trong đó Nhà nước đã bao cấp khoảng  50% (ví dụ cấp nước cho nhà máy nước sinh hoạt thì mức TLP thấp nhất đối với hệ thống bơm điện là 300 đ/m3, hồ chứa 250đ/ m3, chỉ xấp xỉ bằng 10% giá nước mà người dùng phải trả).

 

 

3.2. Tình hình thực hiện chính sách TLP:  

a. Kết quả thu thủy lợi phí( phần tiền nhà nước thu từ người sử dụng nước):  

Trong gần 20 năm (1984-2003), trong cả nước, bình quân hàng năm số tiền TLP thu được theo Nghị định 112/HĐBT chỉ mới đạt khoảng 500-600 tỷ đồng,  bằng 50-60%  kế hoạch phải thu và yêu cầu về chí phí để tu bổ, sửa chữa, vận hành công trình thủy lợi (1200 - 1500 tỷ đồng/ năm).

          Trong 3 năm gần đây (2004-2006) đã có 42 tỉnh thu thủy lợi phí theo Nghị định 143/NĐ-CP (số tỉnh còn lại vẫn thu theo Nghị định 112/HĐBT). Hàng năm TLP thu được trên phạm vi cả nước (phần Nhà nước thu) tăng và đạt gần 800 tỷ đồng (kế hoạch 1500 tỷ đồng). Tuy khoản thu này không lớn so với tổng thu ngân sách nhà nước, nhưng đối với ngân sách từng tỉnh thì không phải là nhỏ.


   

Hộp 2: Thu thuỷ lợi phí ở một số tỉnh

Bình quân hàng năm mỗi tình thuộc ĐBSH đều thu được trên 40 tỷ đồng, có tỉnh  đạt 70 tỷ đồng. Mặc dù đối với các tỉnh ĐBSCL, Nhà nước chỉ qui định thu TLP mang tính chất  “tạo nguồn”, với mức rất thấp, nhưng nhiều tỉnh đã thu tốt, như Tiền giang đã thu đạt gần 13 tỷ đồng/năm, Vĩnh long 12 tỷ đồng ( đạt tỷ lệ 100%).

 Nguồn số liệu tổng hợp từ Phòng KTKH – CụcThủy lợi, Giám đốc Công TN Tỉnh Tiền giang, Vĩnh long 

 

          Đặc biệt là các DNTN, “tổ chức HTDN” đã có thêm vốn đáng kể để duy tu, bảo dưỡng công trình, bước đầu tự chủ được về tài chính, phục vụ tưới, tiêu hiệu quả, giảm được bao cấp của nhà nước, củng cố niềm tin, nâng cao được ý thức trách nhiệm của cán bộ quản lý và người dân, đảm bảo được công bằng xã hội, phát huy vai trò của người dùng nước trong việc bảo vệ, quản lý vận hành công trình trên địa bàn an toàn và sử dụng nước tiết kiệm

 

          Nhờ vậy hàng năm các hệ thống thủy lợi hiện có trong cả nước đã đảm bảo tưới ổn định cho trên 7 triệu ha diện tích gieo trồng lúa (chưa kể các loại cây rau, màu, công nghiệp), góp phần quan trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định đời sống, an ninh chính trị, xã hội và xuất khẩu.

  

3.3. Thực trạng thủy lợi phí và các vấn đề liên quan đang đặt ra:

a. Thực trạng thủy lợi phí

Hiện nay các địa phương thu TLP theo hai Nghị định khác nhau của Chính phủ, đó là  Nghị định 112/HĐBT ngày 25/8/1984 và Nghị định 143/NĐ-CP ngày 28/11/2003.   

          Nghị định 112/HĐBT qui định TLP được thu bằng thóc, chuyển đổi thành tiền theo giá thóc do nhà nước qui định thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. TLP được tính theo tỷ lệ % năng suất lúa bình quân toàn vùng, trên một đơn vị ha được tưới, tiêu. Năng suất để tính TLP thường thấp hơn nhiều so với năng suất thực tế trên diện tích trồng lúa được tưới, tiêu. TLP thu theo diện tích được tưới, tiêu không phân biệt mức độ sử dụng nước nhiều hay ít.

          Nghị định 143/NĐ-CP qui định TLP được thu bằng tiền trên một đơn vị ha diện tích được tưới. Mức thu tính chung cho cả vùng kinh tế, theo đơn vị diện tích ha được tưới, tiêu, không đề cập được các yếu tố ngoại lai tác động, nên chưa phù hợp với điều kiện cụ thể về việc cấp nước, sử dụng nước của từng hệ thống công trình trên địa bàn.

Trên thực tế, căn cứ Nghị định 143/NĐ-CP, hầu hết các địa phương đều qui định TLP ở mức thấp nhất của Nghị định, thậm chí một số địa phương (các tỉnh giàu) chưa thu TLP theo Nghị định 143/NĐ-CP.

