» Mở tất cả ra       » Thu tất cả lại
English and French
Tìm kiếm

Bài & Tin mới
Nghị định số 02/2024/NĐ-CP về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam [17-01-2024]
Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Cục Quản lý xây dựng công trình [26-12-23]
Chùm ảnh các công trình thuỷ lợi tiêu biểu ở VN 20 năm 2003-2023 [30-11-2023]
Danh mục các quy hoạch thủy lợi đã được phê duyệt [26-10-2023]
BÀN VỀ ĐỊNH HƯỚNG LẠI NGÀNH XÂY DỰNG THÔNG QUA CHUYỂN ĐỔI SỐ [26-10-2023]
Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 thay thế Luật Đấu thầu trước đây và có hiệu lực từ 01/01/2024 [15-10-2023]
Dự thảo TCVN 8731-20xx Phương pháp xã định hệ số thấm của đất bằng phương pháp đổ nước và múc nước trong hố đào và hố khoan [15-10-2023]
Đập Đắk N’Ting (Đắk Nông) trước nguy cơ bị vỡ [05-09-23]
QUYẾT ĐỊNH: Về việc hủy bỏ Tiêu chuẩn quốc gia [05-09-23]
Nghị định 35/2023/NĐ-CP [07-08-23]
Ý KIẾN TRAO ĐỔI VỀ ĐỘNG ĐẤT Ở KONTUM NGÀY 14-07-2023 (2)[07-08-23]
HOẠT ĐỘNG HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỔI NĂM [04-08-23]
Đô thị ngoại ô: cuộc chiến đất vùng rìa [25-07-23]
Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi 2021-2030 [25-07-23]
Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi 2021-2030 [25-07-23]
NHỮNG NỘI DUNG KHÔNG PHÙ HỢP VÀ KHÔNG ĐÚNG trong Tiêu chuẩn TCVN 8637:2021(về Yêu cầu kỹ thuật lắp đặt và nghiệm thu máy bơm)[14-07-23]
Ý kiến trao đổi về động đất ở Kontum [14-07-23]
Tiếp tục xảy ra 7 trận động đất tại Kon Plông (Kon Tum) [14-07-23]
Bàn thêm về dung tích phòng lũ ở các hồ chứa thủy lợi, thủy điện [13-07-23]
 Số phiên truy cập

81285094

 
Quản lý Qui hoạch
Gửi bài viết này cho bạn bè

Hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị Hà Nội từ vốn ngân sách Nhà nước. [28/5/07]
(Tham luận của Đại diện UBND TP Hà Nội tại Hội thảo “Hiệu quả đầu tư trong xây dựng cơ bản” của Tổng Hội Xây Dựng Việt Nam)

 

Hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị Hà Nội từ vốn ngân sách Nhà nước

 

(Tham luận của Đại diện UBND TP Hà Nội tại Hội thảo “Hiệu quả đầu tư trong xây dựng cơ bản” của Tổng Hội Xây Dựng Việt Nam)

Hạ tầng cơ sở  là một bộ phận cơ bản của kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội có vai trò tạo điều kiện, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một nền kinh tế hoặc một vùng. Đối với những đô thị lớn như Thành phố Hà Nội, sự phát triển của hạ tầng cơ sở còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Với vị trí, vai trò của Thủ đô cả nước theo Pháp lệnh Thủ đô, là trung tâm kinh tế, chính trị, du lịch, thương mại và văn hoá, hạ tầng cơ sở của Thành phố còn có ý nghĩa tiên phong so với các thành phố và các khu tập trung dân cư khác. Sự phát triển hạ tầng cơ sở của Thủ đô Hà Nội được đặt trong bối cảnh mục tiêu phải tiến kịp về trình độ tổ chức, quản lý đô thị so với các nước trong khu vực và quốc tế. Sự phát triển của hạ tầng cơ sở còn có ý nghĩa quan trọng quyết định việc đảm bảo tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