Nhìn chung mức thu TLP qui định trong 2 Nghị định trên đều chưa thể hiện được sự công bằng, hợp lý bởi vì nơi được đầu tư nhiều, do tổ chức của Nhà nước quản lý (DNTN) thì nông dân trả thủy lợi phí ở mức thấp (các tỉnh ĐBSH bình quân thu 450-500 kg thóc/ ha/2 vụ), lại được Nhà nước hỗ trợ, cấp bù phần thiếu hụt. Nơi được đầu tư ít, nhất là những công trình giao cho các tổ chức tập thể, tư nhân quản lý hoặc những nơi mà nhà nước không đầu tư công trình thuỷ lợi, người dân phải tự bỏ 100% tiền xây công trình thì vẫn phải trả thuỷ lợi phí rất cao theo cơ chế thị trường và không được Nhà nước hỗ trợ, cấp bù bất kỳ một khoản nào   (Tuyên quang thu 749 kg thóc/ha/2 vụ). Đặc biệt là mức thu, phương thức thu nêu trên chưa thật sự khuyến khích người sử dụng nước tiết kiệm nước, không đảm bảo  nguyên tắc “dùng nhiều phải trả nhiều, trả thủy lợi phí theo chất lượng phục vụ,  theo yêu cầu, đáp ứng thời vụ”, không điều chỉnh được kịp thời khi có sự tác động của  tăng giá vật tư, điện, xăng, dầu, công lao động... được sử dụng trong quá trình vận hành, duy tu, bảo dưỡng

 và quản lý các công trình thủy lợi.

Hộp 3: Cách thu và quan niệm về TLP

Nhiều tỉnh thu TLP cùng thuế nông nghiệp, mức thu do tỉnh ấn định, người dân trên địa bàn không được tham gia bàn bạc cụ thể. Thậm chí một số địa phương qui định đưa TLP vào nguồn thu Ngân sách để điều chỉnh chi cho nhiều mục đích khác, đã chiếm dụng TLP. Vì vậy nhiều cán bộ, nhân dân ở một số nơi còn có sự “ngộ nhận”, coi TLP là một khoản đóng góp mang dạng chính sách như các loại thuế (giống thuế nông nghiệp), nên đã đặt vấn đề “ Nhà nước có chủ trương khoan sức dân, đã bỏ thuế nông nghiệp, cũng nên bỏ TLP".

Trên thực tế, việc Nhà nước thực hiện “khoan sức dân”, bỏ thuế nông nghiệp cho nông dân cũng là để nông dân có đủ  điều kiện trả được các chi phí đầu vào, mà các ngành dịch vụ khác đang phục vụ cho họ,  trong đó có TLP, điện, phân, giống...

 

 

Hộp 4: Tình hình nợ đọng thủy lợi phí

Theo số liệu báo cáo của Cục Thủy lợi Bộ NN và PTNT, từ ngày 31/12/2000 trở về trước, các HTXNN thuộc 42 tỉnh nợ các Công ty thủy nông gần 280 tỷ đồng trong đó có 35 tỷ tiền điện, tập trung vào các tỉnh giàu đã được đầu tư xây dựng công trình thủy lợi hoàn chỉnh nhất ( Thái bình 22.714,03 tr. đồng,  Thanh hóa 22.580,64 tr., Hải phòng 17.598,35 tr., Bắc ninh 13.955,37tr., Vĩnh phúc 9614,16 tr., Nam định 9.431,17 tr.). Năm 2002 Nhà nước đã có chủ trương xóa nợ 160 tỷ đồng cho các tỉnh nợ đọng TLP,  chủ yếu là các tỉnh ĐBSH, dẫn đến tình trạng  không công bằng giữa các tỉnh trả đủ TLP (chủ yếu là tỉnh nghèo) và các tỉnh không trả đủ TLP, tạo tư tưởng ỷ lại của các hộ nông dân, các HTXNN, UBND xã ở các tỉnh này, làm cho việc thu TLP càng khó khăn hơn.

 (Nguồn tài liệu trích dẫn Tổng hợp báo cáonợ đọng thủy lợi phí của Phòng KTKH năm 2002 - Cục Thủy lợi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn )

 

 

 

b. Một số tồn tại

- Qui hoạch thủy lợi và qui hoạch nông nghiệp ở nhiều vùng chưa gắn chặt được với nhau, nên công trình thủy lợi được xây dựng theo qui hoạch chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất hiện tại và lâu dài theo hướng thị trường trên địa bàn

- Đầu tư  xây dựng các công trình thủy lợi thiếu hoàn chỉnh, chưa đảm bảo tính đồng bộ, khép kín mà chỉ tập trung xây dựng công trình đầu mối, kênh chính, thiếu các kênh nhánh, kênh nội đồng. Một số công trình được xây dựng với chất lượng thấp, nhanh hỏng, tổn thất nước lớn, diện tích được tưới chủ động bị thu hẹp, chất lượng tưới, tiêu kém, dẫn đến thu thủy lợi phí khó khăn hơn, thiếu vốn duy tu bảo dưỡng.

- Tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo  được nguyên tắc lợi ích gắn với trách nhiệm của người quản lý và người hưởng lợi một cách chặt chẽ, cũ thể là :   

            + Đối với hệ thống công trình do nhà nước đầu tư, phạm vi phục vụ liên quan đến nhiều xã, huyện, tỉnh, thì Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý các công trình đầu mối, kênh trục chính, nhánh lớn ( thường từ kênh cấp 2 trở lên); phần còn lại ( từ kênh cấp 3 trở xuống đến mặt ruộng) do HTDN hoặc tư nhân quản lý.

              Phương thức tổ chức đó  đã và đang tạo ra sự chia cắt trong việc quản lý, vận hành công trình và không thể quản lý tốt các sự cố xảy ra trong quá trình cấp và thoát nước, không đảm bảo được việc dẫn nước thông suốt từ đầu nguồn đến từng thửa ruộng; không kiểm soát được việc sử dụng nước đúng, sai của người dân và đánh giá đầy đủ kết quả phục vụ của DNTN, HTDN thông qua quản lý, vận hành công trình.

            + Các DNTN thường tổ chức cồng kềnh, kém hiệu lực, các cấp kênh phạm vi xã, liên xã không có chủ quản lý “đích thực”. Công trình trên địa bàn xã, thôn bị “bỏ ngỏ”, nên Chủ tịch UBND xã hoặc chủ nhiệm HTXNN, Thôn trưởng đảm nhận ký hợp đồng với DNTN để thu thủy lợi phí, hưởng tỷ lệ % “hoa hồng”; việc dẫn nước, bảo vệ công trình trên địa bàn lại do dân tự lo, dẫn đến hiệu quả sử dụng nước thấp, không công bằng ..

          +  Đối với hệ thống công trình phục vụ trong phạm vi một xã, thôn thì phần lớn do dân đầu tư, hoặc được Nhà nước hỗ trợ đầu tư, do tổ chức của dân quản lý. Ở những công trình này người quản lý không phải do dân bầu, TLP thu theo qui định của Nhà nước ( hầu hết UBND Tỉnh qui định không quá 5 kg thóc/ sào/ vụ ), vừa không đủ để trang trải các chi phí (nhất là khấu hao, tiền điện đối với công trình là trạm bơm điện), vừa không có kinh phí cho việc duy tu, bảo dưỡng khi công trình xuống cấp, hư hỏng.

           -  Cơ chế chính sách về thủy lợi nói chung, quản lý khai thác công trình nói riêng chưa phù hợp, chậm sửa đổi, ban hành chưa kịp thời, nên chưa tạo được hành lang pháp lý cho các tổ chức quản lý hoạt động hiệu quả, hiệu lực

           -  Công tác đào tạo nâng cao năng lực và hiểu biết về lĩnh vực thủy lợi cho người quản lý và người dân chưa được quan tâm đúng mức, nên đã hạn chế vai trò của người dân tham gia và trách nhiệm của người quản lý, khai thác và bảo bệ công trình khó khăn,  phục vụ sản xuất hiệu quả  chưa cao

          

  Hộp 5: Những bất cập trong quản lý, vận hành công trình thủy nông

Công ty thủy nông hồ Kè gỗ, Hà tĩnh phải ký hợp đồng dùng nước với 189 đơn vị ở cấp xã, trong đó HTXNN chiếm 5%, UBND xã chiếm 20%, thôn chiếm75%. Việc dẫn nước trên kênh, mương, bảo vệ công trình trên phạm vi xã, thôn đều do nông dân thực hiện nên người dân phải mất nhiều công sức.  Nếu tính thành tiền, hàng năm nông dân ở đây phải gánh chịu thêm 400.000-600.000 đồng/ha (ngoài số TLP đã trả cho UBND, HTXNN, chưa kể một số xã ở Hà tĩnh còn thu thêm TLP để bổ sung cho Ngân sách xã).

Nông dân dùng nước do hệ thống thủy lợi của Nhà nước cung cấp phải trả TLP cho 2 đơn vị quản lý:

 - DNTN (công ty thủy nông) bình quân 10-15 kg/sào/ vụ

 - Tổ chức  HTDN bình quân 2-4 kg thóc/sào/ vụ

Thu nhập của thủy nông viên thuộc các HTX thủy nông chỉ đạt 70-90.000 đồng/ tháng/ người, không đủ để chi trả tiền xăng phục vụ đi lại để quản lý trên một diện tích gần 30 ha/ 1 người.

 

Nguồn tài liệu trích dẫn từ Báo cáo của Công ty TN Kè gỗ, Hà Tĩnh số 62 BC/CT ngày 01/08/2003, Báo cáo điều tra, đánh gía của Trung tâm tư vấn PIM, Viện KHTL - tháng 9/2006 thực hiện  dự án “ Hiện đại hóa hệ thống tưới”- Ngân hàng Thế giới

 

             Nguyên nhân thất thu TLP:

       Từ cơ chế, chính sách TLP (mức thu,  phương thức thu), đầu tư xây dựng công trình và tổ chức quản lý các công trình thủy lợi nêu trên đã dẫn đến các trường hợp thất thu TLP sau :

            + Chênh lệch giá thóc TLP: do giá thu mua thóc nhà nước qui định thấp hơn giá thị trường (thường từ 10-20 %), nhất là khi được mùa, giá thóc hạ, làm cho tổng mức TLP thu được thấp.    

          + Năng suất để tính TLP thường thấp hơn năng suất thực tế trên diện tích được tưới từ 20-30% (tính TLP theo mức 4 tấn/ha thay vì 6 tấn/ha là năng suất thực tế), có nơi chênh lệch trên 50% (năng suất tính 5 tấn/ha, thực tế là 10 tấn/ha), làm cho tổng mức TLP thu được thấp hơn khả năng thực tế có thể thu.

          + Thất thu do các HTXNN, UBND xã chiếm dụng, sử dụng TLP sai mục đích (10-15%) , dấu diện tích được tưới, bình quân thất thu 5%.

          + Đầu tư xây dựng công trình thủy lợi chưa hợp lý, chất lượng không đảm bảo, quản lý yếu kém dẫn đến không tưới hết diện tích, thu TLP khó khăn, thất thu ước tính 10-20%. 

          + Khi xác định mức TLP đã tính đến chính sách Nhà nước cấp bù phần chênh lệch (50-60%) cho DNTN, HTDN do không được phép thu đúng, thu đủ . Nhưng thực chất các DNTN được “thu” từ Nhà nước cấp bù (trong 5 trường hợp đã được Nhà nước qui định) bình quân cả nước hàng năm chỉ mới đạt xấp xỉ khoảng 20% (thiếu hụt 80%, trong đó HTDN không được cấp bù). Đặc biệt khi có thiên tai gây mất mùa, các DNTN, HTDN bị thất thu lớn do việc miễn, giảm TLP.  Đây là tồn tại lớn nhất trong nhiều năm nay chưa được giải quyết.      

          + TLP thu từ các đối tượng khác theo quy định tại Nghị định 143/NĐ-CP chưa được thực hiện (ngoài đối tượng sản xuất lương thực), hoặc có thu, nhưng ở mức thấp, chỉ chiếm 15-20 % tổng mức thu TLP cả nước, dẫn đến thất thu TLP đáng kể.

          + Chính quyền các cấp có vai trò quan trọng trong việc thu TLP (đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra, kiểm sát). Nếu thiếu sự quan tâm, hoặc quan tâm không đúng mức của Nhà nước sẽ dẫn đến thất thu TLP. Đặc biệt trên địa bàn tỉnh thì UBND tỉnh được quyền ký, ban hành quyết định mức thu TLP (thấp, cao, miễn, giảm, nhưng không cấp bù, hoặc cấp hạn chế ), là căn cứ pháp lý để người dân trả TLP cho Nhà nước.       

 Tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, có các trường hợp thất thu, mức độ thất thu rất khác nhau (mỗi địa phương thường có 1-3 trường hợp), chưa kể đến thất thu do các tỉnh qui định mức thu rất thấp so với mức khung qui định của Nhà nước.

 

         Với các lý do trên đây, TLP thu được trên phạm vi cả nước bình quân mới đáp ứng được 50-60% kế hoạch phải thu và 50% nhu cầu về chi phí quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình. Công trình, kênh mương hư hỏng nhỏ không được sửa chữa kịp thời đã dẫn đến hư hỏng lớn, xuống cấp, làm mất khả năng cân đối thu – chi đối với các tổ chức DNTN, HTDN. Đặc biệt là các DNTN phải “gọt chân cho vừa dày”, có bao nhiêu, chi bấy nhiêu, ưu tiên chi tiền lương,  tiền thưởng, còn việc tu bổ công trình bị hư hỏng chỉ được thực hiện khi có đủ vốn, nên công trình lại xuống cấp nhanh hơn, phục vụ kém hiệu quả, thu thủy lợi phí khó khăn hơn.

 

 

Hộp 6: Tình trạng xuống cấp của các công trình thủy nông

Hạn ở ĐBSH trong 2 năm gần đây, ngoài các nguyên nhân về nguồn nước, điều hành không thống nhất (giữa ngành điện và ngành Nông nghiệp), cơ cấu cây trồng chưa phù hợp, còn có nguyên nhân quan trọng là do quản lý các công trình thủy lợi yếu kém, thiếu vốn duy tu bảo dưỡng, thu không đủ chi, dẫn đến công trình xuống cấp, nhất là kênh mương bị sạt lở, bồi lắng không được tu bổ, nạo vét kịp thời, máy móc, thiết bị hư hỏng không được thay thế nên dù mực nước sông Hồng trên +2,5 (vào thời vụ), một số trạm bơm lớn số máy cần thiết vẫn không hoạt động đươc, kênh không tải được đủ lưu lượng nước theo thiết kế.