I. Hiệu quả vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách cho hạ tầng cơ sở của Thành phố Hà Nội trong giai đoạn 1996-2005:
1. Hệ thống hạ tầng cơ sở của Thành phố Hà Nội:
Khái niệm hạ tầng cơ sở được hiểu bao gồm hạ tầng cơ sở kỹ thuật và hạ tầng cơ sở xã hội. Hạ tầng cơ sở kỹ thuật gồm hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, cung cấp năng lượng, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước, xử lý các chất thải và các công trình khác.
 Hạ tầng cơ sở xã hội gồm các công trình y tế, văn hoá, giáo dục, thể thao, thương mại, dịch vụ công cộng, cây xanh, công viên, mặt nước và các công trình khác.

Trong hạ tầng cơ sở thì hạ tầng cơ sở kỹ thuật có vị trí quan trọng và vai trò của nó đang có xu hướng ngày càng tăng trong quá trình phát triển của nền kinh tế, đặc biệt đối với những đô thị lớn như Thành phố Hà Nội.

Hạ tầng cơ sở của Thành phố Hà Nội bao gồm: hệ thống đường giao thông (đường quốc lộ, đường cao tốc hướng tâm, đường liên tỉnh, mạng lưới đường đô thị và đường tỉnh lộ), hệ thống đường sắt (đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị hiện đang được lập quy hoạch và các dự án đầu tư phát triển), hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, hàng không, đường sông gồm cảng sông và các tuyến vận tải, hệ thống bến bãi đỗ xe; hệ thống cấp nước bao gồm các nhà máy nước, mạng đường ống truyền dẫn, đường ống phân phối, dịch vụ; hệ thống thoát nước gồm các hồ điều hoà, các sông, mương phục vụ thoát nước, hệ thống cống thoát nước; hệ thống thu gom và xử lý chất thải gồm các trạm xử lý nước thải, các bãi chôn lấp và xử lý rác thải và hệ thống thu gom và vận chuyển; hệ thống chiếu sáng công cộng; hệ thống bưu điện, thông tin liên lạc; hệ thống điện...

Về quản lý hạ tầng cơ sở, ở Thành phố Hà Nội có sự phân chia quản lý giữa Trung ương và địa phương. Hạ tầng cơ sở do Trung ương quản lý bao gồm: Bộ Giao thông Vận tải quản lý đường quốc lộ, đường cao tốc hướng tâm, hệ thống đường sắt quốc gia, vận tải liên tỉnh, hàng không, đường sông; Bộ Công nghiệp và Tổng công ty Điện lực Việt Nam quản lý hệ thống điện; Bộ Bưu chính Viễn thông và Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam, các công ty viễn thông quản lý và cung cấp dịch vụ bưu điện và thông tin liên lạc,... Thành phố Hà Nội quản lý mạng lưới đường đô thị, đường sắt đô thị, vận tải hành khách nội đô, bến bãi đỗ xe; hệ thống cấp nước, thoát nước, thu gom vận chuyển và xử lý chất thải; chiếu sáng công cộng...

Trong phạm vi bài tham luận này chủ yếu đề cập đến hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn ngân sách cho hạ tầng cơ sở kỹ thuật do Thành phố Hà Nội quản lý.

2. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho hạ tầng cơ sở:

          Nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng cơ sở là rất lớn. Hàng năm, Nhà nước luôn dành một phần lớn nguồn vốn cho đầu tư đặc biệt là vốn ngân sách XDCB cho các dự án hạ tầng.

Trong 5 năm 2001-2005 tổng vốn đầu tư XDCB từ ngân sách được bố trí kế hoạch là 16.143 tỷ đồng, tăng 155,5% so giai đoạn 1996-2000, trong đó vốn ODA là 2.873 tỷ đồng  chiếm 17,8% và vốn ngân sách địa phương là 13.270 tỷ đồng chiếm 82,2% thì chỉ riêng đầu tư cho hạ tầng 5 năm này, Thành phố đã đầu tư khoảng 7.456 tỷ đồng (chưa có vốn ODA) chiếm 71,5% vốn trong nước. Trong thời gian qua, ngân sách Thành phố tập trung đầu tư cho các công trình hạ tầng cơ sở như đường giao thông, cấp nước, thoát nước, bãi chôn lấp rác thải, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các khu công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật xung quanh các hồ... Thành phố đang chỉ đạo đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong đầu tư và khai thác quản lý các lĩnh vực hạ tầng cơ sở như bến bãi đỗ xe, cấp nước, thu gom và vận chuyển rác thải,...