 

Nguồn tư liệu : Báo cáo tổng hợp điều tra cơ bản” Thực trạng tổ chức thủy nông cơ sở “ năm 2001 – 2003 – Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 

 

c.  Các vấn đề liên quan :

          - Thủy lợi phí là chi phí sản xuất

     Theo tài liệu điều tra các hộ nông dân có sử dụng nước gần đây ở Nghệ an, Hà tĩnh, Quảng nam, Khánh hòa thì nông dân đều nhận thức được TLP là chi phí sản xuất, như chi phí để mua phân, giống, trả tiền điện, nhưng đã được nhà nước bao cấp. Họ không phàn nàn về mức TLP, nhưng cho rằng trong khi việc cấp nước không đạt yêu cầu cả về chất, lượng, chưa kịp thời vụ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng, thì họ vẫn phải nộp TLP ở mức cao. Nhiều người đã chỉ ra hiện tượng thiếu công bằng trong trả TLP: người ở vùng đầu kênh dùng nhiều nước, lãng phí cũng trả thủy lợi phí như mức người vùng cuối kênh dùng ít nước, thiếu nước, khô hạn.

           - Các căn cứ để tính, sử dụng TLP

          Cũng theo các tài liệu điều tra thì hầu hết nông dân trả đủ TLP cho HTX, UBND xã theo qui định (ở Tuyên quang nhiều nông dân đã trả TLP trước 5-7 năm). Tuy nhiên hầu hết người dân được hỏi đều phàn nàn là họ không được biết các căn cứ tính mức thu mà họ phải trả và số TLP HTXNN, UBND xã thu được để chi vào những khoản mục gì? Có nơi HTXNN tăng thêm mức TLP để trả lương cho cán bộ HTX, UBND xã hoặc thu “một cục” theo đầu sào, không rõ mức TLP là bao nhiêu. Một số địa phương đã sử dụng TLP sai mục đích, chiếm dụng TLP, nên HTX, UBND xã không trả đủ TLP cho công ty thủy nông và đã cho rằng dân nợ TLP.

           - Thủy lợi phí liên quan đến hoạt động của HTDN

          Do không có tổ chức HTDN, nên việc dẫn nước, bảo vệ công trình trên địa bàn gặp khó khăn, nước được cấp kém chất lượng. Nhiều HTDN được thành lập, nhưng không được thu, hoặc chỉ được thu ở mức thấp, không đủ trang trải, cân bằng được thu-chi, nên phải ngừng hoạt động. 

            - Giảm,  miễn thủy lợi phí

          Hiện nay một số ý kiến cho rằng nông dân phải đóng góp quá nhiều khoản, trong đó có TLP. Vì vậy, theo họ, bỏ TLP cho nông dân là để “ khoan sức dân”. Và gần đây các tỉnh  Thái bình, Vĩnh phúc, Đà nẵng đã quyết định giảm, bỏ TLP

      

Hộp 7: Tỷ lệ đóng TLP ở Hà tĩnh

Theo số liệu điều tra ở huyện Kỳ Anh, Đức thọ Hà tĩnh, mức TLP mà các hộ nông dân phải trả chỉ bằng 4-5% tổng số các khoản mà họ phải đóng góp. Có nghĩa là các khoản đóng góp khác, trong đó có nhiều  khoản  không hợp lý với số lượng lớn hơn rất nhiều so với TLP  mà họ phải trả.

 

 Nguồn tài liệu “ Báo cáo đánh giá hoạt động của Hội dung nước ở Hà Tĩnh” thuộc dự án của Oxfam Great Britain – Tháng 8 năm 2004

 

            + Giảm thủy lợi phí :

            Việc giảm giá dịch vụ tưới, tiêu (TLP) là đòi hỏi hết sức cần thiết đối với người nông dân và nhà nước, là mục tiêu của các DNTN, HTDN, nhằm khuyến khích và nâng cao trách nhiệm của cả người dân và đơn vị quản lý. Đó là trách nhiệm của cả 2 bên (dân và DNTN, HTDN) và chỉ được thực hiện trên cơ sở cải tiến, đổi mới quản lý nhằm giảm chi phí quản lý như chi phí lao động, tiền lương, tiền điện, vật tư, nâng cao chất lượng tưới, tiêu, tiết kiệm nước tưới, đảm bảo công trình ít hư hỏng, giảm chi phí tu sửa. Không nên giảm TLP bằng cách tăng phần cấp bù từ ngân sách nhà nước cho chi phí quản lý, bởi vì mức khung TLP được Nghị định 143/NĐ-CP qui định đã được Nhà nước bao cấp trên 60% “giá thành”. Mức thu TLP được giảm theo qui định chỉ đối với “..địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì giảm từ 50% - 70% mức TLP” (Điều 19 Nghị định 143/NĐ-CP ).

       

Hộp 8: Thủy lợi phí ở Tuyên quang, Lào cai  

Một số HTX dịch vụ tưới ở Tuyên quang, sau khi kiên cố hóa kênh, củng cố lại tổ chức quản lý, đã giảm được chi phí quản lý, kênh mương ít hư hỏng, tưới tiêu hiệu quả, đã giảm mức thu thủy lợi phí từ 749 kg thóc/ ha xuống 550 kg thóc/ ha.

 Hội sử dụng nước Bản Kem (Lào Cai) đã căn cứ vào tình hình chi phí thực tế được giảm để giảm mức TLP mà dân phải trả. Khi công trình hư hỏng nhiều do thiên tai, thì người dân được tham gia bàn bạc để tăng mức đóng góp TLP từ 1,5 kg/sào/vụ lên 2,5 kg/sào/ vụ.

 

 Nguồn tài liệu “ Báo cáo kết quả nghiên cứu, đánh giá các mô hình PIM hiện có ở Việt nam” tháng 7 năm 2005 của Trung tâm TVKHCN và Phát triển TNN  và “Báo cáo kết quả tham quan” thuộc dự án “ quản lý tống hợp tài nguyên nước thuộc Lưu vực sông Srepok” của DANIDA- Năm 2005-2006      

 

            + Miễn thủy lợi phí:

          Miễn TLP không đồng nghĩa với bỏ TLP. Điều 19 Nghị định 143/NĐ-CP qui định “...các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được miễn TLP”. Trong thực tế, ở những vùng này, đầu tư của nhà nước cho thủy lợi còn rất hạn chế, thấp xa so với nhu cầu. Các công trình thủy lợi ở đây chủ yếu là loại nhỏ, phần lớn là công trình tạm do dân tự làm và tự quản lý, mà về nguyên tắc họ không phải trả TLP cho nhà nước. Tuy vậy một số vùng sâu, vùng xa thuộc tỉnh Lào Cai chính quyền vẩn qui định trả TLP ở mức thấp (15% mức qui định chung) nhằm gắn trách nhiệm với quyền lợi của người dân trong việc bảo vệ, quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn của họ, phục vụ cho yêu cầu của chính họ.

        Điều 15 Nghị định 143/NĐ-CP còn qui định “ thiệt hại từ 50% sản lượng trở lên thì miễn TLP”.

        Như vậy việc miễn, giảm và thực hiện miễn, giảm TLP phải căn cứ tình hình cụ thể từng địa phương và tính đến đầy đủ lợi ích của các bên có liên quan, từ lợi ích của người sử dụng nước, của các đơn vị quản lý công trình thủy lợi đến lợi ích của nhà nước.    

          + Bỏ thủy lợi phí:

            Thành phố Đà nẵng đang tiến hành bỏ TLP, có nghĩa là từ nay nông dân trong vùng có công trình thủy lợi do nhà nước quản lý không phải trả TLP cho nhà nước (đến nay hàng năm các DNTN ở Đà nẵng thu được khoảng 3 tỷ đồng TLP, được nhà nước hỗ trợ bình quân 2 tỷ đồng). Như vậy bỏ TLP chỉ thực hiện đối với hệ thống công trình do nhà nước quản lý và chỉ bỏ phần TLP trả cho tổ chức quản lý của nhà nước; phần trả cho các tổ chức HTDN vẫn phải thực hiện. Trong khi đó, các công trình thủy lợi không do nhà nước đầu tư, quản lý thì nông dân không những phải đóng góp đầu tư xây dựng, mà còn phải trả TLP.

            Như vậy trong việc bỏ thủy lợi phí, vô hình trung nhà nước lại phải đầu tư lại cho những vùng đã được nhà nước đầu tư. Điều đó vừa không khuyến khích sản xuất, nâng cao trách nhiệm của người dùng nước trong việc quản lý, bảo vệ, khai thác công trình thủy lợi ngay trên địa bàn của họ, hư hỏng, chi phí quản lý tăng lên, phục vụ kém hiệu quả, vừa ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người dân. 

            

  Hộp 9: Bỏ thủy lợi phí: các số liệu thống kê

Nếu chỉ xét về mặt tài chính, năm 2005 TLP thu được từ các hệ thống công trình thủy lợi do các công ty thủy nông quản lý đạt gần 800 tỷ đồng, mới đáp ứng trên 60 %  kế hoạch duy tu bảo dưỡng, chưa kể phần TLP thuộc phạm vi công trình do các tổ chức “HTDN” quản lý (thu bằng tiền, công sức, vật liệu ước tính khoảng từ 500 - 1000 tỷ đồng ). Phần Nhà nước hỗ trợ hàng năm (chưa kể phần thiếu hụt do không thu được nói trên) bình quân chỉ mới đáp ứng được 100 – 200 tỷ đồng/ năm (bằng 20% nhu cầu chi cho sửa chữa thường xuyên của cả nước và mới thực hiện chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng,là những tỉnh đã được nhà nước đầu tư nhiều, có các hệ thống công trình hoàn chỉnh) .