Nhu cầu vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng quan trọng cho giai đoạn đến năm 2010 khoảng 50.000 tỉ đồng (tương đương 3 tỷ USD); cho giai đoạn 2011-2020 khoảng 180.000 tỷ đồng (tương đương 11 tỷ USD). Phát triển hạ tầng cơ sở kỹ thuật đô thị là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Thành phố trong giai đoạn 2006-2010. Tuy nhiên các nguồn vốn đầu tư đang mất cân đối lớn đòi hỏi phải được sự quan tâm đặc biệt ưu tiên tập trung vốn đầu tư của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương mới có thể giải quyết được vấn đề này.

3. Về phân bổ và quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho hạ tầng cơ sở ở Thành phố Hà Nội:

a. Phân bổ và thực hiện kế hoạch vốn ngân sách:

          Căn cứ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch được duyệt, Thành phố đã xây dựng kế hoạch và xác định danh mục dự án, nhu cầu vốn đầu tư theo giai đoạn 5 năm. Kế hoạch 5 năm được tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương, các đơn vị có liên quan và được tổng hợp hoàn chỉnh báo cáo Thành uỷ, Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua. Trong kế hoạch 5 năm Thành phố đã xác định các cụm công trình hạ tầng trọng điểm trong giai đoạn để tập trung cân đối bố trí vốn, điều hành triển khai thực hiện: kế hoạch 5 năm giai đoạn 2001-2005, Thành phố xác định 9 cụm công trình trọng điểm; kế hoạch 5 năm 2006-2010, Thành phố xác định 3 cụm công trình trọng điểm.

          Kế hoạch hàng năm được xây dựng căn cứ vào kế hoạch 5 năm và nhu cầu đầu tư của các ngành, lĩnh vực Thành phố đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch hàng năm đảm bảo mục tiêu phát triển đã được Trung ương chỉ đạo. Danh  mục các dự án đầu tư được ghi kế hoạch hàng năm nhìn chung đảm bảo đầu tư tập trung, đảm bảo các điều kiện ghi kế hoạch theo quy định (trừ những trường hợp đặc biệt hoặc cấp bách). Kế hoạch hàng năm được tổng hợp và báo cáo UBND Thành phố và trình Hội đồng nhân dân Thành phố quyết nghị thông qua trước khi phê duyệt. Sau khi kế hoạch năm được duyệt, Thành phố tiến hành giao kế hoạch cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện; tiến trình giao kế hoạch đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách (trong tháng 12 của năm trước năm kế hoạch).

Định kỳ hàng tháng, Thành phố tổng hợp tình hình triển khai và đánh giá triển khai thực hiện kế hoạch, đôn đốc kịp thời công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai thực hiện của các dự án nằm trong danh mục kế hoạch. Định kỳ hàng quý, Thành phố tổng hợp tình hình triển khai và đánh giá thực hiện kế hoạch và báo cáo Thành uỷ, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố. Đối với các công trình trọng điểm, Thành phố triển khai kiểm tra, đôn đốc hàng tuần để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ triển khai.

b. Quản lý vốn đầu tư:

          Về thẩm định và quyết định đầu tư, từ năm 2002 Thành phố đã có Quyết định số 116/2002/QĐ-UB về phân cấp và uỷ quyền phê duyệt quyết định đầu tư, trong đó: phân cấp cho Chủ tịch UBND quận, huyện được phê duyêt đầu tư các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách do quận, huyện quản lý có tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ đồng; uỷ quyền cho một số Sở phê duyệt quyết định đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt các dự án nhóm C; Sở Giao thông Công chính, Sở Công nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng phê duyệt các dự án thuộc lĩnh vực quản lý có tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ đồng,...). Hiện nay, Thành phố đang tiến hành phân cấp quản lý kinh tế - xã hội và phân cấp quản lý ngân sách, trong đó sẽ tiến hành phân cấp cho Chủ tịch UBND các quận, huyện quyết định phê duyệt các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực được phân cấp và thuộc nguồn vốn của các quận, huyện đến nhóm C (thực hiện Nghị định 92/2005/NĐ-CP ngày 12/7/2005 của Chính phủ về thực hiện Pháp lệnh Thủ đô).

          Về cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng: Thành phố đã ban hành Quyết định số 100/2002/QĐ-UB về việc thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, trong đó quy định rõ thời hạn giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng của các đơn vị có liên quan. Từ đầu năm 2004, các Sở, ngành đã thành lập bộ phận một cửa tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Hiện nay, Thành phố đang tập trung chỉ đạo xây dựng quy trình quản lý và giải quyết thủ tục hành chính theo ISO và tập trung chuẩn hoá các quy trình và thủ tục hành chính có liên quan.

          Về công tác giám sát và đánh giá đầu tư: Hàng năm, Thành phố chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát và đánh giá đầu tư theo lĩnh vực và các dự án đầu tư. Thành phố cũng thường xuyên chỉ đạo các chủ đầu tư triển khai giám sát, đánh giá đầu tư các dự án được giao theo quy định. Công tác giám sát cộng đồng đối với việc triển khai các dự án đầu tư cũng được các cấp quận, huyện, xã, phường nghiêm túc triển khai thực hiện.

          Về quản lý chất lượng xây dựng công trình: Công tác quản lý chất lượng công trình luôn luôn được Thành phố đặc biệt coi trọng. Thành phố tăng cường chỉ đạo các chủ đầu tư trong việc quản lý chất lượng công trình; giao các ngành chuyên môn (Sở Xây dựng, Sở Giao thông Công chính) thường xuyên kiểm tra, giám sát đánh giá chất lượng công trình và sự tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình của các chủ đầu tư trên địa bàn.

          Về công tác kiểm toán: Thời gian gần đây, Thành phố đã chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện kiểm toán độc lập đối với các công trình hoàn thành trước khi tiến hành quyết toán công trình hoàn thành. Đối với một số dự án lớn, trọng điểm như Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy, Dự án xây dựng tuyến đường 5 kéo dài Thành phố đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép kiểm toán nhà nước tiến hành kiểm toán dự án ngay từ khi bắt đầu triển khai đầu tư.

          Về công tác thanh tra quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách: Tăng cường công tác thanh tra sử dụng các nguồn vốn ngân sách, Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành, quận, huyện tiến hành tự thanh tra các dự án trong phạm vi quản lý được giao; chỉ đạo Sở Tài chính tăng cường thanh tra việc thực hiện dự toán ngân sách của các cấp; chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thanh tra công tác bố trí kế hoạch vốn của nguồn vốn phân cấp đầu tư cho các quận, huyện. Thành phố đã chỉ đạo Thanh tra Thành phố lập kế hoạch và tiến hành thanh tra các dự án hạ tầng có sử dụng nguồn vốn ngân sách lớn.

          Nhìn chung, việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách cho các công trình hạ tầng cơ sở của Thành phố được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo tiết kiệm và chống lãng phí.

4. Đánh giá chung về hiệu quả đầu tư hạ tầng cơ sở Thành phố Hà Nội.

          Trong những năm qua, hạ tầng cơ sở của Thủ đô Hà Nội đã được đầu tư phát triển và đạt được một số kết quả góp phần tích cực trong việc đáp ứng các nhu cầu phát triển của nền kinh tế và phục vụ nhu cầu của người dân. Nhiều công trình hạ tầng quan trọng đã được hoàn thành như cải tạo nâng cấp các tuyến đường quốc lộ hướng tâm, quốc lộ 32 (đoạn Cầu Giấy - Cầu Diễn), tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; đường vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - Trung Hoà), tuyến đường Lê Văn Lương, đường Văn Cao,... Nhiều công trình  giao thông quan trọng đang được đầu tư xây dựng như cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đường Láng - Hoà Lạc, tuyến đường 5 kéo dài, tuyến đường La Thành - Thái Hà - Láng; Hạ tầng kỹ thuật của nhiều khu đô thị mới được đầu tư: Linh Đàm, Đại Kim - Định Công, Đông Nam Trần Duy Hưng, Khu thể thao Mỹ Đình,... Hệ thống vận tải hành khách công công bằng xe buýt bước đầu đã phát triển và từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

          Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng cơ sở của Thành phố vẫn được đánh giá là còn yếu kém và còn nhiều bất cập chưa theo kịp nhu cầu của nền kinh tế và chưa tương xứng với tầm vóc và vị thế của Thủ đô. Mạng lưới đường bộ của Thành phố chỉ có khoảng 1.000km, trong đó đường đô thị khoảng 350km, mật độ đường thấp, thường xẩy ra ùn tắc giao thông; các tuyến vành đai chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Quỹ đất dành cho giao thông chỉ chiếm khoảng 7% (trong khi đó ở các đô thị hiện đại là 20-25%). Hệ thống bãi và điểm đỗ xe thiếu trong khi số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh, đặc biệt là ô tô và xe máy. Giao thông công cộng chủ yếu bằng xe buýt đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu đi lại của người dân, chưa có hệ thống đường sắt đô thị. Đến hết năm 2005, tổng công suất cấp nước mới đạt 530.000m3/ngđ, còn thiếu so với nhu cầu khoảng 220.000m3/ngđ; hệ thống cấp nước đảm bảo cung cấp nước sạch cho khoảng 90% dân số đô thị với tiêu chuẩn cấp nước chỉ đạt 110-120 lít/người/ngày, một số khu vực còn gặp khó khăn hoặc chưa được cung cấp nước sạch. Công viên, khu vui chơi giải trí thiếu và chậm được đầu tư; chưa có những trung tâm vui chơi giải trí lớn. Hiện nay, hệ thống xử lý nước thải của Thành phố mới có hai trạm thí điểm tại Kim Liên và Trúc Bạch, chưa có các khu xử lý nước thải tập trung nên hầu hết nước thải sinh hoạt, công nghiệp, và bệnh viện chưa được xử lý triệt để trước khi thải xuống các kênh, mương thoát nước nên gây ra ô nhiễm nghiêm trọng. Thu gom rác thải và chất thải đạt khoảng 95% trong khu vực các quận nội thành và 70% tại các huyện ngoại thành; Khoảng 96% lượng rác thải thu gom được xử lý bằng công nghệ chôn lấp. Nhiều khu vực và tuyến phố còn bị úng ngập khi mưa to.

          Hệ số vốn đầu tư (ICOR) giai đoạn 2001-2005 đạt 3,85 hiệu quả hơn giai đoạn 1996-2000 là 4,05.

 

II. Một số vấn đề ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, nguyên nhân và các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư hạ tầng cơ sở Thành phố Hà Nội.

1. Một số vấn đề ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và nguyên nhân:

- Phần lớn các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở của Thành phố thường bị chậm tiến độ, nhất là các dự án có liên quan đến đền bù, GPMB.