Ở các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng, bắc Khu Bốn cũ phần TLP do nhà nước thu chỉ đạt mức bình quân trên 50 tỷ đồng/năm/ tỉnh,  trong khi phải đầu tư công trình hoàn chỉnh đến mặt ruộng. Ở các tỉnh ĐBSCL phần TLP nhà nước thu chỉ mang tính chất thu tạo nguồn, bình quân đạt 10 tỷ đồng/năm/tỉnh, bằng khoảng 1- 1,5% năng suất,   phần dân phải trả cho HTDN và tư nhân gấp nhiều lần so với phần phải trả cho nhà nước.

    Ở các tỉnh miền núi, công trình thủy lợi nhỏ do dân đầu tư, hoặc nhà nước hỗ trợ đầu tư, do dân quản lý, tự trang trải thì các chi phí ở mức cao.Vì vậy phần nhà nước thu được không đáng kể, cao nhất 1-3 tỷ đồng/ năm, thậm chí có nhiều tỉnh không có DNTN nên nhà nước không thu TLP.

 

 Nguồn tài liệu : căn cứ vao số liệu trong Báo cáo của Cục Thủy lợi về hoạt động của các công ty thủy nông tại hội nghị ở Huế - tháng 8-2003   

 

4. Nên miễn, giảm thuỷ lợi phí như thế nào?

          Vấn  đề đặt ra là cần miễn, giảm thuỷ lợi phí như thế nào để vừa giảm được bao cấp của Nhà nước, vừa giảm được mức đóng góp của người dân đồng thời đảm bảo quản lý, khai thác tốt công trình thủy lợi hiện có, góp phần tăng năng suất, tăng sản lượng cây trồng, giảm giá thành sản phẩm, tạo việc làm do tăng vụ, tăng thu nhập cho người dân. Đó chính là biện pháp ”khoan sức dân” thông qua chính sách thủy lợi phí, tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp có tưới khi gia nhập WTO.

          Để làm được điều này cần: 

          Một là xây dựng “chiến lược phát triển thủy lợi” (hiện nay chỉ có kế hoạch phát triển thủy lợi), phục vụ đa mục tiêu, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp, bố trí lại cơ cấu cây trồng hợp lý, không trồng lúa với bất cứ giá nào.

          Hai là thực hiện nghiêm túc Nghị Định 143/2003/NĐ-CP của Chính phủ với các biện pháp sau:

          - Qui định lại mức thu TLP hợp lý, thực hiện việc giảm chi phí quản lý đồng thời với việc giảm TLP trong tất cả các trường hợp, miễn TLP chỉ áp dụng với  các đối tượng sản xuất lương thực theo yêu cầu của nhà nước, trong các trường hợp gặp khó khăn như thiên tai, mất mùa…Không miễn, bỏ TLP đối với các trường hợp sử dụng nước từ công trình thủy lợi được xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư của nhà nước. Thu đúng và đủ TLP đối với tất cả các đối tượng sử dụng nước “không phải là sản xuất lương thực“, đảm bảo công bằng, thực hiện nguyên tắc “dùng nước phải trả tiền, dùng nhiều trả nhiều, dùng ít trả ít” để có thêm kinh phí cho quản lý vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình thủy lợi, tạo điều kiện để giảm thủy lợi phí cho nông dân sản xuất lương thực.

          Ba là nhà nước cần cấp bù đủ phần kinh phí thiếu hụt cho các đơn vị quản lý (DNTN, HTDN) trong 5 trường hợp đã được Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi qui định và đã được cụ thể hóa trong Nghị định 143/NĐ-CP (hầu hết các tỉnh chưa thực hiện việc cấp bù này và là tồn tại chính trong chính sách TLP hiện nay).

          Bốn là thực hiện việc chuyển giao (IMT) các công trình qui mô nhỏ, kỹ thuật ít phức tạp cho dân quản lý thông qua tổ chức của họ lập, đảm bảo công trình có chủ quản lý “đích thực”. Nếu công trình thủy lợi do người dân quản lý thì họ phải được tham gia bàn bạc, trao đổi về TLP và được trả được TLP hợp lý, còn nếu do nhà nước quản lý thì người dân phải trả TLP theo qui định.

          Để thực hiện được mục tiêu này, nhà nước cần có cơ chế, chính sách đầu tư hợp lý, đảm bảo công trình được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ, khép kín trước khi chuyển giao cho dân quản lý. Đây là thách thức lớn đối với cả nhà nước (DNTN) và người dân. 