          Việc chậm tiến độ của các dự án làm cho công trình chậm được đưa vào khai thác, ảnh hưởng đến phát huy hiệu quả đầu tư của công trình. Chậm tiến độ do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Thứ nhất, do các quy định về quản lý đầu tư xây dựng chưa đồng bộ (Luật xây dựng và Nghị định 16/2005/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn có liên quan quy định về các hoạt động xây dựng; trong khi quy định về quản lý đầu tư vẫn theo quy định tại Nghị định 52/1999/NĐ-CP, 12/2000/NĐ-CP và 07/2003/NĐ-CP). Thứ hai, giá cả vật tư, vật liệu thanh đổi nhiều (giá thép xây dựng, xăng dầu,...) trong khi cơ chế quản lý giá và thanh toán chậm được thay đổi làm cho các chủ đầu tư thường chờ đợi sau khi có văn bản hướng dẫn hoặc thông báo giá mới tiến hành đấu thầu. Thứ ba, do nhu cầu đầu tư quá lớn (đầu tư phát triển và đầu tư giải quyết nhu cầu dân sinh bức xúc) trong khi khả năng cân đối ngân sách còn hạn chế; việc bố trí cân đối vốn nhiều khi còn dàn trải không tập trung. Thứ tư, công tác đền bù, GPMB của các dự án gặp nhiều khó khăn (khối lượng GPMB thường lớn, kinh phí cao, khiếu kiện nhiều), đây thường là nguyên nhân chính trong việc làm chậm tiến độ triển khai của các dự án. Thứ năm, do chất lượng hồ sơ của các đơn vị tư vấn thấp, dẫn đến phải rà soát, bổ sung nhiều lần. Thứ sáu, do thủ tục đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách phức tạp, khi chuẩn bị và triển khai dự án phải thông qua thoả thuận, xin ý kiến của nhiều cơ quan có liên quan khác nhau; đồng thời sự phối hợp giữa các đơn vị có liên quan không đồng bộ và thiếu chặt chẽ; Thứ bảy,  do tinh thần trách nhiệm và năng lực làm việc của các cán bộ có liên quan chưa được nâng cao, nhất là tính chủ động và tinh thần trách nhiệm của các chủ đầu tư thấp.

          - Thất thoát và lãng phí trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở:  Đây là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm nhiều. Thất thoát và lãng phí có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư. Xác định đây là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, trong những năm qua, Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo và giám sát chặt chẽ không để xẩy ra tình trạng thất thoát và lãng phí trong đầu tư xây dựng.

2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư các công trình hạ tầng cơ sở.

a. Hoàn thiện, đồng bộ các quy định về quản lý đầu tư xây dựng các công trình bằng nguồn vốn ngân sách:

          Thành phố Hà Nội hiện đang hoàn chỉnh để ban hành Quy định về quản lý các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách và có nguồn gốc ngân sách trên địa bàn Thành phố Hà Nội, trong đó xác định rõ quy trình thực hiện, trách nhiệm của các đơn vị có liên quan và thời hạn giải quyết các thủ tục có liên quan.

          Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành rà soát, hoàn thiện đồng bộ các văn bản quy định của Nhà nước về quản lý các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; sớm ban hành các văn bản hướng dẫn các luật (Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư), các nghị định có liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng, quản lý đấu thầu.

          Đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực đầu tư, quản lý các công trình hạ tầng cơ sở. Thành phố đã ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, quản lý khai thác một số lĩnh vực hạ tầng cơ sở như vận tải công cộng, bến bãi đỗ xe,... đang tiếp tục hoàn thiện ban hành một số cơ chế chính sách khác trong lĩnh vực cấp nước, khu vui chơi giải trí...

b. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng:

          Thành phố đang chỉ đạo các Sở, ngành và các đơn vị có liên quan rà soát, chuẩn hoá quy trình giải quyết thủ tục hành chính nói chung và các thủ tục hành chính có liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng theo hướng gọn, nhẹ, loại bỏ những quy định tự đặt ra không phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố. Thành phố đang triển khai việc phân cấp quản lý kinh tế - xã hội và phân cấp quản lý ngân sách sau khi đã được Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua; tiếp tục tăng cường phân cấp, uỷ quyền trong quyết định đầu tư và giám sát, đánh giá đầu tư.

c. Củng cố bộ máy quản lý dự án và tăng cường năng lực quản lý thực hiện của các Ban quản lý dự án.