          Năm là sắp xếp, tổ chức lại các DNTN (công ty thủy nông) theo qui định của nhà nươc (Nghị định 31/2005/NĐ-CP, Nghị định 95/2006/NĐ-CP), ứng dụng các khoa học công nghệ quản lý tiên tiến, giảm chi phí quản lý, thực hiện thu TLP bằng khối lượng nước sử dụng (m3), đảm bảo công bằng trong việc trả TLP. Đây là cơ sở để thực hiện giảm TLP cho nông dân.

          Sáu là phát huy vai trò của người dân tham gia quản lý khai thác công trình thủy lợi (PIM) trên cơ sở củng cố, thành lập các tổ chức dùng nước theo yêu cầu của dân, làm tốt chức năng “cầu nối” trong việc cấp, thoát nước, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong việc thực hiện lợi ích giữa Nhà nước (DNTN) và các hộ nông dân, trả đủ TLP  theo qui định đã được thống nhất. Nơi nào HTXNN không làm được dịch vụ tưới, hoặc làm không hiệu quả, thì phải thành lập một tổ chức khác để đảm nhận. Tổ chức này phải do dân bàn, thành lập theo hướng dẫn của nhà nước (Thông tư số 75/2004/TT-BNN, ngày 20 tháng 12 năm 2004 của Bộ Nông nghiệp và PTNT).

Bảy là rà soát lại bộ máy quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi, giảm bớt các cấp quản lý trung gian, bỏ các khoản đóng góp không hợp lý (như đóng góp theo đầu sào để trả lương cho cán bộ HTXNN, cán bộ xã, thôn).

Tám là công khai các khoản thu TLP với dân. Họ phải được biết, bàn bạc, trao đổi về mức thu, sử dụng TLP .Tổ chức công tác thanh tra TLP trong các HTXNN, UBND xã. Xử lý các hiện tượng chiếm dụng, sử dụng TLP sai mục đích qui định để lấy lại lòng tin của dân   .

          Chín là các dự án thủy lợi ở cấp cơ sở phải công khai để người dân biết, bàn bạc,  thống nhất. Việc quản lý, đưa công trình vào hoạt động phải được người dân bàn bạc, thống nhất, thu - chi TLP phải công khai. Khi đó người dân sẽ trả TLP đầy đủ, kịp thời, không chiếm dụng.  

          Mười là chính quyền các cấp cần quan tâm đúng mức, không “can thiệp”, thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước, tạo điều kiện cho các tổ chức quản lý (DNTN, HTDN) thu đủ TLP  

          Mười một là các cơ quan chuyên ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành, tham mưu, đề xuất, soạn thảo, trình ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời, trợ giúp kỹ thuật, hướng dẫn, đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho người quản lý, nâng cao hiểu biết của người dân trong việc quản lý, vận hành công trình thủy lợi an toàn, sử dụng nước hiệu quả./.

 

 

Chữ viết tắt : DNTN : Doanh nghiệp thủy nông, HTDN : Hợp tác dùng nước là tổ chức làm dịch vụ tưới tiêu gồm HTXNN ( hợp tác xã nông nghiệp), Hội, tổ, đội, ban thủy nông…

  

 



:* Nguyên Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

 * Phó Giám đốc TTTV Khoa học công nghệ và Phát triển Tài nguyên nước -Tổng hội XD Việt nam  

Đóng góp ý kiến về bài viết này 

Mới hơn bài này
Các bài đã đăng
Tiêu điểm
Biến đổi khí hậu và An ninh nguồn nước ở Việt Nam.[08/07/21]
Đại hội lần thứ IV, sự kiện lớn của Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.[27/04/19]
Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam phấn đấu vì sự nghiệp phát triển thủy lợi của đất nước.[18/04/19]
Danh sách Hội viên tập thể đã đóng niên liễm 2018.[11/01/19]
Chùm ảnh Đại hội lần thứ 2 Hội Đập lớn Việt Nam.[13/08/09]
Nhìn lại 5 năm hoạt động của VNCOLD trong nhiệm kỳ đầu tiên.[10/08/09]
Thông báo về Hội nghị Đập lớn Thế giới.[17/07/09]
Thư chào mừng của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải
VNCOLD đã thành công tại cuộc họp Chấp hành ICOLD Sofia (Bulgaria), 6/6/2008
Phó Thủ tướng khai mạc Hội thảo “ASIA 2008.
Tạo miễn phí và cách sử dụng hộp thư @vncold.vn
Website nào về Thủy lợi ở VN được nhiều người đọc nhất?
Giới thiệu tóm tắt về Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.
Download miễn phí toàn văn các Tiêu chuẩn qui phạm.
Đập tràn ngưỡng răng cưa kiểu “phím piano".
Đập Cửa Đạt
Lời chào mừng
Qu?ng c�o