          Sau khi Luật Xây dựng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2004 và Nghị định số 16/2005/NĐ-CP của Chính phủ, Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo rà soát năng lực quản lý dự án của các ban quản lý dự án và các chủ đầu tư được giao. Hiện nay, Thành phố đang tiếp tục hoàn thiện mô hình quản lý dự án; đồng thời Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành và UBND quận, huyện tăng cường củng cố, hoàn thiện bộ máy quản lý đầu tư xây dựng.

d. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát, đánh giá đầu tư trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.

          Đi đôi với việc tăng cường phân cấp, uỷ quyền trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách, Thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện tăng cường công tác tự thanh tra, kiểm tra việc triển khai và quản lý sử dụng nguồn vốn ngân sách cho các dự án thuộc phạm vi quản lý; đồng thời chỉ đạo Thanh tra Thành phố lập kế hoạch và triển khai công tác thanh tra đối với các dự án có sử dụng nguồn vốn ngân sách lớn; giao nhiệm vụ cho các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tiến hành kiểm tra việc phân bổ dự toán, bố trí kế hoạch đối với các nguồn vốn ngân sách phân cấp cho các quận, huyện.

          Tiếp tục tăng cường công tác lập và triển khai kế hoạch giám sát đánh giá cấp Thành phố; tăng cường phân cấp và giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành trong việc triển khai giám sát, đánh giá các dự án đầu tư. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác báo cáo và chất lượng báo cáo của các chủ đầu tư.

e. Rà soát, hoàn chỉnh các quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch chuyên ngành.

          Thành phố đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện, đồng bộ các quy hoạch có liên quan, triển khai lập quy hoạch kinh tế - xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành hiện có và lập quy hoạch đến năm 2020.

          Thành phố đề nghị Chính phủ chỉ đạo hoàn chỉnh sớm quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và quy hoạch vùng Thủ đô để Thành phố sớm hoàn chỉnh các quy hoạch của Thành phố có liên quan; đề nghị chỉ đạo Bộ GTVT sớm hoàn thiện và trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thành phố đến năm 2020.

g. Nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch đầu tư.

          Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành, quận, huyện rà soát toàn bộ danh mục dự án được giao; tập trung triển khai dứt điểm các dự án kéo dài; kiên quyết loại bỏ các dự án không phù hợp với quy hoạch, các dự án có hiệu quả đầu tư không cao, các dự án chưa thực sự cấp bách để ưu tiên, tập trung bố trí vốn và triển khai các dự án trọng điểm, các dự án quan trọng và cấp thiết phù hợp với khả năng cân đối ngân sách và các điều kiện về GPMB và tái định cư./.

 

Đóng góp ý kiến về bài viết này 

Mới hơn bài này
Các bài đã đăng
Tiêu điểm
Biến đổi khí hậu và An ninh nguồn nước ở Việt Nam.[08/07/21]
Đại hội lần thứ IV, sự kiện lớn của Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.[27/04/19]
Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam phấn đấu vì sự nghiệp phát triển thủy lợi của đất nước.[18/04/19]
Danh sách Hội viên tập thể đã đóng niên liễm 2018.[11/01/19]
Chùm ảnh Đại hội lần thứ 2 Hội Đập lớn Việt Nam.[13/08/09]
Nhìn lại 5 năm hoạt động của VNCOLD trong nhiệm kỳ đầu tiên.[10/08/09]
Thông báo về Hội nghị Đập lớn Thế giới.[17/07/09]
Thư chào mừng của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải
VNCOLD đã thành công tại cuộc họp Chấp hành ICOLD Sofia (Bulgaria), 6/6/2008
Phó Thủ tướng khai mạc Hội thảo “ASIA 2008.
Tạo miễn phí và cách sử dụng hộp thư @vncold.vn
Website nào về Thủy lợi ở VN được nhiều người đọc nhất?
Giới thiệu tóm tắt về Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.
Download miễn phí toàn văn các Tiêu chuẩn qui phạm.
Đập tràn ngưỡng răng cưa kiểu “phím piano".
Đập Cửa Đạt
Lời chào mừng
Qu?ng c�o